Cục Dự trữ liên bang Mỹ - FED - Ảnh minh họa
I. Chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ
1. Bối cảnh lạm phát tăng trên thế giới và lộ trình tăng lãi suất của M
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, chính phủ các nước đã đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế kỷ lục gần 17 nghìn tỷ USD, trong đó riêng Mỹ chiếm 1/3. Kết quả là kinh tế thế giới đã phục hồi ngoạn mục năm 2021 với mức tăng 5,9%; trong đó, các nước phát triển đạt 5,2%, các nước mới nổi và đang phát triển đạt 6,4%; kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 5,7%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1984. Sự phục hồi tăng trưởng quá nhanh đã khiến lạm phát tăng cao trong suốt năm 2022 ở hầu hết các nền kinh tế. Lạm phát toàn cầu trung bình đạt 7,6% năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1995. Lạm phát đạt gần 10% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDE), mức cao nhất kể từ năm 2008, và ở các nền kinh tế phát triển lạm phát cũng vượt 9%, mức cao nhất kể từ năm 1982 (WB, 01/2023). Nhìn chung, lạm phát cao hơn mục tiêu điều hành ở hầu hết các quốc gia theo đuổi lạm phát mục tiêu.
Lạm phát tăng vọt vào năm 2022 phản ánh sự kết hợp của các yếu tố cung và cầu. Về phía cầu, tốc độ tăng trưởng tăng nhanh trong thời gian đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, cũng như tác động trễ của các gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô trước đó, đã góp phần tạo ra áp lực giá dai dẳng. Áp lực tăng giá là đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực như vận chuyển, logistics, du lịch và hàng không. Về phía cung, xung đột Nga – Ukraine làm tình trạng thiếu hụt hàng hóa cơ bản chủ chốt trở nên trầm trọng hơn, đã góp phần đáng kể vào đà tăng giá của năng lượng và lương thực. Ở một số quốc gia, thị trường lao động thắt chặt càng làm tăng tiền lương, đẩy chi phí đầu vào sản xuất cao hơn. Thêm vào đó, nhiều quốc gia đã trải qua sự mất giá tiền tệ lớn dẫn đến chi phí nhập khẩu, sản xuất và tiêu dùng cao hơn. Lạm phát cơ bản toàn cầu đã tăng rõ rệt, đạt hơn 6% vào cuối năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 1992. Kết quả là kỳ vọng lạm phát ngắn hạn đã tăng lên ở hầu hết các nền kinh tế. Ngược lại, kỳ vọng lạm phát dài hạn (5 năm tới) tương đối ổn định hơn, chỉ tăng khoảng 0,15đpt ở cả các nền kinh tế tiên tiến và EMDE kể từ khi đại dịch bắt đầu (WB, 01/2023). Sự ổn định này có thể phản ánh độ tin cậy của cam kết đối phó với lạm phát của hầu hết các ngân hàng trung ương, được củng cố bởi việc các biện pháp thắt chặt tiền tệ với quy mô và tần suất lớn.
