Lao động kỹ thuật cao tại Công ty TNHH Cosmos (Khu công nghiệp Thụy Vân).
Những năm gần đây, thu hút đầu tư đã và đang có những bước phát triển đột phá, đưa Phú Thọ trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Có được kết quả đó phải kể đến vai trò quan trọng của các Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự vận hành của Ban Quản lý các KCN tỉnh đã và đang tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Có thể nói, phát triển các KCN luôn gắn với hoàn thiện cơ chế và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý các KCN tỉnh. Từ ngày thành lập đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các KCN tỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể. Từ 2 phòng chuyên môn là Văn phòng và Phòng nghiệp vụ trước đây, đến nay cơ cấu tổ chức của Ban có 6 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay Ban Quản lý các KCN tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý 7 KCN trên địa bàn tỉnh và 2 CCN Bạch Hạc và Đồng Lạng. Với chức năng của mình, Ban đã triển khai quy hoạch và thu thút đầu tư 5 KCN, tổng diện tích 1.415ha. Triển khai xây dựng hạ tầng 4 Khu công nghiệp: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê và 2 Cụm công nghiệp: Bạch Hạc 79ha và Đồng Lạng 24ha, trong đó KCN Phú Hà do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng 52ha, KCN Cẩm Khê đang xây dựng đường vào và Trạm bơm tiêu. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất KCN Thụỵ Vân đạt 95%, KCN Trung Hà đạt 46,5%, KCN Phú Hà đạt 5,5%, CCN Đồng Lạng 100%, CCN Bạch Hạc 75,6%.
Để làm tốt công tác thu hút đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tập trung vào công tác cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết kiệm thời gian làm thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp thực hiện dự án và các thủ tục có liên quan đến đầu tư xây dựng, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong năm 2016, Ban đã hoàn thiện việc xây dựng và ban hành kế hoạch cải cách hành chính, kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính của cơ quan. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, lao động và thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, đồng thời triển khai áp dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành thống nhất trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, Ban tiếp tục kiện toàn bộ phận "một cửa", triển khai áp dụng hệ thống "một cửa" điện tử tại cơ quan với mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban.
Đáng chú ý, để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, thứ năm hàng tuần, lãnh đạo Ban đã duy trì lịch trực và làm việc với các doanh nghiệp tại KCN Thụy Vân. Trong năm 2016, đã tiếp xúc trên 80 lượt doanh nghiệp, giải quyết trên 120 đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp. Cũng trong năm 2016, Ban đã tổ chức 3 hội nghị giao ban với các doanh nghiệp KCN có các sở, ngành liên quan cùng dự. Hơn 60 ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp tại hội nghị đã được Ban quản lý các KCN và các ngành trả lời đầy đủ...
Với những cách làm đó, đến nay, trong 3 KCN (Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà) và 2 CCN có 118 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 129 dự án, trong đó 68 doanh nghiệp trong nước đăng ký thực hiện 75 dự án, 50 doanh nghiệp FDI đăng ký thực hiện 54 dự án với tổng vốn đăng ký là 13.132,9 tỷ đồng và 422,23 triệu USD.
Trong năm 2016, Ban đã thu hút được 20 dự án đầu tư, có 12 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là: 4.184,248 tỷ đồng và 8 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là: 62,162 triệu USD, đồng thời đầu tư mở rộng 10 dự án gồm 3 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là 152,6 tỷ đồng và 7 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 69,40 triệu USD. Nhờ có thêm nhiều dự án mới đi vào hoạt động, do vậy kết quả sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu nộp ngân sách và tạo việc làm của các doanh nghiệp trong các KCN đạt cao.
Hiện có 89 doanh nghiệp hoạt động ổn định trong đó: 47 doanh nghiệp trong nước, 42 doanh nghiệp FDI, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 16.389 tỷ đồng, đạt 131% so với kế hoạch năm 2016 và tăng 17% so với năm 2015; doanh thu thuần đạt trên 17.360 tỷ đồng, bằng 129% so với kế hoạch năm 2016 và tăng 17% so với năm 2015; nộp ngân sách ước đạt 800 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2015; sử dụng trên 27.500 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Với kết quả trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tạo lập được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Năm 2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh đề ra mục tiêu thu hút thêm 10 dự án gồm 7 dự án trong nước, vốn đầu tư đăng ký 700 tỷ đồng và 3 dự án nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký 50 triệu USD; thu hút dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Phù Ninh, KCN Cẩm Khê. Lấp đầy 50% diện tích KCN Trung Hà, 80% CCN Bạch Hạc; 20% KCN Phú Hà, Cẩm Khê. Khởi công xây dựng hạ tầng KCN Cẩm Khê, Phù Ninh...
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Ban sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, xúc tiến thu hút đầu tư vào các Khu - CCN, hỗ trợ thu hút đầu tư vào các CCN tại các huyện, thành thị. Đổi mới phương pháp xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức để các nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào tỉnh. Ưu tiên thu hút những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các ngành công nghiệp hỗ trợ, các dự án phục vụ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, nhà ở công nhân và những dự án có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào kết cấu hạ tầng các KCN Trung Hà, Cẩm Khê, Phù Ninh. Quản lý, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng của KCCN và các doanh nghiệp; kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển và thu hút đầu tư theo yêu cầu thực tế. Duy trì thường xuyên và thực hiện tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp định kỳ để nắm bắt và giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp.
Tăng cường hoạt động trao đổi, nắm bắt thông tin giúp doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ổn định sản xuất kinh doanh. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và chủ doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trợ giúp các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, đào tạo lại, tuyển dụng lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thanh, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Nhà nước, tránh tình trạng để sai mới xử lý; hạn chế tối đa vụ việc phải xử lý với doanh nghiệp...
Theo baophutho.vn