Do thực hiện giãn cách xã hội nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 8. Do đó, WB khuyến nghị, để thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn...
Ảnh minh hoạ
WB Việt Nam vừa phát hành bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 9/2021. Bản tin cho thấy, việc phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh khiến nhiều hoạt động sản xuất tại Việt Nam buộc phải gián đoạn.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,2% so với tháng trước và 7,4% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số PMI cũng giảm từ 45,1 trong tháng 7 xuống còn 40,2 trong tháng 8.
Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục diễn biến xấu đi trong tháng 8, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này sâu hơn mức giảm trong hai tuần cách ly toàn quốc vào tháng 4/2020, thể hiện thời gian áp dụng dài hơn và với mức độ nghiêm ngặt hơn của các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại ở các thành phố lớn và nhiều tỉnh phía Nam. Trong sự suy giảm này, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất (59,6%), tiếp theo là các dịch vụ lưu trú và ăn uống (19,2%).
Cán cân thương mại hàng hóa cũng xấu đi do xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tăng, cho thấy các nhà đầu tư ngoại tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Mặt khác, mặc dù tỷ giá trung tâm tương đối ổn định, Ngân hàng Thế giới cho biết, tỷ giá VND/USD bình quân tăng 0,7% so với tháng trước trên thị trường chính thức trong nước, cho thấy nguồn cung đồng USD lớn hơn tương đối so với cầu.
"Tiền đồng tăng giá danh nghĩa trong thời gian khủng hoảng cũng có thể phần nào do kiều hối đang hồi phục và dòng vốn FDI vẫn ổn định. Đó là hai nguồn cung USD quan trọng, có thể đang giúp bù đắp thâm hụt cán cân thương mại. Tỷ giá hữu hiệu thực (REER) tăng 1% so với tháng trước trong tháng 8, sau khi tăng 1,2% trong tháng 7/2021. Xu hướng tăng giá thực của tiền đồng giống với biến động của đồng USD, phản ánh tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ đối với thương mại của Việt Nam", báo cáo của WB nhận định.
Theo nghiên cứu của WB, cân đối ngân sách tháng 8 ghi nhận bội chi khi số thu giảm do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế đi lại, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh để xử lý đợt bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong tám tháng đầu năm 2021, thu ngân sách vẫn tăng 13,9%, và tổng chi giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Vì vậy, WB cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch hiện nay một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể phục hồi vào quý 4. Ưu tiên đặt ra là đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine để bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành.
Đặc biệt, WB khuyến nghị, để thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân.
"Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, cũng là cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Vì chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nên cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa", WB nhấn mạnh.
Theo vneconomy.vn