Tăng trưởng và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia thường đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu ngành kinh tế. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của nước ta chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy lợi thế so sánh ngành và vùng lãnh thổ. Nhờ đó, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển dài hạn và bền vững.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thành tựu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Cùng với tốc độ tăng cao liên tục và khá ổn định của GDP trong những năm gần đây, cơ cấu ngành kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông nghiệp đã giảm nhanh, tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng nhanh, tỷ trọng dịch vụ chưa có biến động nhiều.
Đến nay, đóng góp vào tăng trưởng của 2 ngành Công nghiệp và Dịch vụ chiếm khoảng 90% tăng trưởng toàn ngành kinh tế, cao hơn giai đoạn 2006-2010. Năm 2016, ngành Dịch vụ đóng góp gần 50% vào tăng trưởng theo ngành và cao hơn nhiều so với giai đoạn 2006-2010 với mức đóng góp 40%.
Điều này chứng tỏ xu thế tiến bộ, phù hợp với hướng chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và củng cố tiềm lực kinh tế đất nước.
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Số lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng, trong khi số lao động ngành nông nghiệp ngày càng giảm.
Trong nội bộ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng có sự chuyển dịch ngày càng tích cực. Sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành Nông nghiệp đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội nông thôn, mà biểu hiện rõ nhất là thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu hộ nông thôn theo hướng ngày càng tăng thêm các hộ làm công nghiệp, thương mại và dịch vụ, trong khi số hộ làm nông nghiệp thuần túy giảm dần.
Đối với công nghiệp, cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm đang có sự thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Ngành Công nghiệp chế biến tăng tỷ trọng, trong khi công nghiệp khai thác có chiều hướng giảm.
Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng mở cửa, hội nhập vào kinh tế toàn cầu, thể hiện ở tỷ lệ xuất khẩu/GDP (xuất khẩu/GDP) ngày càng tăng, nghĩa là hệ số mở cửa ngày càng lớn, từ 47% năm 2001 và lên trên 50% đến năm 2005.
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, tương đương với 17,64 tỷ USD, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%), là năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu kể từ khi gia nhập WTO. Nhờ đó, trong giai đoạn 2011-2015, xuất khẩu hàng hóa đã đạt tốc độ tăng trưởng cao gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng có lợi, đó là tăng tỷ trọng hàng chế biến có giá trị gia tăng cao (từ 45,1% trong những năm 1996-2000 lên 48% trong những năm gần đây, giảm tỷ trọng hàng thô và sơ chế; Tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp sử dụng nhiều lao động như hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ…; giảm tỷ trọng nhóm hàng nông – lâm – thủy sản (từ 55,2% năm 1990 xuống còn 27,6% năm 2003).
Giai đoạn 1996-2000, mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thế giới đã tăng gấp hơn 3 lần trong 15 năm từ mức 0,25% năm 2001 lên tới 0,8% năm 2015, đặc biệt là nhóm hàng nông sản Việt Nam.
Mặc dù tỷ trọng đóng góp còn ở mức thấp nhưng điều này cho thấy mức độ tham gia ngày càng sâu, rộng của Việt Nam trong chuỗi giá trị thế giới, cải thiện đáng kể vị thế của Việt Nam nói chung và hàng hóa Việt Nam nói riêng.
Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường lớn nhất theo giá trị xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hồng Kông, Malaysia, các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Anh và Australia.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các cùng khó khăn, tín dụng cho người nghèo và chính sách hỗ trợ trực tiếp đã mang lại kết quả rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 17,2% năm 2006 xuống còn 13,1% năm 2008 và năm 2016 còn khoảng 4,45%...
Có thể nói, quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Chỉ sau 3 năm của thời kỳ phôi thai về kinh tế thị trường (1987-1989), nền kinh tế nước ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong những năm 1990-1997.
Mọi mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1991-1995 đều đạt vượt mức khá cao. Giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm gấp đôi so với 5 năm trước đó. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính tiền tệ ở các nước châu Á, tuy tốc độ tăng trưởng của nước ta có sự giảm sút, nhưng về cơ bản vẫn tránh được "cơn bão" của cuộc khủng hoảng, để sau đó tiếp tục tăng quy mô GDP của đất nước, tăng xuất khẩu, phát triển công nghiệp, trở thành một nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Một số khuyến nghị
Một quốc gia muốn phát triển và đạt được tốc độ tăng trưởng cao phải có cơ cấu ngành hợp lý. Đối với Việt Nam, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế:
Một là, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, điều chỉnh diện tích đất phù hợp với mô hình sản xuất nông nghiệp mới; Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước; Hoàn thiện mô hình, phát triển hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã, có chính sách mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản, thủy sản Việt Nam…
Hai là, cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế tạo; Tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; Tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững gắn kết với bảo vệ môi trường; Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu; Tạo điều kiện để doanh nghiệp đề xuất dự án đầu tư phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế…
Ba là, thực hiện cơ cấu lại các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; Phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành, thực hiện chương trình phát triển du lịch quốc gia; Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ du lịch; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch…
Bốn là, hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về môi trường; Khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt quan tâm đến các khu vực trọng điểm; giám sát và đối phó các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Năm là, xây dựng Chương trình Quốc gia về thực hiện các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, trong đó đưa ra các yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc cho từng ngành kinh tế; Chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập và thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước…
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2016;
2. Tổng cục Hải quan (2016), Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2001-2016;
3. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (2016), Những diễn biến chính trong cán cân thương mại giai đoạn 2011-2015;
4. Đinh Tuấn Minh, Phan Huy Hoàng, Nguyễn Thế Hoàng (2017), Những thách thức của xuất khẩu Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Theo tapchitaichinh.vn