Ph.Ăng-ghen (1820-1895) là người bạn, người đồng chí thân thiết của C.Mác, người đã cùng C.Mác sáng lập Học thuyết về CNXH khoa học và sáng lập Đảng Cộng sản đầu tiên trên thế giới. Ph.Ăng-ghen đã có những cống hiến to lớn về tư tưởng, lý luận và trở thành một trong những lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về xây dựng Đảng gắn liền và nhất quán với tư tưởng của C.Mác trong suốt quá trình ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản, kể cả nhiều năm sau khi C.Mác qua đời. Các thế lực thù địch luôn dùng mọi thủ đoạn, chống phá, từ việc tìm mọi cách bác bỏ lý luận về CNXH khoa học đến việc truy bắt đến cùng những người cộng sản, nhằm tiêu diệt hoàn toàn Đảng Cộng sản. Trong khi đó, trong đội ngũ những người cộng sản cũng bị phân liệt, mất phương hướng và xuất hiện không ít những phần tử cơ hội. Với tầm cao trí tuệ, ý chí, nghị lực phi thường và lòng trung thành vô hạn đối với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Ph.Ăng-ghen đã cố gắng hết sức chèo lái con thuyền cách mạng. Một trong những di sản quý giá mà Ph.Ăng-ghen để lại là lý luận khoa học về xây dựng Đảng. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng viết cùng C.Mác như "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", "Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản", Ph.Ăng-ghen còn viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như "Gia đình thần thánh", "Hệ tư tưởng Đức", "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh"; "Chống Ðuy-rinh"; "Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước"… và "Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản". Tác phẩm "Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản" được Ph.Ăng-ghen viết vào năm 1885, có tính khái quát rất cao về quá trình ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản. Những luận thuyết về xây dựng Đảng trong tác phẩm này thể hiện ở những nội dung sau: Thứ nhất, tiếp tục khẳng định và kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng Ph.Ăng-ghen đã nhắc lại kỷ niệm về cuộc gặp C.Mác và chính những luận điểm khoa học của C.Mác đã gắn kết hai nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại với nhau: "Vào mùa hạ năm 1884, khi tôi đến thăm Mác ở Pa-ri, chúng tôi thấy rằng, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhau về tất cả các vấn đề lý luận và chính từ lúc đó, chúng tôi bắt đầu cộng tác với nhau"(1). Năm 1847, "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" và "Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản" đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản nhưng cuối năm 1848, BCH Trung ương của Liên đoàn ở Luân Đôn đã sửa đổi Điều lệ, làm giảm ý nghĩa có tính nguyên tắc của văn kiện này. Theo đó, mục tiêu rõ ràng mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đề ra đã bị chuyển thành "yêu sách mơ hồ về việc thành lập một nền cộng hòa xã hội", xa rời mục tiêu ban đầu mà "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" đã xác định. Tiếp đó, mùa hè năm 1850 đã xảy ra bất đồng có tính nguyên tắc về sách lược cách mạng trong BCH Trung ương của Liên đoàn. BCH Trung ương của Liên đoàn ở Luân Đôn chuyển giao quyền lực cho BCH khu vực Khuên (Đức). Đặc biệt, sau vụ án những người cộng sản ở Khuên, Liên đoàn những người cộng sản tuyên bố tự giải tán. Biên bản "Phiên họp của BCH Trung ương ngày 15 tháng Chín năm 1850" đã phản ánh rõ điều đó và C.Mác đã viết một bài bút chiến "Vạch trần vụ án giết người cộng sản ở Khuên (tháng 10-1852 và được in thành sách năm 1853). Chính từ bài học đầu tiên về vai trò của tinh thần đoàn kết, về sự đồng thuận trong Đảng mà khi viết tác phẩm này, Ph.