Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức ngày 22/11, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng.
“Bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ là tin đáng mừng sau hai năm gián đoạn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng sang năm 2023, các áp lực, rủi ro và thách thức đối với kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng”, đại diện UNDP nhận định.
Trong đó, những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài. Cuộc chiến ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng, USD mạnh lên và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, cũng có những rủi ro đến từ trong nước, đặc biệt trong thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đè nặng lên sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sự an khang của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và bão lớn.
Với tác động như trên, NCIF đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2023. Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.
Trong khi đó, ở kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF), tăng trưởng 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Về những rủi ro liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup cho biết những rủi ro chính ở mức độ cao đối với nền kinh tế bao gồm 3 yếu tố.
Thứ nhất, bất ổn xã hội gia tăng - tác động đến niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính, không chỉ phát hành trái phiếu mới, mà còn cả với lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán. Việc tái cấp vốn không thể được thực hiện theo các đợt chào bán công khai ngay cả với các tổ chức phát hành tín dụng tốt.
Thứ hai, vỡ nợ trái phiếu và vi phạm chéo; và Khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp - Vi phạm chéo khi ngân hàng có tư cách là nhà đầu tư: chất lượng tài sản ngân hàng (mặc dù mức độ rủi ro không đáng kể: < 3% tài sản thu nhập lãi). Tác động đến các ngân hàng với tư cách là tổ chức phát hành trái phiếu và thị trường liên ngân hang.
Thứ ba, khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nợ xấu của ngân hàng xấu đi.
Trong bối cảnh này, ông Nguyễn Quang Thuân đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát đặc biệt đối với các tổ chức phát hành lớn có rủi ro đối với các trái chủ cá nhân, chương trình tín dụng bất động sản… để từ đó khôi phục niềm tin của thị trường nợ.
Theo Vneconomy