Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Trong đó, việc Việt Nam đã cam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Cam kết này không chỉ thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội đồng lòng hướng đến phát triển bền vững.
CAM KẾT "XANH" TRÊN TỪNG HOẠT ĐỘNG
Với vai trò trung gian tài chính, ngành Ngân hàng Việt Nam hiện và đang tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh.
Năm 2023, UOB đã đưa ra cam kết đạt mức phát phải ròng bằng không vào năm 2050. UOB là một ngân hàng đi đầu trong khu vực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm phát thải. Cam kết giảm phát thải của ngân hàng tập trung vào 6 lĩnh vực trọng tâm, chiếm khoảng 60% danh mục cho vay doanh nghiệp của Ngân hàng gồm điện, ô tô, dầu khí, bất động sản, xây dựng và thép. Đến hiện tại, quy mô các khoản vay bền vững của Ngân hàng trên toàn khu vực đạt 50 triệu đô la Singapore, tăng 81% so với năm trước.
Theo ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đã khẳng định sự quyết tâm của Việt Nam trong việc hướng các tổ chức tín dụng vào những dự án bền vững. Chính phủ muốn đảm bảo rằng dòng vốn sẽ được đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường, và các ngân hàng phải đóng vai trò trọng yếu trong quá trình này.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ này chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, trong đó các dự án về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm gần 45%, còn nông nghiệp xanh chiếm khoảng 30%. Những con số này không chỉ cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng xanh mà còn phản ánh xu hướng phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Chia sẻ về các hoạt động về tài chính xanh, ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh rằng UOB đã bắt đầu tích hợp yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh từ nhiều năm trước. Trong 6 - 7 năm qua, ngân hàng đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn khu vực giảm thiểu phát thải carbon. Trong số 6 ngành thâm dụng carbon được UOB tài trợ vốn xanh, ngân hàng đã thấy đước sự tiến bộ đáng kể khi mức giảm phát thải carbon của các ngành này đạt kết quả cao hơn từ 7 đến 14 phần trăm so với lộ trình phát thải mục tiêu. Điều này giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính để chuyển đổi sang các mô hình hoạt động bền vững, do đó đóng góp vào các mục tiêu chung của quốc gia.
Đặc biệt, việc kết hợp các tiêu chí bền vững vào mọi khía cạnh kinh doanh không chỉ giúp UOB đóng góp tích cực vào quá trình phát triển xanh mà còn mang lại lợi ích kinh tế dài hạn cho ngân hàng. “Tính bền vững không chỉ là một sáng kiến riêng lẻ mà đã trở thành một phần trong hoạt động kinh doanh hàng ngày tại UOB. Mọi khía cạnh từ hoạt động văn phòng đến danh mục cho vay của chúng tôi đều được tích hợp yếu tố bền vững,” ông Lim nhấn mạnh.
SỰ CHUNG TAY CỦA MỌI LĨNH VỰC TRONG TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI
Bên cạnh ngân hàng, nhiều ngành kinh tế khác cũng đang tích cực tham gia vào hành trình phát triển bền vững tại Việt Nam. Cụ thể, trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), ông Bùi Khánh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển Bền vững tại Coca-Cola Việt Nam chia sẻ rằng Coca-Cola đã xác định rõ các nguồn phát thải khí nhà kính và đang nỗ lực giảm lượng phát thải trên toàn bộ chuỗi giá trị, từ nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, cho đến khi sản phẩm được phân phối đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, Coca-Cola cũng đang triển khai một lộ trình chi tiết nhằm đạt mục tiêu vào năm 2030 sẽ sử dụng 50% nguyên liệu tái chế trong bao bì. “Tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh và hướng tới mục tiêu Net Zero là bước đi cần thiết, mở ra tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của toàn xã hội,” ông Nguyên nhấn mạnh.
Tương tự, trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, DHL Express cũng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một trong những bước đi quan trọng là đầu tư vào cơ sở hạ tầng để lắp đặt các tấm pin mặt trời, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. “Bên cạnh đó, DHL Express đang chú trọng sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững hơn, nhằm giảm thiểu lượng carbon phát thải không chỉ trên phạm vi toàn cầu mà còn tại các hoạt động của chúng tôi ở Việt Nam”, ông Bernardo Bautista, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc quốc gia DHL Express Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió và điện mặt trời, cùng với việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong công nghiệp, nông nghiệp... Những cam kết này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho quốc gia trong dài hạn.
Theo ông Nguyên, việc áp dụng các biện pháp xanh có thể giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa hiệu quả năng lượng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giảm chi phí vận hành trong dài hạn cũng như giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí liên quan đến xử lý chất thải và các khoản phí môi trường.
CẦN SỚM HOÀN THIỆN DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH
Hiện nay, một trong những yếu tố cốt lõi thúc đẩy nền kinh tế xanh cho các quốc gia trên toàn thế giới là việc xây dựng và triển khai danh mục phân loại xanh - green taxonomy. Đây được xem là một khung quy định giúp phân biệt rõ ràng các hoạt động kinh doanh bền vững và thân thiện với môi trường với những hoạt động không đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
“Trong vòng một đến hai năm tới, chúng ta có thể mong đợi danh mục phân loại xanh tại Việt Nam sẽ được hoàn thiện. Khi danh mục phân loại xanh được hoàn thiện, nó sẽ tạo nền tảng cần thiết để Việt Nam chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả hơn sang mô hình phát triển bền vững”.
Ông Lim Dyi Chang dẫn chứng ví dụ từ một số quốc gia như Singapore, nơi đã áp dụng mức thuế carbon ở mức 25 SGD/tấn, hay Liên minh châu Âu (EU) với mức thuế carbon có thể lên đến 80 EUR/tấn. Những quốc gia này không chỉ hoàn thiện hệ thống phân loại xanh mà còn áp dụng các biện pháp tài chính nghiêm ngặt để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp và cá nhân.
Tuy nhiên, theo ông Lim Dyi Chang, danh mục phân loại xanh của Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Điều này không phải là trường hợp duy nhất, vì nhiều quốc gia phát triển khác cũng đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống của mình. “Do đó, để Việt Nam tiến xa hơn, tôi cho rằng việc hoàn thiện hệ thống phân loại xanh là yếu tố then chốt”, ông Lim nói.
Để có thể áp dụng các biện pháp tài chính tương tự như các nước khác, ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh Việt Nam cần phải có một hệ thống phân loại xanh cần phải được phát triển một cách rõ ràng và cụ thể. Trong đó, các hướng dẫn chi tiết cho từng ngành cũng như các cách thức giảm thiểu phát thải carbon và các ưu đãi tài chính phù hợp sẽ là động lực lớn để thúc đẩy nền kinh tế xanh. “Trong vòng một đến hai năm tới, chúng ta có thể mong đợi danh mục phân loại xanh tại Việt Nam sẽ được hoàn thiện”, ông Lim Dyi Chang bày tỏ.
“Khi danh mục phân loại xanh được hoàn thiện, nó sẽ tạo nền tảng cần thiết để Việt Nam chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả hơn sang mô hình phát triển bền vững”.
Theo vneconomy.vn