Chiều ngày 15/12/2021, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo chuyên đề về "Chuyển dịch năng lượng Việt Nam - cơ hội và thách thức", theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu trực tuyến tại Hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Đại sứ quan Đức và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của gần 50 đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường và hơn 100 đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu, là đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương, đại diện UBND, sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng. Hội thảo là một phần hoạt động của Dự án "Một số nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả và bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045" do GIZ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương thực hiện năm 2021, trong khuôn khổ Dự án EVEF, do Liên minh Châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) đồng tài trợ cho Chính phủ Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng truyền thống từ các nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng lớn mang tính toàn cầu để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế phát triển bền vững, bảo đảm yêu cầu chống biến đổi khí hậu. Việt Nam được đánh giá là một trong sáu quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Theo đồng chí, nhiều nghiên cứu đã cho rằng, xu hướng phát triển năng lượng của thế giới sẽ đi theo hướng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn.
Các điểm cầu hội thảo
Đồng chí khẳng định, nhận thức được cần phải đổi mới tư duy mạnh mẽ về phát triển năng lượng quốc gia, trong đó có yêu cầu thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, Đảng Cộng sản Việt Nam với vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết 55 đã đề ra hệ thống các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp lớn về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới. Nghị quyết 55 đã đề ra quan điểm "bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia…ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái" với mục tiêu: giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045; quan điểm "ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch" với mục tiêu: Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045; ...
Đồng chí chỉ ra, vấn đề chuyển dịch năng lượng hiện nay trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của những năm đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII gặp một số khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng trong đó có yếu tố đảm bảo ổn định nguồn cung với giá cả hợp lý cũng đặt ngành năng lượng nước ta những thách thức không nhỏ. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho rằng chuyển dịch năng lượng là hướng đi tất yếu để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, thích ứng với điều kiện phát triển trong thời gian tới của đất nước, đặc biệt là cam kết quốc tế của Việt Nam về trung hoà phát thải các-bon vào năm 2050 tại Hội nghị COP-26.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, để có thể trao đổi sâu hơn về những thuận lợi, khó khăn, đặc biệt là tìm ra những giải pháp phù hợp để thúc đẩy nhanh, bền vững và có hiệu quả quá trình chuyển đổi năng lượng, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung sau: Một là, đối với kết quả nghiên cứu của Dự án, đề nghị quý vị thảo luận, cho ý kiến đóng góp, phản biện trên cơ sở báo cáo tóm tắt của nhóm tư vấn Dự án và tham luận của các chuyên gia; theo đó, cần tập trung vào đánh giá thực trạng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đã phù hợp với các chủ trương, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 55. Hai là, việc xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng năng lượng phù hợp với tiến trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng, gắn với sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài. Ba là, một số giải pháp về công nghệ mới gắn với thành tựu cuộc CMCN 4.0 và vấn đề về phát triển nguồn nhân lực. Bốn là, phát triển chuỗi cung ứng chế tạo, dịch vụ theo hướng tăng cường tỷ lệ nội địa hoá phù hợp với định hướng xây dựng nền kinh tế tự chủ và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Năm là, vấn đề về đảm bảo môi trường trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải các-bon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo; trong đó cần chú trọng nội dung về thuế các-bon như khuyến nghị của Dự án gắn với lộ trình giảm phát thải các-bon để thực hiện cam kết của TTg tại COP-26 về trung hoà các-bon vào năm 2050. Sáu là, thảo luận về một số vấn đề thực tiễn nhằm tháo gỡ những khó khăn cho cho các doanh nghiệp, nhất là các Tập đoàn năng lượng Nhà nước triển khai hiệu quả chuyển dịch năng lượng.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao sự phối hợp của GIZ trong việc chủ động thực hiện quá trình nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu bản dự thảo đã được nhóm nghiên cứu tư vấn của GIZ với các chuyên gia quốc tế, trong nước nhiều lần xin ý kiến để hoàn thiện. Đồng chí mong muốn tài liệu này, sau buổi hội thảo hôm nay, sẽ được nhóm chuyên gia hoàn thiện để Ban Kinh tế Trung ương kịp thời gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ phù hợp với tiến trình sắp tới xây dựng Quy hoạch điện VIII cũng như chiến lược phát triển năng lượng quốc gia cũng như các quy hoạch, đề án chung của Chính phủ. Đồng thời, trong năm 2022 Ban Kinh tế Trung ương đang được Ban chấp hành Trung ương giao đề án liên quan đến xây dựng mô hình lộ trình và các chính sách công nghiệp hóa hiện đại hóa, đây là một trong những nội dung lớn sẽ được đưa vào đề án này. Kết quả của hội thảo ngày hôm nay sẽ cung cấp cho Ban Kinh tế Trung ương các luận cứ để phục vụ xây dựng đề án trình Ban chấp hành Trung ương vào tháng 10/2022.
Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn Dự án đã trình bày báo cáo kết quả tóm tắt của Dự án và xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới và những kinh nghiệm thực tế của nước Đức; đại diện Lãnh đạo các tập đoàn năng lượng Nhà nước: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã trình bày tham luận về một số định hướng chuyển dịch cơ cấu năng lương của các Tập đoàn trong giai đoạn tới; tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung góp ý cho dự thảo báo cáo Dự án, đồng thời thảo luận thêm về các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với tầm nhìn dài hạn về giảm thiểu phát thải các-bon để hướng tới mục tiêu trung hoà các-bon vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP-26. Qua đó, tổng hợp, đề xuất một số khuyến nghị khung chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam hiệu quả, bền vững gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về "Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế