"Cấp bách tìm đối sách với thuế tối thiểu toàn cầu" là hàng tít nổi bật ngay trên trang nhất của tờ Đầu tư. Đây cũng chỉ là một ví dụ trong nhiều bài báo thời gian qua đã đề cập đến chủ đề được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế quan tâm, đó là thuế tối thiểu toàn cầu.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Đến nay, hơn 140 quốc gia đã đồng thuận.
Theo quy cách này, từ đầu năm sau, các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu là 15%. Như vậy, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài nhưng nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư ở dưới mức 15% sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước cư trú, nơi công ty có trụ sở chính.
Hiện nay, Việt Nam cũng đã tham gia công ước đa phương về thực hiện các biện pháp liên quan đến hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận.
Báo Đầu tư đưa thống kê từ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, khoảng 100 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024, đó là: Samsung, Intel, LG Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron…, những tập đoàn lớn này đang đầu tư tại Việt Nam, đều có tên trong danh sách này.
Bên cạnh những thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Là nước đang phát triển, thời gian qua, Việt Nam đã và đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực. Do đó khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá là không còn đem lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Hiện nay, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án cho nhà đầu tư nước ngoài trong những năm đầu, ví dụ như ưu đãi thuế suất 5%, 10% và lên đến 15 năm; miễn giảm thuế có thời hạn.
Thuế tối thiểu toàn cầu và giải pháp ứng phó
Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước.
Tờ Đại Đoàn kết phân tích, nếu Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó, ít nhất trước mắt là hơn 12.000 tỷ đồng, theo tính toán của Bộ Tài chính. Quan trọng hơn là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, bởi 35 năm qua Việt Nam đã dùng ưu đãi thuế như một đòn bẩy tài chính để thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối sách áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đưa ý kiến các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần duy trì lợi ích tổng hợp cả về mặt chiến lược lẫn mặt thương mại để bù đắp các lợi ích doanh nghiệp FDI mất đi trong trường hợp phải chịu thuế cao hơn, hiểu đơn giản là không ưu đãi chỗ này, phải ưu đãi chỗ khác. Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống ưu đãi thuế để duy trì tính cạnh tranh và thu hút của môi trường đầu tư.
Như vậy, khoảng 8 tháng tới, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực ở đa số các quốc gia trên thế giới. Tác dụng của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam là cấp bách, thể hiện trên 2 khía cạnh: một là đảm bảo quyền đánh thuế tại Việt Nam và thứ hai là khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Sân chơi hội nhập toàn cầu có luật lệ riêng và không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sự chủ động thích ứng để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Việt Nam nên giành quyền đánh thuế và bù đắp cho doanh nghiệp
Báo Đại biểu Nhân dân đưa ý kiến của Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần ban hành quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn như một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác.
Mặt khác, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được 2 mục tiêu quan trọng, đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư và không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tuân thủ các quy tắc của thuế tối thiểu toàn cầu. Đây chính là cách những quốc gia đang cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài như: Thái Lan, Singapore, Malaysia đều thực hiện.
Thuế tối thiểu toàn cầu: Thời cơ nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI
Bên cạnh những thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng được coi là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó mô hình kinh tế truyền thống sẽ chuyển sang kinh tế tuần hoàn tăng trưởng xanh và bền vững, môi trường kinh doanh ổn định. Khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế. Việc thu hút đầu tư sẽ dịch chuyển từ việc ưu đãi thuế sang việc tăng cường pháp luật bảo vệ, thúc đẩy lao động chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt hay chính sách hải quan tốt.
Theo các chuyên gia, nếu thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì Việt Nam sẽ dành phần thuế thu thêm đó để phát triển hạ tầng đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam.
Chính phủ cùng với Quốc hội đã và đang quan tâm chỉ đạo sát sao về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành. Hện các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp của Việt Nam nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định. Dự kiến các nội dung này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm khai mạc vào tháng sau.
Vào thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội đã không ít lần nhấn mạnh thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề cấp bách, cần có hành động chính sách sửa đổi nội luật để tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức. Trong đó, tìm đối sách cho thuế tối thiểu toàn cầu là việc căn cơ trong giai đoạn hiện nay và sửa luật thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những việc phải làm để thích ứng. Thời gian đã rất gấp gáp, điều quan trọng hiện nay là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, bởi nếu chậm chân thì tác động của thuế tối thiểu toàn cầu chắc chắn sẽ không hề là tối thiểu đối với nền kinh tế.
Theo cafef