Ăng-ghen đã nhắc lại mục tiêu của chính trị quan trọng nhất của Đảng Cộng sản: "Mục đích của Liên đoàn là: Lật đổ giai cấp tư sản, lập nền thống trị của giai cấp vô sản, tiêu diệt xã hội tư sản cũ dựa trên sự đối kháng giai cấp và xây dựng một xã hội mới không còn giai cấp và không có chế độ tư hữu"(2). Đây là sứ mệnh lịch sử của Đảng, là mục tiêu lý tưởng cao quý của giai cấp công nhân, là nhân tố quan trọng giữ vững đoàn kết và cũng là lý do tồn tại của Đảng Cộng sản. Thứ hai, quy luật ra đời của các chính đảng nói chung và của Đảng Cộng sản Trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp dẫn đến và đòi hỏi sự ra đời của chính đảng để lãnh đạo giai cấp đấu tranh thực hiện mục tiêu chính trị của giai cấp đó. Như vậy, quy luật ra đời của chính đảng là sự kết hợp của phong trào cách mạng với hệ tư tưởng của giai cấp đó mà đảng là người đại diện. Ph.Ăng-ghen đã khái quát luận điểm khoa học mang tính quy luật về sự ra đời của đảng chính trị nói chung: "Tôi đã nhận thấy rất rõ ràng rằng những sự kiện kinh tế mà từ trước tới nay những tác phẩm sử học cho là không đóng một vai trò nào, hoặc có chăng nữa thì chỉ đóng một vai trò thảm hại, thì ít nhất trong thế giới hiện đại, cũng đã là một lực lượng lịch sử quyết định; rằng chúng là cơ sở cho sự xuất hiện của những đối kháng giai cấp hiện nay; rằng trong những nước mà đại công nghiệp đã làm cho đối kháng giai cấp ấy phát triển đầy đủ, do đó, nhất là ở nước Anh, những đối kháng giai cấp ấy là cơ sở của sự hình thành ra các chính đảng, của các cuộc đấu tranh giữa các đảng và do đó, là cơ sở của toàn bộ lịch sử chính trị"(3). Đảng Cộng sản - đảng của giai cấp công nhân ra đời tuân theo quy luật: chủ nghĩa cộng sản khoa học kết hợp với phong trào công nhân. Ph.Ăng-ghen viết: "Từ đó, những phong trào ấy thể hiện ra là những phong trào của giai cấp bị áp bức hiện đại, của giai cấp vô sản, là những hình thức ít nhiều của cuộc đấu tranh lịch sử tất yếu của giai cấp vô sản chống lại giai cấp thống trị, giai cấp tư sản". Và, "cuộc đấu tranh lịch sử tất yếu của giai cấp vô sản chống lại giai cấp thống trị, giai cấp tư sản; là những hình thức đấu tranh giai cấp nhưng lại khác với tất cả các cuộc đấu tranh giai cấp trước kia ở một điểm là giai cấp bị áp bức hiện nay, tức là giai cấp vô sản, không thể tự giải phóng mình nếu không đồng thời giải phóng toàn thể xã hội khỏi sự phân chia thành giai cấp, do đó khỏi chính ngay cả những cuộc đấu tranh giai cấp. Từ nay, người ta không còn hiểu chủ nghĩa cộng sản là sự xây dựng, bằng óc tưởng tượng, một lý tưởng xã hội hết sức hoàn bị, mà là sự nhận thức về bản chất, những điều kiện và những mục đích chung bắt nguồn từ những điều kiện ấy của cuộc đấu tranh do giai cấp vô sản tiến hành"(4). Thứ ba, về nguyên tắc hoạt động của Đảng Cộng sản Ph.Ăng-ghen chưa gọi tên nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức và hoạt động quan trọng nhất của Đảng Cộng sản nhưng đã nêu được những luận điểm căn bản nhất của nguyên tắc này. Điều đó thể hiện trước hết ở việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng: "Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ, với những BCH được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn; chỉ điều đó thôi cũng đủ chấm dứt mọi toan tính manh động - tức là những toan tính đòi hỏi một chế độ độc tài, và biến Liên đoàn thành - ít nhất là trong thời bình thông thường - một hội tuyên truyền thuần túy. Điều lệ mới đó được đưa ra cho các chi bộ thảo luận, sau đó được thảo luận ở Đại hội thứ hai và cuối cùng đã được đại hội này thông qua ngày 8 tháng Chạp năm 1947 - thủ tục dân chủ hiện nay là như vậy" và "mọi ý kiến trái ngược và mọi điểm tranh cãi, sau hết, đều được giải quyết, những nguyên lý mới được toàn thể đại hội nhất trí tán thành"(5). Như vậy, theo Ph.Ăng-ghen, dân chủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Các quyết định của Đảng đều được thảo luận công khai, kỹ lưỡng, thậm chí thảo luận nhiều lần qua các kỳ họp để tập hợp, phát huy trí tuệ của mỗi thành viên. Trong thảo luận, tranh luận - thậm chí là "tranh cãi" với nhau để tìm ra chân lý và cuối cùng sẽ quyết định theo đa số. Đây là nguyên tắc quan trọng, cần thiết để tổ chức đảng tồn tại, có sức chiến đấu cao, có tinh thần đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở phát huy đầy đủ dân chủ trong Đảng. Thứ tư, vấn đề hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và chống xu hướng tả khuynh trong Đảng Niềm tin của giai cấp công nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản bắt đầu từ tôn chỉ, mục đích của cuộc cách mạng và mục đích lý tưởng đó phải được thể hiện ở chủ trương, chính sách của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng, phù hợp và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Vì thế, vấn đề hoạch định đường lối, chính sách của Đảng tất yếu trở thành một trong những phương thức hoạt động quan trọng nhất của mình và luôn được coi trọng đặc biệt. Tính đúng đắn của đường lối, chính sách phụ thuộc vào tư duy lý luận khoa học, tầm nhìn của những người cộng sản và căn cứ cụ thể vào tình hình thực tiễn để có quyết sách chính trị phù hợp. Ph.Ăng-ghen viết: "Nhiệm vụ của chúng tôi là phải xây dựng quan điểm của chúng tôi một cách khoa học, nhưng một điều cũng rất quan trọng đối với chúng tôi là phải làm cho giai cấp vô sản châu Âu và nhất là giai cấp vô sản Đức tin tưởng vào những quan điểm của chúng tôi"(6). Để tránh tổn thương cho cách mạng, Ph.Ăng-ghen đã rút ra một trong những bài học kinh nghiệm trong suốt cuộc đời hoạt động của mình là không thể căn cứ vào tình cảm, mong muốn chủ quan mà phải phân tích tình hình cụ thể, chống nóng vội, muốn đạt được mục tiêu cách mạng ngay lập tức khi những điều kiện chưa chín muồi. Ph.Ăng-ghen đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm của ông và C.Mác trong thời kỳ bão táp cách mạng 1848-1852 khi nhận định về tình hình thế giới, về chủ nghĩa tư bản, về phương pháp, sách lược cách mạng của phong trào công nhân... Ông viết: "Trong cảnh phồn vinh chung như thế, khi lực lượng sản xuất của xã hội tư sản phát triển phong phú tới mức là những quan hệ tư sản đó cho phép, thì không thể nói đến cách mạng thật sự được. Một cuộc cách mạng như thế chỉ có thể có trong những thời kỳ mà cả hai nhân tố ấy, lực lượng sản xuất hiện đại và hình thức sản xuất tư sản, mâu thuẫn với nhau. Những cuộc xung đột liên tiếp mà những đại biểu của các nhóm khác nhau của đảng trật tự ở lục địa tham gia và làm tổn hại đến uy tín của nhau, thì khó lòng tạo ra cơ hội cho những cuộc cách mạng mới; trái lại, những cuộc xung đột ấy sở dĩ xảy ra được là vì cơ sở của những quan hệ xã hội lúc đó còn tạm thời rất vững chắc"(7). Đồng thời, để chống xu hướng tả khuynh trong Đảng, Người kiên quyết phản đối những "trò chơi cách mạng", "nhập khẩu vũ lực", "dân chủ cực đoan". Người đã khuyên những người công nhân "hãy lánh xa những đoàn quân tình nguyện, hãy trở về Tổ quốc của mình lẻ tẻ từng người một và hoạt động ở đó cho phong trào" để tránh tổn thất, hy sinh. Thứ năm, về đoàn kết trong Đảng và đoàn kết quốc tế Do mục tiêu, tính chất và quy mô của cuộc cách mạng mà đòi hỏi Đảng Cộng sản phải thực sự tập hợp và phát huy được sức mạnh của sự đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân. Cũng do đòi hỏi phải bảo đảm và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tính "tiên phong về mặt lý luận" và "tiên phong trong hoạt động thực tiễn" của người đảng viên mà Đảng đặt ra yêu cầu khách quan về việc giữ vững tinh thần đoàn kết nhất trí trong Đảng. Lịch sử sôi động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã giúp Ph.Ăng-ghen rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đúc kết thành lý luận, nguyên tắc xây dựng Đảng. Tính chất quốc tế được thể hiện ngay từ khi Đảng ra đời. Khẩu hiệu "vô sản tất cả các nước đoàn kết lại" luôn được nhắc đến và trong tác phẩm này, Người vẫn trân trọng và tự hào khi nhắc lại khẩu hiệu đó. Lịch sử thế giới nửa cuối thế kỷ thứ XIX và cả thế kỷ thứ XII cũng như hiện nay đã chứng kiến và ghi nhận những thành tựu vĩ đại của nhân loại về một nền dân chủ mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen là người khởi xướng. Lịch sử cách mạng vô sản trên toàn thế giới đã ghi nhận vai trò của Liên đoàn những người cộng sản - chính đảng cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản, là trường học của những nhà cách mạng vô sản. Cho dù trải qua những bước thăng trầm do sự trấn áp của các thế lực tư bản và do việc xây dựng hệ thống tổ chức đảng chưa chặt chẽ, chưa đủ mạnh, kể cả sự phân liệt trong chính tổ chức đảng, ngay cả cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đã làm cho phong trào cộng sản nhiều lần thoái trào nhưng Liên đoàn là sự trải nghiệm đầu tiên của Chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân. Lịch sử cách mạng vô sản trên toàn thế giới còn khắc ghi những cống hiến vĩ đại và sự hy sinh trọn đời của C.Mác và Ph.Ăng-ghen cho giai cấp công nhân và nhân loại. Ngay trong tác phẩm này, Ph.Ăng-ghen đánh giá cao công lao của C.Mác: "Và, người sáng lập ra học thuyết ấy, người bị những kẻ cùng thời căm ghét nhất, bị chúng vu cáo nhiều nhất lúc còn sống, C.Mác, thì lúc chết đã thành người cố vấn của giai cấp vô sản của Thế giới cũ và Thế giới mới, một người luôn luôn được tìm đến và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai tìm đến"(8). Còn đối với bản thân mình, dù đã từ bỏ vị trí xuất thân của một gia đình khá giả, quyền quý để suốt đời gắn bó với phong trào công nhân nhưng Ph.Ăng-ghen rất khiêm nhường viết: "Nhưng sự phát hiện ấy - một sự phát hiện làm đảo lộn khoa học lịch sử và như chúng ta đều thấy, nó căn bản là công trình của Mác, trong đó, tôi chỉ đóng góp một phần rất nhỏ - có một tầm quan trọng trực tiếp đối với phong trào công nhân hồi đó"(9). Tác phẩm "Về lịch sử Liên đoàn những người cộng sản" tuy không dài và dù Ph.Ăng-ghen coi đây "chỉ là một sự phác họa" nhưng đã khái quát toàn bộ những nội dung, nguyên tắc cơ bản nhất về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện chưa giành được chính quyền. Những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen về xây dựng Đảng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với tăng cường vai trò lãnh đạo đất nước của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Những luận điểm về xây dựng Đảng của Ph.Ăng-ghen trong tác phẩm này có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn, góp thêm cơ sở khoa học cho công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. ----- (1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen toàn tập, tập 21, NXB CTQG, H.2002, tr.321. (2) Sđd, tr.326. (3) Sđd, tr.321. (4), (6) Sđd, tr.322. (5) Sđd, tr.325, 327. (7) Sđd, tr.334-335. (8) Sđd tr.338. (9) Sđd tr.321-322. Theo Tạp chí Xây dựng Đảng |