Sáng ngày 15-04-2021, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do ông Marc S.Forni, Chuyên gia toàn cầu về đô thị, Điều phối viên chương trình phát triển đô thị, đất đai và thích ứng tại Việt Nam làm Trưởng đoàn. Cùng dự có đại diện của một số Bộ tham gia Tổ Biên tập xây dựng Đề án: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển chào mừng đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới đến làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Đồng chí cho biết, đây là buổi làm việc, tham vấn ý kiến trong quá trình Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.
Ông Marc S. Forrni, Chuyên gia cao cấp của WB phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ vào 3 nhóm nội dung thông điệp chính và khuyến nghị chính sách nêu trong báo cáo "Đô thị hoá Việt Nam trước ngã rẽ" do Ngân hàng Thế giới nghiên cứu và phát hành (tháng 6/2020), trong đó chú trọng đến 3 nhóm chính sách về dịch chuyển lao động, đất đai và chính sách tài khoá để nâng cao hiệu quả đô thị hoá của Việt Nam thông qua các yếu tố về tích tụ kinh tế, liên kết vùng và tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội công bằng hơn. Các đại diện của một số bộ tham gia cũng cho ý kiến cụ thể đối với 14 khuyến nghị chính sách nêu trong báo cáo trên của Ngân hàng thế giới, qua đó đã làm rõ thêm một số vấn đề thực tiễn liên quan. Bên cạnh đó, các bên còn cùng nhau trao đổi về một số vấn đề liên quan đến cách tiếp cận, tiêu chí phân loại đô thị hiện nay, cơ chế phát triển cho các đô thị ven biển; nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế đô thị gắn với hiệu quả chuyển đổi và sử dụng đất, thuế bất động sản cũng như vai trò quan trọng của thể chế trong phát triển đô thị, đặc biệt là quan hệ giữa Trung ương và địa phương, giữa các vùng trong mối liên kết về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Ông Fabrice Richy, Giám Đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp trao đổi tại buổi làm việc
Đại diện đoàn công tác của WB, ông Marc S. Forni cảm ơn đồng chí Nguyễn Đức Hiển đã dành thời gian tiếp và trao đổi với đoàn công tác và đánh giá cao những kết quả đạt được của kinh tế Việt Nam thời gian qua, nhất là với những thành quả về đô thị hoá và phát triển đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, ông Marc S. Forni cũng cho rằng, đô thị hoá của Việt Nam hiện đang đứng trước "ngã rẽ", vì vậy cần sớm có những chủ trương, quyết sách phù hợp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hoá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng tham gia ý kiến
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cảm ơn đoàn công tác Ngân hàng Thế giới đã có những trao đổi và tư vấn có giá trị, đồng chí cũng đánh giá cao các phát biểu tham gia ý kiến của các bộ ngành. Đồng chí cho rằng những ý kiến trao đổi, tư vấn của Ngân hàng thế giới sẽ góp phần quan trọng để Ban Kinh tế Trung ương có thêm luận cứ xây dựng Đề án. Đồng chí mong muốn, Ngân hàng Thế giới với kinh nghiệm của mình tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương về một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nói riêng.
Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã tiếp đoàn công tác Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) do ông Fabrice Richy, Giám đốc Quốc gia làm trưởng đoàn.
Quang cảnh buổi thảo luận
Ông Fabrice Richy cảm ơn sự đón tiếp của Ban Kinh tế Trung ương, bày tỏ mong muốn hợp tác với Ban Kinh tế Trung ương nhiều hơn nữa trong tương lai. Giới thiệu về sự hình thành, phát triển, chức năng nhiệm vụ cũng như tổng quan về những hoạt động của Cơ quan Phát triển Pháp trên thế giới và tại Việt Nam; ông Fabrice Richy nhấn mạnh, trong 4 năm trở lại đây, AFD ưu tiên hàng đầu đối với hoạt động tài trợ cho các dự án về tăng cường khả năng chống chịu đối với những khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, đặc biệt chú trọng nghiên cứu những giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho các độ thị của Việt Nam. Bên cạnh đó, AFD cũng tham gia nhiều dự án về năng lượng, hạ tầng giao thông và các dự án về truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị di sản.
Tại buổi làm việc, ông Fabrice Richy đã trình bày thêm về một số kinh nghiệm về phát triển đô thị ở Pháp; qua tổng kết kinh nghiệm, ông nhấn mạnh đến một số nhóm vấn đề có tác động đến biến đổi khí hậu và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chống chịu của các đô thị, đó là hệ quả hoạt động của chính con người gây nên, sự gia tăng nhiệt độ chung trên trái đất nên cần phải có những cải thiện tích cực về môi trường cây xanh và mặt nước, sự gia tăng nhanh chóng của các đô thị tập trung…Ông cho rằng cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng và có thêm những chương trình tập huấn, đào tạo về những vấn đề liên quan. Các bên cũng cùng nhau trao đổi về những thách thức đối với quá trình đô thị hoá của Việt Nam trong thời gian qua, một số bất cập liên quan đến việc sử dụng đất, quỹ đất để phát triển đô thị, việc phân loại đô thị, tiếp cận với khả năng chống chịu theo phân nhóm đô thị phù hợp… Ngoài ra, đại diện của Bộ Xây dựng đề cập đến những nội dung quản lý đô thị hoá, trong đó đánh giá cao bộ Luật Đô thị hoá của Pháp và đề nghị phía AFD chia sẻ thêm những nghiên cứu, kinh nghiệm về đô thị hoá của Pháp.
Đồng chí Phó Trưởng Ban và Cơ quan Phát triển Pháp Chụp ảnh lưu niệm
Cảm ơn những ý kiến trao đổi cũng như những khuyến nghị của của ông Fabrice Richy, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao các hoạt động của Cơ quan Phát triển Pháp đang triển khai tại Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh, Việt Nam và Pháp đã có quan hệ truyền thống, sự hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển, vì vậy đồng chí cũng mong muốn Cơ quan Phát triển Pháp tiếp tục đồng hành, tham gia ý kiến, đóng góp cho quá trình xây dựng đề án "Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" mà Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực xây dựng để trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Trung Tâm TTPTDBKT