Ban Kinh tế Trung ương trân trọng giới thiệu một số bài tham luận tại Hội thảo chuyên đề 1: "Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng" trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế về phát triển nông nghiệp, nông thôn và gợi ý chính sách cho Việt Nam
Trần Đức Viên
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
1. Mở đầu
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn (tam nông) là chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đến nay, và chắc chắn là sẽ còn tiếp tục trong nhiều thế kỷ tới; cả về những tranh luận mang tính lý thuyết về vấn đề "tam nông" và chuyển dịch kinh tế nông thôn (từ lý thuyết cổ điển của Karl Marx, Lenin, Kautsky đến các lý thuyết hiện đại của Rigg, Elson và các học giả khác) đến thực tiễn xây dựng và phát triển nông thôn văn minh, nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp và nông dân thịnh vượng trên qui mô toàn cầu.
Vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm và coi trọng từ rất sớm, có thể nói là ngay từ khi Đảng ta ra đời, điều đó được thể hiện qua các quan điểm cơ bản là (i) dân là gốc, nông dân, nông thôn là trung tâm phát triển (nông dân là chủ thể trong phát triển, dân là gốc của mọi động lực phát triển), (ii) chính sách liên minh công-nông (thể hiện trong Cương lĩnh chính trị của Đảng và các chính sách của Nhà nước, trong chiến tranh là liên minh chính trị, trong thời bình là liên minh kinh tế); và (iii) chính sách đất đai (là chinh sách có tính quyết định đến các chinh sách và thể chế khác của kinh tế nông thôn).
Từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đến lần thứ XI, quan điểm của Đảng về Tam nông là: tập trung sức mạnh phát triển nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm để ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó tập trung vào một số giải pháp: (1) xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn; (2) xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; (3) nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các vùng khó khăn, biên giới và hải đảo; (4) đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; (5) phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; (6) đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, phát triển nhanh, bền vững kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; (7) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân [1].
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (4/2006) Đảng ta nhấn mạnh: "Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng". Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khóa X, Đảng đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó Đảng ta đã khẳng định: "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lược lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước".
Nghị quyết 26 ra đời đã như một luồng gió mới, tiếp thêm sinh khí, tạo thêm động lực và nguồn lực mới cho sự nghiệp phát triển nông thôn văn minh, nông nghiệp hiện đại và chuyên nghiệp, nông dân thịnh vượng.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu vô cùng ấn tượng, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, nông nghiệp ngày càng hiện đại, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. VN đã trở thành một cường quốc về nông nghiệp, là quốc gia xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới và xuất khẩu nông sản đang tiếp tục tăng mạnh (bình quân tăng 6,1%/năm), thặng dư thương mại hàng năm chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nông nghiệp đang vươn lên tầm cao mới, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh, hội nhập, đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên thị trường toàn cầu, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 2,55%/năm, dự kiến năm 2018 đạt 3,4%, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh, năm 2017 năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, bình quân tăng 6,67%/năm; Thu nhập và mức sống cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện: thu nhập hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2008, khi NQ 26 ra đời. An ninh lương thực được bảo đảm, an ninh dinh dưỡng được cải thiện. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, đến tháng 10/2018 có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn và năm 2020 sẽ vượt mục tiêu 50% xã đạt chuẩn NTM.
Tuy đạt được nhiều kết quả như trên, nhưng để thực hiện thắng lợi NQ26 của Đảng, công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và nâng cao đời sống cư dân nông thôn còn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc và có những hạn chế, yếu kém cần phải được tiếp tục tháo gỡ và nỗ lực thực hiện; như (i) nông nghiệp phát triền còn kém bền vững, nền nông nghiệp ‘gia công', ‘giải cứu' vẫn còn hiện hữu; (ii) việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển yêu cầu sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế; (iii) Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được bước "đột phá" để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh, đáp ứng được mục tiêu sản xuất lớn của nền nông nghiệp hàng hóa; (iv) Nông thôn phát triển vẫn còn thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế, môi trường tự nhiên ngày càng ô nhiễm, môi trường văn hóa-xã hội có nguy cơ bị suy thoái, mai một; (v) Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân còn thấp, chênh lệch giữa giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn cao [3, 4].
Việc ‘trông bắc trông nam trông cả địa cầu', học tập và chắt chiu các bài học quí (thành công và không thành công) của bạn bè năm châu bốn biển để soi rọi vào thực tiễn Việt Nam, từ hoạch định chính sách đến tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực tiễn trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu như hiện nay, là hết sức cần thiết và quí báu.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung đề cập đến một số kinh nghiệm quốc tế của một số nước đã thành công trong việc phát triển một nền sản xuất nông nghiệp thông minh hơn, xây dựng nông thôn phồn vinh hơn để có một giai cấp nông dân ta giàu có hơn, góp phần tích cực làm cho đất nước ta ngày càng hưng thịnh hơn trên nền tảng một nền kinh tế trí thức. Từ ‘trông người lại ngẫm đến ta', chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra một vài gợi ý chính sách để chúng ta tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Hội nghị TW7 Khóa X về tam nông của Việt Nam.
2. Một vài kinh nghiệm quốc tế về phát triển nông nghiệp, nông thôn
Thực tiễn cho thấy phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ giúp xóa đói giảm nghèo không chỉ riêng ở khu vực nông thôn mà còn giảm nghèo ở thành thị. Trong khi đó tăng trưởng ở khu vực thành thị thì không đảm bảo cho việc xóa đói giảm nghèo ở các khu vực nông thôn. Chính vì vậy, việc phát triển ngành nông nghiệp luôn là vấn đề quan trọng của tất cả các nước.
2.1. Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhật Bản
Quá trình đi lên trở thành một nền nông nghiệp hàng đầu thế giới của Nhật bản được bắt đầu từ những thay đổi ở tầm chính sách vĩ mô sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong thập niên 70, nhiều tỉnh của Nhật bản đã hình thành và phát triển phong trào "Mỗi làng một sản phẩm", điều đó không những đã góp phần quan trọng vào việc phát triển nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn góp phần phần phát triển chung cho kinh tế-xã hội trong nhiều thập niên của cả nước Nhật. Bước đầu tiên là thực hiện cải cách đất nông nghiệp để cho nhà nông tự chủ (16 năm), cơ giới hóa bằng việc đưa máy móc vào canh tác để nhà nông có nhiều thời gian tham gia nghề phụ, chế biến nông sản hay thay công nhân công nghiệp làm việc cho các nhà máy, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao (trong 30 năm).
Từ những năm 1990, Nhật bản luôn áp dụng "nguyên lý thị trường" trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sự hài hòa giữa đời sống nông thôn và thành thị. Từ năm 2000, quốc gia này thực hiện chính sách nông nghiệp "Takebe" hướng tới mục tiêu cung cấp lương thực ổn định, ban hành luật pháp về an toàn thực phẩm, luật pháp về giáo dục chế độ ăn uống, bảo đảm hài hòa giữa thành thị và nông thôn, môi trường nông thôn gần gũi với tự nhiên và tái cơ cấu nông nghiệp do doanh nghiệp nông nghiệp dẫn dắt ngày càng hoạt động hiệu quả. Nhật Bản luôn biết "biến" ý tưởng thành hành động thực tiễn, xem trọng tính khả thi của luật pháp và thể chế, xem xét chính sách ban hành có lợi cho ai, chuyển dịch lực lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp sang chế biến và công nghiệp, biến ‘dư thừa lao động' thành lợi thế của nhà nông.
Chính phủ Nhật bản quan tâm hỗ trợ việc tạo giá trị ra tăng cho nông dân thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại, khuyến khích người dân tham gia Nông hiệp hay hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các thiết bị, máy móc, có cở sở để bảo quản tốt sản phẩm nông nghiệp tới tay người tiêu dùng, khuyến khích, tạo cơ chế không chỉ sản xuất thông thường mà còn gia công, chế biến nhiều sản phẩm khác nhau (kể cả sản phẩm du lịch) từ một loại nông sản. Người Nhật không có ‘cánh đồng mẫu lớn' qui mô sản xuất tập trung hàng trăm ngàn ha, người nông dân vẫn cặm cụi trên mảnh đất không lớn của họ1 lo duy trì và nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản trong các Nougyou kyoudou kumiai hay Noukyou (農業共同組合 hay 農協, tạm gọi là ‘Nông hiệp'), một hình thức liên kết các hộ liền bờ liền thửa, một kiểu HTX. Nông hiệp lo tổ chức sản xuất, kết nối với doanh nghiệp, lo đầu vảo, đầu ra để người nông dân có thu nhập cao nhất, chính quyền lo chính sách để người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, nhà nước không can thiệp vào hoạt động sản xuất-kinh doanh của các Nông hiệp hay của hộ nông dân.
Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật bản làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả.
Ngoài phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hiện nay chính phủ Nhật bản còn hỗ trợ phát triển "du lịch nông nghiệp" mục tiêu xây dựng 500 vùng nông thôn thực hiện chương trình: "home stay" người du lịch đến ở cùng người dân vào năm 2020 [5]. Số khách du lịch gần đây đã tăng lên nhanh chóng khoảng trên 20 triệu người trong năm 2016, và dự kiến đạt 40 triệu lượt người năm 2021[6].
Trong chính sách nông nghiệp, các qui định về các khoản trợ cấp, trợ giá của chính phủ thể hiện ở rất nhiều văn bản, các quỹ hỗ trợ được mở rộng dần tới một số lượng lớn các mặt hàng nông sản. Hay nói cách khác, các khoản hỗ trợ đóng vai trò đáng kể vào sự hình thành vốn nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đất đai, môi trường. Trong đó bao gồm 03 chính sách chính thông suốt quá trình phát triển gồm: (1) các chính sách hỗ trợ nông nghiệp; (2) chính sách cải cách pháp lý trong nông nghiệp (regulatory reforms); (3) chính sách cải cách hành chính trong nông nghiệp (administrative reforms) [7].
Chính quyền của Thủ tướng Abe (từ năm 2012 đến nay) đang thực hiện chính sách thứ nhất (1) và chính sách thứ (2), với định hướng khác biệt. Các chính sách trợ cấp được thực hiện tập trung vào "vùng đặc thù", "con người" và "công việc" mục đích để tăng khả năng phát triển của quốc gia. Chính phủ cũng thực hiện việc cải cách pháp lý chẳng hạn như thông qua việc loại bỏ dần các đặc quyền cho các hợp tác xã nông nghiệp (Agricultural Cooperatives -JAs) và thừa nhận quyền sở hữu công ty đất nông nghiệp; phân bổ gánh nặng tài chính giữa chính quyền thành phố và chính phủ để tăng cường các dịch vụ tới người dân nông thôn [8].
Cải tổ chính sách hành chính trong nông nghiệp trong đó phân ra thành hai nhóm chính: (1) chuẩn hóa các dịch vụ quốc gia cho người dân như dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và các vấn đề an sinh xã hội. Chính phủ yêu cầu các chính quyền địa phương cung cấp các dịch vụ như vậy hoặc các dịch vụ cao hơn trên pham vi toàn quốc; (2) dịch vụ cung cấp hàng hóa công cộng, chẳng hạn như các trung tâm cộng đồng, thư viện, phòng hòa nhạc…; (3) thực hiện tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp bằng các phương tiện quản lý trang trại hiện đại; (4) xây dựng môi trường cho phát triển dịch vụ nông nghiệp mới…Mỗi chính quyền thành phố đưa ra lựa chọn những cấp độ cung cấp dịch vụ như vậy. Thực hiện chính sách "tài chính cân bằng" tức là chính phủ sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho tất cả các dịch vụ được thành lập trước đó, trong khi chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm về các chi phí của các dịch vụ về sau này [8]. Trong đó, chìa khóa cho chiến lược tăng trưởng kinh tế là chuyển giao nguồn lực từ các ngành có năng suất sản xuất thấp sang các ngành có năng suất sản xuất cao. Nhiều sáng kiến thay đổi phát triển các hoạt động nông trại mới và hệ thống phân phối các sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng khoa học tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, cùng với việc tạo ra các chuỗi giá trị thực phẩm có giá trị cao dựa trên chiến lược nhu cầu thị trường [7], đặc biệt chiến lược "Quản lý nông nghiệp tiên tiến" đã tạo ra doanh thu trên 50 triệu yên mỗi năm. Nền tảng của dịch vụ kinh doanh này là tạo ra chuỗi giá trị với khái niệm "nhu cầu và dự đoán định hướng của thị trường" liên kết chặt chẽ tất cả các khâu từ việc sản xuất hàng nông sản đến chế biến, phân phối, và tiêu thụ sản phẩm. Chương trình này gọi là "ngành văn hóa liên kết" hợp tác nông nghiệp – công nghiệp – thương mại và hội nhập. Tăng lợi nhuận bằng cách mở rộng các dịch vụ chế biến sản phẩm nông nghiệp từ đơn giản thành sản phẩm có giá trị cao. Các quy trình sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp đều được hoạch toán dựa trên các hợp đồng đã kí kết, chẳng hạn nông dân tăng diện tích trồng cây trồng cụ thể nào là khi giá và khối lượng sản phẩm đã được quyết định trước khi đi vào sản xuất.
Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, tất cả các dữ liệu liên quan đến trạng trại được thu thập, để phân tích, quản lý và phân bổ các thiết bị máy móc cho các trang trại nông nghiệp. Điều này đảm bảo ưu thế cạnh tranh và các công nghệ ưu thế. Thuật ngữ "sextiary sector" hay còn gọi "sixth sector" là "ngành nông nghiệp lần thứ 6" là một thuật ngữ đề cập đến sự đa dạng hóa nông nghiệp thành sản xuất và các dịch vụ liên quan đên nông nghiệp. Khái niệm "sixth sector" bắt nguồn từ sáng kiến kết hợp các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (tiểu ngành 1) với chế biến nông sản (tiểu ngành thứ cấp 2) và phân phối kinh doanh sản phẩm (công nghiệp thứ 3) để tạo ra mối quan hệ hiệp lực [9].
2.2. Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hàn Quốc
Vào những năm cuối thập niên 60, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ là 85USD/năm tương đương với Ghana và Sudan, phần lớn người dân không đủ ăn, khoảng 80% dân ở vùng nông thôn không có điện thắp sáng, lũ lụt, hạn hán lại xảy ra thường xuyên, mối lo lớn nhất của chính phủ khi đó là làm sao đưa đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc được bắt đầu từ những thập niên 70, mở đầu bằng phong trào Saemaul Undong (làng mới). Đó là một sáng kiến chính trị được tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Chung –Hee đề xuất với mục tiêu hiện đại hóa kinh tế nông thôn, dựa trên các quy ước làng xã truyền thống của Hàn Quốc (quy tắc tự quản và hợp tác cộng đồng làng xã) với quan điểm "sự phát triển quốc gia không thể đạt được mục tiêu khi thiếu sự phát triển của nông thôn".
Mục tiêu ban đầu của chương trình là nhằm khắc phục sự chênh lệch về mức sống, phát triển kinh tế giữa khu vực thành thị và vùng nông thôn. Phong trào khuyến khích tự lực tự cường với các khẩu hiệu "Tự lực, tự cường và hợp tác" để khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển. trong đó chính phủ cấp miễn phí một số nguyên vật liệu thô cho các làng xã tham gia chương trình và giao phó cho người dân địa phương để xây dựng với chính sách khuyến khích cho công việc kinh doanh cần thiết, đặc thù của từng làng xã (the necessary business for the village by itself). Giai đoạn đầu của phong trào là việc cải thiện các điều kiện sống cơ bản và môi trường, tiếp đến là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và tăng thu nhập cộng đồng [10].
Nhờ phong trào này, cơ sở hạ tầng nông thôn của Hàn Quốc đã được cải thiện dáng kể: cầu, đường tới các vùng nông thôn được nâng cấp, hệ thống tưới tiêu hiện đại, các chương trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng. Chương trình cũng đánh dấu sự xuất hiện rộng rãi của các ngôi làng mái đỏ ở nhiều vùng nông thôn, thay thế các nhà tranh truyền thống. Được khích lệ bởi thành công của nông thôn, phong trào lan rộng qua các nhà máy và khu vực thành thị, và trở thành một phong trào hiện đại hóa toàn quốc [11]. Phương thức canh tác nông nghiệp được đổi mới, chẳng hạn như quan tâm phát triển các mặt hàng mũi nhọn như nấm, cây thuốc để tăng giá trị xuất khẩu. Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp ở nông thôn, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân [12].
Chỉ sau 8 năm thực hiện thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã có những thay đổi hết sức kỳ diệu. Cụ thể, từ năm 1971-1978, đã bê tông hóa được 43.631 km đường liên xã, xây dựng được 68.797 cầu, kiên cố hóa 7.839 đê, kè, xây 24.140 hồ, đập chứa nước, và 98% hộ dân có điện thắp sáng. Phong trào cơ khí hóa nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, giống mới, công nghệ nhà lưới, nhà kính đã thúc đẩy năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng nhanh. Tới năm 1979, quốc gia này đã có 98% số làng tự chủ về kinh tế. Trong năm 1970, nông nghiệp chiếm khoảng 26% GDP, và sử dụng 50,4% sức lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, đến năm 2010, GDP giảm xuống chỉ ở mức 2,4%, và lao động nông nghiệp là 6,6% [12].
Các bước cơ bản của phong trào nông thôn mới Hàn Quốc bao gồm một số bước cơ bản được tóm tắt như sau:
Bước 1: Công tác chuẩn bị cơ bản bao gồm: (1) lựa chọn con người, khoản kinh phí hỗ trợ ban đầu, hình thành các nguyên tắc tự quản/tự chủ cơ bản gồm: (2) thành lập nhóm nòng cốt 1: Các nhà lãnh đạo; (3) thành lập nhóm nòng cốt 2: Các tổ công tác; (4) thành lập nhóm nòng cốt 3: áp dụng các nguyên tắc vào các tổ chức hiện có; (5) thành lập nhóm nòng cốt 4: Tổ chức theo ngành; (6) gây quỹ để có tiền hỗ trợ ban đầu qua các dự án kiểu mẫu; (7) gây quỹ bằng các công việc hợp tác;
Bước 2: Vận hành dự án bao gồm: (1) nguyên tắc và các tiêu chí lựa chọn dự án; (2) lập kế hoạch dự án; (3) thuyết phục dân làng- đưa ra mô hình cho dân làng; (4) cổ vũ tinh thần "bạn có thể làm được"; (5) tạo đồng thuận – các cuộc họp tiểu nhóm; (6) họp toàn thể dân làng; (7) để mọi người làm phần việc của họ; (8) chuẩn bị và quản lý các tài sản công; (9) xây dựng trung tâm phong trào làng mới; (10) khuyến khích tinh thần "chúng ta là một"; (11) hợp tác với các làng và chính quyền nơi khác.
Bước 3: Giai đoạn chính của dự án gồm: (1) dự án 1 về cải thiện môi trường sống; cải tạo nhà cửa; (2) dự án 2 về cải thiện môi trường sống – xóa bỏ những bất tiện trong làng; (3) dự án 3 về cải thiện môi trường sống- tạo môi trường để gia tăng thu nhập; (4) dự án tăng thu nhập 1 – xóa bỏ các rào cản; (5) dự án tăng thu nhập 2- khởi động các dự án hợp tác; (6) dự án tăng thu nhập 3 – thương mại hóa các sản phẩm tạo được; (7) dự án tăng thu nhập 4- giới thiệu ý tưởng mới; (8) dự án tăng thu nhập 5 – điều chỉnh hệ thống phân phối; (9) dự án tăng thu nhập 6 – vận hành nhà máy, xưởng sản xuất; (10) đoàn kết cộng đồng 1 – tăng cường đạo đức và tình làng nghĩa xóm; (11) đoàn kết cộng đồng 2 – tạo trung tâm văn hóa và các thiết chế khác; (12) đoàn kết cộng đồng 3 – thành lập hội đồng tín dụng.
Bước 4: Giai đoạn cuối của dự án bao gồm: (1) chia sẻ các kết quả đạt được và biểu dương thành tích; (2) chia sẻ các triển vọng ngắn hạn và dài hạn; (3) ổn định các quỹ chung; (4) khuyến khích các hoạt động của các tổ chức theo ngành; (5) các cuộc họp thường kỳ về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cho ngành nông nghiệp; (6) xây dựng nhà văn hóa làng; (7) xuất bản báo địa phương; (8) liên kết với các vùng khác và cơ quan nhà nước; (9) hợp tác quốc tê.
Ông Le Sang Mu, cố vấn đặc biệt của Chính phủ Hàn quốc về nông, lâm, ngư nghiệp cho biết: "chính phủ hỗ trợ một phần đầu tư cơ sở hạ tầng để nông thôn tự vươn lên, xốc lại tinh thần, đánh thức khát vọng tự tin, sự trợ giúp này là chất xúc tác thúc đẩy phong trào nông thôn mới". Qua phong trào nông thôn mới, khu vực nông thôn đã trở thành xã hội năng động có khả năng tự tích lũy, tự đầu tư và tự phát triển đã góp phần đưa Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp phát triển phồn thịnh.
Từ thực tế phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hàn Quốc, có thể rút ra một số bài học sau:
Thứ nhất, phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với phương châm là nhân dân quyết định và làm mọi việc. Nhân dân quyết định loại công trình, dự án nào cần ưu tiên trước, công khai, minh bạch bàn bạc, quyết định thiết kế và chỉ đạo nghiệm thu công trình;
Thứ hai, phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân. Khi kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được xây dựng, các cơ quan, đơn vị chuyển giao, các tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng mới, khoa học công nghệ hiện đại giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa với các sản phẩm mũi nhọn chủ lực. Chính phủ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn để chế biến và tiêu thụ nông sản cũng như xây dựng các chính sách tín dụng ưu đãi thúc đẩy sản xuất;
Thứ ba, đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao phục vụ phát triển nông thôn, đây là nhân tố quan trọng nhất để phát triển phong trào nông thôn mới. Họ là các cán bộ cơ sở, do dân bầu, không có cấp trên nào ‘chỉ đạo'. Hàn Quốc đã xây dựng nhiều trung tâm đào tạo quốc gia và mạng lưới trường nghiệp vụ của các ngành ở hầu khắp các địa phương. Nhà nước đài thọ và thường xuyên mở các lớp học ngắn hạn (1-2 tuần) để trang bị đủ kiến thức thiết thực như kỹ năng quản lý dự án, phát triển cộng đồng;
Thứ tư, phát huy dân chủ để phát triển nông nghiệp nông thôn, thành lập các hội đồng phát triển xã, quyết định sử dụng nguồn vốn của chính phủ trên cơ sở công khai, dân chủ và bàn bạc để triển khai các dự án theo mức độ cần thiết của mỗi địa phương. Một trong những điểm thành công của Hàn Quốc là xã hội hóa các nguồn hỗ trợ để dân tự quyết lựa chọn dự án, phương thức đóng góp, giám sát công trình;
Thứ năm, phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng, Hàn Quốc đã thiết lập lại các hợp tác xã kiểu mới phục vụ trực tiếp nhu cầu của nhân dân, cán bộ hợp tác xã do dân bầu chọn. Phong trào nông thôn mới là bước ngoặt đối với sự phát triển của hợp tác xã hoạt động đa dạng, hiệu quả và các dịch vụ khác.
Thứ sáu, phát triển bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân. Chính phủ quy hoạch, xác định chủng loại cây rừng phù hợp, hỗ trợ giống, tập huấn cán bộ kỹ thuật chăm sóc vườn ươm và trồng rừng và bảo vệ rừng. Nếu năm 1970, phá rừng là quốc nạn, thì sau 20 năm rừng xanh đã được che phủ khắp cả nước, đây được coi là một kỳ tích của phong trào nông thôn mới.
Phong trào nông thôn mới Saemaul của Hàn Quốc đã được Liên Hợp Quốc ghi nhận là một trong những mô hình phát triển nông nghiệp nông thôn hiệu quả. Phong trào này đã lan tỏa tới hơn 70 quốc gia trên thế giới, được lựa chọn là mô hình mẫu cho chương trình hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững.
2.3. Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hoa Kỳ
Ở Hoa kỳ, không tồn tại khái niệm nông nghiệp hiện đại hay nông thôn mới, vì nông thôn của họ ở đâu cũng ‘mới' còn nông nghiệp của họ khắp nơi đều ‘hiện đại'.
Hoa Kỳ là một quốc gia có điều kiện tự nhiên ưu đãi, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư lớn cho nông nghiệp và tăng cường sử dụng nguồn lao động có trình độ cao cũng góp phần vào thành công của ngành nông nghiệp Mỹ. Điều kiện làm việc của người dân cũng rất thuận, các máy móc hiện đại, tốc độ cao, cơ giới hóa tất cả các khâu trong trồng trọt. Công nghệ sinh học góp phần phát triển đáng kể như tạo ra các giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu tốt trong điều kiện bất thuận sinh học và phi sinh học. Công nghệ phân tích không gian cũng được ứng dụng giúp tìm ra các địa điểm và thời gian tốt nhất cho việc gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch mùa màng.
Sự ra đời của ngành kinh doanh nông nghiệp vào thế kỷ 20: Vào năm 1940, Mỹ có 6 triệu trang trại và trung bình mỗi trang trại có diện tích khoảng 67 ha, đến cuối thập niên 90, số trang trại giảm xuống còn 2,2 triệu nhưng trung bình mỗi trang trại lại có diện tích 190 ha. Ngành nông nghiệp Hoa kỳ đã phát triển thành một ngành "kinh doanh nông nghiệp", nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp với các cơ cấu trang trại đa dạng, từ các doanh nghiệp nhỏ của hộ gia đình đến nhiều tập đoàn, công ty kinh doanh nông nghiệp đa quốc gia. Hiện nay lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 1% trong tổng hơn 322 triệu dân, hay chỉ chiếm 0,7% tổng số lực lượng lao động trên toàn nước Mỹ [13]. Trong khi đó, xuất nhập khẩu nông sản, Mỹ là nước dẫn đầu thế giới, ước tính chiếm hơn 18% thị phần thương mại toàn cầu. Từ năm 1960 đến 2014, Mỹ luôn có thặng dư về thương mại các sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn xuất khẩu nông sản năm 2014 đạt 152,3 tỷ đô la, chiếm 10% tổng kinh ngạch xuất khẩu tất cả các mặt hàng và thặng dư mậu dịch nông nghiệp lên đến hơn 38,5 tỷ đô la Mỹ. Chỉ tính riêng tháng 8 năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt hơn 10 triệu đô la [14].
Để đạt được các thành tựu lớn như vậy trong nông nghiệp, nông nghiệp Mỹ đã triển khai được một số chính sách dưới đây:
Chính sách hợp lý hỗ trợ nông nghiệp hiệu quả từ chính phủ: Ngay từ thời kỳ sơ khai, vào năm 1862, chính phủ đã ban hành luật đất đai với quy định phát không đất cho người dân đến sinh sống và làm việc, tạo điều kiện cho người nông dân được định cư, lập nghiệp thuận lợi. Đến năm 1914, Quốc hội Mỹ đã thành lập cơ quan Dịch vụ Phát triên Nông nghiệp, trong đó tập trung tuyển dụng đội ngũ cán bộ tư vấn cho các hộ nông dân bước đầu sử dụng phân bón cho đến khâu sau cùng của quy trình sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm nhiệm tiến hành các nghiên cứu mới, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giống cây trồng, năng suất chất lượng có sức chống chịu tốt, kểm soát được sâu, bệnh, dịch hại [14, 15]. Năm 1929, Ban chuyên trách về nông nghiệp liên bang được thành lập dưới sự chỉ đạo của chính phủ để đảm bảo sự ổn định kinh tế cho người dân. Năm 1933, xây dựng hệ thống trợ giá cho nông dân, mức giá xấp xỉ bằng giá thị trường ở điều kiện ổn định. Từ năm 1993 đến 1996, chính phủ cho nông dân vay vốn để canh tác, người dân có quyền trả nợ theo giá quý định trong hợp đồng. Nếu vào thời điểm sản phẩm nông nghiệp dư thừa, nông dân bán sản phẩm cho chính phủ, còn lúc giá nông sản cao, người dân có quyền bán sản phẩm cho các công ty kinh doanh nông nghiệp để tăng lợi tức [13]. Ngoài ra chính phủ Mỹ còn xây dựng chính sách bảo tồn, xây dựng quỹ đất dự trữ lâu dài cho sản xuất nông nghiệp. Sau đó, chính sách trợ giá nông nghiệp chỉ duy trì ở mức thấp, chính phủ tập trung vào các chương trình dự trữ chiến lược, như phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, sưc khỏe cộng đồng và đầu tư vào nghiên cứu khoa học để phục vụ hiệu quả ngành nông nghiệp.
Hiện nay, chính phủ Mỹ đang chú trọng đến xuất khẩu nông sản, và đặc biệt quan tâm đến tính bền vững của lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật di dân nhằm mục đích đảm bảo đủ số nông dân cần thiết cho nền nông nghiệp. Nhờ các chính sách hợp lý, hỗ trợ hiệu quả cho nông nghiệp, ngành nông nghiệp Mỹ đã thành công như một cường quốc về kinh tế nông nghiệp trên thế giới.
Khơi dậy tính tự lực, tự chủ và sáng kiến của người dân: Ngoài các chính sách hỗ trợ hợp lý từ chính phủ, người dân Mỹ được đánh giá có tính tự lực, tự chủ, cần cù, sáng tạo và đầy nhiệt huyết. Ngược lại dòng lịch sử, năm 1790, nông dân Mỹ chiếm trên 90% dân số. Số lượng nông dân liên tục giảm theo thời gian, đến năm 1920, nông dân Mỹ chỉ còn 30,8% tổng số dân, và chỉ còn chiếm 8,3% đến năm 1960. Tính đến thời điểm năm 2014, người dân hoạt động trực tiếp trên các trang trại, cánh đồng chỉ chiếm khoảng 1% trên tổng số dân Mỹ, hay nói cách khác, 1 nông dân Mỹ có thể cung cấp đủ lương thực nuôi 100 người Mỹ và 32 người đang sinh sống ở nước ngoài. Hầu hết nông dân Mỹ thường là chủ trang trại của gia đình, hay họ thành lập nên các công ty nông nghiệp do họ làm chủ, chiếm 95% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp, còn 5% thuộc về các tập đoàn lớn làm chủ. Người dân Mỹ có trình độ cao, sử dụng máy móc thành thạo, có kiến thức sâu về nông nghiệp và kinh doanh, họ luôn tập trung vào cải tiết kỹ thuật thâm canh, để sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng tối đa. Về thu nhập, mức lương trung bình của nông dân Mỹ khoảng 61.000 đô la/năm (Nhật Hạ, 2015).
Ứng dụng thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp: Chính phủ luôn chú trọng đến các công nghệ hiện đại để sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa các khâu từ gieo trồng, chăm bón đến thu hoạch, sản xuất thành phẩm. Chi phí máy móc luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí đầu tư cho nông nghiệp. Hơn nữa, chính phủ và các tập đoàn nông nghiệp lớn luôn chú trọng đến nghiên cứu khoa học, chọn tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, các tiến bộ kỹ thuật để phát triển ra các sản phẩm nông nghiệp năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt trong điều kiện bất thuận, phục vụ nhu cầu xuất khẩu trên qui mô toàn cầu.
2.4. Kinh nghiệm Phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thái lan
Thái lan là một quốc gia nông nghiệp truyền thống với số dân số nông thôn vẫn chiếm khoảng 80% dân số cả nước, phát triển nông nghiệp theo quan điểm "vừa đủ" của nhà vua, vốn là tín đồ đạo Phật. Trong thập niên qua, nền nông nghiệp Thái đã phát triển mạnh mẽ, có vị trí trên trường quốc tế về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phần lớn là nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, Thái lan đã áp dụng một số chiến lược như: (1) Tăng cường vai trò của cá nhân và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; (2) đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ của từng cá nhân và tập thể bằng cách mở các lớp học và các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp; (3) tăng cường công tác bảo hiểm xã hội cho nông dân; (4) giải quyết các vấn đề nợ trong nông nghiệp, giảm nguy cơ rủi ro và thiết lập hệ thống bảo hiểm rủi ro cho nông dân.
Về các sản phẩm nông nghiệp: nhà nước tăng cường hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với các hình thức như tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị, phân bổ khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, khoa học góp phần giảm thiểu tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi, phục hồi kịp thời những khu vực tài nguyên đã bị suy thoái; giải quyết các mâu thuẫn có liên quan đến việc sử dụng tài nguyên lâm, nông, thủy sản, đất đai và đa dạng sinh học và phân bổ đất canh tác hợp lý.
Về xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp: Nhà nước có chiến lược cụ thể trong xây dựng và phân bổ hợp lý, đặc biệt là các công trình thủy lợi lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hầu hết đất canh tác trên toàn quốc chủ động tưới tiêu, góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Đồng thời củng cố và xây dựng chương trình điện khí hóa nông thôn với việc xây dựng các trạm thủy điện vừa và nhỏ được triên khai trên khắp cả nước.
Về lĩnh vực công nghiệp phục vụ nông nghiệp: Chính phủ Thái lan tập trung vào cải tổ và cơ cấu lại ngành nghề phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn, tập trung hỗ trợ phát triển các ngành mũi nhọn như sản xuất hàng nông nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp chế biến nông sản.
Về chính sách phát triển nông nghiệp: Một trong những nội dung quan trọng là kế hoạch tái cơ cấu lại mặt hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp Thái lan với mục tiêu nâng cao chất lượng và sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trọng tâm gồm: lúa gạo, cà phê, dứa, tôm sú, gà. Với quan niệm càng có nhiều vùng nguyên liệu thì sẽ thúc đẩy được ngành công nghiệp chế biến và sẽ càng thu được nhiều ngoại tệ cho đất nước. Nhiều sáng kiến làm tăng giá trị cho nông sản được khuyến khích trong chương trình mỗi làng một sản phẩm và chương trình quỹ làng, học tập theo mô hình của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Vấn đề an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí được chính phủ Thái lan quan tâm, thường xuyên thực hiện các chương trình quảng bá về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính phủ thường xuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vị vậy, hiện nay nhiều sản phẩm nông sản Thái lan đã vào được các thị trường khó tính như Nhật bản, Hoa kỳ, Châu Âu.
Mở cửa thị trường khi thích hợp: Chính phủ Thái lan đã có các chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào liên doanh với các nhà sản xuất trong nước để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Trong khâu tiếp cận thị trường xuất khẩu, chính phủ Thái lan là người đại diện thương lượng với chính phủ các nước để các doanh nghiệp đạt được lợi thế canh tranh tối đa trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Hơn nữa, chính phủ có quỹ hỗ trợ ban đầu cho các nhà máy chế biến và hỗ trợ đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng như cảng, kho lạnh, sàn đấu giá và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
2.5. Kinh nghiệm EU về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn
EU bắt đầu với 6 quốc gia sáng lập, được hình thành năm 1957, đến năm 1995 mở rộng ra 15 thành viên – hầu hết là các nước có nền công nông nghiệp phát triển; sau đó, từ năm 2004 kết nạp thêm các thanh viên khác từ Đông Âu. Hiện nay EU có 28 quốc gia thành viên, trong đó có 17 thành viên là các nước phát triển và 11 thành viên là các nước đang phát triển với hơn 500 triệu dân và khoảng 3% diện tích thế giới. EU vừa là một thị trường tiềm năng cho nông sản của các nước đang phát triển, đồng thời cũng là một đối thủ lớn trong xuất khẩu nông sản trên thị trường toàn cầu. Nông nghiệp EU có khả năng cạnh tranh cao dựa trên ưu thế về khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ chế trợ giá rất hiệu quả.
