Tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính còn tồn tại; hiện tượng mỗi địa phương là một nền kinh tế dẫn đến liên kết phát triển ít được quan tâm, thậm chí còn cạnh tranh với nhau làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng - đây chỉ là một số hạn chế, tồn tại khiến cho kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế nói chung, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng chưa thực sự được như kỳ vọng. Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự tại Tọa đàm.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết
phát biểu chỉ đạo
Ngày 01/7/2022, tại Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm khoa học "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới". Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì Tọa đàm.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; một số một số chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, nhìn về tổng thể, mặc dù duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài nhưng quy mô nền kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét. Một số địa phương tuy có số thu ngân sách lớn nhưng còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn…
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cũng giống như nhiều vùng kinh tế trọng điểm khác, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế. Liên kết vùng đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp. Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch vùng; chưa được trao “quyền” trong việc quyết định các nguồn lực cho các dự án vùng. Liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, hình thức chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp vùng; năng lực, tư duy và trình độ quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển; hệ thống thông tin dữ liệu chung của vùng chưa được quan tâm; thiếu sự phân công giữa các địa phương trong vùng. Một số tài nguyên, nguồn lực bị khai thác manh mún nên hiệu quả thấp; liên kết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa đa dạng, chưa chặt chẽ; kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn bất cập… Đặc biệt, tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính còn tồn tại; hiện tượng mỗi địa phương là một nền kinh tế dẫn đến liên kết phát triển ít được quan tâm, thậm chí còn cạnh tranh với nhau làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng.
Các đại biểu tham dự phiên đối thoại
Trong khuôn khổ Tọa đàm, Bí thư 5 tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã đề cập tới nhiều nội dung được cho là khó khăn nhất, bế tắc nhất trong liên kết phát triển vùng. Tuy còn một số nội dung còn có ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản đều thống nhất:
Thứ nhất, việc thành lập Hội đồng vùng hay Tổ điều phối vùng không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là thể chế, cơ chế để các tổ chức này hoạt động. Bởi theo các đại biểu, khu vực miền Trung đã chủ động thành lập Ban điều phối vùng nhưng chỉ hoạt động thực chất được một thời gian, sau đó không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.
Thứ hai, phải có vai trò của Trung ương trong việc điều phối thì mới đủ thầm quyền, có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.ư
Thứ ba, cần phải có nguồn lực để đảm bảo cho Vùng Kinh tế trọng điểm. Bởi nếu đã xác định vùng trọng điểm thì phải có cơ chế để ưu tiên đột phá phát triển vùng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và là động lực kích thích cho vùng kinh tế đã được xác định.
Thứ tư, có nên nghiên cứu phân lại vùng kinh tế trọng điểm. Bản thân 5 tỉnh, thành này không thể đủ sức để trở thành động lực cho cả khu vực miền Trung. Nên chăng phài tính đến cả các tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay mới chỉ liên kết các tỉnh theo trục dọc, chưa có liên kết ngang.
Bên cạnh đó, Bí thư 5 tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đại diện một số bộ, ngành cũng đã đi thẳng vào nhiều nội dung khác như: Đánh giá về tiềm năng, lợi thế của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; Quy hoạch vùng tác động đến liên kết vùng; liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đối với phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả Vùng Duyên hải miền Trung trong bối cảnh mới; Đề xuất một số phương án tổ chức bộ máy Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới…
Quang cảnh tọa đàm
Kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết cảm ơn các đồng chí Bí thư, lãnh đạo các tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự Tọa đàm, đặc biệt là đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận đặc biệt sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm và chất lượng. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc kết quả Tọa đàm để lựa chọn, tổng hợp đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung cũng như liên kết phát triển vùng nói riêng trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế