Ngày 30-7-2020, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Hòa Bình.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
phát biểu chỉ đạo
Hòa Bình là là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc có lợi thế phát triển đặc thù. Tuy là tỉnh miền núi nhưng Hòa Bình là một trong 9 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội và nằm trong quy hoạch đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, là "láng giềng" và "vệ tinh" của Hà Nội. Với cao tốc Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình, chỉ mất khoảng 1 giờ ô tô từ Hòa Bình đến trung tâm Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hòa Bình còn kết nối với vùng núi - Trung du phía Bắc (qua Phú Thọ), Bắc Trung Bộ (đường Hồ Chí Minh qua Thanh Hóa), đồng bằng sông Hồng (qua Ninh Bình). Về địa chiến lược, Hòa Bình là cửa ngõ của Tây Bắc kết nối với đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, kết nối miền núi với đồng bằng.
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình báo cáo với đoàn công tác
Về lịch sử - văn hóa: Hòa Bình là vùng đất cổ, lưu giữ nhiều di chỉ và các truyền thống văn hoá của người Việt cách đây hàng vạn năm; là cái nôi của dân tộc Mường chiếm hơn 60% dân số Hòa Bình với văn hóa Mường độc đáo, đậm bản sắc văn hóa người Việt cổ và các dân tộc vùng Tây Bắc (kho tàng phong phú về lễ hội, văn nghệ dân gian như sử thi "Đẻ đất đẻ nước", truyền thuyết ông Đùng bà Đoàng, Tản viên Sơn Thánh...). Ngoài ra, còn có văn hóa người Kinh, Thái, Tày, Dao, H'mông, vì vậy, đây là tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa rất lớn.
Về tài nguyên thiên nhiên: Hòa Bình có nhiều tài nguyên, cảnh quan hùng vĩ, nhưng tài nguyên đặc trưng, quý giá và quan trọng nhất của Hòa Bình là rừng và nước ngọt, có tiềm năng lớn về tăng trưởng xanh, phát triển du lịch (nhất là du lịch sinh thái trải nghiệm văn hóa tại khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình), thủy điện, nông- lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông thủy; là nguồn cung điện quan trọng của miền Bắc và cấp nước sạch dồi dào cho thủ đô Hà Nội.
Với những ưu thế, tiềm năng như vậy, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hòa Bình trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra. Tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân hằng năm đạt 7,59%, gấp 1,12 lần so với mức trung bình toàn quốc (6,8%/năm); quy mô kinh tế tăng mạnh, ước năm 2020 đạt khoảng 54.956 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 63,8 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện bứt phá phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu góp ý Văn kiện
Đáng chú ý, một số lĩnh vực nổi bật trong nhiệm kỳ như: Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt đạt 10,17%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,4%/năm, công nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản; nông nghiệp tăng trưởng đạt khoảng 4,1%/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha năm 2020 của đất canh tác trồng trọt đạt 145 triệu, của mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 275 triệu, phát triển một số vùng chuyên canh cây có múi (cam, bưởi), diện tích rừng trồng trong nhiệm kỳ đạt trên 41.000 ha, độ che phủ rừng đạt trên 51% theo hướng tăng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây bản địa; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, đến cuối năm 2020 gấp 3,5 lần so với năm 2015; giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt 1.198USD/người/năm, gấp 3,5 lần so với năm 2015; đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình; tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 3,16%; hoàn thành trước 1 năm thực hiện nhiệm vụ chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới; quốc phòng- an ninh được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, số hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống... có những bước phát triển quan trọng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, cơ bản thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở. Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được đẩy mạnh. Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế thấp. Công tác quy hoạch nhìn chung chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, thiếu tầm nhìn chiến lược. Công nghiệp phát triển chưa mạnh và chưa có nhiều dự án công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả còn thấp. Chất lượng giáo dục chuyển biến còn chậm, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và có sự chênh lệch giữa các vùng. Hoạt động đối ngoại hằng năm của tỉnh còn nhỏ lẻ, chưa xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Một số cấp ủy, tổ chức đảng trong triển khai, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị còn có biểu hiện hình thức. Nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời. Hiệu quả công tác tuyên truyền ở một số cơ sở chưa tốt. Công tác quản lý đảng viên và chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế
Quang cảnh buổi làm việc
Vì vậy, để Hòa Bình có thể phát triển trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo, Tỉnh ủy Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương cùng các ban, bộ, ngành Trung ương đóng góp xây dựng Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ những kết quả nổi bật, phương pháp và giải pháp sáng tạo, cách làm hay; những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, nhất là các nguyên nhân chủ quan; rút ra các bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời tập trung cho những quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hòa Bình trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình biểu dương Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã đạt thành tựu quan trọng về nhiều mặt, đã tạo được diện mạo mới về phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch; hạ tầng giao thông, nhất là kết nối với Hà Nội, có bước phát triển mới về chất; quốc phòng - an ninh giữ vững; làm tốt công tác dân tộc và tôn giáo; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt.
Nhấn mạnh Hòa Bình có vị trí đặc biệt, là cửa ngõ của Tây Bắc kết nối với đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, kết nối miền núi với đồng bằng, nằm trong vùng thủ đô kết nối với Hà Nội, đ/c Nguyễn Văn Bình đề nghị Hòa Bình cần đánh giá các lợi thế so sánh, điều kiện tự nhiên và vị trí chiến lược thuận tiện về kết nối giao thông để xây dựng và phát triển Hòa Bình trở thành 1 nơi đáng sống, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên nền tảng giữ được hệ sinh thái, không chỉ cho Hòa Bình mà còn cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Về hướng phát triển thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh nông nghiệp có vị trí quan trọng đối với Hòa Bình nói riêng và vùng nói chung, góp phần đảm bảo thu nhập, sinh kế của nhân dân và trật tự an toàn xã hội của địa phương. Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ thị trường Hà Nội và các địa phương lân cận; phát triển các sản phẩm nông nghiệp như cây ăn trái, chăn nuôi lợn, gà, cá… gắn với chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng; tập trung vào phát triển rừng để bảo vệ hệ sinh thái, đan xen giữa cây ngắn hạn và dài hạn để giúp nhân dân đảm bảo thu nhập trước mắt và lâu dài gắn với chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu; nghiên cứu thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị gia tăng cao.
Về công nghiệp, đồng chí đề nghị tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt công nghiệp chế biến gỗ nhằm khai thác tối đa các giá trị từ rừng; phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng để khai thác nguồn nguyên liệu trong đó có nguyên liệu gỗ tại địa phương, phát triển năng lượng sạch theo hướng khai thác tiềm năng về điện mặt trời trên mặt hồ Thủy Điện cũng như điện gió tại các vùng có điều kiện; quy hoạch và tập trung vào các khu công nghiệp để đảm bảo hiệu quả về logistic, tập trung xử lý môi trường, tạo không gian phát triển và đảm bảo hệ sinh thái.
Khai thác lợi thế gần Hà Nội và biến khó khăn về đặc điểm địa hình thành lợi thế để phát triển du lịch trong đó kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư các khu du lịch tầm cỡ, hệ thống sân golf, hệ thống y tế nghỉ dưỡng, các trung tâm đổi mới sáng tạo… để thu hút các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư vào lĩnh vực này; phát triển hạ tầng giao thông trong đó có hệ thống giao thông nông thôn về các huyện xã phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Đồng chí đề nghị Tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng; tập trung chuẩn bị tốt mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.
Quan điểm phát triển cho Hoà Bình trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo là: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội. Phát triển toàn diện, lấy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế, xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển trong cả nước. |