Sáng 3/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc tại Hà Nội, dự kiến kéo dài đến 9/10.
Tại Hội nghị này, Trung ương sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước ba năm 2023-2025; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung ương cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, các vấn đề cần bàn và quyết định đều rất quan trọng, nhưng cũng rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Nhiều vấn đề đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, cần tiếp tục được thực hiện ở tầm mức mới với những quyết tâm mới, quyết sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, Tổng bí thư đề nghị trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, cần xác định trúng những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023.
Thời gian tới, Việt Nam vừa phải tiếp tục ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa phải đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém và những khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế. Áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, biến động mạnh giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao và thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp...
Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng bí thư nói cần xác định định hướng, phát triển ngành, lĩnh vực và việc phân bổ, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên toàn lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Nội dung của định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Trung ương lần này bao gồm những vấn đề thuộc về chủ trương, chính sách chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch phát triển nói chung và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quốc gia nói riêng; tập trung nhận định, đánh giá tình hình phát triển và tổ chức không gian phát triển của đất nước thời kỳ 2011 - 2020; các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo việc lập và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia...
Theo Tổng Bí thư, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương lớn, nhiệm vụ chiến lược, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm 2011-2020, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án trình Trung ương tại hội nghị này, để xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư đề nghị hội nghị đánh giá khách quan, khoa học về việc xây dựng chính sách và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian qua; chỉ rõ những kết quả, thành tích đạt được; phân tích hạn chế yếu kém và nguyên nhân; đưa ra giải pháp lớn cần triển khai.
Tổng Bí thư đánh giá, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quản lý nhà nước bằng pháp luật được chú trọng và tăng cường; hệ thống pháp luật được từng bước xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; coi đây "là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị".
Tổng bí thư khẳng định, đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, ông đề nghị Trung ương nghiên cứu thật kỹ các tài liệu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những kết quả, thành tựu đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ và giải pháp.
Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng bí thư nói đây là nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Ông đề nghị các các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Hội nghị cần chú ý đến những nhiệm vụ, giải pháp mới, có tính đột phá, khả thi cao nhằmtiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết để sớm khắc phục.
Theo VnExpress