Lộ trình thắt chặt tiền tệ của Fed từ 2022 đến nay
Lần | Ngày công bố | Tỷ lệ thay đổi (đpt) | Lãi suất cơ bản (ffr) |
10 | 04/5/2023 | +25 | 5,00% ® 5,25% |
9 | 22/3/2023 | +25 | 4,75% ® 5,00% |
8 | 01/02/2023 | +25 | 4,50% ® 4,75% |
7 | 14/12/2022 | +50 | 4,25% ® 4,50% |
6 | 02/11/2022 | +75 | 3,75% ® 4,00% |
5 | 21/9/2022 | +75 | 3,00% ® 3,25% |
4 | 27/7/2022 | +75 | 2,25% ® 2,50% |
3 | 16/6/2022 | +75 | 1,50% ® 1,75% |
2 | 05/5/2022 | +50 | 0,75% ® 1,00% |
1 | 17/3/2022 | +25 | 0,25% ® 0,50% |
Nguồn: tổng hợp
Để đối phó với áp lực lạm phát tăng cao và nhằm đưa lạm phát về mục tiêu, từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 10 lần với biên độ tăng 5%, lần gần nhất là tháng 5/2023 tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 5-5,25% - mức cao nhất trong 15 năm qua, gần bằng với mức trước cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008. Chu trình tăng lãi suất lần này của Fed là chu kỳ tăng lãi suất với biên độ và tần suất lớn nhất kể từ năm 1980 (trong khi đó, chu kỳ thắt chặt bắt đầu vào năm 2015 có quy mô tăng lãi suất chỉ bằng một nửa nhưng trải dài trong thời gian gần gấp bốn lần, trong khi chu kỳ thắt chặt năm 2004 có quy mô tương đương nhưng cũng trong thời gian dài gấp đôi). Đây là chiến dịch thắt chặt mạnh tay nhất của Fed từ thập niên 1980 với mục tiêu kiềm chế lạm phát, đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ nới lỏng tiền tệ và dòng tiền giá rẻ nhằm phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
![]() |
Các chu trình thắt chặt lãi suất của Fed từ 1980 đến nay
Nguồn: WB, 6/2023
Fed sử dụng công cụ lãi suất để thực hiện nhiệm vụ kép của họ được đặt ra bởi Quốc hội Mỹ, đó là (1) Giữ giá cả ổn định và (2) Tối đa hóa việc làm. Nguyên tắc hoạt động: Fed tăng lãi suất khi nền kinh tế bắt đầu quá nóng - lạm phát quá cao - và cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế suy yếu - tỷ lệ thất nghiệp cao. Rất nhiều yếu tố dữ liệu khác ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Fed, bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chi tiêu của người tiêu dùng và sản xuất công nghiệp, chưa kể đến các sự kiện lớn như khủng hoảng tài chính hay đại dịch toàn cầu…Việc Fed đảo chiều từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ từ tháng 3/2022 tới nay diễn ra trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và lạm phát Mỹ tăng nóng nhất trong vòng 40 năm qua.
Thị trường lao động tại Mỹ thắt chặt, và các chỉ số về chi phí lao động tiếp tục cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Tổng số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh từ mức đỉnh 14,7% tháng 3/2020 xuống mức 3,6% thời điểm đầu năm 2022. Đồng thời với đó là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng như tỷ lệ việc làm trên dân số cũng tăng lên. Tỷ lệ cơ hội việc làm của khu vực tư nhân và tỷ lệ luân chuyển lao động trong Khảo sát cơ hội việc làm của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Lạm phát tại Mỹ tăng nhanh trong năm 2022. Giá lương thực và năng lượng cao hơn, nguồn cung hạn chế trong nhiều lĩnh vực và sự tái cân bằng nhu cầu đối với các loại hình dịch vụ đã thúc đẩy lạm phát tổng thể. Lạm phát cơ bản cũng tăng lên, phản ánh áp lực chi phí được chuyển qua chuỗi cung ứng và sự thắt chặt của thị trường lao động. Tăng trưởng tiền lương trung bình không theo kịp tốc độ tăng của lạm phát, làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình. Chỉ số CPI tại Mỹ tăng mạnh đạt mức đỉnh 9,1% yoy vào tháng 6/2022 – mức cao nhất trong 40 năm. Dữ liệu được ngân hàng trung ương Mỹ quan tâm hơn cả trong đánh giá tình hình lạm phát là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) do Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) công bố, cũng đạt đỉnh 6,8% vào tháng 6/2022. PCE lõi – không tính giá thực phẩm và năng lượng - cũng ở mức rất cao, hơn 4%, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu điều hành lạm phát 2% của Fed.
2.Căng thẳng hệ thống ngân hàng làm phức tạp thêm nhiệm vụ của Fed
Sự xuất hiện của những căng thẳng trên thị trường tài chính đang làm phức tạp thêm nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương. Trung tuần tháng 3/2023, ba ngân hàng khu vực tại Mỹ là Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank lần lượt sụp đổ chưa đầy một tuần. Một tuần sau đó, Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ, một trong số 30 ngân hàng lớn nhất thế giới với chi nhánh ở hơn 50 quốc gia gặp khủng hoảng nghiêm trọng buộc chính quyền Thụy Sĩ phải can thiệp để sáp nhập ngân hàng Credit Suisse với ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS, đánh dấu sự thất bại đầu tiên của một ngân hàng quan trọng trong hệ thống ngân hàng toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Cùng thời điểm, cổ phiếu ngành ngân hàng tại Mỹ và châu Âu bị bán tháo đáng kể, lần lượt sụt giảm trung bình khoảng 25% và 14% trong tháng 3. Đầu tháng 5/2023, ngân hàng First Republic Bank của Mỹ tuyên bố phá sản và được JP Morgan & Chase tiếp quản và tái cấu trúc.
Sau nhiều năm lãi suất thấp và thanh khoản hệ thống dồi dào, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn với lãi suất tăng cao nhằm kiềm chế lạm phát đang thách thức khả năng quản lý rủi ro hiệu quả đối với danh mục đầu tư và quản lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng. Trong thời gian lãi suất ở Mỹ còn ở gần ngưỡng thấp kỷ lục ngay sau khủng hoảng tài chính, các ngân hàng này đã mua nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài với lãi suất cố định (fixed coupon), loại tài sản vốn được cho là có độ rủi ro gần như bằng không. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng lên khi Fed thắt chặt tiền tệ từ tháng 3/2022, giá của những trái phiếu đó giảm xuống, khiến cho các ngân hàng nắm giữ những trái phiếu này ôm những khoản thua lỗ lớn trên giấy tờ chưa được hiện thực hoá (unrealized loss). Theo Fed, các ngân hàng Mỹ có khoản lỗ chưa thực hiện là 620,4 tỷ USD đối với danh mục đầu tư chứng khoán của họ vào cuối năm 2022, bao gồm 340,9 tỷ USD đối với trái phiếu mà họ không có kế hoạch bán. Theo quy định của Mỹ, các ngân hàng không phải tính đến các khoản lỗ theo thị trường trong doanh thu hoặc tỷ lệ vốn của họ, vì vậy hầu hết không phòng ngừa khả năng đó. Bên cạnh đó, rủi rõ kỹ thuật còn đến từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức (vay nợ nhiều), làm tăng tính dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài và suy thoái thị trường, dẫn đến việc chỉ cần một sự thay đổi đột ngột bất lợi của thị trường cũng dẫn đến thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Hệ quả là khi một số khách hàng rút tiền, các khách hàng khác cũng sẽ lo ngại và rút theo (bank run). Đặc biệt, lượng lớn tiền gửi tại các ngân hàng này là tiền gửi không được FDIC bảo hiểm (có giá trị trên 250.000USD), nên sự sụt giảm niềm tin càng lớn hơn. “Nỗi sợ hãi” này lây lan từ người gửi tiền này sang người gửi tiền khác, và từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Trước khi Silvergate sụp đổ, lượng tiền gửi tại ngân hàng này giảm 68% trong quý 4/2022 xuống mức 3,8 tỷ USD. SVB bị rút 42 tỷ USD trong một ngày khiến các nhà chức trách phải lập tức tiếp quản để tránh cuộc sụp đổ gây xáo trộn hệ thống. Lo sợ trước những gì xảy ra tại SVB, khách hàng tại Signature Bank cũng rút 10 tỷ USD trong một ngày khiến ngân hàng này đổ vỡ. Hay mới nhất là vụ ngân hàng First Republic cũng bị khách hàng rút 100 tỷ USD chỉ trong tháng 3/2023.
Sự xuất hiện của những căng thẳng của hệ thống ngân hàng tại Mỹ đang làm nhiệm vụ của Fed trở nên phức tạp hơn. Các nhà hoạch định chính sách giờ đây phải đối mặt với bài toán kép, vừa phải tiếp tục giải quyết vấn đề lạm phát dai dẳng vừa phải giải quyết rủi ro để ổn định thị trường tài chính. Nếu các căng thẳng tài chính trở nên tồi tệ hơn và đe dọa sức khỏe của hệ thống tài chính trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, thì các ngân hàng trung ương có thể buộc phải đánh đổi giữa mục tiêu lạm phát và ổn định tài chính. Đối mặt với khả năng mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng, Mỹ đã có hành động quyết liệt và nhanh chóng, ngay lập tức áp dụng “ngoại lệ rủi ro hệ thống” hiếm khi được sử dụng, cho phép Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bảo lãnh tất cả những người gửi tiền của các ngân hàng đang gặp khó khăn, với chi phí cao hơn cho quỹ bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed cũng tạo ra một cơ chế cho vay cho phép tất cả các ngân hàng vay bằng chứng khoán chất lượng cao ngang mệnh giá - thường cao hơn giá trị thị trường - để giảm bớt áp lực thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng. Cho tới thời điểm này, các nỗ lực kiểm soát khủng hoảng của các cơ quan chức năng Mỹ đã phát huy tác dụng trong việc ngăn sự lây lan rủi ro trong hệ thống. Chương trình cho vay khẩn cấp của Fed và việc FDIC đứng ra bảo lãnh cho toàn bộ tiền gửi tại các ngân hàng đổ vỡ, đồng thời tiếp quản và bán lại các nhà băng này, đã giúp giữ hệ thống ổn định.
Trong bối cảnh căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng vẫn duy trì, câu hỏi lớn đặt ra là liệu Fed có xoay trục chính sách? Việc Fed sẽ dừng tăng lãi suất ở mức nào sẽ phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng của Fed về việc chu trình giảm phát bắt đầu và nền kinh tế sẽ giảm tốc tới mức nào trong năm nay. Số liệu mới cập nhật về nền kinh tế Mỹ cho thấy chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 46,9% trong tháng 5, giảm nhẹ từ 47,1% của tháng trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 47,0%. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát được ở mức 102,3 điểm trong tháng 5, giảm so với mức 103,7 điểm của tháng 4 nhưng vẫn cao hơn mức 99,1 điểm theo dự báo của các chuyên gia. Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 2/5 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 339.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 5, cao hơn ước tính 190.000 của Dow Jones và đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp tăng trưởng tích cực. Trong tháng 5/2023, thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 4 và khớp với dự báo. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lại tăng khá mạnh lên 3,7% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 10/2022, dù vẫn gần mức đáy năm 1969. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát của FED, tăng 4,4% trong tháng 5/2023; PCE lõi (loại bỏ thực phẩm và năng lượng) tăng 4,9%, cao hơn mức tăng 4,7% trước đó. Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/4, GDP quý I/2023 của nước này tăng trưởng 1,1%, giảm mạnh so với mức tăng 2,6% trong quý cuối năm năm 2022 song vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương quý thứ ba liên tiếp .
Nhìn chung, thị trường việc làm tại Mỹ cho đến nay vẫn sôi động với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục, mặc dù tăng trưởng kinh tế gần đây đã giảm tốc, nhưng tín hiệu về đà giảm của lạm phát vẫn chưa rõ ràng và lạm phát lõi vẫn duy trì ở mức cao. Trong cuộc họp mới đây nhất ngày 14/6/2023, Fed đã quyết định tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần nâng liên tiếp, để có thời gian đánh giá về tác động của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ khởi động từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, quyết định này đi kèm với dự báo rằng trước khi kết thúc năm nay, Fed sẽ có thêm hai lần nâng lãi suất nữa, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm mỗi lần, với mức dự báo bình quân là lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt mức 5,6% vào cuối năm nay..
II- Tác động của việc FED tăng lãi suất và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo sẽ tác động đến kinh tế thế giới ở một số phương diện như đẩy mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm. Đồng thời, khiến đồng USD lên giá mạnh nhất trong 7 năm so với hầu hết các đồng tiền khác, chỉ số USD Index đã tăng khoảng 7,8% trong năm 2022, làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD . Điều này có thể kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn, đặc biệt nhập khẩu xăng dầu. Lãi suất USD tăng cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Ngoài ra, việc tăng lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước thuộc thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ. Đồng USD trở thành “hầm trú ẩn” cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm gần 10.000 tỷ USD, giảm gần 9% tổng dự trữ ngoại hối của các nước trước xu hướng dòng tiền đổi chiều.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của Việt Nam đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Tốc độ tăng như vậy cao hơn so với giai đoạn 2019-2020, tương đương tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 (khoảng 10%), tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do hiệu ứng giá cả vì giá các mặt hàng xuất và nhập khẩu tăng tương ứng 7,1% và 8,6%. Cán cân thương mại hàng hóa cả năm 2022 xuất siêu 11,2 tỷ USD, đây là mức xuất siêu cao hơn khá nhiều so với mức 3,32 tỷ USD năm 2021. Là một nền kinh tế với độ mở lớn (kim ngạch xuất nhập khẩu gần bằng 200%GDP), với 70% giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam được thực hiện bằng USD, khi lãi suất USD tăng làm suy giảm tổng cầu thế giới, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có xu hướng bị thu hẹp, giá hàng hóa thế giới tăng sẽ tác động tiêu cực tới thương mại quốc tế, tới sản xuất kinh doanh và gia tăng lạm phát chi phí đẩy của kinh tế Việt Nam.
Phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình vĩ mô, lạm phát trong nước cũng như mục tiêu chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 02 lần tăng lãi suất trong năm 2022 (lần thứ nhất vào ngày 23/9/2022 và lần thứ hai từ ngày 25/10/2022), cụ thể: Tăng 02 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2% (lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5%/năm lên 4,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 5%/năm lên 7%/năm (Quyết định số 1606/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022, Quyết định số 1809/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022); tăng 02 lần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 06 tháng tại TCTD với mức tăng 0,8 - 2%/năm (tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 01 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 1,0%/năm, kỳ hạn 01 tháng đến dưới 06 tháng tăng từ 4%/năm lên 6%/năm (Quyết định số 1607/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022, Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022); tăng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm (Quyết định số 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022) đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
Thực tế là Việt Nam đã phải duy trì mức lãi suất cao đặc biệt giai đoạn quý cuối năm 2022, chủ yếu do 4 yếu tố. Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao. Thứ hai, lạm phát chung trong nước vẫn được kiểm soát tốt, nhưng lạm phát cơ bản - chỉ báo quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ - đã tăng so với cùng kỳ từ mức 0,66% tháng 1 lên 3,82% vào tháng 9 và đạt mức 4,41% vào quý 4/2022, tính chung cả năm 2022 CPI tăng 3,15%. Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực từ đầu năm, đặc biệt trong 02 tuần cuối tháng 10, khi giá USD ngoài thị trường tự do vượt 25.500 VND/USD, còn trong hệ thống các ngân hàng, giá USD cũng xuýt soát 25.000 VND/USD, nghĩa là đồng VND đã trượt khoảng 9% giá trị so với đồng USD tại thời điểm trượt giá mạnh nhất khoảng cuối tháng 10/2022, buộc NHNN đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá (ước gần 20% dự trữ ngoại hối), khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi về mức thấp hơn 3 tháng nhập khẩu. Thứ tư, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Việc tăng lãi suất giúp tổ chức tín dụng thu hút thêm nguồn vốn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành hai lần trong năm 2022, mỗi lần 1%, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là giải pháp kịp thời, thể hiện sự chủ động và linh hoạt, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình lạm phát cũng như xu hướng nhiều nước đã nâng lãi suất để đối phó với sức ép lạm phát cao, sự mất giá của nhiều đồng tiền so với USD trên thế giới.
Bước vào năm 2023, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ - châu Âu và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất; ở trong nước tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, mức gần thấp nhất trong vòng 13 năm qua , áp lực lạm phát trong nước cơ bản được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 5 tháng tăng 3,55%. Trong bối cảnh đó, chỉ trong 2 tháng qua, NHNN đã tiến hành giảm các mức lãi suất điều hành 3 lần với mức giảm 0,5-1% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và góp phần phục hồi nền kinh tế, (lần thứ nhất áp dụng từ ngày 14/3/2023, lần thứ hai từ ngày 03/4/2023 và lần thứ ba từ ngày 25/5/2023 ) đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới bình quân là 9,07%, giảm 0,9% so với năm ngoái. Việc giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn. Lần hạ lãi suất điều hành thứ ba vào ngày 25/5 vừa qua một lần nữa khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới.
Tốc độ tăng/giảm CPI giai đoạn 2019-2023 (%)
![]() |
Nguồn: TCTK, 5/2023
Có thể đánh giá việc NHNN giảm lãi suất điều hành là “động thái ngược” so với các NHTW lớn trên thế giới như Fed hay ECB, tuy nhiên xét những diễn biến của nền kinh tế hiện nay thì quyết định táo bạo này lại hợp lý khi mà tăng trưởng kinh tế đang ở mức tương đối thấp so với nhiều năm, trong khi đó áp lực lạm phát và tỷ giá cũng đã ở trong tầm kiểm soát và đang có xu hướng đi xuống. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 chỉ khoảng hơn 3%, chưa đến một nửa mức tăng hơn 7,2% của cùng kỳ tháng 4-2022 và cũng thấp hơn mức gần 4,2% của cùng kỳ tháng 4-2021, thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid- 19, chứng tỏ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang còn yếu. Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng tăng trưởng tín dụng yếu. Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất khó khăn về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm khó khăn dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm sút. Thứ hai, doanh nghiệp nhỏ và vừa đa phần có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu để vay vốn ngân hàng. Thứ ba, liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý, ít dự án triển khai nên nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong ngành cũng sụt giảm.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ NHNN, từ đầu năm đến nay NHNN đã mua vào 6 tỉ đô la Mỹ, tương ứng bơm ra thị trường hơn 140.000 tỉ đồng. Lượng thanh khoản tiền đồng bơm ra mạnh mẽ như thế giúp lượng cung ứng tiền trong nền kinh tế nói chung và hệ thống các ngân hàng nói riêng có thể dồi dào hơn, tạo điều kiện kéo giảm thêm lãi suất khi cần thiết. Đặc biệt xu hướng mua ròng ngoại tệ để khôi phục lại kho dự trữ ngoại hối dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn tới, càng hỗ trợ cho một kịch bản giảm thêm lãi suất điều hành.Thêm vào đó, nhiều khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm đảo chiều chính sách tiền tệ, bởi vậy chính sách hạ lãi suất điều hành của NHNN sẽ là động thái đón đầu và đi trước xu hướng giảm lãi suất toàn cầu, là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Nhờ động thái quyết liệt hạ lãi suất của NHNN, nên dù trong bối cảnh căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra phức tạp tại Mỹ và các nước châu Âu, hệ thống ngân hàng trong nước vẫn hoạt động khá ổn định, tình trạng thanh khoản vẫn dồi dào. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang duy trì ổn định ở mức khoảng hơn 4%/năm. Mặt bằng lãi suất này vẫn thấp hơn so với mức 5,5% trần lãi suất cho vay qua đêm hiện tại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đây cũng được coi là tín hiệu cho thấy các ngân hàng đang trong tình trạng không bị áp lực lớn về thanh khoản. Ngay sau quyết định hạ lãi suất điều hành lần thứ ba của NHNN ngày 25/5/2026, các ngân hàng TMCP trong hệ thống đã có những điều chỉnh tương ứng với kênh huy động: (1) Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã giảm tới 0,4% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất về mức 6,8-7% một năm; (2) Nhóm các ngân hàng tư nhân mức lãi suất niêm yết hiện nay cũng không quá 8,5% một năm. Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
2. Một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam
- Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, giảm giá đầu ra nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
- Chủ động theo dõi sát tình hình, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Khẩn trương có phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; rà soát các gói tín dụng 40.000 tỉ đồng (hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nằm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế) và 120.000 tỉ đồng (cho vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ) với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn….Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
- Tiếp tục hoàn thiện soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó, một trong những mục tiêu trọng tâm hướng đến trong việc sửa đổi luật là nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng; tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023), qua đó còn kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện những quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện đã phát sinh bất cập.
- Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Phát triển lành mạnh thị trường vốn doanh nghiệp, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, thông thoáng và thuận lợi.
- Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ như: giãn, hoãn, miễn thuế, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Xác định cụ thể từng ngành, lĩnh vực cần ưu tiên hỗ trợ vốn để duy trì và phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô.
- Đánh giá, dự báo trong thời gian tới những tác động của việc tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục, tăng lương cơ sở đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá điện, giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phám, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có FTA với Israel và với các đối tác khác (UAE, MERCOSUR) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, nhất là những mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế.
