VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM ĐỐI VỚI
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2016-2020
TS.Trương Văn Phước
Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc Gia
Tóm tắt: Nghị Quyết số 142/2016/QH13 của Quốc Hội khóa XIII đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho giai đoạn 2016-2020 đạt mức từ 6,5%-7%. Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, bối cảnh trong nước còn khó khăn, kết quả của 2 năm xuất phát điểm 2016 và nửa đầu 2017 chưa đạt như mong đợi. Do đó, nhiệm vụ càng đè nặng lên các năm 2018-2020, đòi hỏi tăng trưởng càng phải cao hơn song cần phải bền vững. Thêm vào đó, trong bối cảnh thế giới chuyển biến mạnh mẽ, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam lại càng phải tăng tốc để có thể bắt kịp và tận dụng đòn bẩy công nghệ vô cùng lớn lao này. Để đạt được mục tiêu trên, các điều kiện vĩ mô tiên quyết đó là : (i) Đổi mới thành công mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất lao động nền kinh tế, tạo đột phá tăng trưởng trong các năm tiếp theo; (ii) Đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế cao, cần tiếp tục củng cố ổn định vĩ mô, quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm củng cố tài khóa, xử lý dứt điểm những yếu tố đe dọa bất ổn vĩ mô như nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém. Cuối cùng là, hệ thống tài chính với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn này. Theo đó, việc cấu trúc lại một thị trường tài chính hiện đại và hài hòa giữa thị trường tài tiền tệ và thị trường vốn càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đạt được những điều này, kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và sẵn sàng tiến ra biển lớn Châu Á.
Abstract: Resolution No. 142/2016/QH13 of the XIII National Assembly has set Vietnam's economic growth target for the period 2016-2020 from 6.5% to 7%. In the context of world's uncertainties and domestic difficulties, the economic results of 2016 and the first half of 2017 are not as expected. As a result, the burden is now on the period 2018 – 2020, which requires higher but sustainable growth. In addition, in the context of a rapidly changing world, especially with the global-scale technology revolution 4.0, Vietnam's economy must accelerate to catch up with and take advantage of this great technology leverage. To reach all of the targets above, first of all, the prerequisites macroeconomic conditions are: (i) successful reform of the growth model to increase labor productivity, creating an acceleration in economic growth in the years after; (ii) in parallel with the high economic growth, it is necessary to continue to consolidate the macroeconomic stability, to drastically implement the economic restructuring to improve the fiscal status, completely eliminate negative factors affecting the macroeconomic stability's such as bad debts and vulnerable banks. Finally, the financial system as the lifeblood of the economy will continue to play a key role in total social investment, supporting high growth during this period. Accordingly, the restructuring towards a modern and harmonious financial market between money and capital markets is becoming more and more crucial. Achieving this, Vietnam's economy will quickly narrow the gap with other countries in the region and be ready to move into Asia's great sea.
1.Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, bền vững giai đoạn 2018-2020.
Tại sao Việt Nam cần phải đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao? Bởi lẽ, nếu nhìn vào con số tăng trưởng, đây là tốc độ tăng khá cao, nhưng nếu nhìn vào con số tuyệt đối thì với mức tăng này, GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.Bối cảnh kinh tế thế giới trong giai đoạn này có nhiều biến động khó lường như các chính sách mới của Tân tổng thống Donald J.Trump, lộ trình tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ và các tác động từ việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại và đầu tư, cũng như tới lãi suất và tỷ giácủa thị trường các nước mới nổi châu Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng của giai đoạn nói trên quả là một thách thức không nhỏ.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số tuyệt đối của tăng trưởng, Việt Nam còn ở mức khá khiêm tốn so với nước bạn.Thực tế,chúng ta mới chỉ thoát ra khỏi ngưỡng "thu nhập thấp" và bước vào các quốc gia "thu nhập trung bình". Do đó, để bắt kịp với các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta tiếp tục phải đi nhanh hơn nữa. Trong bối cảnh thế giới chuyển biến mạnh mẽ, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam lại càng phải tăng tốc để có thể bắt kịp và tận dụng đòn bẩy công nghệ vô cùng lớn lao này. Chỉ có vậy,Việt Nam mới có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước đang phát triển trong khu vực. Đó chính là lý do cần phải đạt tăng trưởng cao khi nhìn từ bình diện quốc tế.