Mặc dù có nhiều sự khác biệt, đa dạng về trình độ phát triển của các quốc gia thành viên, nhưng EU vẫn kiên định phát triển một chính sách chung về phát triển nông nghiệp và nông thôn gọi là ‘chính sách phát triển nông nghiệp chung' (CAP - Common Agriculture Policy), được áp dụng từ năm 1962 đến nay. CAP ra đời nhằm đảm bảo các mục tiêu cơ bản: (i) Tăng năng suất nông nghiệp, (ii) Đảm bảo mức sống cân bằng cho người nông dân, (iii) Ổn định thị trường, và (iv) Đảm bảo an toàn lương thực - thực phẩm với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.
Trong giai đoạn 1962 – 1992, CAP có hạn chế là cứng nhắc trong việc trợ cấp hướng thẳng đến sản xuất, vì thế mặc dù CAP đã tạo ra sự tăng trưởng ngoạn mục về sản xuất nông nghiệp nhưng lại gây ra tình trạng bão hòa của thị trường nông sản ở Châu Âu vào những năm 1970 - 1980. Năm 1993, "Cải cách Mac Sharry" được áp dụng nhằm chuyển đổi từ hệ thống chính sách CAP được thiết lập chủ yếu trên giá cả sang hệ thống dựa trên việc hỗ trợ thu nhập cho người sản xuất được thực hiện đồng thời qua giá cả và trợ cấp trực tiếp. Những giải pháp cơ bản bao gồm 3 vấn đề cốt lõi: (i) khuyến khích bảo vệ môi trường, (ii) giải quyết về hưu sớm cho người nông dân với chế độ tùy chọn, (iii) trợ cấp trồng rừng trên đất nông nghiệp.
Năm 1999, trên cơ sở kế tục "cải cách Mac Sharry", EU đã điều chỉnh CAP cho giai đoạn 2000-2006, với những định hướng cụ thể là: (i) Thay thế chính sách trợ giá nông nghiệp bằng chính sách hỗ trợ thu nhập nông nghiệp; (ii) Đơn giản hoá hoạt động của các tổ chức thị trường chung; (iii) Ưu tiên phát triển nông thôn, đưa nông thôn trở thành trụ cột thứ hai của CAP; (iv) Cho phép các nước thành viên có khả năng thực hiện một cơ chế tái trợ cấp tới người nông dân một cách thông thoáng hơn: mức trợ cấp có thể cao hơn mức ngưỡng một khoảng nhất định nhằm phục vụ cho các hoạt động phát triển nông thôn; (v) Xác định khung tài chính của giai đoạn này với giá trị là 40,5 tỉ euros mỗi năm.
Năm 2013, EU đã đạt được nhất trí về định hướng tổng thể đối với cải cách Chính sách nông nghiệp chung (CAP). Đây thực sự là một bước đột phá để tạo điều kiện cho nông dân EU, cho ngành công nghiệp thực phẩm, cho các tổ chức phi chính phủ và vùng nông thôn các nước EU đảm bảo được hưởng hệ thống hỗ trợ của Liên minh châu Âu trong 7 năm từ 2014 - 2020. Chính sách này nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh trong sản xuất lương thực – thực phẩm, tăng cường trách nhiệm về phát triển môi trường bền vững và bảo vệ lợi ích của nông dân trong khu vực EU.
Bài học kinh nghiệm từ CAP của EU là: một chính sách nhất quán với 2 trụ cột chính gồm (i) phát triển nông nghiệp và đảm bảo thu nhập cũng như các điều kiện sống cho nông dân, và (ii) phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, bền vững. Trong suốt tiến trình đã qua và định hướng tương lai, đến nay EU đã triển khai CAP một cách toàn diện và cụ thể đảm bảo cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững thích ứng với các thay đổi nhanh chóng và bất thường của kinh tế-chính trị thế giới và tác động của biến đổi khí hậu. Các chính sách cụ thể, gồm: (i) hỗ trợ trực tiếp nông hộ/ trang trại và lao động nông nghiệp; (ii) tiêu chuẩn thị trường khắt khe và chuẩn mực; (iii) phát triển nông thôn toàn diện (thúc đẩy phát triển các làng/ xã thông minh, đáng sống); (iv) nông nghiệp và môi trường; (v) năng lượng sinh học; (vi) BĐKH; (vi) nông nghiệp hữu cơ; (vii) chính sách chất lượng; (viii) công nghệ sinh học, thúc đẩy nông sản địa phương; (ix) tài nguyên rừng; (x) hỗ trợ của chính phủ; (xi) nghiên cứu và sáng tạo; (xii) an toàn thực phẩm; (xiii) sức khỏe và quyền động vật; (xiv) sức khỏe cây trồng; và (xv) thực phẩm và dinh dưỡng học đường.
Những chương trình và hoạt động cụ thể mà EU đang triển khai hướng tới 7 mục tiêu sau: (i) Tạo ra 44 triệu việc làm từ chuỗi sản xuất chế biến thực phẩm; (ii) Đảm bảo an ninh lương thực cho 500 triệu người; (iii) Một thị trường đồng/ thuần nhất; (iv) Xuất khẩu lương thực, thực phẩm với giá trị 131 tỉ euro đến 2020; (v) Mềm dẻo với khí hậu, sử dụng năng lượng sạch và bảo vệ môi trường; (vi) Quản lý hiệu quả 48% tổng diện tích đất đai của EU cho nông nghiệp; và (vii) Chuyển dịch sang nền kinh tế sinh học và tuần hoàn.
Để đánh giá được tổng thể sự phát triển nông thôn, Bryden (2011)2 đã sử dụng 500 tiêu chí để nghiên cứu tổng thể về sự phát triển xã hội liên quan đến sự hài lòng/hạnh phúc của người dân (social well- being) châu Âu, cấu trúc và thành tựu phát triển kinh tế và sự ổn định dân cư và di cư của các nước thành viên EU có nền tảng phát triển không đồng đều để xác định bộ chỉ số phù hợp chung cho cả châu Âu, cuối cùng ông đã đưa ra 55 tiêu chí đáp ứng được sự phát triển bền vững và đảm bảo phát triển đa dạng trung hạn và dài hạn. Nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh là hai nội dung có sự tương tác với nhau. Rất cần xây dựng các tiêu chí, mục tiêu phù hợp để phát triển nông thôn văn minh và bền vững.
Có thể xem xét bài học của Hà Lan (được xem là nông thôn Châu Âu) về phát triển nông thôn văn minh, thông qua hai chỉ số sau: (i) Không gian làng xã: Do có định hướng phát triển nông thôn dài hạn và bền vững nên các vùng nông thôn đều được coi là các city vùng nông thôn (chất lượng cuộc sống bao gồm dịch vụ, tiện ích, giáo dục và thu nhập không thua kém cư dân đô thị) nhưng vẫn mang dáng dấp và bản sắc nông thôn, còn môi trường thì tốt hơn thành phố. Vì vậy nông thôn hiện đại văn minh ở các nước là vùng đáng sống và thực tế người dân muốn sống hơn ở các thành phố lớn. Chúng ta hãy đến các làng sản xuất pho mai, các làng nghề trồng hoa, các làng nghề chăn nuôi, các làng nghề duy trì quang cảnh truyền thống để phát triển du lịch… thì thấy đây thực sự là các thành phố nông thôn văn minh và hiện đại. (ii) Hiệu suất lao động: của người lao động nông nghiệp bằng các ngành nghề khác; hiệu suất này ở Việt Nam còn đang rất thấp3.
3. Tiếp cận về phát triển nông nghiệp, nông thôn của một số quốc gia khác
3.1. Mô hình trang trại quy mô nhỏ
Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện mô hình trang trại quy mô nhỏ, trong đó tập trung vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thiết yếu như ngũ cốc đã đem lại sự tăng trưởng nông nghiệp ở nhiều nước trên thế giới và được ghi nhận thành công ở một số nước như Colombia, Brazil, Ấn độ và Malaysia [16]. Tuy nhiên mô hình này cũng bộc lộ một số hạn chế như quỹ đất nhỏ khó ứng dụng các công nghệ mới, cũng như giảm mức độ cơ giới hóa. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở khu vực Đông nam Á, bao gồm cả nước ta đang rơi vào bẫy "quy mô sản xuất nhỏ" do chủ trương đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo "nông dân phải có ruộng cày" [17].
3.2. Mô hình xây dựng nông thôn mới
Như đã đề cập ở trên, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù và thực tiễn của từng quốc gia. Mô hình nông thôn mới là cách tiếp cận vào đầu tư chiến lược nhằm khuyến khích phát triển các hoạt động đem lại hiệu quả cao cho sản xuất cho từng khu vực nông thôn, để tạo ra yếu tố khác biệt về cạnh tranh, dẩy mạnh phát triển kinh tế [18]. Thực tế cho thấy, ở rất nhiều vùng nông thôn ở các quốc gia Châu Âu, kinh tế không chỉ bị giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn bị thống trị bởi các lĩnh vực công nghiệp dịch vụ [19, 16].
3.3. Mô hình ngoại sinh nông nghiệp, nông thôn
Trong khoảng thời gian giữa thế kỷ 20, nhiều nước Châu Âu đã bắt đầu thực hiện mô hình hiện đại hóa nông thôn từ sản xuất nông nghiệp đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng [20] thông qua mô hình ngoại sinh (can thiệp từ bên ngoài) [16]. Lý do chinh là ở thời kỳ bùng nổ hiện đại hóa các nền kinh tế Châu Âu, nông thôn luôn trong tình trạng kém phát triển và bị coi là trở ngại chính trong quá trình hiện đại hóa. Do vậy, các khu vực nông thôn cần phải được hiện đại hóa, kết nối chặt chẽ với các trung tâm năng động, mở rộng các ngành, lĩnh vực sản xuất. Mô hình ngoại sinh cũng dẫn đến kết quả người dân sản xuất nhiều hơn và diện tích sản xuất nông nghiệp được mở rộng. Vì vậy, các mô hình trang trại quy mô nhỏ đã suy giảm mạnh mẽ [21], dẫn đến tình trang di dân từ nông thôn ra các đô thị lớn. Ví dụ như ở Tây Ban Nha trong vòng 10 năm (1989-1999), phát triển mô hình hiện đại hóa đã cho kết quả là hơn 1 triệu số hộ trang trại bị biến mất, quy mô nông trại trung bình và lớn tăng lên khoảng 36% [21].
3.4. Mô hình nội sinh nông nghiệp, nông thôn
Sau quá trình triển khai, mô hình ngoại sinh đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Do vậy mô hình nội sinh đã được triển khai ở một số nước. Mô hình này dựa trên một số nguyên tắc cơ bản được hình thành dựa trên nguồn lực của nông thôn, địa phương với cơ chế tham gia, phối hợp, xây dựng các mục tiêu dưới dạng quy trình, các giá trị truyền thống. Cách tiếp cận này thể hiện một số ưu điểm trong chính sách phát triển nông thôn ở một số nước Châu Âu, cụ thể là: (i) Nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực nông thôn thông qua việc chú trọng tới tính đa dạng của từng khu vực và đưa ra các khoản hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của các vùng; (ii) Phân công nhiều hơn nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách và thực thi cho cấp địa phương, gắn kết các tổ chức với người dân trong việc thực hiện chiến lược và nhu cầu của thị trường; (iii) Phối hợp các hoạt động trong tạo lập chính sách nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong hành động; (4) Thành lập các doanh nghiệp mới, khuyến khích kinh doanh, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng, đa dạng hóa các lĩnh vực bao gồm cả nông nghiệp; phát triển du lich nông thôn [16].
4. Một số gợi ý chính sách cho việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị TW7 khóa X về Tam Nông của Việt Nam
4.1. Quan điểm và những vấn đề đặt ra
Về đại thể, mục tiêu của chính sách "tam nông" là (i) Chất lượng cuộc sống nông dân được thể hiện qua thu nhập và mức độ tham gia sâu rộng của họ vào quá trình phát triển đất nước; (ii) Nông nghiệp hiện đại thể hiện qua các chỉ số về khả năng cạnh tranh, tính hiệu quả và bền vững; và (iii) Nông thôn văn minh được thể hiện qua các chỉ số như cộng đồng dân chủ, đoàn kết, cuộc sống văn minh, môi trường sạch, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy...
Suy cho cùng khi nói về Phát triển nông nghiệp là bàn đến tăng trưởng, cạnh tranh, bảo tồn, đa dạng sinh học, đến tình trạng các nguồn lực (con người, đất, nước, rừng, nguồn gen bản địa...), chi phí, lợi thế so sánh, áp lực thị trường, cung-cầu quốc gia và quốc tế... Nói đến Phát triển nông thôn là nói về không gian kinh tế, hạ tầng, qui hoạch phát triển và bảo tồn, dịch vụ công, nghèo đói, bản sắc, quản lý tài nguyên, môi trường,... Nói đến Cuộc sống nông dân là bàn đến câu chuyện về chất lượng cuộc sống và vị thế của cư dân nông thôn như thu nhập, tổ chức dân cư, việc làm, tệ nạn, liên kết cộng đồng, giám sát xã hội, dân chủ hóa, dân trí, tri thức bản địa và khả năng hội nhập.
Từ khi thực hiện đổi mới chính sách kinh tế theo cơ chế thị trường trên cơ sở công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhất là từ khi thực hiện NQ26, kinh tế nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét theo các xu hướng chính sau:
(1) Sản xuất nông nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa. Nền nông nghiệp phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; an ninh lương thực được bảo đảm; xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh. Tuy nhiên, quy mô sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ và chủ yếu ở tình trạng tự phát, ko theo quy hoạch và lợi thế so sánh, thiếu tập trung, nên người sản xuất thường phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ thị trường thế giới; đó là nguyên nhân chủ yếu của nền nông nghiệp ‘giả cứu'.
(2) Kinh tế nông thôn được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Mặc dù vậy, quá trình chuyển dịch mới chỉ diễn ra mạnh mẽ ở các vùng ven đô thị lớn, các thị xã và thị trấn, dọc các trục đường giao thông, còn ở những vùng ở xa trung tâm kinh tế vẫn còn mang nặng tính thuần nông. Nhiều khu công nghiệp xây dựng ở vùng nông thôn lấy đất nông nghiệp nhưng lại thu hút được rất ít lao động vốn là nông dân khiến cho những người nông dân bị mất đất ồ ạt di cư ra thành phố kiếm sống, tạo áp lực dân số và nhiều vấn đề xã hội ở khu vực thành thị.
(3) Do thu nhập từ khu vực nông nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nên hiện tượng nông dân ‘chán ruộng, chán quê' đang ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở 2 vùng đông bằng lớn của đất nước mà đang lan rộng ra các vùng khác. Bên cạnh những nông dân bỏ quê ra thành thị kiếm sống còn một lực lượng không nhỏ lao động nông thôn di cư theo mùa vụ nhằm đa dạng hóa chiến lược sinh kế, không thiết tha với sản xuất nông nghiệp, cũng ngày càng tăng. Một số làng quê trở nên vắng vẻ, tiêu điều. Lao động nông nghiệp chủ yếu là người già, trẻ em, những người ko có đủ ‘kĩ năng' và sức khỏe để ra thành phố kiếm việc.
(4) Nhiều làng nghề truyền thống đã được khôi phục và phát triển ở các địa phương vốn đã có nghề, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đáng kể đời sống của người dân trong địa phương cũng như các vùng lân cận. Ở các làng nghề này, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì ở các quy mô khác nhau. Xu hướng chung là quy mô sản xuất ngành nghề và quy mô sản xuất nông nghiệp có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau trong phạm vi hộ. Nhiều quan hệ ruộng đất cũng như quan hệ lao động mới đã xuất hiện trong các làng nghề. Có thể nói việc khôi phục và phát triển làng nghề đã tạo ra sự phân công lại lao động trong nông thôn theo hướng tích cực. Tuy vậy, để các làng nghề phát triển một cách ổn định và bền vững thì chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ người sản xuất trong tìm kiếm thị trường đầu vào cũng như đầu ra cho quá trình sản xuất.
Từ những thành tựu đạt được và thách thức mà nông dân phải đối mặt trong qúa trình chuyển dịch kinh tế nông thôn, đồng thời xuất phát từ quan điểm nông dân là chủ thể tích cực, là trung tâm của quá trình phát triển, nên con đường chuyển dịch kinh tế nông thôn phải do chính người nông dân quyết định. Thực tế đã chứng minh, trong điều kiện nền kinh tế ngày càng hội nhập với thị trường quốc tế, nông dân ở nhiều vùng đã tìm ra những hướng đi phù hợp nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình đồng thời góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn.
Các nhà hoạch định chính sách cần nhận thức rõ tính đa dạng, phức tạp, nhiều mặt và không đồng nhất của nông dân cũng như cộng đồng nông thôn vì trên thực tế quá trình phát triển nông thôn nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng không chỉ chịu tác động và dẫn dắt bởi chính sách của Nhà nước mà còn bởi các yếu tố xã hội và văn hóa mang tính đặc trưng của từng thôn bản, từng vùng, từng dân tộc và từng nhóm xã hội. Kinh nghiệm trong nước và các bài học quốc tế cũng đã cho thấy, các đặc trưng về văn hóa và xã hội đã tạo ra những con đường khác nhau trong phát triển kinh tế nông thôn.
Từ những quan điểm nêu trên, các bài học từ kinh nghiệm quốc tế giúp được gì cho việc trả lời 2 câu hỏi đặt ra cho vấn đề "tam nông" ở nước ta trong thời gian tới:
(1) Chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nên hiểu thế nào cho đúng? Phải chăng các nhà máy và các khu công nghiệp tập trung sẽ được mọc lên ở khắp các địa phương trong cả nước thông qua việc thu hồi đất nông nghiệp của nông dân? Hay thực hiện công nghiệp hóa nông thôn từng bước thông qua chính sách "mỗi làng một nghề"? Mô hình nào cho công nghiệp hóa nông thôn để có thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm? Giải pháp nào cho những nông dân ‘mất ruộng', những người bị đẩy vào thị trường lao động phổ thông, thu nhập thấp, không ổn định và đầy rủi ro ở thành phố?
(2) Chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn thông qua ‘dồn điền đổi thửa' và ‘cánh đồng mẫu lớn' có thực sự thành công ở tất cả các địa phương trong thời gian qua? Nếu nền nông nghiệp cả nước được chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu, nông dân sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì? Tự họ có thể làm được những gì và vai trò của nhà nước?
Từ kinh nghiệm quốc tế về tam nông, có thể thấy là, để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, cần phải có các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ và các cơ quan hữu quan, khơi dậy sức mạnh tự thân của người nông dân với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, trong đó cần chú trọng đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả bền vững trên cơ sở phát huy những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn. Trong đó cần tập trung hình thành và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của VN hoặc VN có lợi thế so sánh với 3 trục sản phẩm chính: sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng miền, sản phẩm làng xã/thôn bản, có năng suất, chất lượng cao, có sức cạnh tranh và giá trị tăng cao (qua chế biến và chế biến sâu) nhằm nâng tỷ trọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu, đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khuyến khích tập trung ruộng đất và qui hoạch phát triển vùng chuyên môn hóa, khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp sản xuất lớn; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ: "Quy hoạch phát triển nông thôn và phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường". Ưu tiên phát triển doanh nghiệp nông nghiệp với phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện từng vùng; áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất và chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất [22, 23].
Thứ hai, xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân như tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng: "Nâng cao trình độ giác ngộ của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; họ chính là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, cần khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đồng thời bảo đảm những quyền lợi chính đáng của họ.Vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện ở chỗ: trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chủ động và sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; xây dựng và gìn giữ đời sống văn hoá - xã hội, môi trường ở nông thôn; đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả bền vững công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp.
Thứ ba, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập trong phát triển nông thôn nước ta hiện nay. Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ta nhấn mạnh: đảm bảo sự phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của nông thôn Việt Nam; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động.
Mặt khác, xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp phải gắn với việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Trong giai đoạn hiện nay cần tập trung triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ, sạt lở đất; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển.
Những quan điểm về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng là sự khẳng định, bổ sung và tiếp tục phát triển chủ trương, đường lối lãnh đạo đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương Bảy khóa X. Quán triệt sâu sắc và vận dụng hiệu quả những quan điểm chỉ đạo trên của Đảng là cơ sở vững chắc để nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có những bước phát triển mới trong những năm tới đây.
4.2. Một số gợi ý chính sách
Vận dung các bài học quốc tế trong tam nông, trong thời gian tới chúng ta nên tập trung vào các nhóm chính sách sau:
4.2.1. Chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn
Một là, nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc thù để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Hai là, tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và ngành nghề dịch vụ ở nông thôn; đổi mới phát triển hình thức sản xuất, ưu tiên, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến nông sản, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển "nội lực" và gia tăng giá trị, phát huy các nguồn lực tại chỗ, sẵn có (điều kiện địa lý, đất đai, tài nguyên, công nghệ ) làm động lực phát triển.
Ba là, đa dạng hóa các hoạt động tín dụng, thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực tài chính trong xã hội phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, dịch vụ.
Bốn là, học hỏi kinh nghiệm các nước và vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tiễn của nước ta để hình thành quỹ vay vốn tích kiệm, quỹ đất, tạo sự tương hỗ, giúp đỡ gắn kết trong cộng đồng, hình thành các điểm giao dịch, chuỗi các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Năm là, phát triển và khuyến khích người dân hoạt động kinh doanh sản phẩm nông nghiệp cùng xây dụng phong trào nông thôn mới, lấy nông dân là trung tâm, khơi dậy và nhân lên sức mạnh tổng hợp của công đồng, sẽ là nội lực vô cùng to lớn để phát triển đất nước.
4.2.2. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Một là, kiên trì thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các sản phẩm chủ lực;
Hai là, đẩy mạnh thực hiện tích tụ ruộng đất, làm tốt các công tác quy hoach, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản;
Ba là xây dựng thương thiệu sản phẩm; tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng đòi hỏi của thị trường.
Bốn là, phát triển công nghiệp sản xuất nông nghiệp (sản xuất nông nghiệp theo tư duy công nghiệp), nâng cao năng suất, chất lượng; chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ sang thành vùng sản xuất hàng hóa lớn,
Năm là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quỹ tín dụng cả về đối tượng, hạn mức vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, để thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp tại chỗ, nhất là vùng biên giới và hải đảo.
Sáu là, phát triển HTX và hình thành mạng lưới liên kết với hợp tác xã, hộ nông dân, tạo công ăn việc làm, nâng cao hơn điều kiện sống của người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Tăng cường cải cách thông lệ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đặc điểm của sản xuất nông lâm ngư nghiệp, như cho vay chuỗi phát triển giá trị nông sản, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển vốn rừng [24]. Huy động nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ.
Bảy là, nhà nước hỗ trợ các chương trình "mỗi xã một sản phẩm" dựa trên thế mạnh của các sản phẩm đặc thù, sản phẩm chủ lực và nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, phát triển mạnh công nghiệp chế biến và dịch vụ ở nông thôn, trong đó vai trò của của doanh nghiệp là trọng tâm để hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến theo nhu cầu của thị trường. Khuyến khích tăng cường các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất, chất lượng ngày càng cao, an toàn thực phẩm được coi trọng. Ngoài ra các cấp chính quyền cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những chính sách, chương hình hành động phát triển nông nghiệp nông thôn đã được Đảng và nhà nước ban hành
4.2.3. Phát triển chính sách hệ thống bảo hiểm nông nghiệp
Một là, phát triển và tiếp tục nâng cấp cở sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, tăng cường phát triển các dự án phát triên nông nghiệp và nông thôn bao gồm: phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, các trang trại phục vụ nhu cầu kinh doanh của người dân;
Hai là, giảm thiểu các rủi ro thiên tai bảo vệ nông nghiệp, cư dân nông thôn; xây dựng các chính sách môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả các nguồn lực của địa phương như phát triển các dự nhà máy điện nhỏ, sử dụng năng lượng mặt trời, gió…
Ba là, liên kết giữa nông nghiệp và và các lĩnh vực khác tạo thành chuỗi giá trị cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chủ động ứng phó hiệu quả với ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, cũng như rủi ro về thị trường, tăng cường đầu tư vào công trình phòng chống thiên tai, giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường, tăng cường quản lý nước thải nông nghiệp, giảm khí thải nhà kính.
4.2.4. Chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững
Một là, tăng cường nguồn nhân lực cho các hoạt động chuyên môn phát triển kinh tế nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm nông nghiệp, chuỗi hàng hóa có giá trị cao (nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ) phát triển kinh tế nông thôn theo hướng mở rộng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển vững chắc các hình thức tổ chức sản xuất, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ du lịch.
Hai là, phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của người dân, cộng đồng nông thôn, "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng, dân làm chủ"; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng đi vào chiều sâu, chất và lượng, tiếp tục giảm thuế cho nông nghiệp, chính sách xác định phù hợp giá cả đền bù đất đai, thu hồi đất đai phải hợp lý, minh bạch. Thực hiện quy hoạch nông nghiệp theo hướng dựa vào nhu cầu thị trường (trong nước và quốc tế), không nên cố định diện tích lúa, chỉ nên bảo tồn diện tích đất nông nghiệp. Cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cho mục tiêu trung hạn và dài hạn để có chiến lược sử dụng quỹ đất hợp lý.
Ba là, đối với đất nông nghiệp, cần "cởi trói" cho người dân quyết định phương thức sử dụng từng loại đất phù hợp theo nhu cầu của thị trường hơn là cố định phương thức sử dụng cho từng loại đất. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, hình thành các hiệp hội có sự tham gia sâu, rộng của các doanh nghiệp, tập đoàn, hợp tác xã. Đây sẽ là tiến bộ mới để nông nghiệp nước ta nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Bốn là, tiếp tục phát triển, xây dựng và phát động các phong trào thi đua để động viên, cổ vũ người dân để phát triển nông thôn một cách toàn diện, bền vững, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm là, kết hợp du lich trong phát triển nông nghiệp nông thôn: Thực tế cho thấy các khu vực nông thôn có đặc thù và lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên và các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chính điều này tạo lợi thế phát triển du lich nông thôn thành điểm thu hút khách du lich trong và ngoài nước, giúp người dân tăng thêm thu nhập và góp phần phát triển kinh tế vùng
4.2.5. Ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp: Đây là hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực và thể hiện được ưu điểm vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, giá trị gia tăng thấp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không đồng đều. Để thực hiện được mục tiêu này cần đến sự hỗ trợ của chính phủ, các tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh lực nông nghiệp. Trước hết đầu tư để nâng cao năng lực con người có thể vận hành máy móc và am hiểu về công nghệ cũng như kiến thức về nông nghiệp để hoạt động một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong điều kiện nước ta còn gặp nhiều bất cập, như người dân ngại đầu tư, giá thành công nghệ cao… do vậy cần phải có cách tiếp cận phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Các bộ, ngành cần rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, công nghệ, đồng thời sửa đổi Luật đất đai, tháo gỡ các khó khăn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ 4, các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại đều phát triển dựa vào hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Điều này khác với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn truyền thống đó là dựa nhiều vào ý kiến của cá nhân xuất sắc, công nghệ đơn lẻ, mang tính đột phá như giống có năng suất cao trong cuộc cách mạng xanh. Nhưng thời của các công nghệ hay giải pháp đơn lẻ đã qua. Hiện nay, các nền kinh tế lớn, hay các công ty công nghệ hàng đầu như Goolge, Facebook, Amazon, Apple đều phải dựa vào hệ thống hỗ trợ ra quyết định thông qua phân tích dữ liệu lớn (big data), ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn muốn phát triển theo chiều sâu thì việc sử dụng công nghệ số thông qua phân tích bigdata cũng không là ngoại lệ.
Phát triển nông nghiệp hiện nay trên thế giới là khai thác các dữ liệu lớn thu trực tiếp trên đồng ruộng của người dân (field level data) qua các khâu tổ chức, quản lý và sản xuất để hỗ trợ đưa ra các quyết định phát triển công nghệ và tổ chức sản xuất. Bằng cách làm như vậy, mỗi quyết định được đưa ra đều dựa trên căn cứ khoa học, kết quả thực tiễn và xu hướng phát triển, cho phép gắn với các thông tin về nguồn lực, trình độ và thị trường. Tương tự như vậy đối với phát triển nông thôn văn minh (NTVM) cần xây dựng được hệ thống thu, phân tích và hỗ trợ ra quyết định một cách hiệu quả trong thời đại cách mạng công nghệ. Đây không chỉ là cách làm của các nước có nền nông nghiệp phát triển mà là xu thế toàn cầu, đang được các tổ chức quốc tế đầu tư phát triển tại các nước nông nghiệp kém phát triển, sản xuất nhỏ lẻ4.
NTVM là một phạm trù rộng và được xem là đích đến của chương trình phát triển nông thôn và không chỉ giới hạn bởi nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp mà là sự phát triển tổng thể của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá-giáo dục, xã hội tại khu vực nông thôn. Mục tiêu phát triển nông thôn sẽ khác nhau ở mỗi quốc gia, các vùng miền/quốc gia và các giai đoạn phát triển.
Phát triển nông thôn văn minh thường tập trung hay có liên quan đến các lĩnh vực chính như phát triển việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong đó chất lượng cuộc sống lại khó được xác định và khó đạt được (có thể đây là lý do trong bộ 19 tiêu chí Nông thôn mới của Việt Nam điều này chưa được thể hiện rõ ràng). Chất lượng cuộc sống bao gồm vấn đề nhà ở, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, dịch vụ công cộng và mức độ hài lòng của cư dân nông thôn.
Muốn thực hiện được 2 chỉ số phát triển của nông thôn như các nước phương Tây, Nhật hay Hàn Quốc, đều cần (i) xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2030, bao gồm việc các chỉ số về chất lượng cuộc sống, chỉ số hài lòng của người dân; (ii) Xây dựng trung tâm khai thác dữ liệu lớn ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ ra quyết định trong điều hành, quản lý và chỉ đạo sản xuất- kinh doanh nông nghiệp và và phát triển nông thôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị quyết số 26 (2008). Hội nghị lần thứ 7 ban chấp hành trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ban chấp hành trung ương.
- Coxhead, I., Ninh, K.N.B., Thao, V.T., Hoa, N.T.P. (2010). Dự án hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020. Chương trình phát triển Liên hiệp quốc.
- Trần Thanh Giang (2015). Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về vấn đề "tam nông" trong giai đoạn hiện nay. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 30/09/2015.
- Quang Minh, Lâm Thời (2018). Từ nghị quyết về "tam nông" đến nền nông nghiệp hiện đại. Báo Nhân Dân số ra ngày 20/09/2018.
- FY 2017 (2017) Summary of the annual report on food, agriculture and rural areas in Japan. Japan Ministry of Agriculture, Forestry and Fisheries.
- Shinohara, Y., Mizoo, Y., Tomikawa, K. (2018). Tourism policy. In: Hatta T. (eds) Economic Challenges Facing Japan's Regional Areas. Palgrave Pivot, Singapore.
- Honma M. (2018) Agricultural Policy: Supporting the New Developments in Japan's Agriculture. In: Hatta T. (eds) Economic Challenges Facing Japan's Regional Areas. Palgrave Pivot, Singapore.
- Matsuo Hatta (2018). Economic challenges facing Japan's regional areas. Spinger Nature.
- Koyano, M (2018). Revitalization of Japan's fishing industry: a legal perspective – the case of Rishiri and rebun island. In: Hatta T. (eds) Economic Challenges Facing Japan's Regional Areas. Palgrave Pivot, Singapore.
- [10] Andrea, M.S., William, S (1992). Area handbook series: South Korea: A country study (4 edition). Library of Congress Cataloging – in – Publication Data.
- Wikipedia (2018). Saemaul Undong: (phong trào nông thôn mới Hàn Quốc) web: https://en.wikipedia.org/wiki/Saemaul_Undong
- Hwang, J., Park, J., Lee, S. (2018). The impact of the comprehensive rural village development program on rural sustainability in Korea. Sustainability, 10, 2436; doi:10.3390/su10072436.
- Nhật Hạ (2015). Vì sao ngành nông nghiệp Mỹ đứng hàng đầu thế giới. DKM.TV. Link: https://www.dkn.tv/kinh-te/vi-sao-nganh-nong-nghiep-my-dung-hang-dau-the-gioi.html
- USDA (2017). U.S Agricultural exports – data update from USDA. Link: https://farmpolicynews.illinois.edu/2017/10/u-s-agricultural-exports-data-update-usda/
- USDA (2008). Understanding American Agriculture: Challenges for the agricultural resource management sủvey. National Academies Press, Washington DC. 214 pages.
- Trần Thị Thu Hương (2011). Cách tiếp cận về phát triển nông nghiệp và nông thôn trên thế giới. Nghiên cứu trao đôi. Khoa học Xã hội số 28, 2011.
- Sơn, Đ. K. (2008). Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa. NXB chính trị quốc gia.
- OECD (2006). The new rural paradigm: policies and governance. France.
- Mandl, I., Oberholzner, T., và Dorflinger, C. (2007). Social capital and job creation in rural Europe. The Europe Foundation for the improvement of living and working conditions, Denmark.
- Nemes, G. (2005). The policies of rural development in Europe. Discussion paper. Institution of Economics Hungarian Academy of Science, Budapest.
- Almalte, E., và Ortiz, D. (2003). Some trends of Spanish agriculture. Difficultties to implement a rural development model based on the multifunctionality of agriculture. Research project.
- Đảng cộng sản Việt nam Sđd tr.195
- Đảng cộng sản Việt nam Sđd tr.196
- Đức Nghiêm (2018). Dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực "tam nông" không ngừng được mở rộng. Thời báo Ngân hàng. Link: https://thoibaonganhang.vn/cac-dich-vu-ngan-hang-cho-linh-vuc-tam-nong-khong-ngung-duoc-mo-rong-79595.html
- Đỗ Mai Thanh (2016). Kỷ yếu hội thảo –văn kiện đại hội XI của Đảng: Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn. Tạp chí Cộng sản – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
- EU (2018), The common agricultural policy at a glance. https://ec.europa.eu/info/food-farming-fisheries/key-policies/common-agricultural-policy/cap-glance_en. Accessing date: 2nd Nov. 2018.
- European Network for Rural Development (2009), The European Agricultural Fund for Rural Development, pp45.
- Fancesco Mantino (2005). The Reform of EU Rural Development Policy, pp84.
- Nguyễn Phượng Lê (2012). Những lý luận cơ bản về "nông nghiệp – nông dân – nông thôn": Thực tiễn áp dụng ở Việt Nam. Trong sách "Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn", trang 7-27. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
1 Lấy ví dụ từ một tỉnh làm nông nghiệp điển hình của Nhật bản như tỉnh Nagasaki, thì tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh này là 49.100 ha, số hộ làm nông nghiệp là 33.802 hộ, diện tích đất canh tác bình quân một hộ là 1,45 ha, gấp 4 lần ĐBSH (3.400m2/hộ), nhỉnh hơn chút ít so với ĐBSCL của ta (12.374m2/hộ); Trong 49.100 ha đất canh tác có 22.700 ha trồng lúa (46,2%) và 26.400 ha (53,8%) trồng rau màu hoa quả.
2 Bryden JM (2011). Rural development indicators and diversity in the European Union. Project: Understanding territorial iequalities in Europe in the medium and long term.
3 Hiện nay chúng ta có 47% lao động nông nghiệp chỉ đóng góp 19% GDP. Các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Hà Lan 1% lao động nông nghiệp đóng góp khoảng 1% GDP.
4 https://www.nature.com/articles/d41586-018-06800-8