Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và Tư vấn tại Việt Nam, kiêm Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược sản xuất châu Á Thái Bình Dương của JLL, tập đoàn đa quốc gia chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt. Cuộc trao đổi cũng nhằm giúp nhà đầu tư khám phá, so sánh thế mạnh của Việt Nam với các đối thủ trong khu vực, từ đó xác định cơ hội đầu tư đa dạng tại Việt Nam..
Bà có thể chia sẻ về tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành trung tâm chuỗi cung ứng sản xuất tại Đông Nam Á? Việt Nam có những lợi thế nào hiện tại và trong tương lai?
Việt Nam hiện đang ở một vị thế chiến lược vô cùng thuận lợi. Với vị trí địa lý gần gũi các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, Việt Nam là một điểm nút quan trọng trong mạng lưới vận chuyển quốc tế. Khoảng 40% hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương đều phải đi qua Biển Đông, giúp Việt Nam trở thành một địa điểm lý tưởng cho việc kết nối thương mại.
Ngoài ra, Việt Nam đã có những bước tiến lớn về môi trường vĩ mô ổn định, chính sách ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính mạnh mẽ. Lực lượng lao động trẻ, đông đảo và dễ đào tạo, cùng với chi phí lao động cạnh tranh là những lợi thế quan trọng. Theo báo cáo của World Bank, trong năm 2023, Việt Nam đã nằm trong nhóm 25 quốc gia sản xuất hàng đầu. Đây là minh chứng rõ ràng về tiềm năng to lớn của đất nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến thay thế hàng đầu. Khái niệm "Trung Quốc+1" đang được nhiều công ty sản xuất áp dụng, trong đó các doanh nghiệp thiết lập thêm cơ sở sản xuất tại các quốc gia như Việt Nam để giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa chi phí.
Các ngành công nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là điện tử, chế tạo cơ khí và ô tô, đã ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, Nintendo Switch đã đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Quảng Ninh, còn Chery và Skoda đang xây dựng nhà máy ô tô tại Thái Bình và Cộng hòa Séc.
Vậy cụ thể, Việt Nam cần làm gì để cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, để thu hút sự dịch chuyển này, thưa bà?
Để có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực, Việt Nam cần tập trung vào một số yếu tố chiến lược. Thứ nhất, tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng và giao thông, đặc biệt là các cảng biển và khu công nghiệp, để nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý các lô hàng lớn. Điều này sẽ giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Thứ hai, chính phủ Việt Nam cần tiếp tục phát triển và ký kết thêm các thỏa thuận thương mại tự do (FTA). Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 19 FTA, trong đó 16 đã có hiệu lực. Những thỏa thuận này mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, giúp họ dễ dàng tiếp cận tới gần 5 tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất và quản trị. Có thể thấy, 95% các doanh nghiệp tại Việt Nam là vừa và nhỏ, vì vậy việc tập trung vào các công đoạn sản xuất cụ thể, áp dụng công nghệ tiên tiến, sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo một số báo cáo, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tiềm năng tăng trưởng sản xuất nhanh nhất khu vực. Trong năm 2023, Việt Nam nằm trong nhóm 25 quốc gia sản xuất hàng đầu và được dự báo sẽ tiếp tục tăng cường vị thế trong những năm tới.
Nguyên nhân, chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, đặc biệt là về chi phí đất đai và lao động. Ví dụ, chi phí thuê đất công nghiệp tại một số khu vực ở Trung Quốc có thể cao gấp đôi so với Việt Nam.
Hơn nữa, dân số trẻ và đông đảo của Việt Nam với ước tính 60% dân số dưới 35 tuổi, cung cấp một nguồn lao động dồi dào và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu sản xuất công nghệ cao. Các công ty đa quốc gia như Samsung, Intel, LG đã nhận ra tiềm năng này và đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.
Theo bà, Việt Nam cần chú trọng những ngành nghề nào để thu hút thêm đầu tư trong tương lai?
Hai lĩnh vực chính mà Việt Nam đang có lợi thế lớn là điện tử và chế tạo cơ khí - ô tô. Ngành điện tử đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn về sản phẩm điện tử tiêu dùng, có tiềm năng lớn trong việc thu hút thêm đầu tư từ các công ty quốc tế.
Về ngành cơ khí và ô tô, tỷ lệ tổng giá trị sản phẩm công nghiệp ô tô tại Việt Nam đã tăng từ 12% vào năm 2018 lên 25% vào năm 2023. Nhu cầu về phương tiện giao thông tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang tăng mạnh, điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ô tô quốc tế.
Bên cạnh đó, các ngành hỗ trợ như cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện nhựa - cao su và linh kiện kim loại cũng đang chứng kiến sự gia tăng đầu tư, khi các doanh nghiệp cung ứng này dịch chuyển theo các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là năng lực quản lý và sản xuất vẫn còn hạn chế so với một số nước trong khu vực. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, cùng với sự thiếu tự chủ về nguồn nguyên liệu và linh kiện đầu vào, làm giảm khả năng cạnh tranh. Hiện tại, khoảng 37% nguyên liệu sử dụng trong sản xuất tại Việt Nam phải nhập khẩu, điều này gây ra sự phụ thuộc và làm giảm sức mạnh của chuỗi cung ứng nội địa.
Ngoài ra, chi phí đất đai tăng cao trong những năm gần đây cũng là một rào cản lớn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư và khả năng mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.
Vậy Việt Nam cần làm gì để khắc phục những thách thức này và tận dụng tối đa cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng?
Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục cải thiện các chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực cần thiết, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời cần có các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động, đảm bảo họ có thể đáp ứng được các yêu cầu sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường tự chủ về nguồn cung cấp nguyên vật liệu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường tính bền vững cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Báo Tin tức/TTXVN