Trong báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Đường cho biết, doanh nghiệp chuyển đổi số có năng suất và lợi nhuận cao gấp đôi so với doanh nghiệp chưa chuyển đổi số. Theo thống kê, sẽ có 3,1 nghìn tỷ USD (tương đương 72 triệu tỷ đồng) được cộng thêm vào GDP của Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2024 nếu đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME. Quá trình này tại Việt Nam, theo ông Đường, dự đoán sẽ giúp GDP tăng thêm 30 tỷ USD (705 nghìn tỷ đồng).
Việt Nam hiện có khoảng 785.000 doanh nghiệp nghỏ và vừa, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp. Doanh nghiệp SME sử dụng 70% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 50% GDP.
CÂU CHUYỆN Ở XÃ VI HƯƠNG
2021 tiếp tục là một năm đầy biến động đối với Việt Nam và thế giới vì những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. “Nếu ví đại dịch Covid-19 vừa qua như một cơn bão lớn thì doanh nghiệp SME chính là những cây nhỏ bị tấn công đầu tiên”, vị Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp ví von, và cho biết, theo thống kê, có 24% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoạt động và số doanh nghiệp thành lập mới cũng bị giảm 15%. Vì thế, chuyển đổi số đã trở thành chìa khóa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải quyết các "nỗi đau" của mình, chuyển đổi số được coi là phương thức thích ứng mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời dịch.
Ông Nguyễn Trọng Đường kể câu chuyện về chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ ở xã Vi Hương (Bạch Thông, Bắc Kạn) thông qua việc kết nối thương mại điện tử, bán hàng online. Cụ thể, tại đây có hơn 1.000 sản phẩm bán trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Hoạt động “đưa sản phẩm lên mạng lên sàn” không chỉ giúp làm tăng thu nhập của xã viên Hợp tác xã Thiên An, mà người dân ở mọi vùng miền tổ quốc biết đến và đặt hàng. Các đơn hàng đến thường xuyên hơn và đời sống của bà con người Dao được cải thiện rõ rệt từ thu nhập 1-2 triệu đồng/tháng tăng lên khoảng từ 3- 3,5 triệu đồng/tháng.
Cũng bằng chuyển đổi số, quy trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã được chuẩn hóa và thay đổi, đạt các tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP, CGMP. Điều này đã giúp thay đổi quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm từ thủ công sang dùng máy móc và ứng dụng truy xuất nguồn gốc dùng mã QR code.
Hay các bài thuốc của sản phẩm người Dao đã được Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cấp giấy phép lưu hành. Các sản phẩm đều được đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu rõ ràng và được đăng ký bảo hộ. Việc truy xuất nguồn gốc cũng trở nên dễ dàng bởi các sản phẩm đều có mã vạch QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng công nghệ Blockchain để kiểm định chất lượng tất cả các khâu.
NĂM 2022 SẼ CÓ 30.000 DOANH NGHIỆP ĐƯỢC HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sau khi triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số với 16.000 doanh nghiệp tham gia trong năm 2021, Bộ quyết định tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ này trong năm 2022 với mục tiêu sẽ có 30.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp sẽ nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ ngân sách. Cụ thể, theo nghị định 80/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% nếu thuê, mua các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận, công bố.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, yếu tố của chuyển đổi số là nền tảng số. Nền tảng số là giải pháp đột phá để chúng ta phổ biến công nghệ số trở thành một dịch vụ và biến công nghệ số trở thành yếu tố đầu vào trong sản xuất như điện, nước... Khi đó, chúng ta sẽ chuyển đổi số thành công vì công nghệ số đã thấm được vào mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Dũng, để hỗ trợ doanh nghiệp SME chuyển đổi số, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phấn đấu cùng 63/63 địa phương vào cuộc triển khai chương trình thúc đẩy doanh nghiệp SME chuyển đổi số, cùng đó là hình thành mạng lưới tư vấn kinh tế số và tổ chức mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã để có đầu mối hỗ trợ người dân triển khai.
Ông Nguyễn Trọng Đường cho biết điểm mới của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) năm 2022 là đưa bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (DBI) vào áp dụng. Bộ công cụ này sẽ được áp dụng triển khai đánh giá 3 nhóm doanh nghiệp gồm doanh nghiệp SME, doanh nghiệp lớn, tập đoàn và các tổng công ty.
Bộ công cụ được xem là thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dùng chung trên cả nước. Doanh nghiệp có thể chủ động dựa vào hiện trạng, đối chiếu với các tiêu chí trong bộ chỉ số này, từ đó xác định tình hình chuyển đổi số nội tại.
Theo VnEconomy