Buổi Đối thoại có sự tham gia của khoảng 80 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, cùng hơn 350 đại biểu tham dự trực tuyến là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế... Chương trình đối thoại gắn với nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương về việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Đối thoại lần thứ hai được tổ chức sau hơn 1 năm kể từ Đối thoại lần thứ nhất do Bộ Công Thương thực hiện vào tháng 3/2021.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn
Đối thoại bao gồm Phiên khai mạc và hai (02) Phiên báo cáo, thảo luận, tập trung vào phân tích, chia sẻ một số vấn đề liên quan đến chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đặt trong trong bối cảnh các xu thế lớn về chuyển dịch năng lượng trên thế giới và hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam gắn với những cơ hội, thách thức và thực tế triển khai hiện nay và trong thời gian tới… Buổi Đối thoại lần thứ hai với Hội đồng chuyển dịch Năng lượng COP-26 (COP-26 ETC) có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về mục tiêu trung hoà phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Đối thoại, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng là mục tiêu xuyên suốt và được Việt Nam xác định trong suốt 35 năm đổi mới vừa qua. Đặc biệt trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định rõ bảo đảm an ninh năng lượng bền vững quốc gia của Việt Nam cần gắn với yêu cầu bảo đảm an toàn môi trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về trung hoà các-bon vào năm 2050 tại COP26. Áp lực của bảo đảm an ninh năng lượng bền vững trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 2021-2030 là một thách thức lớn và đòi hỏi Việt Nam cần có chủ trương và chính sách thực sự đột phá để phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Đồng chí nêu rõ, Nghị quyết 55-NQ/TW đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả, triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đồng thời phát triển lộ trình hợp lý các nguồn năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch. Hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang tích cực xây dựng quy hoạch điện lực quốc gia; quy hoạch chung về phát triển năng lượng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, cần có ý kiến của các cơ quan trong nước, quốc tế để hoàn thiện.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi đối thoại
Phát biểu trực tuyến tại Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức về dài hạn. Mức độ lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng tại Việt Nam đang ngày càng lớn. Yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam là đảm bảo nguồn cung liên tục, ổn định với mức giá chấp nhận được để đảm bảo sự tiếp cận của người dân đối với năng lượng. Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay Bộ Công thương đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ sử dụng các nguồn năng lượng sạch, hạn chế tối đa tác động đến môi trường.
Tại Đối thoại, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội luôn chú trọng xây dựng, ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát chính sách pháp luật về phát triển năng lượng nhất là về điện lực. Quốc hội luôn ủng hộ, đồng hành với Chính phủ trong triển khai các giải pháp chuyển dịch năng lượng hướng tới phát triển bền vững và kịp thời rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luậtt để ạo dựng cơ sở pháp lý cho Chính phủ thực hiện các cam kết tại COP21, COP 26 về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều đạo luật, nghị quyết của Quốc hội trong thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển dịch năng lượng.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi Đối thoại
Tham gia đối thoại lần này, đại diện Bộ Công Thương đã cập nhật thêm tình hình triển khai xây dựng Tổng sơ đồ điện 8, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung vào đề xuất cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo phù hợp với yêu cầu nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Về phía các tổ chức quốc tế, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ thông tin về việc thực hiện cam kết COP-26 gắn với việc huy động vốn đầu tư vào hạ tầng năng lượng tại Việt Nam, đại diện tổ chức Nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng tại Đông Nam Á SEA ETP đã chia sẻ Báo cáo nghiên cứu và đề xuất về tiềm năng giảm dần than tại Việt Nam, đại diện Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam VEPG chia sẻ về kết quả thảo luận vừa qua, ngày 14-15/4/2022, về phát triển năng lượng tái tạo; đại diện của Ngân hàng ADB giới thiệu về cơ chế chuyển dịch năng lượng. Đối thoại còn được nghe ý kiến của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam cũng như các bài trình bày của một số tổ chức tài chính, đầu tư, ngân hàng quốc tế và trong nước như HSBC, VinaCapital, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, Dragon Capital và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF). Các ý kiến và thảo luận nổi bật tại buổi đối thoại bao gồm định hướng Quy hoạch điện VIII và sự cần thiết của lộ trình giảm than, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, chuyển dịch năng lượng, hướng đến cam kết phát thải ròng bằng 0, trong đó có tính đến giá điện phù hợp, đảm bảo yêu cầu phát triển thị trường điện minh bạch, cơ chế giá khởi tạo ban đầu cho điện gió ngoài khơi (và sự cần thiết áp dụng cơ chế FIT cho gian đoạn đầu), liên kết chuỗi cung ứng và giá trị, giải quyết vấn đề quy hoạch không gian biển và sự cần thiết tập trung vào các dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn. Các đại biểu cũng quan tâm đến sự hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc tế, giải quyết những bất cập của thị trường mua bán điện, thí điểm hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và đề xuất xây dựng các khung định chế về tài chính xanh. Về dài hạn, có nhiều ý kiến đề xuất về sự cần thiết rà soát và điều chỉnh Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu, ban hành các Luật mới như Luật Năng lượng tái tạo, Luật Biến đổi khí hậu, các hành lang, khuôn khổ chung để tạo điều cho sự tham gia của khối tư nhân với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, giữa các ngành, và liên quan nhiều đến ngành công thương.
Ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam phát biểu tại buổi đối thoại
Kết luận tại Đối thoại, Đại sứ COP-26 Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nam Á Ông Ken O’Flaherty cho rằng COP26 đã thật sự kích hoạt nhiều nội dung trên toàn cầu để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Đại sứ O’Flaherty rất ấn tượng với sự quan tâm của các đại biểu và sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp. Ông ghi nhận sự cần thiết thúc đẩy hơn nữa năng lượng xanh trong thập kỷ tới, bao gồm hiện đại hóa lưới truyền tải, công nghệ lưu trữ, thu hút đầu tư và cơ chế tài chính cho năng lượng sạch, đặc biệt khi Việt Nam có vị thế tốt để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 và triển khai đồng bộ theo định hướng của Nghị quyết 55-NQ/TW.
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại buổi đối thoại
Cùng kết luận tại Đối thoại, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển cảm ơn các đại biểu từ các ban, bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến rất hữu ích. Đồng chí mong muốn trong thời gian sắp tới Ban Kinh tế Trung ương cũng như các bộ ngành sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến, khuyến nghị trong nước và quốc tế. Đồng chí tin tưởng các hoạt động cởi mở về trao đổi chính sách như hôm nay sẽ giúp các cơ quan của Việt Nam sẽ có những chính sách phù hợp nhất và tốt nhất trong điều kiện của Việt Nam để hưởng đến đạt được mục tiêu về cam kết của Việt Nam đối với COP26. Đồng chi cũng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào các chính sách của Việt Nam, tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phát triển năng lượng.
Quang cảnh buổi Đối thoại
Thay mặt Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí ghi nhận và đánh giá cao Đối thoại lần thứ hai về chuyển dịch năng lượng với Hội đồng chuyển dịch năng lượng COP-26; trên cơ sở kết quả của Đối thoại và làm việc thêm các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế liên quan. Ban Kinh tế Trung ương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng hợp, xây dựng báo cáo đề xuất, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về một số vấn đề liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng quốc gia bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với yêu cầu bảo đảm môi trường và những cam kết quốc tế của Việt Nam tại COP-26. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trong Đối thoại cũng là những tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ về định hướng phát triển hạ tầng năng lượng trong xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế