Tham dự hội thảo có các đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các cơ quan liên quan của các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Hội thảo nằm trong chuỗi hội thảo về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững gắn với từng vùng đô thị (bao gồm: Vùng đô thị trung du và miền núi Bắc Bộ đã tổ chức ngày 10/7/2023 tại tỉnh Sơn La; Vùng đô thị Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Vùng đô thị Đồng bằng Sông Cửu Long) được tổ chức nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội thảo
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14/28 tỉnh, thành phố), với chiều dài đường bờ biển 1.800km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước; là vùng có quy mô diện tích lớn nhất cả nước. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, có vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có sự kết hợp đa dạng giữa các dạng địa hình như đồng bằng ven biển, dãy núi, rừng và bãi biển tạo nên một cảnh quan thiên nhiên đặc biệt.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội thảo
Trong những năm gần đây các địa phương trong Vùng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Một số địa phương đã khai thác, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để vươn lên, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng. Kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng ngày càng được nâng cao, nhất là ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, khí hậu của vùng khắc nghiệt, đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu với cường độ, tần suất của các loại hình thiên tai ngày càng khốc liệt, khó dự đoán hơn, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và quá trình phát triển đô thị, là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của Biến đổi khí hậu.
Ông Antoine Mougenot, Trưởng Ban Đô thị khu vực Đông Nam Á, AFD phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vùng đô thị Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung. Thời gian qua, lãnh đạo, các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống đô thị bền vững, có khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu, phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của địa phương. Nhiều kết quả tích cực đã thu được từ quá trình nỗ lực này, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, khó khăn chưa được giải quyết. Thông qua Hội thảo, tỉnh Quảng Trị mong muốn được các chuyên gia, các đại biểu tham dự đóng góp nhiều kinh nghiệm quý, nhiều đề xuất hiệu quả nhằm xây dựng và phát triển hệ thống đô thị Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng theo định hướng bền vững, xanh, thông minh và có khả năng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Chuyên gia AFD trình bày báo cáo 1
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng nêu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW là phải đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, xác định quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Đồng thời, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng xác định định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh.
Chuyên gia AFD trình bày báo cáo 2
Đồng chí đề nghị đại biểu các địa phương và các chuyên gia cùng trao đổi để nghiên cứu, đề xuất 3 nhóm vấn đề chính đó là: (1) Mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, những nội dung trọng tâm trong công tác quy hoạch và xây dựng đô thị gắn với yêu cầu về chủ động thích ứng và ứng phó có hiệu quả đối với những tác động tiêu cực về môi trường và biến đổi khí hậu; (2) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng quy hoạch và thực thi các chính sách phát triển đô thị phù hợp với yêu cầu thực tiễn; (3) Các giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới nhằm tăng cường khả năng chống chịu ở cấp địa phương đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Chuyên gia AFD trình bày báo cáo 4
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn quy hoạch Pháp (Cerema) đã trình bày bốn báo cáo chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quy hoạch phát triển đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Pháp và đề xuất một số mô hình xây dựng và phát triển đô thị tại Quảng Trị: (1) Chính sách về quản lý rủi ro thiên tai: từ kiến thức đến việc tích hợp rủi ro vào quy hoạch và phát triển lãnh thổ ở Pháp; (2) Các ví dụ và thực hành tốt trong việc triển khai các chính sách quản lý rủi ro thiên tai tại vùng ven biển của Pháp; (3) Xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho thành phố Đông Hà.
Các đại biểu thảo luận bàn tròn
Các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, hỏi - đáp với các chuyên gia về những nhóm vấn đề liên quan đến: cơ chế chính sách quản lý rủi ro thiên tai trong công tác quy hoạch đô thị; những thách thức trong quản lý quy hoạch gắn với phòng ngừa rủi ro phù hợp với điều kiện tự nhiên, hạ tầng tại từng địa phương; chia sẻ các giải pháp nhằm lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào công tác quy hoạch đô thị tại Quảng Trị cũng như các địa phương trong Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp để phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, như: các địa phương cần tiếp tục quán triệt và tập trung triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vùng, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong quy hoạch và phát triển đô thị. Tập trung xây dựng các chương trình phát triển đô thị để tích hợp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; Tập trung đẩy mạnh việc kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung – Nam nói chung; hỗ trợ liên kết phát triển trục đô thị Đông – Tây; Các đô thị lớn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Tăng cường quan tâm công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, chú trọng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và công trình hạ tầng xã hội; Lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia đã tham dự, phát biểu, đóng góp các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại Hội thảo. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển đồng tình với các chia sẻ, kiến nghị và nhấn mạnh một số nội dung như: việc tích hợp phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu trong kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng; trên cơ sở các chủ trương của Đảng, cần đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, hướng dẫn, tài liệu về vấn đề tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị và phát triển, thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị; sớm xây dựng dữ liệu, bản đồ, số hóa các thông tin về vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu; sớm cập nhật tiêu chuẩn, quy chuẩn, các định mức kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị; ưu tiên nguồn lực cho triển khai các hoạt động liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu; cần đồng bộ, nhất quán về cơ chế chính sách, quy hoạch từ địa phương, vùng đến toàn quốc; nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển khẳng định Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp nhận các thông tin, nội dung được trình bày tại Hội thảo để phục vụ cho công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế