Tạo chuyển biến thực chất trong giải ngân vốn đầu tư công
Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu đưa ra giải pháp đột phá, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục triển khai, tạo chuyển biến tích cực và thực chất trong giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế.
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021…
Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với báo cáo bổ sung kết quả kết thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Liên quan đến vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, nghiên cứu đưa ra giải pháp đột phá, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục triển khai, tạo chuyển biến tích cực và thực chất trong vấn đề này, qua đó thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp cụ thể để khắc phục vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện, triển khai, để những chính sách sớm đem đến hiệu quả thiết thực trong đời sống.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng ngày 25.5. Ảnh: TL. |
Nhận định những tháng còn lại của năm 2022 còn nhiều khó khăn, đại biểu Phạm Đình Toản ( Đoàn Hưng Yên) chỉ rõ, cần tiếp tục chú ý nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập kế hoạch, vì trong bối cảnh đầy biến động, thay đổi nhanh chóng hiện nay thì công tác này có chất lượng cao sẽ giúp chúng ta phản ứng linh hoạt, đồng thời tiết kiệm nguồn lực, chi phí thực hiện.
Đại biểu Phạm Đình Toản cũng đề nghị, các bộ, ngành cần chú ý đề xuất, thực hiện các giải pháp để tránh làm mất mát nguồn lực đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là nghiên cứu thấu đáo về việc xác định giá trị đất trong quá trình thực hiện công tác này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) lưu ý với dấu hiệu hiện nay như giá xăng dầu tăng liên tục, Chính phủ, Quốc hội cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng xầu.
Theo đại biểu Ngân, chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng ta có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rồi thuế tiêu thụ đặc biệt, không có lý do gì "đánh" thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.
Với thị trường tài chính, đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh cơ cấu lại, tách bạch rõ ràng vai trò của các ngân hàng thương mại là đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn; thị trường chứng khoán đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn.
“Cần chấn chỉnh thị trường chứng khoán, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, tăng niềm tin của nhà đầu tư; xử phạt nghiêm minh sai phạm”, ĐB Ngân nói.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Đoàn TP.Hải Phòng) nhấn mạnh, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo. Chỉ ra đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho hay, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu./.
Theo dangcongsan.vn