Thị trường thủy sản đầu năm 2023 - bức tranh nhiều gam màu tối
Là ngành trụ cột của khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản, từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu thủy sản liên tục ghi nhận sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, ngay từ tháng Một đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 600 triệu USD, chỉ bằng 69,1% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,78 tỷ USD, bằng 71,0% so với quý I/2022. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 9/2023 dù trị giá xuất khẩu tăng so với các tháng đầu năm nhưng vẫn ghi nhận đây là tháng thứ 10 liên tiếp trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước (tăng gần 9% so với tháng 8/2023, giảm 0,8% so với tháng 9/2022). Lũy kế từ đầu năm đến đến hết tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay và diễn ra ở một số thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9/10 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đều ghi nhận tỷ lệ giảm 2 con số (riêng Anh đứng vị trí thứ 6, giảm 5,8%). Đặc biệt, kể từ tháng 9/2022 đến tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất giảm liên tục do lạm phát kéo dài và đồng USD mất giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,02 tỷ USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm 2022. Vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nên mức sụt giảm 37,2% có tác động rất lớn đến tổng trị giá xuất khẩu của ngành.
Nhật Bản, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam cũng giảm sút. Trong tháng Tám, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 135,1 triệu USD, mức giảm cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu đạt 973,9 triệu USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,64 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023
Còn với thị trường lớn thứ 3 là Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản tháng 8/2023 giảm trở lại sau khi tăng trong tháng 7/2023, đạt 124,75 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 874,3 triệu USD, giảm 17,7%.
Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu thủy sản trong top 10 của Việt Nam cũng có tình trạng mức độ sụt giảm rất lớn, như: Canada giảm 54,1%, Hà Lan giảm 41,2%, Đức giảm 31,3%, Hàn Quốc giảm 22,8%, Thái Lan giảm 22,4%... Ngoài 10 thị trường lớn nhất, trong 8 tháng năm 2023 các thị trường xuất khẩu thủy sản khác giảm 18,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh khó khăn do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn gặp khó khi giá thủy sản trên thế giới giảm kéo giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phải giảm theo. Ngay từ tháng 1/2023, giá trung bình nhập khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ - thị trường lớn của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhiều nước là 8,44 USD/kg, giảm 9,3% so với tháng 1/2022. Trong đó, riêng giá tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm trên 10% xuống còn 8,5 USD/kg; giá cá tra phile đông lạnh giảm 9,2% xuống 3,14 USD/kg; giá cá ngừ NK giảm nhẹ 1,4% xuống 6,66 USD/kg. Tại thời điểm đó, Việt Nam đang là nguồn cung cấp thủy sản lớn thứ 5 của thị trường Hoa Kỳ, chiếm 6,7% về khối lượng và 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 và là nguồn cung cấp tôm lớn thứ 4. Tháng 1/2023, giá nhập khẩu tôm từ tất các nguồn cung lớn cho Hoa Kỳ đều giảm từ 7-16%; trong đó giá trung bình nhập khẩu tôm Việt Nam là 10,44 USD/kg, giảm 9,5%.
Bước sang quý II/2023, giá xuất khẩu trung bình hầu hết các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (trừ giá xuất khẩu cua và ruốc tăng), nhất là với mặt hàng tôm - một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản đã phải chịu sức cạnh tranh lớn về giá, do Ấn Độ và Ecuado nuôi trồng ồ ạt khiến nguồn cung tăng mạnh, làm mất cân bằng cung cầu dẫn đến giá tôm giảm. Dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý II/2023, chỉ số giá xuất khẩu ngành hàng thủy sản giảm 1,03% so với quý I/2023 và giảm 6,8% so với quý II năm 2022. Tính chung trong nửa đầu năm 2023, chỉ số giá xuất khẩu thủy sản giảm 3,27% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới vẫn liên tục nghiên cứu, tìm hiểu mọi cách để cạnh tranh với những sản phẩm thế mạnh mà Việt Nam đang chiếm thị phần cao. Do đó, ngoài việc phải đối phó với tình hình biến động về giá cả, chi phí, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn gặp thách thức trong việc bảo toàn thị phần, đối tác song song với việc phát triển, mở rộng thị trường.
Xuất hiện những tín hiệu đáng mừng
Mặc dù, trải qua gần 1 năm ảm đạm, nhưng những tháng cuối năm 2023, thủy sản Việt Nam xuất hiện một số tín hiệu đáng mừng, hy vọng đem lại triển vọng tươi sáng hơn cho xuất khẩu ngành hàng này.
Theo dõi dãy số liệu xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến hết tháng Tám cho thấy, dù liên tục giảm và không đạt cùng kỳ năm 2022 nhưng đà giảm đã chậm lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 457,2 triệu USD, giảm 47,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3/2023, đà giảm chậm lại khi trị giá xuất khẩu đạt 766,4 triệu USD, chỉ giảm 24,4%; đặc biệt từ các tháng 6, 7, 8, trị giá xuất khẩu thủy sản so với cùng kỳ năm trước giảm lần lượt 23,65%, 17,3%, 13%. Nhờ mức độ sụt giảm ở các tháng giảm dần, nhất là trong tháng Tám mà 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu thủy sản chỉ giảm 24%, thấp hơn so với mức giảm 27,3% của 3 tháng đầu năm và mức giảm 25,6% của 7 tháng đầu năm 2023. Trong phần số liệu của Tổng cục Thống kê vào cuối tháng Chín kể trên, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã về gần mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2022 (99,2%).
