Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Duy Hưng đánh giá cao nỗ lực cũng như kết quả làm việc của Đoàn lần này với các bộ, ngành liên quan. Đồng chí cũng nhận định, Đoàn đã thường xuyên có những báo cáo chất lượng, cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid 19, cũng như xung đột Nga - Ukraina, qua đó giúp Việt Nam có những đối sách kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng trao đổi với đoàn IMF
Trao đổi với Đoàn về những vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, ứng phó linh hoạt với các tình huống xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vui mừng cho biết những khuyến nghị của IMF là rất kịp thời giúp Việt Nam vượt qua được những khó khăn, tận dụng được thời cơ để thúc đẩy phát triển. Đưa ví dụ cụ thể trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến rất phức tạp, đồng chí cho biết, Việt Nam cũng đã triển khai hàng loạt chính sách phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, hiệu quả.
Bà Era Dabla-Norris trao đổi ý kiến
Tại buổi làm việc, bà Era Dabla-Norris đánh giá cao những chính sách mà Việt Nam sử dụng trong thời gian qua nhằm hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt được triển khai thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội triệt để nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trưởng Đoàn Điều IV nhấn mạnh, IMF đánh giá các phản ứng chính sách của Việt Nam trong thời gian qua là thích hợp bằng cách đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc-xin và tăng cường hỗ trợ chính sách để tạo tiền đề cho sự phục hồi trong năm tới. Cũng như việc Việt Nam đã tăng hỗ trợ cho lĩnh vực y tế, bao gồm cả việc triển khai vắc-xin nhanh hơn, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp; nợ công và nợ chính phủ bảo lãnh kiểm soát ở mức an toàn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Đoàn công tác IMF
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng đánh giá cao những khuyến nghị của bà Era Dabla-Noris, đặc biệt trong thực hiện những chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đồng bộ linh hoạt, không nghiêng về bên nào. Cũng như luôn nhìn nhận được những rủi ro có thể xảy ra như dịch bệnh, những vấn đề an ninh phi truyền thống, đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản, chứng khoán,… của Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới biến động lớn như hiện nay, việc Việt Nam nhận được những khuyến nghị kịp thời từ các tổ chức quốc tế, trong đó có IMF để Việt Nam có thể kịp thời điều chỉnh chính sách trong nước là cực kỳ quan trọng. Những ý kiến của Đoàn sẽ là những thông tin rất có giá trị cho Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung, đặc biệt là cho Ban Kinh tế Trung ương - cơ quan được giao chức năng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư những đường lối chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội.
Quang cảnh buổi tiếp
Kết thúc buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ hợp tác của IMF trong công tác đánh giá, phân tích tình hình kinh tế vĩ mô, các chính sách của Việt Nam trong thời gian qua. Đồng chí Phó Trưởng Ban mong muốn IMF tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan của Việt Nam trong thời gian tới./.
Việt Dũng - Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế