Bao gồm 19 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh miền Trung bắt đầu từ Thanh Hóa và kéo dài cho tới Bình Thuận với địa thế đa dạng. Trong những năm chiến tranh, miền Trung là vùng đất lịch sử và anh hùng, hòa bình lập lại, nhất là những năm gần đây, các tỉnh miền Trung đang dần trở thành một trung tâm phát triển của cả nước. Nhiều tỉnh, thành đã chủ động, sáng tạo, khai thác thế mạnh nội lực, nguồn lực đất đai, chuyển đổi mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực
Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hôm nay, (ngày 07/12) tại Đà Nẵng, Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị miền Trung góp ý kiến Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng đại diện cho các tỉnh; các đồng chí đại diện các cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các địa phương; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Tổng kết Nghị quyết; đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, các sở, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng. Hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Điểm cầu chính tại Thành ủy Đà Nẵng với sự tham dự trực tuyến của 18 điểm cầu tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung.
Đoàn chủ tọa hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW nhấn mạnh: Hướng đến mục tiêu hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách đất đai giai đoạn 2021-2030, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta về quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ phát triển bền vững đất nước, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực.
Trong bối cảnh thời gian thực hiện công tác Tổng kết Nghị quyết không dài, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết. Công tác tổng kết Nghị quyết đã được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, Ban Chỉ đạo đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đánh giá cao những kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, trong quá trình tổng kết Nghị quyết cho thấy có nhiều vấn đề liên quan tới quản lý, sử dụng đất đai còn có những ý kiến khác nhau, cần tiếp tục làm rõ để hoàn thiện Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, được sự đồng ý của Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Khu vực miền Trung góp ý kiến Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương 6 khóa XI để tiếp tục lấy ý kiến các tỉnh, thành, các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm giải quyết các vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau, đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể, khả thi, phù hợp để hoàn thiện Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW.
Hội nghị góp ý kiến khu vực miền Trung nhằm 3 mục tiêu chính, thứ nhất: tạo diễn đàn để các tỉnh uỷ, thành uỷ trong khu vực trao đổi, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương; thứ hai: tạo sự đồng thuận trong việc đề xuất với Trung ương những quan điểm, mục tiêu, giải pháp về định hướng quản lý, sử dụng đất đai trong thời kỳ mới; thứ ba: làm rõ hơn những vấn đề còn băn khoăn trong công tác tổng kết Nghị quyết.
Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các tỉnh, thành với thực tiễn phong phú, kinh nghiệm từ địa phương mình, đóng góp ý kiến vào ba nhóm vấn đề chính hiện còn đang còn nhiều ý kiến khác nhau, cần được làm rõ, nhất là chỉ ra những những hạn chế và phân tích sâu về những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó, đề ra định hướng, giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới. Đồng chí cũng đề nghị các tỉnh, thành chia sẻ một số kinh nghiệm, những mô hình mới, cách làm hay, những thành công từ thực tiễn để không chỉ các tỉnh, thành trong khu vực nghiên cứu vận dụng mà góp phần để Ban Chỉ đạo tổng hợp, thể chế hóa trong thời gian tới.
Các điểm cầu trực tuyến
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao tinh thần tích cực làm việc, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm từ các địa phương, bộ, ngành, nhất là nhiều nội dung đã được các địa phương thống nhất khá cao. Hội nghị đã đi thẳng vào những vấn đề lớn trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW trên địa bàn các tỉnh, thành, giúp Ban Chỉ đạo hiểu rõ hơn những thành tựu đã đạt được, những vấn đề thực tiễn cũng như những hạn chế, kinh nghiệm về quản lý, sử dụng đất đai và gợi mở những chủ trương, định hướng, giải pháp trong thời kỳ mới, với mục tiêu đảm bảo nguồn tài nguyên đất đai được sử dụng một cách hiệu quả, bền vững và thực sự là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Quang cảnh hội nghị
Thông qua những ý kiến phát biểu mang nhiều kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan trong địa phương mình tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện góp ý bằng văn bản và gửi lại Ban Chỉ đạo trong tháng 12 để làm cơ sở cho Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời, đồng chí cũng yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo Tổ Biên tập và các cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị, các ý kiến đóng góp của các địa phương để tiếp tục hoàn thiện Đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ./.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế