Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hoa tưởng niệm đồng chí Huỳnh Tấn Phát. |
Tham gia đoàn có đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước.
Trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên trong đoàn thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát - nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam; một nhà trí thức giàu lòng yêu nước, có uy tín lớn; tấm gương tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc; người cộng sản kiên trung, mẫu mực, suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí Huỳnh Tấn Phát. |
Thủ tướng và đoàn nguyện ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, nỗ lực xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
* Sáng cùng ngày, trong chương trình công tác tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà tại Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Bến Tre tại quốc lộ 60, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre. Trường khai giảng khóa đầu tiên ngày 13/8/1991 với quy mô 30 em; nuôi và dạy trẻ khuyết tật từ tiểu học lên THCS. Năm học 2022-2023, trường có 256 em học sinh chia làm 28 lớp; trong đó 57 học sinh khiếm thính, 5 em học sinh khiếm thị; các em bị tự kỷ. Học sinh của trường trưởng thành có em trở thành Phó giáo sư, Tiến sĩ, tham gia lĩnh vực nghệ thuật; hằng năm, các em học sinh của trường có tham gia các cuộc thi năng khiếu. Trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong quá trình hoạt động.
Nhân dịp đến thăm, Thủ tướng cũng tặng các phần quà cho các em học sinh của trường; tặng tivi cho trường; nhân dịp này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và một số đơn vị cũng tặng quà cho trường.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi về thăm quê hương Đồng Khởi và đến thăm Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Bến Tre, qua đây đã thấy được sự quan tâm, chăm lo, đầu tư cho ngành giáo dục tỉnh nhà của lãnh đạo tỉnh Bến Tre.
Thủ tướng cho rằng, việc nuôi dạy các cháu là cần thiết, nhưng việc chăm sóc các cháu cũng là hết sức cần thiết để các cháu vơi đi khuyết tật. Do đó, Thủ tướng đặt vấn đề cần thêm vào từ "chăm sóc" vào tên trường để phản ánh tính chất toàn diện hơn.
Thủ tướng vui mừng vì trường đã hoạt động từ 30 năm nay, chăm sóc, nuôi dạy các trẻ tật nguyền, đưa các cháu từ chỗ khuyết tật, mặc cảm với cuộc đời đến chỗ yêu đời, ham học hỏi, trưởng thành. Đây là thành quả hết sức đáng khích lệ. Từ đây chúng ta càng thấy rõ, quan điểm của Đảng, Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau, càng cho thấy, các cháu bị khuyết tật nếu được chăm sóc, nuôi dạy thì vẫn sẽ trưởng thành, tự lo cho mình được, bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đây là điều hết sức nhân văn của chế độ ta nói chung, của tỉnh Bến Tre nói riêng.
Các thầy cô ở đây hết sức kiên trì để tạo ra ý thức cho các cháu học sinh vốn "chậm nhớ, mau quên", điều này đòi hỏi phải tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu thương. Thủ tướng mong các thầy cô đã tình nguyện đến đây chăm sóc, nuôi dạy các cháu thì cố gắng làm hết tinh thần trách nhiệm. Qua gặp gỡ, Thủ tướng rất vui mừng vì các thầy cô hết sức tận tình chăm sóc, dạy dỗ các cháu trong cùng một lớp nhưng độ tuổi khác nhau, khuyết tật cũng khác nhau; mỗi cháu phải có một giáo án riêng; quá trình lên lớp phải rất linh hoạt, nhạy bén với khả năng từng cháu để đưa ra phương án phù hợp mà các cháu tiếp thu được. Các thầy cô dạy ở đây cũng khác với các thầy cô ở lớp bình thường.
Việc nuôi dạy, chăm sóc các cháu bình thường đã khó, nhưng nuôi dạy các cháu không bình thường càng khó hơn, do đó cơ chế, chính sách phải khác thì mới khuyến khích các thầy cô đến đây dạy. Các thầy cô đến đây để có tình thương, trách nhiệm, nhưng công việc ở đây rất đặc thù, do đó cần có chế độ đặc thù.
Với nhà trường, Thủ tướng đề nghị cần tăng cường vệ sinh bếp ăn, quan tâm các cơ sở vật chất khác như nhà vệ sinh; kiểm tra, giám sát, hoàn thiện hệ thống thoát nước để bảo đảm vệ sinh. Trang thiết bị dạy học cho các cháu cũng phải đặc thù, do đó chúng ta phải nghiên cứu thêm phương tiện dạy học phù hợp các cháu; ngoài việc chăm sóc, nuôi dạy thì chúng ta phải tổng kết kinh nghiệm ở đây. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần rà soát, hệ thống lại những trường như thế này, từ đó nhân rộng mô hình để tạo điều kiện cho các cháu khuyết tật hòa nhập cộng đồng, có ích xã hội. Kinh nghiệm cho thấy có môi trường chăm sóc, nuôi dạy tốt thì các cháu khuyết tật vẫn có thể trưởng thành, có ích cho xã hội.
Thủ tướng cũng mong các thầy cô tổ chức dạy và học tốt, ăn nghỉ tốt cho các cháu; gửi gắm tình yêu thương, chia sẻ nỗi vất vả với các cháu; khẳng định Chính phủ luôn có trách nhiệm, quan tâm đến các cháu; mong các cháu tự tin, tự lực, tự cường, tận dụng khả năng cao nhất của mình vươn lên, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, trưởng thành, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ.
