Chủ trì hội thảo chuyên đề 4 có các đồng chí: Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội; Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế - ILO tại Việt Nam.
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu điều hành tại hội thảo
Đổi mới và năng lực quản trị thị trường lao động theo hướng đảm bảo tính kết nối, tổ chức quản trị lao động là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế như các cân đối về tài lực, vật lực trong phát triển kinh tế. Để có giải pháp nhằm năng lực, chất lượng lao động, đặc biệt lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phải tăng lên tương xứng với nhu cầu và chất lượng lao động gắn với năng suất và hiệu quả nguồn lực lao động đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Các cấp, các ngành cần chú trọng đến phát triển cung, cầu lao động gắn với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội; đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý lao động, gắn lao động với các thực thể tổ chức hoạt động kinh tế; có chính sách khuyến khích các chủ thể sử dụng lao động tham gia quá trình đào tạo, tạo việc làm với cũng như nâng cao tay nghề của lao động hiện có và trong tương lai. Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của cả Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động.
Đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội phát biểu tại hội thảo
Với ý nghĩa đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức để kịp thời lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và đại diện người lao động nhằm tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tham dự hội thảo có khoảng 300 đại biểu bao gồm lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương và các địa phương; đại diện một số đại sứ quán và tổ chức quốc tế; đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong các lĩnh vực lao động, an sinh xã hội; các chuyên gia quốc tế; đại diện các địa phương đã tham gia trao đổi và đối thoại tại Hội thảo.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế - ILO tại Việt Nam phát biểu tham luận
Tại Hội thảo chuyên đề 4, các bài tham luận và ý kiến thảo luận nêu, phân tích sâu hơn về phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu của thị trường lao động Việt Nam ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới; đánh giá những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, Các bài viết, ý kiến tại hội thảo cũng gắn vấn đề phát triển thị trường lao động, xác định lao động là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời gắn phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định các loại thị trường, tháo gỡ khó khăn, tập trung các nguồn lực cho phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng trong việc kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất trong nước, ổn định giá cả thị trường, đề xuất chính sách hỗ trợ về vốn và các chính sách liên quan để giảm thiểu tác động đến nhu cầu lao động, việc làm; cơ quan quản lý lao động chủ động nắm bắt tình hình cắt giảm việc làm trong các doanh nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động theo đúng quy định; rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm; tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, hướng dẫn chuyển đổi nghề nghiệp, nhất là đối với những người bị mất việc làm trong thời gian vừa qua; tăng cường các biện pháp ổn định quan hệ lao động hợp đề phòng ngừa, giảm thiểu, giải quyết có hiệu quả các cuộc tranh chấp, sa thải lao động…
Quang cảnh hội thảo chuyên đề 4
Tại phần thảo luận của hội thảo, các đại biểu thảo luận về các vấn đề, như: Đánh giá, làm rõ thực trạng về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi đối với người lao động; kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian qua. Nhận diện rõ những rủi ro và thách thức đối với thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới; trao đổi các mô hình, cách làm hay; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi cho người lao động trong thời gian tới; bàn về các vấn đề khác liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có biến động nhanh, phức tạp và khó dự báo, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức… Hội thảo nhận được sự hưởng ứng, quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan hoạch định chủ trương, chính sách, các cơ quan quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, các địa phương, cũng như của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Sau hội thảo, các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận gợi ý chính sách được Ban Tổ chức tổng hợp nghiên cứu tham mưu, kịp thời đề xuất với Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục đẩy nhanh quá trình phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế