Bài 1: Khai thông tiềm năng, thế mạnh
Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống với những cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Một số ngành kinh tế phát triển khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và 21 huyện, một thị xã phía tây của Thanh Hóa, Nghệ An, chiếm hơn 35% diện tích và khoảng hơn 15% dân số cả nước, với 30 dân tộc cùng sinh sống.
Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) là địa chỉ hấp dẫn du khách.
Phát huy lợi thế nông nghiệp hàng hóa
Sau khi ban hành, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương tới các địa phương trong vùng. Ban Chỉ đạo Tây Bắc được thành lập nhằm giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Quốc hội đã lồng ghép các nội dung Nghị quyết trong các nghị quyết chuyên đề về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở; dự án sản xuất sản phẩm chủ yếu… Các bộ, ngành Trung ương chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách giúp bổ sung, khơi thông các nguồn lực. Nhiều địa phương đã tận dụng, phát huy tối đa cơ chế, chính sách và hỗ trợ của Trung ương qua việc triển khai Nghị quyết để phát huy lợi thế mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế-xã hội. Rõ nét nhất là việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất tập trung.
Huyện vùng cao, biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong 56 huyện nghèo của cả nước. Trước năm 2004, Mường Khương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 65%. Là huyện nông-lâm nghiệp, với đặc điểm hơn 80% diện tích đồi núi, chủ yếu đá vôi, quanh năm thiếu nước nên việc phát triển mô hình cánh đồng sản xuất lớn về lương thực hay mở rộng diện tích trồng rừng lấy gỗ gặp nhiều khó khăn. Nhưng bù lại, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Mường Khương lại rất phù hợp với một số loại cây trồng đặc sản như dứa, quýt, chè, nhân sa, hồi... Theo Bí thư Huyện ủy Giàng Quốc Hưng, triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Huyện tiến hành quy hoạch theo hướng mở rộng diện tích canh tác, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng để các loại cây đặc sản trở thành hàng hóa. Huyện chỉ đạo sát sao việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến. Sau cây chuối của huyện được cấp giấy chứng nhận sản phẩm chung trong thương hiệu "Chuối Lào Cai" vào cuối năm 2019 thì sang năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho cây "Dứa Mường Khương". Cũng trong năm 2020, huyện phối hợp cùng Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu khánh thành Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương. Nhà máy đi vào hoạt động đã góp phần thu mua ổn định hàng chục nghìn tấn nông sản gồm dứa, chuối, chè… và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thường xuyên, thời vụ tại địa phương. Sản phẩm chế biến từ "Dứa Mường Khương" đã có mặt tại các thị trường khó tính như châu Âu, Nga, Mỹ… Sản xuất nông nghiệp hàng hóa giúp thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt hơn 34 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện mỗi năm giảm bình quân 9%.
Tại Yên Bái, cũng từ một cây trồng ít giá trị, sau khi tiếp cận công nghệ chế biến, chưng cất bán ra thị trường thì cây quế đã trở thành "cây thoát nghèo" và mở ra hướng làm giàu bền vững cho người dân. Anh Bàn Văn Minh, ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên chia sẻ: Trước đây, trồng quế mười năm mới tách được vỏ đem bán, giá không cao do chỉ dùng làm gia vị trong nấu ăn. Nhưng từ khi có các xưởng, xí nghiệp chế biến, chưng cất dầu quế thì giá trị cây quế tăng gấp nhiều lần. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên Hà Đức Anh, huyện có khoảng hơn 40 nghìn ha quế. Trước đây quế chỉ được trồng để lấy vỏ, nhưng nay đã có hơn 50 sản phẩm chế biến từ quế. Trung bình mỗi ha quế có giá trị một tỷ đồng. Tổng giá trị thu lợi từ cây quế toàn tỉnh đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Cây quế cùng gần mười cây chủ lực khác của Yên Bái được phát triển theo hướng hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 32,21% thì đến nay giảm còn 7,04%, đứng thứ 13 toàn quốc.
Sự phát triển đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp tạo nhiều bứt phá, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhân dân trong vùng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2004-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng đạt bình quân 4,8%, trong khi cả nước đạt 4,5%/năm, bảo đảm vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, tạo tiền đề phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư
Không chỉ khai thác thế mạnh nông nghiệp, nhiều địa phương trong vùng đã tận dụng được các thế mạnh về phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại sau khi có sự đầu tư chiến lược của Nhà nước trong thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch.
Sau khi tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai đi vào hoạt động, Thái Nguyên ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Samsung, Sunny Optech... Riêng trong năm 2021, Thái Nguyên đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn hơn một tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại Thái Nguyên lên 170 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 9,67 tỷ USD.
Có được những kết quả này là do tỉnh đã tận dụng tốt vị trí địa lý, hạ tầng giao thông cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là chuyển đổi số. Hiện tại, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó chính quyền số đứng thứ 3/63. Đây là những cơ sở quan trọng để Thái Nguyên vươn lên dẫn đầu vùng về thu hút đầu tư nước ngoài. Làm tốt công tác thu hút đầu tư đã giúp kinh tế-xã hội trong tỉnh phát triển nhanh, vững chắc. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,51%, cao gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước.
Cùng với Thái Nguyên, tỉnh Bắc Giang quan tâm, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Theo đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, bằng chủ trương đúng đắn, sự tập trung, kiên trì, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả rất tích cực về thu hút đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đã có hơn 1.800 dự án, tổng số vốn xấp xỉ 11 tỷ USD. Liên tục những năm gần đây, Bắc Giang luôn ở trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI. Năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song tốc độ tăng GRDP của tỉnh vẫn đạt 7,82% (đứng thứ 10 cả nước). Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được tặng Huân chương Lao động về thành tích chống dịch Covid-19 và là điển hình thực hiện thành công "mục tiêu kép".
Không chỉ dừng lại ở việc phát huy các thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc thù, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp mà nhiều tiềm năng của các địa phương trong vùng đã được "đánh thức", khơi thông từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW. Kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai đang trở thành điểm xuất nhập hàng hóa lớn của cả nước. Du lịch sinh thái cũng hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… Những kết quả này đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) chiếm 8,54% tổng GRDP của 63 tỉnh, thành phố cả nước, GRDP bình quân đầu người trong vùng khoảng hơn 54 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đạt mức 12,76% vào cuối năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Bộ Chính trị khóa IX đã xác định đúng và trúng những vấn đề đặt ra đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; thể hiện rõ tư duy và tầm nhìn trong các chủ trương của Đảng nhằm phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng. Nghị quyết số 37-NQ/TW ban hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng; được tổ chức triển khai chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương từ việc thể chế hóa thành các chương trình, kế hoạch, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực đáng kể cho vùng. Qua hơn 17 năm thực hiện, Nghị quyết số 37-NQ/TW đã mang lại nhiều kết quả tích cực, ấn tượng về phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm quốc phòng-an ninh, làm thay đổi diện mạo các địa phương và vùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng cho thấy khu vực này vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc. Quy mô kinh tế vùng nhỏ, cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chuyển dịch chậm; phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công... Nhiều địa phương trong vùng vẫn lúng túng trong chọn hướng phát triển đột phá và phát huy thế mạnh liên kết. Để tiếp tục đưa các tỉnh trong vùng phát triển nhanh, bền vững, đòi hỏi cần có sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương cùng với những chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp nhằm tạo sức bật mới toàn diện cho toàn khu vực này.
Theo báo Nhân dân