Hội thảo chuyên đề 1 có sự chủ trì của các đồng chí: Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; TS. Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam.
Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; Một số đại sứ quán và tổ chức quốc tế; các doanh nghiệp và các đại biểu khác.
Đoàn chủ tọa Hội thảo chuyên đề 1
Hội thảo sẽ tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập; những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; hoàn thiện pháp luật nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19; kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, bài học rút ra đối với Việt Nam; vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam; việc làm thỏa đáng thích ứng điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19; lao động, việc làm trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới; đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cho người lao động; phát triển việc làm trong điều kiện nền kinh tế số; vấn đề đổi mới quản trị quốc gia về lao động, đặc biệt chú trọng nhìn thị trường lao động toàn diện, cả lao động chính thức và lao động phi chính thức, trong đó xem xét vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra nhằm phát triển đồng bộ thị trường lao động sau đại dịch Covid 19.
Để đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng lao động sau đại dịch Covid 19, đáp ứng nhu cầu lao động trong điều kiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế, các tham luận, ý kiến đóng góp, trao đổi tại hội thảo, các bài viết trong kỷ yếu trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng thực trạng lao động, chuỗi cung ứng lao động và tác động của đại dịch tới thị trường lao động, đã góp phần luận giải thêm luận cứ khoa học và thực tiễn; hiến kế nhiều giải pháp, kiến nghị có ý nghĩa thực tiễn đòi hỏi từ cuộc sống. Tại Hội thảo này, nhiều ý kiến tham luận, bài viết đề xuất, hiến kế giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19, gắn với việc thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới cũng như các cam kết quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Các nhóm giải pháp kiến nghị Đảng và Nhà nước nhằm phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19, gồm:
Thứ nhất, cần đổi mới tư duy, nhận thức về lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; coi trọng phát triển thị trường lao động là nền tảng trụ cột của nền kinh tế. Cần phải chú trọng cả nguồn cầu, nguồn cung, chất lượng nhân lực và đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài phát triển nguồn nhân lực, lao động là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân người lao động. Để thúc đẩy phát triển nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế cần phải có các biện pháp toàn diện cho thị trường lao động, tư duy quản trị lao động phải toàn diện gồm cả lao động chính thức và phi chính thức.
Thứ hai, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động đảm bảo chất lượng, đồng bộ với hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng và hoàn thiện thể chế về quan hệ cung cầu thị trường lao động, việc làm; hoàn thiện theo hưởng đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật có liên quan trong quản lý lao động, việc làm nhằm phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.
Thứ ba, cần đảm bảo sự tập trung, thống nhất, có sự phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về lao động trên cơ ở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Thứ tư, cần hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu báo cáo và chế độ báo cáo liên quan đến quản lý lao động, việc làm hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động gắn với cơ sở dữ liệu dân cư, an sinh xã hội… nhằm phát huy vai trò chủ trì và sự phối hợp của các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin.
Thứ năm, cần tăng cường các biện pháp đảm bảo môi trường an toàn vệ sinh lao động. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Có biện pháp kinh tế và hành chính gắn trách nhiệm và quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động không chỉ phòng chống Covid-19 mà còn cả các nguy cơ bệnh tật khác trong môi trường lao động.
Thứ sáu, Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, lao động gắn với các chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ; các vấn đề đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động hướng tới sự bền vững và bao trùm đặt ra cần chủ động hoàn thiện hệ thống các chính sách kinh tế gắn với chính sách lao động. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội… phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người lao động.
Phần thảo luận của tọa đàm bàn về các vấn đề như: Việc làm thỏa đáng thích ứng điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19; vấn đề lao động, việc làm trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới và chịu tác động đại dịch Covid-19; vấn đề đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cho người lao động thích ứng điều kiện đại dịch Covid-19; phát triển việc làm trong điều kiện nền kinh tế số - giải pháp thích ứng an toàn đại dịch Covid- 19; vấn đề đảm bảo an sinh xã hội đối với lao động phi chính thức trong điều kiện thích ứng đại dịch Covid-19 và nền kinh tế chuyển đổi số.
Các giải pháp, kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo này, Ban tổ chức tiếp thu, tổng hợp, đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia; xây dựng thị trường lao động lành mạnh, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quang cảnh Hội thảo chuyên đề 1
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa những người làm chính sách, đại diện các Ban, Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế nhằm có thêm căn cứ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.
Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế