Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần…
Trong mức tăng 1% của CPI tháng 02/2022 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thì nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,35% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 21/01/2022, 11/02/2022 và 21/02/2022 làm chỉ số giá xăng dầu tăng 5,8% (tác động CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm).
Bên cạnh đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách.
Giá vé tàu hỏa tăng 7,95% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,91%, dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 1,34% do nhu cầu đi lại, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện du xuân tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,54% đã đẩy CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,35% (tác động CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm). Thực phẩm tăng 1,69% (tác động CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm). Ăn uống ngoài gia đình tăng 1,68% kéo CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,92% do giá dầu hỏa tăng 8,32%; giá gas tăng 3,5%. Giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 1,01% và 4,73% do nhu cầu sử dụng điện, nước dịp Tết Nguyên đán tăng cao.
Ngoài ra, nhóm giáo dục và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cùng tăng 0,51%, trong đó nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng do nhu cầu du lịch, giải trí dịp Tết Nguyên đán, Lễ Tình nhân 14/2 tăng.
Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản tháng 02/2022 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng năm nay tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới khi lạm phát các quốc gia tăng cao và lo ngại ảnh hưởng của giao tranh giữa Nga - Ukraina. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/02/2022 tăng 2,4% so với tháng 01/2022.
Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trong ngày Thần tài, Lễ Tình nhân 14/2 làm chỉ số giá vàng tháng 02/2022 tăng 1,85% so với tháng trước; tăng 2,95% so với tháng 12/2021; tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 0,72%.
Còn đồng USD trên thị trường thế giới khá ổn định. Trong nước, do nguồn cung đảm bảo, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2022 giảm 0,28% so với tháng trước; giảm 0,59% so với tháng 12/2021; giảm 0,84% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giảm 0,79%.
Theo Vneconomy