Cần sự chủ động của các địa phương
Theo ông, Các địa phương cần chuẩn bị và sẵn sàng như thế nào để đón bắt được các cơ hội mà Nghị quyết số 11-NQ/TW đề ra
GS.TS. Đỗ Kim Chung: Tôi nghĩ rằng việc tổ chức thực hiện Nghị quyết là điểm rất quan trọng. Việc thứ nhất là quán triệt sâu sắc Nghị quyết, trong đó phải đổi mới tư duy vùng và gắn tư duy của vùng với cả nước. Tuy nhiên, phải phân định rõ ràng: Tư duy vùng nhưng hành động phải mang tính địa phương, phải mang tính cụ thể của địa phương, không thể chung chung mà phải bám sát được cái lợi thế của mỗi một địa phương để phát triển.
Điểm thứ hai đó là phải đổi mới công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch ở đây là phải nhìn một cách tổng thể, toàn diện cả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. Làm sao gắn tất cả các yếu tố này lại với nhau, để phát huy được cái lợi thế của từng tỉnh, của trong vùng, trên cơ sở đó, phát huy lợi thế của cả vùng. Đồng thời cũng phải gắn quy hoạch vùng với quy hoạch chung của quốc gia để nó tạo ra cái lợi thế phát triển.
Điểm thứ ba là phải đổi mới công tác đầu tư công. Đầu tư công ở đây là cực kỳ quan trọng, bởi đầu tư công để tạo ra nền tảng cho sự liên kết vùng và cho thị trường phát triển mà trước tiên nên tập trung nhiều cho: Giao thông, điện, hạ tầng viễn thông và logistics, đặc biệt là ở các tỉnh có cửa khẩu để chúng ta giải quyết được cái tình trạng là nông sản ùn tắc ở các cửa khẩu.
Điểm thứ tư là đổi mới công tác các dịch vụ công. Dịch vụ công làm sao phải thông thoáng để đảm bảo cho các thành phần và các tổ chức kinh tế tham gia vào thị trường tốt và thu hút được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp có khả năng kiến tạo ra chuỗi giá trị, tham gia đầu tư vào vùng Tây Bắc, đồng thời còn kết nối giữa Tây Bắc với các vùng khác để tạo ra sự kết nối về giao lưu hàng hóa.
Điểm thứ năm là phải tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo. Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là một cái “rốn nghèo” của cả nước. Vì thế, phải gắn mục tiêu giảm nghèo với phát triển bền vững, gắn với phát triển hàng hóa, xem đây là một trong những mục tiêu quan trọng, ưu tiên.
Điểm thứ sau là phát triển đổi mới về nhân lực, tức là nâng cao kỹ năng về nhân lực để con người ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có thể chủ động giải quyết được các vấn đề của vùng miền núi Bắc Bộ một cách bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.
Sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương
Thưa ông, bên cạnh việc chủ động của các địa phương thì vai trò của các Bộ, ngành Trung ương như thế nào?
Tổng Bí thư đã nhắc đi nhắc lại: “Ban cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng…”, theo tôi hiểu thì bên cạnh sự sẵn sàng, chủ động của các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết thì vai trò của các Bộ, ngành cực kỳ quan trọng. Bộ, ngành ở Trung ương như là nhạc trưởng, là người cầm trịch, có vai trò kết nối giữa các tỉnh với nhau. Địa phương, vùng không thể phát triển được nếu như các Bộ, ngành và các địa phương khác, các vùng khác không cùng vào cuộc hành động kịp thời./.
Trân trọng cảm ơn ông!