Thủ tướng đề nghị, qua đây, chúng ta cần nhân lên mô hình này, nhất là tuyên truyền đậm nét những cá nhân khuyết tật biết vươn lên trong học tập, những thầy cô tận tuỵ, giảng dạy tốt. Tỉnh Bến Tre phát huy tinh thần quê hương cách mạng Đồng Khởi, vươn lên phát triển mạnh mẽ, trong đó quan tâm an sinh xã hội, nhất là bù đắp cho trẻ em khuyết tật, làm cho các em tự tin, có động lực, vươn lên từ nghị lực, bàn tay của mình trở thành người có ích cho xã hội.
Các cơ quan tiếp tục quan tâm, tổng kết mô hình này; tổng kết các chương trình, giáo án để ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng dạy và học cho trẻ em khuyết tật. Đây là mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục, Lao động-Thương binh và xã hội; các cấp, các ngành, địa phương cần tạo điều kiện cho các cháu ăn ở, vui chơi, tiếp cận thông tin, bình đẳng như các cháu bình thường khác.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát, thăm công nhân đang thi công công trình xây dựng cầu Rạch Miễu 2 tại địa điểm: công trường xây dựng cầu Mỹ Tho tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành.
Đây là Dự án nối 2 tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1741/QĐ-TTg, ngày 5/11/2020. Dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện quản lý dự án. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được tách thành Tiểu dự án giao cho tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang thực hiện theo quy định.
Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km, có tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6km, quy mô 6 làn xe. Điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc địa phận thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; trong đó chiều dài cầu dẫn khoảng 2km, chiều rộng trên 20m. Phần cầu vượt luồng chính sông Tiền được thiết kế cầu dây văng với nhịp chính dài 270m, bề rộng mặt cầu 17,5m; quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ) với vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Dự án có tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng khoảng 62,38ha, trong đó tỉnh Tiền Giang khoảng 26,56ha và tỉnh Bến Tre khoảng 35,82ha. Kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư hơn 1.279 tỷ đồng. Khi hoàn thành, cầu Rạch Miễu 2 sẽ giúp giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời rút ngắn khoảng cách giao thông đường bộ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu làm công trình phải đồng bộ, hiện đại, quy hoạch phải lâu dài, tầm nhìn, đột phá. Bộ Giao thông vận tải phải chấn chỉnh việc đấu thầu tư vấn, bảo đảm công khai, minh bạch, không được để công trình đội vốn, không để đấu thầu một giá, đang làm lại một giá; phải tính việc sau khi hoàn thành công trình thì giá đất sẽ tăng lên; nghiên cứu bố trí các nút giao hợp lý, khai thác tối đa công trình.
Thủ tướng đề nghị các đơn vị phải rút ngắn tiến độ, tăng ca, tăng kíp, ứng dụng khoa học công nghệ để rút ngắn tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác vào tháng 10/2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre, sớm 6 tháng so tiến độ đề ra (tháng 4/2026). Chính quyền các cấp tỉnh Bến Tre, Tiền Giang phải tích cực, khẩn trương giải phóng mặt bằng cho dự án; công tác đền bù cho người dân phải thỏa đáng, đúng quy định, công tác tái định cư phải được làm nhanh, sớm ổn định đời sống nhân dân, tạo không gian phát triển mới.
Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh phải rút kinh nghiệm làm công tác này, nếu làm chậm giải phóng mặt bằng thì dự án sẽ bị đội vốn. Các địa phương phải tích cực vào cuộc trong công tác này, vì lợi ích chung, góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa phương trên tinh thần hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Bộ Giao thông vận tải phải chỉ đạo các Ban quản lý dự án, tránh để thi công kéo dài, đội vốn; phải rà soát đấu thầu tư vấn, nhà thầu để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tiêu cực "quân xanh, quân đỏ", bán thầu, thông thầu. Các nhà tư vấn phải làm đúng, bảo đảm làm đường cao tốc phải đúng tiêu chuẩn cao tốc; lưu ý quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, đã đầu tư xong là phải hiệu quả dài lâu, tránh việc vừa làm xong đường đã phải tính mở rộng.
Thủ tướng chỉ đạo phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, bảo đảm các yếu tố kỹ mỹ thuật, môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chỉ đạo bảo đảm nguyên vật liệu cho nhà thầu; các mỏ, nguồn đất, cát phải giao cho nhà thầu; các tỉnh phải làm nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, ráo riết kiểm tra ngay việc cung ứng nguyên vật liệu. Bộ Giao thông vận tải phải rà soát đấu thầu tư vấn, nhà thầu để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tiêu cực "quân xanh quân đỏ", bán thầu, thông thầu; chỉ đạo các đơn vị áp dụng mọi biện pháp để rút ngắn tiến độ, thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời.
* Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Khanh, thương binh 4/4, ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Mẹ tham gia cách mạng từ năm 1961, có chồng và một con trai là liệt sĩ và khảo sát tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre bằng trực thăng./..
Theo dangcongsan.vn