Đây được xem là câu hỏi định hướng cho quá trình xây dựng đề án chiến lược trình Bộ Chính trị, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Ông khẳng định: “Chúng ta đều có mong muốn đất nước phát triển mạnh mẽ, và có lẽ cách duy nhất để làm được điều này là tập hợp sự đóng góp của tất cả mọi người – từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan, ban ngành đến từng doanh nghiệp, người dân”.
Mục tiêu tăng trưởng hai con số không chỉ là chỉ tiêu kinh tế, mà còn gắn với tầm nhìn dài hạn về hai mốc 100 năm (2030 và 2045), nhằm xây dựng quốc gia phát triển bền vững, ổn định, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Thông điệp mà ông Trần Lưu Quang gửi gắm tại diễn đàn là: Muốn bứt phá tăng trưởng, trước hết phải có sự đồng thuận và đóng góp trí tuệ của toàn xã hội. Ảnh: Vneconomy
Điểm mới trong cách tiếp cận lần này là “tiếp cận ngược” – thay vì chỉ hoạch định từ trên xuống, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương sẽ lắng nghe ý kiến từ các thành phần kinh tế, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; chắt lọc những sáng kiến hay để thể chế hóa, chính trị hóa và chủ trương hóa thành chính sách cụ thể.
Ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã có những chuyển mình mạnh mẽ, mang tính cách mạng – từ đổi mới tư duy, thu gọn bộ máy đến ban hành các nghị quyết chiến lược, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới. Nhưng áp lực hiện nay là biến những định hướng, khẩu hiệu thành hành động cụ thể, hiệu quả và thành “của cải, một ngày mai tươi sáng”.
Thông điệp cốt lõi mà ông gửi gắm tại diễn đàn là: muốn bứt phá tăng trưởng, trước hết phải có sự đồng thuận và đóng góp trí tuệ của toàn xã hội.
Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để bứt phá khỏi bẫy thu nhập trung bình
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng Việt Nam đang sở hữu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá phát triển. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam có thể vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình và tiến tới mục tiêu quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Thứ nhất, “thiên thời” đang đến với Việt Nam. Các xu hướng toàn cầu như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang tạo ra những cơ hội “đi tắt, đón đầu” cho các quốc gia đi sau. Cùng với đó, hệ thống các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP… đang phát huy hiệu quả, mở ra cánh cửa rộng cho xuất khẩu và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về kinh tế - xã hội và nâng cao đáng kể vị thế quốc tế.
Thứ hai, “địa lợi” là lợi thế chiến lược của Việt Nam trong dòng chảy dịch chuyển đầu tư và sản xuất toàn cầu. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối), và hệ thống hạ tầng – từ cảng biển, sân bay đến đường cao tốc – đang ngày càng hoàn thiện.
Thứ ba, “nhân hòa” chính là lực đẩy nội tại quan trọng nhất. Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng kéo dài ít nhất đến năm 2039, với lực lượng lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Dự báo tầng lớp trung lưu sẽ tăng từ 22% dân số vào năm 2025 lên 50% vào năm 2035 và 70% vào năm 2045. Đặc biệt, sự quyết tâm cải cách từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và niềm tin xã hội cao vào đổi mới chính là nền tảng để tạo ra bứt phá.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với sáu thách thức lớn, nổi bật là năng lực cạnh tranh còn thấp và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. TS. Cấn Văn Lực cảnh báo: nếu không đảo ngược xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng, Việt Nam khó đạt được các mục tiêu chiến lược.
Ông đưa ra con số cụ thể: muốn trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần tăng trưởng GDP trung bình từ 8–10% trong giai đoạn 2026–2030, và ít nhất 7,5% trong giai đoạn 2031–2045. Đây là mục tiêu rất thách thức, bởi kể từ năm 1990, trong số 142 nền kinh tế thu nhập trung bình trên thế giới, chỉ có 34 quốc gia vươn lên mức thu nhập cao – phần lớn nhờ vào hội nhập châu Âu hoặc khai thác tài nguyên đặc biệt như dầu mỏ.
TS. Cấn Văn Lực kết luận: cơ hội là có thật – nhưng không tự đến. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần cải cách thể chế mạnh mẽ, nâng cao năng suất, đầu tư vào khoa học công nghệ và duy trì sự đồng thuận xã hội. Đó là con đường duy nhất để bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
Cộng đồng doanh nghiệp nêu nhiều vướng mắc
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, nhận định: mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và hướng tới hai con số trong giai đoạn 2026–2030 là rất thách thức, trong bối cảnh nhiều bất ổn trong và ngoài nước. Ông cho rằng, Việt Nam cần làm mới và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng từ cả phía cung và cầu.
Ông Hiệp đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề bất ổn của thị trường bất động sản – coi đây là rào cản lớn cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Giá bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội đã tăng gấp 3–5 lần so với năm 2022, làm sức mua suy giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sự ổn định dài hạn.
Nguyên nhân chính, theo ông, là do giá đất tăng phi mã – có nơi gấp 10 lần so với năm 2023 – chiếm tới 30% giá thành bất động sản đô thị. Ông cảnh báo hiện tượng “giá nhà theo giá đất, giá đất đuổi giá nhà” không có điểm dừng, có thể gây bong bóng thị trường và bất ổn vĩ mô.
Ông Hiệp kêu gọi cần có giải pháp kiểm soát và điều tiết hợp lý giá đất. Nếu giá đất tiếp tục tăng vô kiểm soát, dù ngân sách có thể thu lợi trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây hại cho nền kinh tế trong dài hạn.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% vào năm 2025 và tiến tới trên 10% trong giai đoạn 2026–2030.
Từ góc độ ngành dệt may – một trong những ngành xuất khẩu chủ lực – ông cho biết quy mô xuất khẩu đã đạt hơn 45 tỷ USD, nhưng nếu kỳ vọng tăng trưởng 10%/năm đến năm 2030 thì phải đạt khoảng 80 tỷ USD. Điều này là bất khả thi nếu chỉ phát triển theo chiều rộng.
Do đó, ông kiến nghị chuyển hướng phát triển theo chiều sâu như khuyến khích đầu tư công nghệ, tăng năng suất lao động, và đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi xanh.
Theo ông Trường, phát triển ngành dệt may theo hướng tuần hoàn, thân thiện với môi trường sẽ là chìa khóa để hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, nhận định ngành du lịch có thể trở thành động lực tăng trưởng thực sự trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 đón 35 triệu khách quốc tế, 160 triệu khách nội địa và đóng góp 14–15% GDP, Việt Nam cần có chiến lược đột phá.
So sánh với Thái Lan – quốc gia đã đạt mốc 35 triệu khách quốc tế ngay trong năm 2025 – ông Kỳ cho rằng quy mô tuyệt đối của du lịch Việt Nam còn khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu là năng lực yếu của doanh nghiệp lữ hành trong nước. Hơn 80% doanh nghiệp du lịch là nhỏ và siêu nhỏ, không đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Một rào cản lớn khác là chính sách visa chưa cạnh tranh. Việt Nam miễn visa cho 26 nước và cấp visa điện tử cho 80 nước, trong khi Thái Lan miễn cho 112 nước, Malaysia 150 nước. Ông kiến nghị mở rộng miễn visa lên ít nhất 70 nước.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho rằng tăng trưởng hai con số không đồng nghĩa với việc tất cả lĩnh vực đều phải tăng mạnh như nhau. Điều quan trọng là nuôi dưỡng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào định hướng phát triển. Niềm tin này sẽ tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Bà kiến nghị Chính phủ cần cải cách hệ thống văn bản pháp lý còn chồng chéo; đồng thời tăng cường cơ chế “lắng nghe và chia sẻ”, nhất là trong giai đoạn khó khăn.
Kết luận tại diễn đàn, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh: mục tiêu tăng trưởng hai con số là khả thi nếu có sự đồng lòng và phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương. Bốn điều kiện tiên quyết được ông nêu ra là:
Thứ nhất, đồng thuận và chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và xã hội;
Thứ hai, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, đặc biệt về thể chế;
Thứ ba, chiến lược phát triển đúng đắn, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực;
Và chủ động ứng phó với các cú sốc bên ngoài.
Ông khẳng định: Việt Nam đang có cơ hội lớn hơn bao giờ hết – và cải cách thể chế với tư duy đổi mới là nền tảng để tạo đột phá.
Diễn đàn thể hiện quyết tâm và khao khát tăng trưởng 2 con số trong các thập niên tới. Mục tiêu tăng trưởng sẽ được ghi vào các văn kiện của Đại hội Đảng 14 tới đây.
Nhìn lại lịch sử thế giới, chỉ có khoảng 1/4 các nền kinh tế thu nhập trung bình thành công bước vào nhóm thu nhập cao. Họ có điểm chung là hội nhập sâu rộng, cải cách thể chế mạnh mẽ và đầu tư dài hạn vào khoa học – công nghệ. Nếu Việt Nam không dám nghĩ lớn, không dám làm mạnh, thì nguy cơ bỏ lỡ “chuyến tàu cuối” là rất rõ ràng.
Tăng trưởng hai con số không phải là một “giấc mơ”. Nó là một mục tiêu có thể đạt được – nếu Việt Nam có thể làm được hai việc: thứ nhất, cải cách thể chế một cách quyết liệt, đồng bộ; thứ hai, khơi dậy và tận dụng được nguồn lực xã hội – đặc biệt là từ khối tư nhân và trí thức trẻ.
Câu hỏi “làm gì và làm thế nào” mà ông Trần Lưu Quang nêu ra là xác đáng và cần được trả lời bằng những chính sách cụ thể, không chỉ bằng các hội thảo hay diễn đàn. Muốn vậy, Chính phủ phải thực sự hành động; hệ thống chính trị phải dám từ bỏ tư duy quản lý cũ kỹ; và cộng đồng doanh nghiệp phải có niềm tin vào tương lai.
Theo Tư Giang/ Vietnamnet