Những biến động khó lường từ phía quốc tế là vậy, và nhìn từ khía cạnh trong nước chúng ta cũng còn không ít khó khăn thách thức.Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa cao khi còn phụ thuộc vào tích lũy và gia tăng các yếu tố đầu vào mà không phải tăng năng suất lao động; động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế đối ngoại mà chưa thấy rõ vai trò chủ lực của khu vực tư nhân. Các yếu tố đe dọa ổn định vĩ mô trong nước (như thâm hụt ngân sách và nợ công) dồn tích từ nhiều năm nay chưa xử lý triệt để hoặc chậm cải thiện (nợ xấu, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế ) trong khi dưa địa chính sách vĩ mô hạn hẹp dần.Mô hình tăng trưởng chưa hiệu quả, bất ổn vĩ mô dồn tích thực sự là những lực cản đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng và bứt phá của nền kinh tế Việt Nam.
Thực tế, chúng ta đã đi hết chặng đường năm 2016 và nửa đầu năm 2017 với kết quả chưa được như mong đợi. Tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ đạt mức 6,21% chủ yếu do sự suy giảm đóng góp của các ngành như khai khoáng và nông nghiệp trước việc giá dầu quốc tế giảm mạnh và thiên tai hạn hán trong nước. Năm 2017 việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% thách thức bội phầnkhi tăng trưởng quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2016. Như vậy, nhiệm vụ đạt mục tiêu của giai đoạn càng đè nặng lên các năm 2018-2020, đòi hỏi tăng trưởng giai đoạn này càng phải cao hơn song cần phải bền vững.
2. Đâu là những điều kiện cần để nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững?
Để đạt được tăng trưởng cao và bền vững giai đoạn 2018-2020, trước hết, chúng ta cần tập trung phải giải quyết các vấn đề tồn tại của giai đoạn trước đã nêu ở trên.Theo tôi, các điều kiện tiên vĩ mô quyết để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững đó là:
Thứ nhất, quyết liệt thực hiện đổi mới tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế, tạo đột phá tăng trưởng.
Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Số liệu thống kê cho thấy việc gia tăng đầu vào đóng góp khoảng 71% vào tăng trưởng. Vốn con người, công nghệ, hiệu quả quản lý của Nhà nước (TFP) chỉ đóng góp khoảng 29%. Riêng trong khu vực ASEAN, năm 2016, năng suất lao động của Việt Nam đã thua Lào, chỉ còn hơn Mianmar và Campuchia. Đấy thực sự là tình trạng hết sức quan ngại về năng suất lao động của nền kinh tế. Do đó, giai đoạn 2016-2020, cần phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, thực hiện thành công chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất hướng đến tích lũy tri thức, công nghệ thay vì chỉ chú trọng quy mô tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển động lực tăng trưởng kinh tế - khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta cũng đã có những kết quả ban đầu để tạo động lực, giúp khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Đó là kết quả những chính sách ban hành để tạo lập hạ tầng, thể chế tốt, môi trường kinh doanh tốt hơn, khơi dậy làn sóng đầu tư thứ hai trong nước – làn sóng khởi nghiệp. Trong đó phải kể đến hiệu ứng từ các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi v.v…; rồi hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết và của các chính sách cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi tạo doanh nghiệp trong năm 2016 như Nghị quyết 19, 35 của Chính Phủ. Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"…Giai đoạn 2016-2020, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngang tầm khu vực, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam cần được tăng lên rõ rệt[1].