Tín hiệu mừng của xuất khẩu thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh của ngành như: Cá ngừ, tôm, cá tra. Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm chậm lại một phần nhờ xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022, bù đắp cho mức giảm xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn khác. Tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 165,25 triệu USD, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản phẩm cá ngừ đóng hộp về cuối năm lại có xu hướng tăng, nhờ đó đã bù đắp được lượng sụt giảm trong những tháng trước đó. Bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang EU cũng tăng trở lại tăng. Hiện, Đức và Hà Lan đang là 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong khối, với mức tăng trưởng nhập khẩu cao lần lượt là 45% và 170%. Đặc biệt, kể từ đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang Italy cũng đang tạo dấu ấn với mức tăng 421%; xuất sang Israel cũng tăng mạnh gần 200% so với cùng kỳ với triển vọng từ Hiệp định thương mại Việt Nam - Isarel (VIFTA). Ngoài các thị trường truyền thống, sản phẩm trên còn tăng trưởng ở một số thị trường mới như: Hàn Quốc, Chile trong 7 tháng đầu năm tăng mạnh, lần lượt gấp 5 lần và 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, ghi nhận từ Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), lần đầu tiên sau 13 tháng, khối lượng nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022 với 69,5 nghìn tấn tôm trong tháng 7/2023, tăng 3% so với tháng 7/2022. Đây là một trong những mặt hàng thế mạnh của thủy sản Việt Nam với giá trị gia tăng cao. Hiệp Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi ghi nhận mốc tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên vào tháng Bảy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng 11% trong tháng Tám, đạt 76 triệu USD. Còn tại thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông tháng 8/2023 đạt 56 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ.
Sản phầm cá tra tuy không mấy lạc quan với thị trường Hoa Kỳ nhưng khi mùa lễ hội đến, lượng tồn kho giảm dần, cùng với kết quả tích cực sau đợt thanh tra của Văn phòng Đăng ký liên bang Hoa Kỳ (FSIS) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam sẽ tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm. Thêm vào đó, trong tháng Tám năm 2023, xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ hơn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như: Saudi Arabia tăng 79%, Brazil tăng 53%, Colombia tăng 14%, Ai Cập tăng 14% và một số thị trường nội khối CPTPP như: Brunei tăng 12%, New Zealand tăng 16%. Trong 8 tháng năm 2023, ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số trong khối thị trường EU ở các nước: Thụy Điển tăng 28%, Đức tăng 19%, Đan Mạch tăng 18%. Một số thị trường ghi nhận tăng trưởng dương 3-4 con số như Estonia tăng 138%, Phần Lan tăng gấp hơn 11 lần.
Trong khi đó, nguồn cung thủy sản Việt Nam từ nuôi trồng và khai thác vẫn luôn dồi dào, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu tăng cao dịp cuối năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 9 tháng năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 6.796,7 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 4.859 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 957,4 nghìn tấn, tăng 4,2%; thủy sản khác đạt 980,4 nghìn tấn, tăng 1,6%. Riêng trong Quý III/2023, sản lượng thủy sản ước đạt 2.520,2 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.759,8 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 419,3 nghìn tấn, tăng 5,1%; thủy sản khác đạt 341,2 nghìn tấn, tăng 2,5%. Từ tháng 7/2023, giá tôm thẻ đã bắt đầu tăng nhẹ, cá tra Việt Nam hiện đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ là những tín hiệu tốt cho người nuôi đầu tư vào vùng nuôi; thị trường Trung Quốc cũng đang có tín hiệu tích cực cho người nuôi cá tra và các thị trường lớn khác.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường và nguồn cung trong nước, triển vọng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam còn đến từ sự biến động của các đầu mối cung - cầu trên thế giới. Hiện, Indonesia - một trong những đầu mối cung cấp thủy sản lớn, đứng đầu về cung cấp cá ngừ, đứng thứ 3 về cung cấp tôm và dẫn đầu về cung cấp ghẹ xanh cho Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách yêu cầu tất cả doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến tài nguyên thiên nhiên có giá trị trên 250 nghìn USD phải ký quỹ 30% trị giá lô hàng tại ngân hàng của nước này trong thời gian lên tới 3 tháng. Trước yêu cầu này, Hiệp hội nhập khẩu cua ghẹ, thuộc Cơ quan nghề cá Hoa Kỳ cho biết, có thể Hoa Kỳ sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu quy định ký quỹ 30% kéo dài. Thêm vào đó, sau vụ việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, có khả năng người tiêu dùng Nhật Bản sẽ thận trọng với tiêu thụ thủy sản nội địa và tìm đến thủy sản nhập khẩu nhiều hơn. Việc các đầu mối lớn gia tăng sản lượng nhập khẩu sẽ đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là nhu cầu sản phẩm giá trị gia tăng mà Việt Nam đang có thế mạnh. Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ, cùng với Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững, kỳ vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa 2 nước sẽ lên tầm cao mới, trong đó thương mại thủy sản của Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ có các bước đột phá mạnh và bền vững hơn.
Để tận dụng thời cơ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần tập trung thêm vào khâu quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh của ngành; tăng cường tính hiệu quả, chuỗi giá trị ngay từ cấp vùng nuôi. Việt Nam cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm - khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu ÂU, đảm bảo nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững./.
Theo Tạp chí Con số và sự kiện