Sau 8 giai đoạn cơ cấu lại doanh nghiệp, Công ty Cổ phần cao su Sông Bé đã hoàn thành công tác cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình cổ phần hóa đã được phê duyệt. Tính đến nay, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm hơn 97,3%, với tổng tài sản hơn 1.032,062 tỷ đồng. Công ty đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (UPCOM) và các thông tin mã chứng khoán SBR với số lượng đăng ký giao dịch trị giá hơn 813,961 tỷ đồng.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần cao su Sông Bé
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần cao su Sông Bé
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cao su Sông Bé Thái Công Cần phát biểu tại buổi làm việc
Căn cứ vào tình hình thực tế kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích cho cổ đông, vừa qua Đại hội đồng cổ đông công ty thông qua phương án chuyển sàn giao dịch cổ phiếu SBR từ sàn đăng ký giao dịch UPCOM sang niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), thời gian niêm yết từ năm 2024-2025.
Bên cạnh việc chăm sóc, khai thác, chế biến và kinh doanh mủ cao su, công ty cũng thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và tiếp tục định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 phù hợp với quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu UBND tỉnh giải trình rõ việc đáp ứng tiêu chí địa bàn “chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa, gắn với quốc phòng, an ninh” tại Công ty Cổ phần cao su Sông Bé để xem xét giải quyết theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thành viên đoàn công tác trao đổi tại buổi làm việc
Tại buổi khảo sát, thành viên đoàn công tác cũng đã trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của công ty... Đoàn ghi nhận các kiến nghị về chính sách cho người lao động, thuế, quy hoạch chuyển đổi mô hình canh tác... Đồng thời, cho rằng vốn và tài sản của chủ sở hữu và các cổ đông được sử dụng hiệu quả, bảo toàn được vốn nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của các cổ đông và có phần phân phối cho người lao động thông qua các chính sách tiền lương và việc sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi trong tái cơ cấu doanh nghiệp tại công ty.
Đoàn công tác thăm vườn cây cao su đang khai thác của Công ty Cổ phần cao su Sông Bé
* Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo, Tổng Giám đốc tập đoàn, đồng sáng lập Dự án Hạt Điều Xanh Trần Văn Sơn đã chia sẻ việc doanh nghiệp gắn bó với Bình Phước; đồng thời mong muốn nâng cao giá trị cho nông sản Việt và đưa thương hiệu hạt điều quê nhà đến gần hơn với mỗi người Việt và bạn bè quốc tế. Công ty đã khởi động dự án Green Cashew - Hạt Điều Xanh và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản và thực phẩm Bà Tư Bình Phước với tổng mức 6,5 triệu USD, có công suất 4 ngàn tấn/năm, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2025. Qua đó, tạo đà cho bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp xanh bền vững tại địa phương và nhân rộng ra cả nước.
Qua trao đổi các vấn đề liên quan đến việc cổ phần, kiến nghị về cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đã đánh giá cao năng lực, sự nhiệt huyết của doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đồng thời cho rằng, việc khảo sát của đoàn nhằm bổ sung thêm các nội dung, kiến nghị của doanh nghiệp phục vụ sơ kết tình hình thực hiện các Nghị quyết 10, 11, 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Theo Báo Bình Phước