Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ngành cấp tỉnh và các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại buổi làm việc
Thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hoá đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới 03/03 công ty nông nghiệp để thành lập Công ty TNHH Hai thành viên; gồm: Công ty TNHH Hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và Thực phẩm sữa Yên Mỹ, Công ty TNHH Hai thành viên Hồ Gươm Sông Âm và Công ty TNHH Hai thành viên Lam Sơn. Trong quá trình sắp xếp, các công ty nông nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp. Sau sắp xếp, tình hình tài chính lành mạnh hơn, cơ bản giải quyết được nợ khó đòi. Vốn chủ sở hữu tăng lên. Các công ty nông nghiệp sau sắp xếp, đổi mới đã hướng đến tổ chức sản xuất quy mô lớn và tập trung, như dự án xây dựng nhà máy chế biến sữa, các dự án trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, các dự án chăn nuôi quy mô lớn… Tuy nhiên, theo đánh giá, việc ứng dựng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn chậm, sản phẩm chưa đa dạng.
Đối với các công ty lâm nghiệp, năm 2017, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã chuyển giao Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh về tỉnh quản lý. Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới 2 công ty lâm nghiệp này. Tuy nhiên, đến nay, phương án vẫn chưa được phê duyệt do đang chờ các bộ ngành Trung ương bàn hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, mặc dù đã bàn giao về tỉnh Thanh Hóa được 7 năm, nhưng Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh vẫn chưa thể hoàn thành việc sắp xếp theo Nghị quyết 30, Kết luận 82 của Bộ Chính trị; dẫn đến khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác có ý kiến đề nghị các sở, ngành của tỉnh làm rõ hơn một số nội dung về những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động các công ty lâm nghiệp; việc quản lý, sử dụng đất; việc xử lý tài sản trên đất…trao đổi về các giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi làm việc
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng trân trọng cảm Ban Kinh tế Trung ương đã lựa chọn Thanh Hoá làm một trong những địa bàn khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị. Đây là cơ hội, là điều kiện để Thanh Hoá nhìn lại những mặt đã làm được; cũng như kiến nghị, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị trong việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Khẳng định vai trò quan trọng của các nông trường, lâm trường trong các thời kỳ lịch sử của đất nước, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cho biết: Thanh Hoá là tỉnh đi sớm trong việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các ban quản lý rừng, các nông trường, lâm trường. Sau sắp xếp, hiệu quả hoạt động của các đơn vị được nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh theo tinh thần Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị. Đây là những vướng mắc nằm ngoài thẩm quyền của tỉnh Thanh Hoá. Do vậy, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc trong việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của hai công ty lâm nghiệp này.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng khẳng định: việc thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị tại Thanh Hoá đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời cho biết: những kết quả, nhất là những vướng mắc, những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị tại tỉnh Thanh Hoá, đã giúp cho đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương nắm bắt thêm được nhiều thông tin, qua đó đánh giá, bổ sung vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết trên phạm vi cả nước.
Thay mặt đoàn công tác, Phó Trưởng Ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hoá để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị nghiên cứu, chỉ đạo có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Theo báo Thanh Hóa