Với ý nghĩa quan trọng như vậy, ngày 13/6, tỉnh Phú Yên là địa phương đầu tiên thực hiện Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW).
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo hội nghị
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Phạm Đại Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên. Tham dự có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; một số đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và một số cơ quan, sở, ban, ngành, viện, trường của Tỉnh ủy Phú Yên.
Thành tựu đạt được
Phú Yên là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ; phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, Nam giáp tỉnh Khánh Hoà, Tây giáp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai, Đông là biển Đông. Phú Yên có tiềm năng về phát triển công nghiệp, nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ - du lịch, đặc biệt có Diện tích tự nhiên khoảng 5.023 km2 lợi thế trong việc phát triển thành điểm trung chuyển hàng hoá, dịch vụ cho các tỉnh Tây Nguyên. Tỉnh Phú Yên nằm trên các trục giao thông chính: Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C, đường sắt Bắc - Nam; cùng với cảng biển Vũng Rô, sân bay Tuy Hòa nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 5km tạo nên kết nối giao thông chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây, là một cửa ngõ quan trọng của vùng phía Tây ra biển của hành lang đường xuyên Á, tạo sự kết nối, giao thương kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ giữa Phú Yên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh thành trong cả nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận 25-KL/TW và Chương trình hành động số 38-CT/TU của Tỉnh ủy trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu… nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW đề ra. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm; kết cấu hạ tầng được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có tiến bộ. Nội bộ đoàn kết nhất trí, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, về cơ bản Phú Yên có nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng khá và ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa có những bước tiến đáng kể...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương phát biểu khai mạc
Đặc biệt, về tình hình hợp tác liên kết phát triển vùng của Phú Yên, sau gần 20 năm triển khai Nghị quyết 39 - NQ/TW, tỉnh Phú Yên đã duy trì và tăng cường hợp tác phát triển các tỉnh trong khu vực tiểu vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên (Bình Định, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Nông) về hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tỉnh cũng đã ký kết hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho tỉnh phát triển, giới thiệu các Nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại Phú Yên, tạo điều kiện huy động thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Duyên hải miền Trung-Tây Nguyên với 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Bình Định và Quảng Ngãi...). Trong quá trình hợp tác với các tỉnh đã thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quy hoạch, kế hoạch và các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chia sẻ danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của địa phương để xúc tiến các nhà đầu tư; định kỳ trao đổi thông tin về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Hàng năm, phối hợp tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại trọng điểm… tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện làm cơ sở để xây dựng các định hướng hợp tác theo từng giai đoạn.
Trên cơ sở các chương trình hợp tác, đã phối hợp đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông ngày được từng bước đầu tư cơ bản hoàn thiện, mạng lưới giao thông được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao, bảo đảm thông suốt quanh năm, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang phối hợp với tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án cơ chế chính sách liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa phấn đấu trở thành vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải,…), góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư.
Các đồng chí chủ tọa hội nghị
Một số kết quả nổi bật như:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005-2020 đạt 8,3%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước Quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 3,66 lần so với 2004. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2020 đạt 50,4 triệu đồng, đến năm 2021 đạt 51,4 triệu đồng/người, tăng gấp 9,7 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, giai đoạn 2005-2020 tăng khoảng 13,5%, trong đó vốn khu vực tư nhân vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm khoảng trên 70%. Năng suất lao động tăng nhanh, giai đoạn 2004-2020 đạt khoảng14,6%.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp (theo đúng tinh thần của Nghị quyết 39-NQ/TW) với các điểm sáng là: (i) có 05 KCN đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với diện tích 430,68 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 88,71%; (ii) Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2005-2020 khoảng 4,86%; (iii) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giá hiện hành) năm 2020 đạt 34.876 tỷ đồng, gấp 11,7 lần so với năm 2004. Tổng lượt khách du lịch năm 2019 đạt 1.830.000 lượt khách, tăng gấp 25,96 lần so với năm 2004; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch theo năm 2019 đạt 1.940 tỷ đồng, gấp 130 lần so với năm 2004.
- Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải được tập trung đầu tư một cách đồng bộ, có trọng điểm và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; trong đó mạng lưới giao thông đường bộ với tổng chiều dài 5.715km kết nối thông suốt, thuận lợi với các tỉnh lân cận, mở ra cơ hội giao thương, liên kết phát triển liên vùng, phát triển kinh tế biển.
Các đại biểu tham dự hội nghị
- Văn hóa - xã hội được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, nhiều lễ hội văn hóa của các dân tộc được duy trì tổ chức hằng năm. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ, nhiều chỉ số cơ bản về y tế và sức khỏe của nhân dân đạt mức tốt hơn so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70.05%; giải quyết việc làm hàng năm bình quân 25.000 lao động/năm. Công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ nghèo đa chiều đến năm 2021 còn 1,96%. Đời sống nhân dân trong Tỉnh không ngừng được cải thiện.
- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có tiến bộ; nội bộ đoàn kết nhất trí, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cũng mong muốn Hội nghị hôm nay là dịp để Phú Yên được lắng nghe những ý kiến phân tích, đánh giá và góp ý của các đại biểu để không chỉ giúp Phú Yên hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và còn giúp Phú Yên có thêm những giải pháp, hướng đi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng chí Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
phát biểu tham luận
Khơi thông những điểm nghẽn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tham luận
Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương và thường trực tỉnh ủy, thành ủy của 14 địa phương trong vùng thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 81-KH/BKTTW, ngày 16/5/2022 phục vụ việc tổng kết.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW và Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và đặc biệt là Tỉnh Phú Yên, địa phương đầu tiên trong vùng tổ chức Hội nghị tổng kết với sự tham gia của đông đủ lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải phát biểu tham luận
Đồng chí cũng cho rằng, về cơ bản, Dự thảo Báo cáo tổng kết cũng như ý kiến tham luận của một số sở, ngành của Tỉnh Phú Yên đã bám sát các nội dung Nghị quyết 39-NQ/TW và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của Ban Chỉ đạo, đánh giá được việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết của cấp ủy; làm rõ kết quả đạt được sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết; chỉ ra 6 tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân; rút ra 05 bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh trong và ngoài nước; điểm mạnh, điểm yếu; cơ hội và thách thức của địa phương, vùng; đề ra các quan điểm phát triển, mục tiêu, tầm nhìn của địa phương; đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp và 09 nhóm kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh Phú Yên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ, trong gần 20 năm qua, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25- KL/TW; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các Kế hoạch, Chương trình, Đề án và đã hoàn thành được phần lớn các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trên địa bàn tỉnh. Những thành tựu đã đạt được cho thấy Nghị quyết 39-NQ/TW đã đi vào cuộc sống và sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết diện mạo của Phú Yên thay đổi rõ nét, điều này thể hiện sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Yên nhất là trong việc xác định đúng và tập trung vào các tiềm năng, lợi thế của địa phương trong bối cảnh xuất phát điểm thấp và nhiều khó khăn, thách thức.
Thông qua Báo cáo tổng kết của tỉnh, nhất là bên cạnh việc đánh giá chất lượng Báo cáo tổng kết, ngoài việc ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của tỉnh Phú Yên, ý kiến đóng góp thiết thực, sâu sắc, toàn diện đối với Phú Yên của 10 đồng chí Thứ trưởng của các bộ, ngành đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với vùng đất còn nhiều dư địa để phát triển này. Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, việc các đại biểu chỉ ra những tồn tại hạn chế là để Phú Yên nhận diện chính xác, góp phần định hướng cho Phú Yên tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đồng tình với một số tồn tại hạn chế mà Báo cáo tổng tổng kết của Phú Yên cũng như các bộ, ngành chỉ ra như:
Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn rất hạn chế. Đóng góp của nhân tố TFP vào tăng trưởng; ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Bảo vệ và phát triển rừng còn yếu kém. Chương trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ, hiệu quả sản xuất chưa cao; phần lớn là gia công, lắp ráp. Hạ tầng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn chậm; thu hút đầu tư còn hạn chế; tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm trễ, kéo dài. Chất lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa cao, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Nguồn thu ngân sách chưa ổn định và bền vững. Quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường, đô thị còn nhiều bất cập.
Quang cảnh hội nghị
Giáo dục và đào tạo, văn hóa, xã hội còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao có mặt chưa tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là dịch vụ y tế chất lượng cao. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chậm; đời sống, sinh kế của người dân còn nhiều khó khăn.
Liên kết vùng còn lỏng lẻo, phạm vi liên kết còn hẹp, mang tính tự phát, thiếu bền vững. Xung đột lợi ích trong liên kết phát triển giữa các địa phương và toàn vùng vẫn xảy ra nhất là trong thu hút nguồn lực xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay,…), khu đô thị, khu công nghiệp…
Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi diễn biến phức tạp. Công tác nắm tình hình, tham mưu, chỉ đạo giải quyết một số vụ việc mới nổi lên về an ninh, trật tự ở cơ sở có lúc chưa kịp thời. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính còn chậm. Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều.
Để công tác tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo và nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững tỉnh Phú Yên, đảm bảo “đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2020-2025 và Dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và đề ra, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ tỉnh Phú Yên thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh. Nội dung quy hoạch cần có sự thống nhất và phân chia một cách hợp lý mục tiêu phát triển, đảm bảo bố trí đầy đủ nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả và phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu phát triển toàn diện, thống nhất giữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành, các không gian kinh tế của tỉnh và liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng; khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi huyện, thị xã hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phân bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên cả trong hiện tại và tương lai.
Thứ hai, Thực hiện tốt công tác giám sát phát triển kinh tế biển, trên cơ sở đó phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế biển để Phú Yên trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển với lợi thế khoảng 189 km bờ biển, với nhiều đầm, vịnh đẹp tự nhiên và hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên đẹp (ghềnh Đá Đĩa, Hòn Yến, Vịnh Xuân). Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng không gian biển. Phú Yên cần coi những tác động tiêu cực của Đại dịch Covid 19 là cơ hội để đổi mới và đa dạng hoá các ngành kinh tế. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trên cơ sở khai thác thế mạnh nằm trên trục giao thông chính Bắc Nam, tuyến giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, cảng biển nước sâu Vũng Rô, cảng Bãi Gốc và sân bay Tuy Hoà. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp và năng lượng mới ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản… và phát triển các đô thị ven biển theo hướng đô thị thông minh, bền vững.
Thứ ba, tạo sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; khai thác hiệu quả hơn “dư địa” về cải cách môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển trở thành trung tâm du lịch của khu vực Nam Trung Bộ và quốc gia. Cần xác định rõ nội lực là chính và đầu tư công là vốn mồi, để dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Thứ tư, chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Phú Yên là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hoà, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên. Phát triển hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C, đường Đông Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, trong đó Phú Yên là một trong các cửa mở ra biển Đông. Tiếp tục huy động nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển và ven biển, hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên. Phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ tại khu vực đồng bằng, tập trung đầu tư và phát huy hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. Khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất kết hợp bảo vệ rừng tự nhiên; xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc… vùng miền núi. Đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực phát triển các đô thị nhất là các đô thị ven biển, quan tâm đầu tư hạ tầng để nâng cấp một số thị trấn.
Thứ năm, bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Bổ sung các đánh giá về kết quả xây dựng, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên, khu vực kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa; đánh giá về phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, khí cụ điện, công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, đường và khai thác các công trình thủy điện, nhất là thủy điện Sông Ba Hạ. Làm rõ hơn về tính hiệu quả của việc khai thác hải sản xa bờ, phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp; xây dựng âu thuyền và cầu tàu; phát triển dịch vụ hỗ trợ nghề cá xa bờ kết hợp với bảo vệ an ninh trên biển; khai thác thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc; phát triển khu, tuyến du lịch Vân Phong - Đại Lãnh, hệ thống Tháp Chàm. Bổ sung thêm nhận định, đánh giá về kết quả liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian qua; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển liên kết tiểu vùng Nam Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Thứ sáu, đối với một số kiến nghị của Tỉnh, ngoài những vấn đề đã được Lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập Đề án tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo để lựa chọn đưa vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW hoặc chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đề nghị của Tỉnh.
Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Tỉnh ủy Phú Yên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện Báo cáo tổng kết và tham dự đầy đủ các hoạt động Tọa đàm, Hội thảo và tham gia vào Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết mới để phối hợp với Ban Chỉ đạo tham mưu cho Bộ Chính trị những quan điểm và định hướng mới cho phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng.
Cũng trong chuyến công tác, chiều ngày 13/6, đồng chí Trần Tuấn Anh và đoàn công tác đã có chương trình làm việc với Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế