Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, EU là thị trường nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại nông, lâm, thủy sản song phương năm 2021 đạt 5,2 tỷ USD, tăng trên 14% so với năm 2020. Trong đó xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang EU tăng 13.6%; nhập khẩu từ EU sang Việt Nam tăng 16,6%.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất trong quan hệ đối tác thương mại nông lâm thủy sản với EU là phải gỡ cho được “thẻ vàng” từ EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam xác định chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trong tâm của ngành, không chỉ vì tính cấp thiết trong xuất khẩu mặt hàng thủy sản mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, nhất là thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC. Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.
Theo ông Lê Minh Hoan, từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị tác động rõ rệt và liên tục giảm sút qua các năm. Thị trường EU từ vị trí thứ 2 trong top thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5. Chi phí xuất khẩu tăng cao, thời gian thông quan kéo dài, 100% lô hàng hải sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU đều bị giữ lại để kiểm tra gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam.
Việt Nam đã xây dựng và đang thực hiện Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Đề án này đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bao gồm: Thông tin truyền thông, tuyên truyền ngư dân phải thực hiện đánh bắt tuân thủ pháp luật; Hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách; Đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá; Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng kiểm ngư; Quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU; Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản; Thực hiện các nghĩa vụ điều ước quốc tế và hợp tác quốc tế.
Việt Nam cũng đã hoàn thiện và ban hành khung pháp lý mới gồm: Luật Thủy sản, các nghị định, thông tư… tương thích với luật pháp quốc tế và những khuyến cáo của EC.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EC tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khắc phục và ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các khuyến nghị, cũng như sớm gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam; đồng thời chia sẻ những khó khăn, sự khác biệt của Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, năng lực quản lý nghề cá, có tính tới yếu tố đặc thù về sự phức tạp tại Biển Đông, sinh kế của ngư dân và nghề cá nhiệt đới.
"Tới đây, EC sẽ có đoàn công tác đến thực địa tại các địa phương Việt Nam thời gian tới để đánh giá về việc những kết quả, tiến bộ Việt Nam đã đạt được để sớm xử lý vấn đề thẻ vàng thủy sản".
Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC).
Đồng cảm với những khó khăn của Việt Nam, ông Frans Timmermans chia sẻ: "Dù là ngư dân Việt Nam, hay Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật,… Họ không chịu được sự quản lý. Họ nghĩ rằng chỉ cần ra khỏi cảng là có một vùng biển rộng mở tự do, nơi họ làm bất cứ điều họ muốn. Đó là điểm chung mà tất cả ngư dân trên thế giới đều sở hữu. Nhưng tôi mong rằng chúng ta có thể từng bước thuyết phục họ, rằng nếu họ không chấp thuận sự quản lý và không trân trọng khu bảo tồn biển, họ đang tự hủy diệt sinh kế dài lâu của mình".
Ông Frans Timmermans đánh giá, Việt Nam đã đưa ra các biện pháp về luật pháp rất nghiêm ngặt để đạt được những kết quả trong các khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn những vấn đề về kỹ thuật cần được giải thích, làm rõ hơn để Việt Nam có thể sớm gỡ được thẻ vàng.
Dối tác quan trọng hàng đầu về thương mại nông sản
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và hợp tác phát triển. Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong quá trình xây dựng chiến lược, Việt Nam đã tham khảo một số chính sách tiên phong của EU như: thỏa thuận xanh; chiến lược chuỗi thực phẩm an toàn sức khỏe và thân thiện môi trường; kinh tế tuần hoàn; đa dạng sinh học...
Hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26, cùng với việc thực hiện chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định ngành nông nghiệp; xây dựng kế hoạch triển khai Tuyên bố Glassgow về "Rừng và sử dụng đất". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030.
Với các kế hoạch trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn EU hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam về nguồn tài chính và kỹ thuật để triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp như: tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng và trữ lượng các-bon rừng; quản lý rừng bền vững; phục hồi rừng... hay việc hỗ trợ đầu tư nông nghiệp xanh trên toàn chuỗi giá trị nông sản; mở rộng thực hành nông nghiệp thông minh ở các vùng sinh thái khác nhau.
Để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, đề nghị EC tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam có mặt tại thị trường EU. Đồng thời, đề nghị EC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để vận hành tốt hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, sớm có các lô gỗ được cấp phép theo FLEGT, thực thi lâm nghiệp quản trị rừng và thương mại lâm sản vào EU.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans, Việt Nam và EU có nhiều nội dung và lĩnh vực để mở rộng phạm vi hợp tác đôi bên, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đó giúp quan hệ song phương thêm gắn kết.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần chung tay để tìm ra con đường cung cấp lương thực cho hơn 8 tỷ người trong tương lai. Chúng ta cần tạo ra một nền nông nghiệp bền vững. Chúng ta cần xác định những việc cần làm để thực hiện Cam kết Metan Toàn cầu đầy thử thách, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, không gây tổn hại đa dạng sinh học, hạn chế phát thải khí carbon, mang lại giá trị cho môi trường cũng như người nông dân”, ông Frans nói.
Ông Frans đồng ý cho rằng Hiệp định thương mại tự do là một bước thành công lớn cho mối quan hệ giao thương giữa hai nước. Vì vậy, cần tối ưu hóa những điều kiện để vượt qua các vấn đề đã đề cập. Các yêu cầu về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) đã được triển khai toàn bộ và tạo đà phát triển tốt.
Ông Frans Timmermans cũng đề nghị Việt Nam sớm cấp phép những hồ sơ đăng ký các mặt hàng xuất khẩu nông sản như trái cây, sản phẩm động vật từ EU sang Việt Nam; sớm đưa ra danh mục các chỉ dẫn địa lý mà Việt Nam công nhận với các mặt hàng nông sản của phía EU.
"EU sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để có thể sớm giải quyết các vấn đề Việt Nam đang gặp phải để hàng hóa Việt Nam sang EU có thể tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của EU," ông Frans Timmermans khẳng định.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam