Tại tỉnh Quảng Bình, tiếp và làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: Trần Hải Châu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Bình; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND.
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Bình
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị và Công văn chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, Ban cán sự đảng UBND, UBND và các cơ quan liên quan đã ban hành hệ thống văn bản triển khai thực hiện. Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 133.832 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 3% tổng nguồn vốn của NHCSXH, tăng 117.235 triệu đồng so với thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.392,9 tỷ đồng, tăng 2.220,7 tỷ đồng so với năm 2014.
Nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đã giúp cho 83.917 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 34.747 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 1.123 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 178.969 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường…
Đoàn công tác làm việc tại Huyện ủy Bố Trạch
Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại Quảng Bình còn một số khó khăn, hạn chế như: nguồn lực thực hiện chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, đặc biệt cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; việc bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH còn thấp; công tác điều tra, xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức…
Phát biểu tại buổi làm việc, Đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại tỉnh Quảng Bình; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy, UBND, HĐND tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đoàn giám sát ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Quảng Bình để chuyển đến các cơ quan Trung ương xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW.
Đoàn công tác khảo sát tình hình thực tế
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn Giám sát có buổi làm việc với Đảng ủy, UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch; thăm điểm giao dịch của NHCSXH tại xã và trao đổi với đại diện các tổ tiết kiệm và vay vốn, đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội.
Tại Tỉnh Nghệ An, tiếp và làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Thanh An, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy UBND tỉnh; đại diện Lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nghệ An; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; Ban Dân tộc; các tổ chức - chính trị xã hội; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND.
Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị và Kế hoạch; các cơ quan liên quan, 21/21 huyện, thành phố, thị xã ban hành kế hoạch thực hiện. Tính đến 31/12/2022, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác sang NHCSXH cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 250.883 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 2,3% tổng nguồn vốn của NHCSXH, tăng 174.992 triệu đồng so với thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW. Đặc biệt, đã có 305 xã trích chuyển nguồn vốn ngân sách qua NHCSXH với số dư đạt 9 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 10.865,8 tỷ đồng, tăng 4.634,5 tỷ đồng so với năm 2014.
Đoàn công tác làm việc tại Huyện ủy Nghị Lộc
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại Nghệ An còn một số khó khăn, hạn chế như: nguồn vốn tín dụng chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động; tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH còn rất khiêm tốn; công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách chưa thực sự thường xuyên, đồng bộ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An trong việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội thống nhất, toàn diện và hiệu quả. Công tác huy động, quản lý và sử dụng vốn tín dụng ngày càng có chất lượng. UBMTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chủ động, tích cực trong hoạt động nhận ủy thác, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội... Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy, UBND, HĐND tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đoàn giám sát ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Nghệ An để chuyển đến các cơ quan Trung ương.
Sáng ngày 16/6/2023, Đoàn Giám sát có buổi làm việc với Đảng ủy, UBND xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc; thăm điểm giao dịch của NHCSXH tại xã và trao đổi với đại diện các tổ tiết kiệm và vay vốn, đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội.
Tin, ảnh: Tống Thu Huyền - Vụ Xã hội