CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4 VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI CHÍNH SÁCH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CỦA VIỆT NAM
THE 4TH INDUSTRIAL REVOLUTION:
POLICY IMPLICATIONS FOR SCIENCE &TECHNOLOGY AND HUMAN RESOURCES TRAINING IN VIETNAM
PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP. HCM
Tóm tắt bài viết:
Thế giới đương đại đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ mới với sự chuyển động nhanh chóng làm thay đổi cơ bản, rộng khắp và toàn diện lối sống, phong cách làm việc và kết nối thông minh. Đó là dấu hiệu và cũng là kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Đây là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển. Tiềm năng phát triển của Việt Nam còn rất lớn, tiềm năng về con người của thời kỳ dân số vàng trong đó nổi bật là cơ cấu dân số trẻ. Tuy nhiên, chất lượng khoa học công nghệ và chất lượng giáo dục và đào tại của Việt Nam còn nhiều hạn chế và khoảng cách ngày càng xa so với các nước phát triển. Do đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thời cơ để chúng ta xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của nó sẽ hình thành các chính sách khoa học công nghệ và đào tạo phù hợp. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cần đầu tư xứng tầm và có chiều sâu cho các đại học trọng điểm./.
Abstract:
The contemporary world is moving towards a new technological revolution at quick pace that results inbroad, fundamental and comprehensive changes in lifestyle, work style and smart connectivity. It is a sign and also as a result of the existing 4th industrial revolution. This is a very precious opportunity that Vietnam must quickly grasp to go straight into new industrial sectors to accelerate the process of industrialization, modernization and narrow the development gap. The development potential of Vietnam is very large, especiallythe human potential withthe "golden" period with the notably young population structure. However, the quality of science and technology and the quality of education and training in Vietnam is still limited and the gap with that of the developed countries hasnot yet being narrowed. Therefore, the fourth industrial revolution is the opportunity to build a new industrial strategy associated with its characteristics, from which we shoulddesign appropriate policies on the science and technology and training. At the same time, the Party and State should have appropriate investments to key universities. /.
1. Hiệu ứng và sức lan tỏa của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- Lược sử các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây
Hãy nhìn lịch sử phát triển xã hội là sự nối tiếp nhau của sự thay đổi từ các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba và nay là lần thứ tư.
(1) Cách mạnh công nghiệp lần thứ nhất diễn ra đầu thế kỷ 18 bởi các thành tựu về cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước.
(2) Cách mạng công nghiệp lần thứ hai, xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 được đặc trưng bởi động cơ điện và sản xuất hàng loạt. Hai cuộc cách mạng công nghiệp này đã công phá mọi đặc trưng của xã hội nông nghiệp. Nó tạo ra các nhà máy khổng lồ, máy cày trong nông trại, máy đánh chữ trong văn phòng, tủ lạnh trong nhà bếp, báo chí hàng ngày, phim ảnh, tàu điện ngầm, máy bay. Nó sản sinh ra trong hội họa có trường phái lập thể, trong âm nhạc có nhạc 12 âm, thuốc vitamine, vắc xin phòng đại dịch…xuất hiện đồng hồ đeo tay, bỏ phiếu tín nhiệm… hình thành nền văn minh công nghiệp. Chỉ trong vòng 2 thế kỷ cách mạng công nghiệp đã cách mạng hóa cuộc sống của Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại dương và một vài quốc gia châu Á.
(3) Cách mạng công nghiệp lần thứ 3, nổi lên tại các quốc gia phát triển nhất thế giới, bước ngoặc lịch sử này phát hiện vào những năm 60s của thế kỷ 20 khi mà số người làm việc văn phòng và làm dịch vụ vượt hơn số lượng công nhân. Cũng trong thập kỷ này, việc đưa vào sử dụng rộng rãi nhiều phát minh có tác động cao như máy tính, máy bay siêu âm, khám phá vũ trụ, công nghệ hạt nhân, công nghệ sinh học và các thành tựu về di truyền, gien, công nghệ thông tin… người ta gọi là nền văn minh hậu công nghệp với đặc trưng nền kinh tế tri thức.
Ngay cả cách mạng công nghiệp lần thứ 3 đang lan tỏa và còn đầy năng lượng cho các nước mà nó chưa đi qua thì Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nổi lên trong những năm gần đây ở các nước công nghiệp hàng đầu thế giới.
- Sự ra đời và đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Cách mạng công nghiệp lần 4, bước ngoặc lịch sử này vào năm 2011 tại Hội chợ Công nghệ Hannover ở Cộng hòa liên bang Đức thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" lần đầu tiên được đưa ra. Đến năm 2012, thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" được sử dụng cho giới nghiên cứu và các hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức nhằm cải thiện quy trình quản lý và sản xuất trong các ngành chế tạo thông qua "điện toán hóa".
Ngày 20/01/2016, tại Diễn đàn kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề "Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Từ đó, đến nay, thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), là một thuật ngữ với nội hàm bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet của vạn vật và internet của các dịch vụ tương tác với nhau và với con người theo thời gian thật.
Đặc trưng phổ biến của cách mạng công nghiệp 4: (1) là xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến mới, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và kết nối Internet vạn vật đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh. (2) Công nghệ in 3D cho phép sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ. Công nghệ này cho phép in ra sản phẩm bằng những phương pháp phi truyền thống nhờ đó loại bỏ các khâu sản xuất trung gian và giảm chi phí sản xuất. (3) Công nghệ nano và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực. (4) Trí tuệ nhân tạo và điều khiển học có bước phát triển vượt bậc cho phép con người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian, thời gian; tương tác nhanh hơn, tốt hơn và chính xác hơn.
- Lợi ích và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với thế giới đương đại
Thứ nhất, đối với ứng dụng các thành tựu công nghệ trong sản xuất
Ngày nay chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khởi động và xây dựng dựa trên đặc trưng của cuộc cách mạng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, internet ngày càng phổ biến, di động với các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn, giá thành rẻ hơn.
Theo nhận định của các nhà khoa học, cách mạng công nghiệp 4 dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Có 2 xu hướng làm thay đổi công nghệ kỹ thuật số: (i) chi phí giảm thúc đẩy lan tỏa rộng rãi công nghệ; (ii) kết hợp nhiều loại hình công nghệ số và hội tụ công nghệ số với các công nghệ khác.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 kích hoạt các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gien cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới các tính toán lượng tử. Đồng thời dung hợp các công nghệ này tạo ra sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Thứ hai, các lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động to lớn mang lại những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ toàn cầu, khu vực và từng quốc gia.
Về kinh tế - xã hội, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn. Người tiêu dùng dường như được hưởng lợi nhiều nhất với các sản phẩm và dịch vụ mới được thực hiện từ xa của hàng ngàn các ứng dụng thông minh từ internet, điện thoại đang làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng và năng suất hơn nhưng chi phí không đáng kể. Nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức. Các ngành công nghiệp sáng tạo tăng trưởng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế so với các ngành sản xuất và dịch vụ truyền thống.
Về môi trường,nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường cũng đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu nhập và xử lý thông tin liên tục cũng như các cảnh báo sớm từ các thảm họa thiên nhiên.
Hàng triệu người mỗi ngày đang điều chỉnh nhịp sống theo những nhịp điệu mới phong phú, nhiều vẻ từ cách làm việc, yêu thương và sống.
Thứ ba, các thách thức an ninh phi truyền thống
Về an ninh không gian: Hầu hết các ứng dụng quan trọng và nổi bật của cách mạng công nghiệp 4 đã được sử dụng trong các cuộc chạy đua vũ trụ và không gian. Trái đất nơi con người sinh sống đang bị giám sát bởi vô số các thiết bị công nghệ kỹ thuật số chính xác đến từng centimet trên mặt đất, dưới mặt đất và trên không trung. Không gian n chiều đã và đang được số hóa và con người cũng như mỗi quốc gia trở thành đối tượng của các thiết bị công nghệ theo dõi từ xa. Sự va chạm giữa các thiết bị vũ trụ và không gian không còn là vấn đề viễn tưởng mà là mối nguy không của riêng ai, nó đang treo lơ lửng cho trái đất và con người. Sự thiếu chính xác của công nghệ và con người trong tích tắc có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Về an ninh mạng: Sự xâm nhập các cơ sở dữ liệu để đánh cắp, làm thay đổi hoặc phá hoại các thông tin quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực là mối nguy thường trực của tất cả các tổ chức ở mọi cấp độ. Vấn đề bảo mật, đảm bảo an ninh mạng mang tính toàn cầu là thách thức lớn hiện nay.
Về an ninh kinh tế - xã hội: Cuộc cách mạng công nghiệp 4 cho phép ứng dụng phổ biến công nghệ kỹ thuật số với hệ thống dữ liệu kết nối ở hầu hết các giao dịch kinh tế, tài chính, thương mại nhưng lại chứa đựng các nguy cơ tiềm ẩn về an toàn, an ninh thông tin. Thực tế hàng ngày trong hàng triệu các giao dịch kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua hệ thống số đã xảy ra vô số các cuộc tấn công đánh cắp thông tin ở mức độ này hay mức độ khác.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4 có thể tạo ra sự bất công lớn hơn về phân phối thu nhập, làm gia tăng mâu thuẫn giữa các nhóm lao động: nhóm có kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm có kỹ năng cao/trả lương cao. Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính, cụ thể là những nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư. Điều này làm cho khoảng cách về sự giàu - nghèo giữa những đối tượng phụ thuộc vào vốn và phụ thuộc vào sức lao động ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, khi tự động hóa thay thế con người trong hầu hết các hoạt động sản xuất, điều này làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và thu nhập so với sức lao động.
2. Những vấn đề đặt ra đối với chính sách khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam
Trước cơ hội mang lại của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, xã hội thông tin, kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn vào kinh tế thế giới. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mới đang trong giai đoạn khởi phát là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Tiềm năng phát triển của Việt Nam còn rất lớn, tiềm năng về con người của thời kỳ dân số vàng trong đó nổi bật là cơ cấu dân số trẻ. Tuy nhiên, chất lượng khoa học công nghệ và chất lượng giáo dục và đào tại của Việt Nam còn nhiều hạn chế và khoảng cách ngày càng xa so với các nước phát triển.
2.1 Đổi mới chiến lược công nghiệp là vấn đề cấp thiết
Chính sách khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có quan hệ mật thiết với chiến lược công nghiệp của đất nước trong mỗi giai đoạn phát triển.
Mặc dù mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được nhất quán đề cập trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước nhưng chiến lược công nghiệp chưa điều chỉnh cho phù hợp và cũng không rõ nét. Có thể nói, chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong hơn 30 năm qua thể hiện rõ là chiến lược công nghiệp với ba chương trình kinh tế lớn: lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Chiến lược công nghiệp trên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vì đã giải quyết được bức xúc về đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh khó khăn, phù hợp cho giai đoạn tăng trưởng và giảm nghèo. Tuy nhiên tiếp tục duy trì sẽ không còn phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sau chiến lược công nghiệp gắn với 3 chương trình kinh tế lớn nêu trên, trong thời gian qua các chính sách công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp năng lượng… chưa thật sự mang lại các kết quả như mục tiêu đã đề ra. Chính vì vậy, dường như chúng ta lúng túng vì chưa có chiến lược công nghiệp bài bản.
Do đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thời cơ để chúng ta xây dựng chiến lược công nghiệp mới gắn với các đặc trưng của nó. Từ chiến lược công nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ hình thành các chính sách khoa học công nghệ phù hợp với tính toán lượng tử, điện toán đám mây, công nghệ thông tin, công nghệ nano, vật lý, sinh học…Đây là vấn đề hệ trọng cần xuất phát từ chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước để huy động sức mạnh của toàn dân tộc để thực hiện cho đồng bộ và nhất quán.
2.2. Tái cấu trúc sản phẩm công nghiệp cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế
Thứ nhất, Chính phủ phải xây dựng các chương trình mục tiêu công nghiệp cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ. Đây là các yếu điểm của cấu trúc công nghiệp hiện nay của Việt Nam dẫn đến vấn đề nhập siêu lớn mặc dù Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hầu như tất cả những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, cộng với lượng kiều hối lớn nhưng vẫn không bù đắp phần nhập siêu. Điều cần thiết của giải pháp này là tập hợp các chuyên gia trong nước và quốc tế lên danh mục chi tiết các sản phẩm công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế để thí điểm thực hiện chiến lược tái cấu trúc công nghiệp.
Thứ hai, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước theo định hướng sản xuất công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ. Điều này sẽ làm rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước như lực lượng mở đường gắn với hoàn cảnh mới, mục tiêu mới và cũng là cơ sở lý giải đặc trưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hơn nữa các cơ chế kinh tế và xu hướng hội nhập hiện nay cho thấy các thành phần kinh tế khác và quy luật thị trường đủ cung cấp cho xã hội lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Thứ ba, về thành phần kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước nên kế thừa các mô hình Cheabol của Hàn Quốc, Keiretsu của Nhật Bản. Tức là nhà nước thí điểm hỗ trợ về vốn, đất đai, thông tin về xúc tiến thương mại… cho một số tập đoàn tư nhân đang phát triển để đi vào lĩnh vực sản xuất công nghệ, sản xuất công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ.
Thứ tư, ưu đãi cho các nhà đầu tư sản xuất các mặt hàng công nông nghiệp mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với điều kiện gia tăng giá trị để xuất khẩu. Điều này vừa khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có, vừa cải thiện giá trị xuất khẩu và gia tăng năng lực sản xuất trong nước.
2.3 Phát huy vai trò của các Đại học trọng điểm và đầu tư xứng tầm
Chúng ta phải nhận thức rằng chỉ có đại học tiên tiến mới hội tụ các tri thức và trí tuệ siêu việt để có những cảm xúc sáng tạo và đổi mới không ngừng thích ứng với thời đại cách mạng công nghiệp mới và công nghệ kỹ thuật số như hiện nay. Do đó, yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đặc biệt là giáo dục đại học chất lượng cao đã được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm hỗ trợ của toàn xã hội, giáo dục nước nhà đã có nhiều cố gắng và đạt những thành tựu nhất định, góp phần vào ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam còn nhiều điều cần tiếp tục phấn đấu nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước, xã hội; cả kiến thức tiên tiến, cập nhật về khoa học và công nghệ mới.
Tất cả những vấn đề nêu trên chỉ được giải quyết ở môi trường giáo dục đại học chất lượng cao bởi vì ở đó là nơi hội tụ những trí tuệ xuất sắc nhất, nhờ đó mới có thể tiếp thu, lan tỏa và phổ biến phát triển tri thức của nhân loại trong khoa học công nghệ, đời sống kinh tế và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Giáo dục đại học chất lượng cao tác động trực tiếp và lan tỏa đến sự phát triển bền vững của đất nước và là cơ sở vững chắc để đón bắt công nghệ mới phụng sự tổ quốc.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần đầu tư xứng tầm và có chiều sâu để các đại học trọng điểm đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ mới tiệm cận với các nước tiên tiến.Từ đó, các đại học trọng điểm thu hút nhân tài, hội tụ của các trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy. Đồng thời, các đại học trọng điểm tiên phong trong công tác khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ và tri thức và cũng là nơi ươm mầm tài năng của đất nước trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế này.
Tóm lại, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu lan tỏa mạnh và tác động rộng khắp trên toàn thế giới, đây là thời cơ vàng để Việt Nam đón bắt và điều chỉnh chiến lược phát triển đất nước, trong đó, chú trọng đến chiến lược công nghiệp mới, tái cấu trúc các sản phẩm công nghiệp và đầu tư xứng tầm và có chiều sâu cho các đại học trọng điểm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. GS,TS. Trần Đại Quang (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống, Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ Khai khóa Đại học Quốc gia TP.HCM, ngày 3/10/2016
2. Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (2016), Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thông tin chuyên đề, số 08-TTCĐ/VPTW, ngày 10 tháng 8 năm 2016.
3. Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Một số đặc điểm, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.
4. Hội Cơ khí Thành phố Hồ Chí Minh (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: bối cảnh, các xu hướng lớn và những sản phẩm điển hình, https://hame.org.vn/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-boi-canh-cac-xu-huong-lon-va-nhung-san-pham-dien-hinh.html, ngày 16 tháng 7 năm 2016.
5. Nguyễn Thái (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – kỳ I,https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-ky-i-20160120215723260.htm, ngày 20 tháng 01 năm 2016.
6. Ngọc Linh (2016), FPT và cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4,https://enternews.vn/fpt-va-cuoc-cach-mang-khoa-hoc-lan-thu-tu.html, ngày 9 tháng 3 năm 2016.