Về phía địa phương, tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh uỷ viên và lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh. Tham gia đoàn công tác có các đồng chí thành viên Tổ Biên tập là lãnh đạo, chuyên viên các cục, vụ của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ Trưởng Tổ Biên tập phát biểu đề dẫn nội dung buổi làm việc. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp
Phát biểu đề dẫn nội dung buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, ngày 15/01/2019, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; hiện nay, đã đến thời điểm sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết. Ban Kinh tế Trung ương đã thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án sơ kết, ban hành Kế hoạch sơ kết, Kế hoạch khảo sát và Ban cũng đã nhận được đầy đủ báo cáo của các tỉnh uỷ, thành uỷ; ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương. Tổ biên tập Đề án đang xây dựng dự thảo báo cáo Đề án và theo kế hoạch, Đề án sẽ được trình Bộ Chính trị vào giữa tháng 11/2024. Để có thêm luận cứ thực tiễn nhằm hoàn thiện báo cáo sơ kết Nghị quyết 39, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức làm việc với một số địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Thuận.
Đồng chí Trưởng Đoàn công tác gợi ý một số nhóm vấn đề muốn lắng nghe thêm từ phía tỉnh Ninh Thuận, tập trung vào những thuận lợi, khó khăn, nhất là những vấn đề vướng mắc, các điểm nghẽn, nút thắt lớn trong thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khoá XII của tỉnh Ninh Thuận về các nguồn lực của nền kinh tế đó là nguồn nhân lực, nguồn vật lực và nguồn tài lực; những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn của nền kinh tế từ sau khi Nghị quyết được ban hành; những kiến nghị, đề xuất của Tỉnh về nội dung trọng tâm trong dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị đối với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp
Tại buổi làm việc, Đoàn Công tác đã nghe đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khoá XII trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, trong gần 5 năm thực hiện chủ trương của Đảng nói chung về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế và Nghị quyết 39 nói riêng, địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực. Kinh tế - xã hội duy trì ổn định và tăng trưởng khá; GRDP bình quân giai đoạn 2019-2023 tăng 10,28%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2023 gấp hơn 2 lần so năm 2018; GRDP bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so năm 2018, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đối với phát triển nguồn nhân lực, lĩnh vực đào tạo nghề được chú trọng, đa dạng hóa các hình thức và ngành nghề đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động có trình độ cao trong các ngành kinh tế trọng điểm chiếm 37,4%; công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, nghề nghiệp được quan tâm. Đối với nguồn vật lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội. Đối với nguồn tài lực, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng hàng năm, năm 2023 tăng 1,3 lần so với năm 2018; đã thực hiện sắp xếp lại, xử lý toàn bộ các cơ sở nhà, đất; nợ công, nợ chính quyền địa phương được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chưa cao; kết cấu hạ tầng nhiều lĩnh vực còn chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh còn khó khăn; nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư kết cấu hạ tầng còn rất hạn chế, nguồn lực đầu tư từ đất đai vẫn còn khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ và giải ngân các dự án.
Đại diện Ủy ban nhân dân Tỉnh đọc báo cáo tóm tắt
Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Đoàn công tác và các đồng chí trong Đoàn công tác đã đặt ra một số câu hỏi đối với tỉnh Ninh Thuận. Đại diện các sở, ngành của tỉnh đã trả lời, trao đổi, chia sẻ về tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết qua thực tiễn của tỉnh như công tác triển khai quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch điện VIII, quy hoạch hạ tầng năng lượng và quy hoạch đất đai trên địa bàn tỉnh; cơ chế về liên kết vùng, phối hợp giữa các địa phương trong vùng; huy động nguồn lực để tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng các chính sách về chuyển đổi số; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; các vấn đề về triển khai Luật đất đai, Luật Ngân sách nước, Luật Đầu tư công, Luật khoáng sản; sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xã hội hóa các cơ sở đào tạo nghề …
Đoàn công tác trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác, và làm rõ thêm một số khó khăn vướng mắc trong triển khai Nghị quyết trên địa bàn tỉnh như chính sách về dân số còn chưa được cụ thể hóa; chính sách đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa gắn với nhu cầu thực tiễn của địa phương; vấn đề xây dựng và triển khai quy hoạch còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đồng bộ, chưa đẩy mạnh trong phân cấp phân quyền cho địa phương; cơ chế huy động nguồn tài lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận còn nhiều khó khăn; cơ chế liên kết vùng trong phát triển du lịch chưa phát huy được hết tiềm năng…
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp
Đồng thời, thông qua Đoàn công tác, tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị, đề xuất một số nội dung để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết như sớm phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch Đới bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế chính sách mới hỗ trợ tỉnh phát triển thay thế Nghị quyết 115/NQ-CP; hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án xây dựng tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên; nghiên cứu cơ chế chính sách cho việc hình thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng khu vực Nam Trung bộ tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh.
Phát biểu tổng kết, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian qua; ghi nhận tỉnh đã tổ chức triển khai nghị quyết một cách nghiêm túc thông qua việc Tỉnh ủy đã ban hành, triển khai kế hoạch và chương trình hành động cùng các nghị quyết chuyên đề. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh trong buổi làm việc đã có rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn, trực diện tập trung vào những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết từ thực tiễn của tỉnh, đặc biệt là vấn đề về xây dựng quy hoạch và kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch; vấn đề về phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng liên kết vùng... Đối với những kiến nghị của tỉnh, Đoàn Công tác ghi nhận, tổng hợp và chắt lọc vào báo cáo của Đề án sơ kết trình Bộ Chính trị.
Trong khuôn khổ chương trình khảo sát, làm việc, buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác cùng các đại diện Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và các ban, sở, ngành liên quan của tỉnh Ninh Thuận đã khảo sát tại BIM Group và Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam, các đường dây 500kV, 220kV huyện Thuận Nam.
Đoàn công tác khảo sát tại Tổ hợp Nhà máy điện năng lượng tái tạo Bim và khu vực đồng muối Quán Thẻ, BIM Group. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp
Đoàn công tác khảo sát tại Dự án điện gió của Tập đoàn BIM
Đoàn công tác khảo sát và làm việc với Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam. Ảnh: Vụ Kinh tế tổng hợp.
Đoàn công tác đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của hai đơn vị.
Vụ Kinh tế tổng hợp