Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp quốc phòng
Hôm nay, ngày 29/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp quốc phòng. Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện Lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính; đại biểu Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị và một số cơ quan của Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị Ban Kinh tế Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, trong những năm qua, phát triển công nghiệp quốc phòng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Chính trị đã ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, mới nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/01/2022 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Triển khai thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, ngành công nghiệp quốc phòng đã có những bước phát triển mới. Sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, bảo đảm chất lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Quân đội.
Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
phát biểu tại hội nghị
Đại Tướng Phan Văn Giang cũng cho rằng, trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thế giới, khu vực và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và phát triển đất nước là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thống nhất trong nhận thức và quyết liệt trong hành động để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, của Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết 23-NQ/TW đã đề ra, trong đó, yêu cầu cấp bách là cần sớm nghiên cứu, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết đồng bộ với công nghiệp dân sinh theo chủ trương của Đảng.
Với những yêu cầu quan trọng đặt ra như vậy, đồng chí Phan Văn Giang cho rằng, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Quốc phòng với các ban, bộ, ngành liên quan, Bộ Quốc phòng mong muốn Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng Bộ Quốc phòng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng những chủ trương, đường lối phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị
Đồng tình và thống nhất cao với những ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; bày tỏ vui mừng và đánh giá cao về những kết quả đạt được của công nghiệp quốc phòng trong thời gian qua, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, với mục đích phối hợp triển khai các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng cũng như thúc đẩy liên kết giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân sinh nêu tại Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời để có thêm luận cứ phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Quốc phòng nhằm nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, để công nghiệp quốc phòng thực sự trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia.
Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng lưu ý về một số vấn đề còn vướng mắc, rào cản về cơ chế, chính sách đang tác động làm hạn chế đến sự phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam, cụ thể như: Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng chưa chặt chẽ, hiệu quả; nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chưa có nhiều sản phẩm lưỡng dụng phục vụ dân sinh…
Vì vậy, để góp phần giải quyết những vấn đề này, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung như: tình hình huy động công nghiệp quốc gia, công nghiệp dân sinh, công nghiệp hỗ trợ; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp then chốt; tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết và đầu tư nguồn lực hỗ trợ các cơ sở dân sinh phục vụ công nghiệp quốc phòng.
Đồng chí Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
đã ký Báo cáo kết quả phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương
Báo cáo và tham gia ý kiến tại Hội nghị, các cơ quan Bộ Quốc phòng, đặc biệt là đại diện một số bộ, ngành tập trung vào một số nội dung như: Thực trạng tình hình huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian qua; một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự cường, sẵn sàng hội nhập quốc tế; cơ chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong chiến lược xây dựng, phát triển công nghiệp quốc gia nói chung và công nghiệp quốc phòng, nhất là lĩnh vực công nghiệp lưỡng dụng, công nghiệp dân sinh; xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp...
Đồng tình và thống nhất cao với những ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhất trí cao về những kết quả phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian qua cũng như định hướng phối hợp, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Hai bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách thí điểm, đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng; nhiệm vụ ưu tiên và cấp bách là sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng và luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù về công nghiệp quốc phòng, nhất là trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ cùng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Quang cảnh hội nghị
Hai bên cũng thống nhất, sau Hội nghị này, các ý kiến và đề xuất của các đại biểu sẽ được hai cơ quan đầu mối của Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo chung, đặc biệt là phối hợp nghiên cứu, đề xuất, tham mưu một số nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở đó đề xuất với Đảng, Nhà nước về các cơ chế, chính sách đặc thù trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp để phát triển công nghiệp quốc phòng tự chủ, tự cường trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đồng chí Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã ký Báo cáo kết quả phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương dưới sự chứng kiến của Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đại diện lãnh đạo một số bộ ngành và cơ quan tham dự Hội nghị.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế