Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cát Lái, TP HCM
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, trong bối cảnh nhiều yếu tố tác động đến tổng cầu tại thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn giữ được vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thặng dư thương mại đạt xấp xỉ 40 tỉ USD (chỉ sau Trung Quốc và Mexico).
Cơ hội mở rộng giao thương
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp (DN) Mỹ mà mang tính bổ trợ, điều này giúp người tiêu dùng Mỹ có nhiều lựa chọn với mẫu mã, chất lượng ngày càng được cải thiện và giá cả cạnh tranh, qua đó cân bằng cán cân thương mại.
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cho biết các DN ngành dệt may hy vọng khi nâng quan hệ giữa 2 nước lên, giao thương giữa 2 nước sẽ thuận lợi hơn, cơ hội xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ được mở rộng và tốt hơn. "Các DN đã có đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ quý IV nhiều hơn quý III. DN kỳ vọng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước, Mỹ sẽ có cơ chế thuế suất cho hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ cạnh tranh hơn" - ông Tùng nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho hay Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của rau quả Việt Nam nhưng gặp trở ngại là do khoảng cách quá xa, DN gặp khó khăn trong bảo quản hàng hóa. Ngoài ra, rau quả Việt Nam phải cạnh tranh với các nước Nam Mỹ với nhiều mặt hàng giống nhau (thanh long, xoài, chôm chôm…) nhưng chi phí logistics của họ thấp hơn nhiều.
Do đó, để cạnh tranh hiệu quả khi xuất khẩu vào Mỹ, DN nên tập trung vào những mặt hàng có thời gian bảo quản lâu, hơn 40 ngày, có thể vận chuyển bằng đường tàu biển như: dừa tươi, bưởi và đặc biệt là sầu riêng cấp đông - sản phẩm Nam Mỹ chưa trồng được. "Hy vọng sau khi Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn nữa" - ông Nguyên thông tin.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, một nhà xuất khẩu rau quả lớn, kỳ vọng doanh số xuất khẩu vào Mỹ năm nay sẽ tăng 40% so với năm ngoái. Nguyên nhân do Mỹ vừa mở cửa trở lại cho mặt hàng dừa tươi và có thêm mặt hàng mới nữa là bưởi. "Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu rau quả vào Mỹ, cơ quan chức năng cần đàm phán mở cửa thêm nhiều loại quả mới như: chanh dây, mãng cầu xiêm… và tăng cường thêm các hoạt động xúc tiến thương mại để rau quả Việt Nam đi sâu vào các chuỗi cung ứng" - ông Tùng kiến nghị.
Đối với ngành thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tin là thương mại Việt Nam - Mỹ, trong đó có thủy sản của Việt Nam với Mỹ có các bước đột phá mạnh và bền vững hơn sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.
Theo bà Hằng, Mỹ nhiều năm là đối tác nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt kỷ lục 2,15 tỉ USD, tăng 80% so với cách đó 10 năm. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ (chiếm 80%) đều có doanh số tăng đột phá sau 10 năm.
Riêng xuất khẩu tôm tăng 77% từ 454 triệu USD năm 2012 lên 807 triệu USD năm 2022; cá tra tăng 359 triệu USD lên 537 triệu USD. Do đó, cơ hội tăng thị phần tại thị trường Mỹ còn lớn, không chỉ phát triển các sản phẩm truyền thống mà cả sản phẩm chế biến sâu, phù hợp xu hướng thị trường.
Bà Hằng thông tin thêm không chỉ là thị trường nhập khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam, Mỹ cũng xuất khẩu nhiều loại hải sản sang Việt Nam với giá trị khoảng 60 triệu USD/năm. Phần lớn hải sản này được nhập khẩu để gia công chế biến và xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ. Hoạt động này mang thêm doanh thu cho DN Việt, tạo việc làm ổn định cho công nhân và tận dụng được năng lực và công suất chế biến của các nhà máy trong nước.
Theo nld.com.vn