Thứ hai, đi đôi với việc tăng trưởng kinh tế cao, cần tiếp tục củng cố ổn định vĩ mô, quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm củng cố tài khóa, xử lý dứt điểm những yếu tố đe dọa bất ổn vĩ mô như nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém…
Trước hết, đó là các vấn đề nợ công và ngân sách. Tỷ lệ nợ công hiện ở mức cao và tiệm cận mức trần 65% GDP, áp lực trả nợ lớn. Tất cả các chỉ số nợ công của Việt Nam, bao gồm cả tỷ lệ nợ công trên GDP, thu ngân sách, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nợ trên GDP…đều đã ở ngưỡng sát hoặc vượt quá ngưỡng an toàn. Ví dụ, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên doanh thu Chính phủ đã đạt 27,4% trong năm 2015, vượt quá giới hạn cho phép chỉ ở mức 25%. Bên cạnh đó, nợ đọng thuế còn lớn; giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp so với kế hoạch làn giảm hiệu ứng lan tỏa của chính sách công đến các khu vực kinh tế khác. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.
Thêm vào đó, vấn đề tái cơ cấu diễn ra chậm và chưa thực chất cũng là một trong những lực cản lớn của tăng trưởng kinh tế. Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Một số doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư.
Thứ ba, cung ứng vốn từ một hệ thống tài chính hiện đại hóa cần tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tiếp tục vai trò đòn bẩy hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao.
Chúng ta đều biết, vốn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và được xem như là huyết mạch của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2015, yếu tố vốn đóng góp trên 54% vào tăng trưởng GDP của giai đoạn. Trong giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, sự phục hồi nhu cầu thế giới còn chậm chạp, trong khi kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, cung ứng vốn từ hệ thống tài chính sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Tính đến cuối năm 2016, độ sâu tài chính của hệ thống tài chính Việt Nam, một chỉ số đo lường khả năng cung ứng vốn của khu vực tài chính đối với nền kinh tế chỉ ở mức 1,8 lần GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Singapore là 4 lần, Malaisia 3,7 lần, Thái Lan và Trung Quốc khoảng 3,3 lần, Philippines đạt gần 2 lần GDP). Như vậy, trong giai đoạn tới, chúng ta tiếp tục phải mở rộng cung ứng vốn từ hệ thống tài chính để hỗ trợ tích cực hơn cho tăng trưởng, tuy nhiên cũng cần tính toán lượng cung tiền hợp lý từng năm để đảm bảo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và duy trì ổn định môi trường kinh tế vĩ mô.
Trên đây là những điều kiện vĩ mô cần cho một nền kinh tế tăng trưởng nhanh song bền vững, phần tiếp theo tập trung phân tích sâu hơn về vai trò cũng như tồn tại hạn chế của hệ thống tài chính trong giai đoạn 2011-2016 nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp để đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2016-2020.
3. Hệ thống tài chính và tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Vai trò quan trọng, chủ chốt của hệ thống tài chính đối với tăng trưởng kinh tế là không thể phủ nhận trong các giai đoạn trước 2016 và cả giai đoạn 2016-2020.Luân chuyển vốn thông suốt của khu vực tài chính sang khu vực kinh tế thực, phân bổ vốn hiệu quả vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, hỗ trợ khu vực tư nhân - động lực chính của tăng trưởng. Hạn chế dòng vốn vào khu vực phi sản xuất và những lĩnh vực hình thành bong bóng tài sản, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đó chính là những vai trò nổi bật của hệ thống tài chính đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô.
Trong đó, vốn cung ứng từ hệ thống tài chính chủ yếu từ khu vực ngân hàng. Tổng cung ứng vốn bình quân từ khu vực ngân hàng chiếm tới 85% tổng cung ứng vốn của khu vực tài chính trong giai đoạn 2012-2016. Hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm tới 96,2% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính. Năm 2016, tín dụng từ khu vực ngân hàng vẫn đóng góp chính cho khu vực kinh tế thực khi chỉ số tín dụng/GDP đạt mức 123%.Mức mở rộng cung tiền đạt xấp xỉ 1,6 lần GDP.
Tuy nhiên, hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn những tồn tại khiến cho việc cung vốn vào nền kinh tế chưa được thông suốt và chất lượng, hiệu quả chưa cao. Đó là:
Đối với thị trường chứng khoán, mặc dù khả năng thu hút vốn nước ngoài tăng dần song vốn cung ứng từ khu vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng và so với các nước trong khu vực. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tăng từ 43,2% GDP trong năm 2016 lên khoảng 52,5% GDP trong năm 2017. Chỉ số P/E[2] bình quân thị trường Việt Nam[3] không cao so với các thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế trong khi mức tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn phần lớn các nước trong khu vực và quốc tế.Khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài của thị trường chứng khoán ngày càng tích cực[4]. Thị trường chứng khoán ít nhận được phân bổ vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu do Việt Nam chỉ được coi là thị trường chứng khoán cận biên, chưa đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI; mức độ đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chưa cao. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém phát triển làm hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, đồng thời dẫn đến sự chậm ra đời của thị trường mua bán nợ.
Đối với hệ thống ngân hàng,việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém còn chậm, nhất là các ngân hàng thương mại mua lại giá 0 đồng và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Đây có thể xem là "điểm nghẽn" của hệ thống tài chính – huyết mạch của nền kinh tế; nếu không xử lý triệt để thì sẽ không thể giảm được mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn của nền kinh tế cũng như ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Kể từ năm 2012 đến hết 2015, toàn hệ thống TCTD mới xử lý xấp xỉ 500 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, các TCTD tự xử lý chiếm phần nhiều (trên 55%), còn lại là bán nợ cho VAMC và các tổ chức cá nhân khác. Nợ xấu còn tồn đọng tại VAMC chưa xử lý khoảng 180 nghìn tỷ đồng.
4. Giải pháp cấu trúc lại thị trường tài chính hiện đại, hài hòa hơn:
Một là, đối với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt hơn nữa, mở rộng cung tiền một cách hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng. Tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính để xử lý nợ xấu của khu vực ngân hàng. Từ đó, tăng khả năng cung cấp tín dụng ra nền kinh tế thực và giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vốn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực hiệu quả, năng suất, công nghệ cao – động lực chính của tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Hai là, đối với thị trường vốn, phát triển thị trường vốn để tăng cường cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cung ứng vốn và rủi ro kỳ hạn cho hệ thống tổ chức tín dụng: (i) duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; tích cực đáp ứng các tiêu chí xếp hạng TTCK của MSCI để sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi,đặc biệt các tiêu chí về mức độ tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường tự do hóa tài khoản vốn; (ii) Nhanh chóng tăng quy mô và thanh khoản thị trường vốn, đạt mục tiêu vốn hóa thị trường 70%GDP vào năm 2020. Đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức (quỹ hưu trí bắt buộc, quỹ hưu trí bổ sung, quỹ mạo hiểm, quỹ vốn cổ phần tư nhân, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ).
Ba là, hướng tới xây dựng một nền tài chính hiện đại, triển khai áp dụng các công cụ tài chính hiện đại; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới như: các sản phẩm phái sinh: hợp đồng tương lai/quyền chọn đối với các chỉ số, cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác; cổ phiếu không có quyền biểu quyết; trái phiếu Chính phủ lãi suất thả nổi gắn với lạm phát.
Tóm lại, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế không nhiều thuận lợi, đòi hỏi phải kèm theo nhiều giải pháp từ phía Nhà nước, Chính Phủ và quyết tâm thực hiện từ phía doanh nghiệp và nhân dân. Trong đó, một nền tài chính hiện đại đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng kinh tế, không những thúc đẩy việc luân chuyển dòng vốn thông suốt trong khu vực kinh tế thực mà còn phân bổ hiệu quả nguồn lực tới các ngành ưu tiên, chú trọng phát triển. Dẫu rằng còn nhiều việc phải làm cũng như không ít những khó khăn, thách thức đang ở phía trước nhưng nếu không quyết liệt giải quyết tồn tại lớn của nền kinh tế ngay bây giờ, nếu không chọn con đường tăng trưởng cao và bền vững ngay trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ cần rất nhiều năm nữa để tiến ra biển lớn sánh với các nước trong khu vực.
] Xếp hạng môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia theo Ngân hàng thế giới và đứng thứ 56/140 theo Diễn đàn kinh tế thế giới.
[2] P/E: chỉ số giá trên thu nhập một cổ phần.
[3] Mức P/E bình quân toàn thị trường cuối quý 1/2017 đạt 17,4 lần.
[4]Tính đến hết tháng 5/2017, tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ước đạt 23,54 tỷ USD, tăng 15,3% so với cuối năm 2016.