- Tăng cường công tác truyền thông các quyết định chính sách tiền tệ cần được thực hiện rõ ràng và mang tính dự báo để giúp định hướng thị trường, làm giảm bất định và xáo trộn trên thị trường tài chính, qua đó giúp neo kỳ vọng lạm phát.
- Xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, giải pháp hỗ trợ có mục tiêu cho những người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương trong bối cảnh lạm phát gia tăn; thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội.
- Báo cáo Ổn định thị trường tài chính toàn cầu mới cập nhật của IMF 4/2023 cũng khuyến nghị các chính phủ nên chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để đối phó với sự bất ổn tài chính, bao gồm sẵn sàng can thiệp sớm và tăng cường hỗ trợ thanh khoản trong kịch bản cần thiết. Một phần đáng kể của rủi ro nên được duy trì trên thị trường (“bảo hiểm một phần”) để giảm thiểu rủi ro đạo đức và các biện pháp can thiệp nên có ngày kết thúc được xác định rõ ràng, cho phép các lực lượng thị trường tự vận động theo cơ chế thị trường sau khi các căng thẳng cấp tính lắng xuống. Can thiệp ổn định tài chính nên tiết kiệm để tránh mâu thuẫn với lập trường chính sách tiền tệ. Điều này có nghĩa là hỗ trợ thanh khoản nên được định giá tương đối đắt để tránh thu hút nhu cầu cơ hội không cần hỗ trợ./.
Tài liệu tham khảo
Baochinhphu.vn, 1/6/2023. Ưu tiên đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng là lựa chọn đúng đắn. https://baochinhphu.vn/uu-tien-dam-bao-an-toan-cho-he-thong-ngan-hang-la-lua-chon-dung-dan-102230601145547162.htm
Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed. Biên bản họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed
ttps://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/fomcminutes20230201.htm
IMF, 4/2023. Fiscal Monitor: On the Path to Policy Normalisation. https://www.imf.org/en/Publications/FM/Issues/2023/04/03/fiscal-monitor-april-2023#:~:text=On%20the%20Path%20to%20Policy%20Normalization&text=In%20this%20volatile%20environment%2C%20fiscal,restraint%20to%20tackle%20fiscal%20vulnerabilities.
IMF, 4/2023. Global Financial Stability Report: Safeguarding Financial Stability amid high inflation and geopolitical risks.
IMF, 4/2023. World economic outlook: A rocky Recovery
. https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2023/04/11/world-economic-outlook-april-2023
Thesaigontimes, 18/5/2023. Cơ sở nào để hạ thêm lãi suất điều hành. https://thesaigontimes.vn/co-so-nao-de-giam-them-lai-suat-dieu-hanh/
TS. Nguyễn Bích Lâm, 1/2023. Tăng trưởng kinh tế 2023: Ứng phó với lạm phát và biến động lãi suất thế giới. https://vneconomy.vn/tang-truong-kinh-te-2023-ung-pho-voi-lam-phat-va-bien-dong-lai-suat-the-gioi.htm
TS. Nguyễn Hữu Huân và TS. Ngô Minh Vũ, 01/2023. Chính sách tiền tệ của Việt Nam trước biến số kinh tế toàn cầu. https://vneconomy.vn/chinh-sach-tien-te-cua-viet-nam-truoc-bien-so-kinh-te-toan-cau.htm
Vneconomy 23/05/2023. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ 3, áp dụng từ ngày 25/5/2023. https://vneconomy.vn/ngan-hang-nha-nuoc-tiep-tuc-ha-lai-suat-dieu-hanh-lan-thu-3-ap-dung-tu-25-5.htm
Vneconomy 5/2023. Khủng hoảng ngân hàng Mỹ - Phần nổi của tảng băng chìm. https://vneconomy.vn/khung-hoang-ngan-hang-my-phan-noi-cua-tang-bang-chim.htm
World Bank. 2023. Global Economic Prospects, June 2023.
https://openknowledge.worldbank.org/server/api/core/bitstreams/9891892a-bc69-46fa-8ecc-e58b9fa019e8/content License: CC BY 3.0 IGO.
ThS. Đỗ Thị Thu Hà
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế
Ban Kinh tế Trung ương