Theo ông Phương, Bộ Tài chính đã rất chủ động dự thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về các chính sách liên quan đến điều chỉnh thuế, phí và lệ phí để có thể triển khai được ngay trong những tháng đầu năm 2022.
Về các giải pháp liên quan đến nguồn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng rất chủ động trong việc phối hợp với các bộ để soạn thảo các văn bản, nhất là các nghị định về hướng dẫn nguyên tắc, tiêu chí và đối tượng được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết vẫn còn một số khó khăn tập trung ở phần đầu tư công, do có liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt dự án.
"Tiến độ cũng như công tác tổng hợp các dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hiện nay đang chậm hơn một chút, do các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau, thường có sự chờ đợi lẫn nhau", ông Phương nói.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến đối với Chính phủ về việc chỉ đạo theo hướng cho phép bộ, ngành, địa phương nào hoàn thành trước thì tổng hợp, trình Thủ tướng các dự án đầu tư công; còn bộ, ngành nào hoàn thiện sau thì trình sau.
Thông tin thêm về gói đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong năm nay, giai đoạn đầu ngay sau khi ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, công tác chuẩn bị hồ sơ sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 2 và tháng 3. Trong đó, một số chính sách đang trình các cấp thẩm quyền cấp cao.
"Với đầu tư công, chúng ta còn phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác cụ thể. Do vậy, cơ bản đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư", ông Phương cho biết.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương giám sát các nhiệm vụ được phân công theo Nghị quyết 11 để triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả, để phát huy hiệu quả cao nhất có thể của Chương trình.
Nghị quyết 11 đề ra 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trong tâm để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đây là chương trình phục hồi kinh tế toàn diện và quy mô lớn nhất trong lịch sử được thông qua, trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng và được thực hiện trong năm 2022-2023.
Trước đó, tại buổi họp giao ban năm mới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết dự kiến trong năm 2022, sẽ giải ngân khoảng 50% Chương trình.
Theo Vneconomy