Để thúc đẩy việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cần giải quyết 3 giải pháp lớn mang tính đột phá đó là: (1) tích tụ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; (2) tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hợp tác xã; (3) khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là 3 vấn đề rất phức tạp, các ngành, các địa phương đã vào cuộc nhưng chuyển biến còn chậm. Do vậy mục đích của Ban Kinh tế Trung ương là sẽ tiến hành khảo sát, tại một số địa phương để nắm tình hình, tìm hiểu sâu về thực trạng và các giải pháp cần thực hiện từng vấn đề trên.
Đó là phát biểu của đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về các vấn đề liên quan đến "Chủ trương, giải pháp về đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn" vào chiều 23/9.
Đ/c Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh Nghệ An.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Đinh Việt Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cùng đại diện lãnh đạo một số huyện của tỉnh Nghệ An.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, tính đến cuối năm 2014, tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Nghệ An là 1.464.697,41 ha, chiếm 88,87% diện tích tự nhiên, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 304.407,17 ha; đất lâm nghiệp là 1.149.022,36 ha và đất nông nghiệp khác: 847,28. Thực hiện chủ trương, chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai phát triển kinh tế xã hội, nhất là phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngày 08/5/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về đẩy mạnh vận động nông dân "dồn điền, đổi thửa" và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp. Qua hơn 03 năm thực hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 720 mô hình sản xuất có hiệu quả và 62 mô hình cánh đồng lớn. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 313/313 xã có khả năng dồn điền đổi thửa đã hoàn thành dồn điền đổi thửa tại thực địa. Quy mô bình quân diện tích thửa đất (toàn tỉnh) trước dồn điền đổi thửa là 982 m2, sau dồn điền đổi thửa là 1.801 m2, (tăng 1,83 lần).
Đại diện lãnh đạo sở Nông nghiệp cho biết, mặc dù tổng hợp báo cáo từ các huyện cho biết hiện mới chỉ có 28 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng qua con số thống kê toàn tỉnh hiện có hơn 5100 trang trại và gia trại, quản lý tổng số 18.000 ha, chứng tỏ rằng việc thực hiện tích tụ ruộng đất đang diễn ra sôi động, bởi vì nếu không có tích tụ ruộng đất thì không thể hình thành trang trại, gia trại. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đất được tích tụ trên quỹ đất 5%, một số ít thuê hoặc mượn đất của người dân không có nhu cầu sản xuất. Việc tích tụ ruộng đất đối với cá nhân được thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với những người có ruộng đất và chủ yếu là người dân địa phương thuê đất của nhân dân địa phương. Thời gian thuê chủ yếu dưới 5 năm. Đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân từ nơi khác đến thuê, mua thực hiện thông qua HTX DVNN và UBND xã là rất ít.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho rằng, nhìn chung, công tác dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, kích thích hình thành các dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Tuy nhiên, cơ chế khuyến khích xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp,... còn chuyển biến chậm.
Ngyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do vẫn có hai luồng tâm lý lo ngại lớn nhất đang tồn tại là nên tích tụ theo hình thức mua đất hay thuê đất, và giải quyết vấn đề lao động nông nghiệp thế nào khi họ không còn " tấc đất cắm dùi"? Quan điểm từ doanh nghiệp cho rằng, để đảm bảo yêu cầu sớm tích tụ đất đai cho tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hàng hóa, thì cần chuyển nhượng đất hoặc cho thuê dài hạn (trên 20 năm) mới có thể yên tâm sản xuất bền vững, chứ nếu chỉ là thuê ngắn hạn thôi, thì tâm lý cũng không muốn gây dựng lâu dài trên mảnh đất đó. Mặt khác, quan điểm từ người nông dân, kể cả những người đang bỏ đất hoang hoặc cho người khác thuê ngắn hạn (vì họ đã có việc làm khác tốt hơn), thì vẫn có nhu cầu "cố thủ đất" và không muốn bán đất cho những người có nhu cầu. Họ cho rằng, cho thuê là cách an toàn để họ " không mất trắng đất". Do vậy, Nhà nước cần có chính sách phù hợp, làm sao để nông dân cho thuê đất chứ không bán đất. Có như vậy, doanh nghiệp có diện tích lớn để sản xuất kinh doanh hiệu quả và nông dân được thuê làm việc trên chính thửa ruộng của mình nếu họ có nhu cầu.
Với những khó khăn đang đặt ra trước mắt và lâu dài, lãnh đạo tỉnh nghệ An và đại diện các ngành, các cấp của địa phương đã có một số những đề xuất kiến nghị như cần có chính sách, định hướng về đối tượng được tích tụ đất, đối tương chuyển giao đất cũng như có những chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể để động viên các đối tượng giao đất, trả đất. Đồng thời trong chính sách tích tụ ruộng đất, cần quy định rõ tích tụ bao nhiêu, hạn mức như thế nào? Và đặc biệt cần lưu ý phải có cơ chế tránh đầu cơ đất.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Cao Đức Phát khẳng định, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất và mở rộng quy mô đất đai cho các đơn vị sản xuất, là giải pháp có tính chất đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa hướng tới hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc tích tụ đất đai một cách đúng đắn và hợp lý chắc chắn sẽ giúp cho nhiều hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo và làm giàu, góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế địa ph ơng phát triển. Tuy nhiên, làm cách nào, con đường nào tạo điều kiện để các trang trại, gia trại, doanh nghiệp có đất để tổ chức cản xuất hàng hóa quy mô lớn? Hơn nữa việc dồn điền như thế có đẩy người nông dân vào con đường "bần cùng hóa" hay không? Đây vẫn đang là bài toán khó, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải ra tay chỉ đạo và cùng vào cuộc quyết liệt với doanh nghiệp thúc đẩy thực hiện.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp đã đề ra, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; cũng như cần xây dựng một hành lang pháp lý, có những quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người cho thuê, người bán và người mua…để tạo điều kiện cho người nông dân sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Đồng chí cũng gợi ý Nghệ An nên ưu tiên sử dụng hai hình thức tích tụ ruộng đất, đó là: (1) thúc đẩy phát triển hợp tác theo phương châm cánh đồng lớn, nhiều chủ hộ liên doanh, liên kết đất sản xuất; (2) tỉnh nên có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, gia trại bằng cách khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tích tụ ruộng đất (có thể chuyển nhượng hoặc giao đất). Đồng thời, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của địa phương, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư để có chủ trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Kỳ vọng tới đây những vướng mắc về sử dụng đất sẽ được giải quyết về căn bản, giúp cho quá trình tích tụ ruộng đất được thuận lợi.
Đoàn công tác tham quan nhà vườn trồng rau sạch của Công ty TH true Milk.
Trước đó vào sáng ngày 23/9, Phó trưởng ban Thường trực cũng đã đến thăm một số mô hình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp điển hình trên địa bàn như: Công ty CP Chuỗi Thực Phẩm TH (TH true MILK ) tại huyện Nghĩa Đàn - đơn vị ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất thành công sản phẩm sữa tươi sạch TH True MILK đạt chất lượng tốt nhất Asean; thăm gia trại chăn nuôi của ông Đệ tại huyện Diễn Châu - với diện tích 4 ha chăn nuôi lợn, cá, mỗi năm gia trại này cho doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Lan Anh