Chế biến cá tra tại doanh nghiệp IDI, Tập đoàn Sao Mai.
Từ thời điểm đầu năm 2022, khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và "bóng ma" lạm phát toàn cầu đang đe dọa nhiều ngành nghề kinh tế, đây lại là cơ hội tốt để giúp cho cá tra, loài cá thịt trắng có giá vừa phải và cũng là một trong những thế mạnh của thủy sản Việt Nam tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Theo thống kê, phần lớn các thị trường đều tăng nhập khẩu từ 40% đến 200% cá tra của Việt Nam so với trước.
Hơn 400 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra
Hiện hai thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc và Mỹ với tỷ lệ lần lượt là 30% và 23%. Tại Mỹ, trong khi nhập khẩu các loài cá thịt trắng như cá tuyết, cá hake, cá minh thái hoặc giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, thì nhập khẩu cá tra tăng mạnh và chiếm vị trí hàng đầu. Giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh vào thị trường Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với mức giá trung bình nhập khẩu 2,77 USD/kg trong cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, đến cuối tháng 10, tổng kim ngạch cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 647 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh sang thị trường Trung Quốc đạt 2,45 USD/kg, cao hơn 64% so với mức giá cùng thời điểm năm trước.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một số thị trường châu Á để tận dụng lợi thế thuế quan và yếu tố địa lý. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Canada tăng đột phá nhất, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 40 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra. Có 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này là cá phile/cắt khúc đông lạnh, sản phẩm cá nguyên con đông lạnh chỉ chiếm hơn 6%, còn lại là cá tra chế biến. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng ba con số với tỷ lệ tăng từ 108 đến 166% so với cùng kỳ.
Tính đến nay, Việt Nam có hơn 400 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, với 10 doanh nghiệp lớn nhất là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thủy sản Biển Ðông, Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển đa quốc gia, Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Ðức Tiền Giang, Công ty TNHH Ðại Thành, Công ty cổ phần Gò Ðàng, Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, Công ty cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II, Công ty cổ phần Thủy Sản Ntsf. Hầu hết các doanh nghiệp cá tra đều có doanh số tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu cao hơn. Với kết quả đạt được tới tháng 10, dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021.
Hướng tới kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD
Ðánh giá về tốc độ tăng trưởng lớn của xuất khẩu cá tra từ đầu năm 2022 đến nay, các chuyên gia và bản thân các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu cá tra đều chỉ ra những nguyên nhân cơ bản sau. Trước hết, theo nhận định của bà Nguyễn Ngô Vi Tâm-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19 khiến hoạt động chế biến cá tra bị gián đoạn, trong khi Việt Nam lại là nước xuất khẩu cá tra nhiều nhất thế giới. Ðiều này khiến các nhà nhập khẩu bị thiếu hụt lượng hàng hóa dự trữ. Vì vậy năm 2022, nhu cầu nhập khẩu cá tra ở hầu hết thị trường đều tăng, tạo nên đà tăng xuất khẩu sớm hơn mọi năm.
Mặt khác, chi phí cá tra nguyên liệu, vận chuyển đang ở mức cao nhưng so với các loại thủy sản khác, mức tăng giá của sản phẩm cá tra là không đáng kể. Trong bối cảnh lạm phát kỷ lục, giá cả các mặt hàng thực phẩm đều tăng cao, cá tra với lợi thế giá cả phải chăng trở thành sự lựa chọn phù hợp cho nhiều người tiêu dùng. Với vị thế gần như độc quyền trong xuất khẩu cá tra, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng chủ động chia sẻ một phần chi phí vận chuyển với đối tác, nhà nhập khẩu để duy trì mức giá hợp lý, tận dụng tốt nhu cầu thị trường để duy trì đà tăng trưởng lâu dài.
Ngay cả với một thị trường lớn như Trung Quốc, ngành cá tra Việt Nam đã có những thuận lợi rất đáng kể. Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho các ngành sản xuất của nước này đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành thủy sản. Khai thác và nuôi trồng thủy sản bị giảm sản lượng một phần vì các quy định kiểm soát Covid-19 của nước này. Do vậy, Trung Quốc càng phải gia tăng nhập khẩu từ các nước để bù đắp thiếu hụt sản lượng cho tiêu thụ nội địa và cho cả lĩnh vực chế biến xuất khẩu. Và Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường trụ cột và tiềm năng cho sản phẩm cá tra Việt Nam trong năm nay và năm tới.
Ðến thời điểm này, xuất khẩu cá tra đã đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD. Ðể đạt được mục tiêu về đích xuất khẩu cả năm 2022 đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021 chúng ta cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài, tận dụng triệt để những lợi thế đã phân tích nêu trên. Nói như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến thì cũng như các ngành hàng khác, chuỗi giá trị cá tra Việt Nam cần tận dụng nguyên liệu tại chỗ, sản xuất đi theo hướng kinh tế tuần hoàn, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường. Theo đó, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, đồng thời xoay trục sản phẩm xuất khẩu, sụt giảm đơn hàng mảng này nhưng sẽ tăng đơn hàng mảng khác. Ðặc biệt, cần tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu, quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh chế biến sâu, chủ động vùng nguyên liệu, thị trường để đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đặt ra... ■
Theo nhandan.vn