Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh được gắn liền với hai chữ “đổi mới”. Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ VI, mà Đại hội lần thứ VI là Đại hội đề ra đường lối đổi mới và mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Đó là một cái lý. Song cái lý lại được chứng minh sâu sắc hơn nhiều, có tính thuyết phục hơn nhiều bởi hoạt động thực tiễn của đồng chí.
Sẽ là không khách quan nếu nói Đổi mới là công trình của một cá nhân nào đó. Không. Đó là công trình của toàn Đảng ta, của Đại hội Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương và của toàn thể nhân dân ta. Những nhân tố đầu tiên của đổi mới xuất hiện sớm hơn nhiều so với Đại hội lần thứ VI và người sáng tạo ra những việc làm đổi mới không phải ai khác mà chính là nhân dân, qua thực tiễn của mình. Đảng là người phát hiện, tổng kết lại thực tiễn ấy, đúc kết kinh nghiệm và đề ra đường lối.
Song cũng sẽ là không khách quan nếu không thấy được vai trò cá nhân của các nhà lãnh đạo trong tiến trình xây dựng đường lối. Xét về mặt này, đồng chí Nguyễn Văn Linh thật sự là một trong những nhà lãnh đạo có công cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta thời kỳ đó, thiết kế nên đường lối đổi mới. Chúng ta nhớ lại Hội nghị Trung ương 8 (Khóa V) đã xác định: “Vận dụng đúng đắn các quy luật kinh tế để giải quyết những vấn đề thực tiễn của nước ta”.
Cần thấy rằng: Những rối loạn và hoạt động kinh tế và trong đời sống xã hội đã tồn tại và phát triển suốt 10 năm (1976-1986). Do vậy, ngay từ phiên thảo luận thứ nhất dự thảo đề cương báo cáo chính trị Đại hội VI để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (khóa V), đồng chí Trường Chinh và đồng chí Mười Cúc đã chính thức nêu đề nghị: “Cần có bước đổi mới căn bản và quan trọng trên các mặt: Đổi mới tư duy, đổi mới quản lý kinh tế, đổi mới trong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ”.
Từ sau đó, với vai trò phụ trách trực tiếp Tổ Biên tập Báo cáo Chính trị trình Đại hội VII, đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) đã chỉ đạo, góp ý nhiều ý kiến quan trọng cho đường lối Đổi mới kinh tế của Đảng ta và sau đó, trên cương vị Tổng Bí thư, đã chỉ đạo và điều hành một cách có hiệu quả các hoạt động của Đảng để đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: THỦY NGUYÊN Thời gian làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra và lãnh đạo thực hiện nhiều quyết sách đổi mới đúng đắn, sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong chính sách đối ngoại và bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI và các Nghị quyết Trung ương khóa VI làm cho đất nước đứng vững, ổn định, từng bước vượt qua khủng hoảng để phát triển tiến lên. Đồng chí cũng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc rút kinh nghiệm của những năm đầu đổi mới, tiếp tục phát triển đường lối của Đại hội lần thứ VI để đề ra những quyết sách mới trong các Văn kiện Đại hội lần thứ VII. Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VII, đồng chí đã nhất trí với ý kiến cần xác định rõ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và chủ trương đưa vấn đề này ra toàn Đảng thảo luận. Đại hội các cấp đến Đại hội toàn quốc của Đảng đã nhất trí với luận điểm nói trên. Đúng như đồng chí đã nói: "Cái mới trong Văn kiện Đại hội lần này là cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh". Đây là một quyết nghị cơ bản, cực kỳ quan trọng, mở đường cho sự phát triển lý luận và đường lối của Đảng ta. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí một mặt ra sức tìm tòi để cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ VI bằng những cơ chế, chính sách, bước đi, cách làm phù hợp đem lại những hiệu quả thiết thực, mặt khác đã kịp thời đặt ra những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo sự nghiệp đổi mới nhằm giữ vững định hướng chính trị-xã hội cho toàn Đảng, toàn dân. Đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn nhấn mạnh đến mục tiêu, nội dung của công cuộc đổi mới của Đảng đã đề ra, để thấy rõ đây là đòi hỏi bức thiết của đất nước, là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là xu thế tất yếu của thời đại. Có nhận thức điều này mới thấy rõ sự khác biệt giữa đổi mới của chúng ta với cải tổ ở Liên Xô và cải cách ở các nước Đông Âu. Những cuộc cải cách này mang tính chủ quan áp đặt, từ bỏ sứ mệnh lãnh đạo của Đảng, phản bội sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí nói: "Việc đổi mới phải bắt đầu từ lĩnh vực tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức và cán bộ, phong cách lãnh đạo và công tác". Dựa trên tư duy mới trong công cuộc xây dựng kinh tế, tiến hành ba nhiệm vụ quan trọng: a) Bố trí lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, tập trung sức người, sức của và việc thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực-thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng xuất khẩu. b) Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm giải phóng, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa để thúc đẩy sản xuất phát triển. c) Tháo gỡ những ràng buộc bất hợp lý làm cho các thành phần kinh tế ở trong nước đều phát triển, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo nhưng đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể đầu tư phát triển sản xuất.
Theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: "Sự nghiệp đổi mới" không phải là phủ nhận tất cả quá khứ mà là sự kế thừa những tinh hoa của quá khứ. Đổi mới đòi hỏi phải có tư duy sáng tạo. Phải có nhận thức đúng và sâu mới làm đúng và có hiệu quả. Muốn bảo đảm thực hiện được công cuộc đổi mới kinh tế có kết quả chúng ta phải coi trọng hàng đầu việc mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện khẩu hiệu: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" để huy động được sức mạnh của toàn dân. Về mặt đổi mới tư duy trong đời sống là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó, để tìm tòi các biện pháp có hiệu quả cho hoạt động. Đổi mới tư duy là một công việc khoa học, đòi hỏi phải có tri thức, chứ không phải là một nhận thức cảm tính, tùy tiện, kinh nghiệm chủ nghĩa. Vì vậy, công việc đổi mới phải gắn liền với việc nâng cao trình độ dân trí, chăm lo đến công tác giáo dục-đào tạo. Việc đổi mới tư duy đòi hỏi phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, nhất là chống thoái hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Phải nói rằng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dành nhiều thời gian chăm lo đến việc giáo dục cán bộ, đến công tác cán bộ. Đồng chí đã phân tích sâu sắc để chứng minh rằng sức mạnh của Đảng là do có đường lối chính trị đúng đắn và sáng tạo, đồng thời có đội ngũ cán bộ bảo đảm trình độ và phẩm chất đạo đức theo gương Bác Hồ. Đồng chí nói: Những tiêu cực phát sinh, tồn tại và ngày càng phát triển trầm trọng trong Đảng vào những năm sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất là do chúng ta buông lỏng công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục và quản lý đảng viên, coi nhẹ việc xây dựng "chiến lược con người". Đây là nguy cơ đối với một đảng đang cầm quyền. Nhân dịp tưởng niệm đồng chí Nguyễn Văn Linh, kỷ niệm ngày thống nhất Đất nước, Báo Nhân Dân tổ chức lễ ra mắt Trang Thông tin đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, làm sống dậy “những việc cần làm ngay” trong những năm đầu đổi mới là việc làm rất có ý nghĩa trong điều kiện hiện nay. Đánh giá về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Những bài viết trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” mang tên Nguyễn Văn Linh thể hiện trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta chống tham nhũng tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân”. Đánh giá nhiệm kỳ Tổng Bí thư của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở thời kỳ đầu đổi mới, Đảng ta đã khẳng định: Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng chí đã nêu ra và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2023 ĐỖ NGỌC AN Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
|