Ngày 20/11/2024 tại Hà Nội, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức “Hội nghị bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản năm 2024".
Bên lề hội nghị, trong hai ngày 19 và 21/11/2024 diễn ra chuỗi các sự kiện tập huấn, hội thảo kỹ thuật cho mạng lưới Khu bảo tồn biển/Vườn quốc gia tại Việt Nam nhằm thúc đẩy vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý địa phương trong bảo vệ hệ sinh thái ven biển và môi trường ngành thủy sản.
Đây là hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDC)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tài trợ thông qua IUCN, triển khai từ năm 2024-2025.
NĂM 2025 SẼ SƠ KẾT ĐỀ ÁN 911
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, cho biết ngành thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế biển của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh. Song trong quá trình phát triển, ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít những thách thức, trong đó có vấn đề môi trường và suy thoái hệ sinh thái ven biển. Ngành thuỷ sản được đánh giá là ngành chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường và cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường.
Theo ông Trần Đình Luân, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển bền vững ngành thủy sản như Nghị Quyết 36/NQ-TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,…
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề môi trường ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 về Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Đề án 911).
Đề án 991 nhằm mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản. Năm 2025 sẽ là thời điểm tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 911.
Tại hội nghị, các đại biểu đã ghi nhận một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 911 thời gian qua. Các tổ chức nghiên cứu khoa học đã chủ động đề xuất, tổ chức nghiên cứu các nội dung kỹ thuật trong hoạt động sản xuất thủy sản theo hướng bền vững; các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, sản xuất thức ăn có sự quan tâm, chủ động đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất xanh, ít phát thải, giảm rác thải; các tổ chức quốc tế phối hợp với các cơ quan quản lý thường xuyên tổ chức truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ngành thủy sản…
Ông Chu Thế Cường, chuyên gia của IUCN Việt Nam, cho biết Đồng bằng Sông Cửu Long có hơn 700km đường biển, với diện tích 360,000 km2, là nơi sinh sản và môi trường sống thuận lợi với tài nguyên thuỷ sản phong phú nhất Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên biển đang đối mặt với nhiều mối nguy hại. Đó là, khai thác thủy sản quá mức, hoặc bằng các phương pháp tận diệt đã làm giảm nghiêm trọng nguồn tài nguyên thuỷ sản. Trong khi đó, ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành vấn đề môi trường gây bức xúc nhất tại biển trong khu vực.
Dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) triển khai từ năm 2021-2025, với tổng ngân sách 1,799 triệu USD. Dự án đặt mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái biển quan trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào các khu vực được lựa chọn tại hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng, nhằm nâng cao công tác quản lý ngành thuỷ sản địa phương một cách bền vững.
CHUYỂN BIẾN RÕ NÉT TRONG NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN
Chia sẻ về kết quả thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho hay trong năm 2023 đã triển khai được 15 lớp tập huấn về nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản với số lượt 600 người tham dự. Cùng với đó, thực hiện 1 diễn đàn bàn về các giải pháp bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thủy sản.
Năm 2024, đơn vị tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai 20 lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, triển khai thu mẫu quan trắc môi trường ngoài tự nhiên để cảnh báo kịp thời đến địa phương và người nuôi, với 4.022 mẫu đã thực hiện. Dựa trên kết quả quan trắc môi trường nước, hàng tuần các đơn vị đưa ra những khuyến cáo đến người nuôi, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội nuôi tôm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Email, Zalo, Facebook...
"Kết quả người dân đã nâng cao ý thức về thực hiện các giải pháp kiểm soát môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản như xử lý nguồn chất thải thông qua hệ thống biogas, giải pháp kiểm soát nguồn nước tuần hoàn và nước trước khi thải ra môi trường tự nhiên phải xử lý đạt yêu cầu mới xã thải", bà Bình khẳng định.
Dự án “Ứng dụng hệ thống biogas vào việc xử lý, kiểm soát chất thải trong hoạt động nuôi tôm nước lợ” tại tỉnh Sóc Trăng của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, dự kiến giai đoạn 2024-2026 triển khai 150 mô hình trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, mô hình “Nuôi tôm tuần hoàn” của Tổ chức GIZ đã triển khai 2 điểm trên địa bàn tỉnh và một số mô hình đã được tỉnh xây dựng và ứng dụng hiệu quả như quy trình nuôi công nghệ cao 2, 3 giai đoạn, nuôi theo VietGAP, công nghệ semi biofloc, nuôi thủy sản kết hợp…
Ông Võ Văn Võ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho hay tỉnh Kiên Giang đã đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống trạm quan trắc tự động môi trường nước nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo vệ môi trường. Thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng nước được cập nhật liên tục để người nuôi tôm nắm bắt kịp thời và xử lý.
"Trong thời gian qua, việc xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang đã có bước chuyển biến rõ nét, có 95% diện tích nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, 100% số cơ sở nuôi tôm công nghệ cao có xử lý nước thải; 100% diện tích nuôi tôm - lúa (110.038 ha) đã sử dụng vi sinh và xử lý chất thải, nước thải", ông Võ chia sẻ.
Theo Chu Khôi
Vneconomy