CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VỀ
GIẢM NGHÈO VÙNG TRUNG DU, MIỀN NÚI PHÍA BẮC
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có diện tích 9.526,7 ngàn ha, dân số trung bình năm 2014 là 11.667,2 ngàn người[1] với trên 20 dân tộc sinh sống, trong đó, chủ yếu là các dân tộc ít người. Đặc điểm địa lý cơ bản là vùng núi cao, địa hình chia cắt nhiều tầng trên một nền địa chất phức tạp và sự phân hoá khí hậu sâu sắc. Độ dốc chiếm phần lớn diện tích, thoải dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Khí hậu Tây Bắc khá phức tạp, mùa khô hạn kéo dài, lượng gió Tây khô nóng gây khó khăn cho cây trồng và vật nuôi. Vào mùa đông thường xuyên có sương muối và băng giá, vào đầu mùa mưa thường có gió lốc, mưa đá và lũ ống, lũ quét gây ra sự tàn phá bất thường đối với đất đai, sản xuất và đời sống. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng và chống xâm lược, đồng bào các dân tộc Vung trung du miền núi phía Bắc chịu hy sinh, gian khổ nhiều nhất và lâu dài nhất[2]. Đó là những nguyên nhân làm cho tỉ lệ nghèo tại các vùng này ở mức cao nhất cả nước.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta xác định giảm nghèo Vùng Trung du miền núi phía Bắc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo vùng Trung du miền núi phía Bắc được thể hiện trong các văn kiện Đảng tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững
Để có nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, Đảng chủ trương tập trung, đa dạng hoá các nguồn lực theo hướng phát huy cao độ nội lực và kết hợp sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của quốc tế, kết hợp chính sách của Nhà nước với sự giúp đỡ trực tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của những người khá giả cho người nghèo, hộ nghèo, nhất là đối với những vùng đặc biệt khó khăn[3]; cùng với đó có chính sách khuyến khích mạnh các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ giàu đầu tư vốn phát triển sản xuất ở nông thôn, nhất là nông thôn vùng núi[4].
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) xác định:"Cùng với quá trình Đổi mới và tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, công bằng xã hội và kiểm soát khoảng cách giàu nghèo"; đồng thời, "bảo đảm vững chắc nhu cầu lương thực, khắc phục tình trạng thiếu đói thường xuyên và nạn đói giáp hạt ở một số vùng"[5].
Đại hội VIII (1996) chủ trương: "Thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và phát triển quỹ xóa đói giảm nghèo bằng nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước; quản lý chặt chẽ, đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả"[6].
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001- 2010 tại Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) xác định: "Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư các vùng xung yếu, vùng biên giới, cửa khẩu, hải đảo phù hợp với chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia."[7]
Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX, xác định:"Phát triển kinh tế đi liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tại các vùng kháng chiến cũ, vùng nghèo, vùng khó khăn, đảm bảo công bằng xã hội; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác trong nước."
Đại hội Đảng lần thứ X (2006) tiếp tục xác định "Đa dạng hoá các nguồn lực và phương thức thực hiện xoá đói, giảm nghèo theo hướng phát huy cao độ nội lực và kết hợp sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của quốc tế. Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ giúp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững; kết hợp chính sách của Nhà nước với sự trợ giúp trực tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của những người khá giả cho người nghèo, hộ nghèo, nhất là đối với những vùng đặc biệt khó khăn. Ngăn chặn tình trạng tái nghèo."[8]
Đến Đại hội Đảng lần thứ XI (2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định: "…Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, không ngừng cải thiện đời sống và chất lượng dân số của đồng bào các dân tộc thiểu số"[9]. Công tác giảm nghèo cần tập trung "chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước"[10]; "Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước"[11]...
Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Kết luận 26-KL/TW), chỉ rõ: "Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án, mục tiêu ghi trong Nghị quyết số 37-NQ/TW và các nghị quyết khác của Trung ương, của Chính phủ."
Đại hội Đảng lần thứ XII (2016), xác định rõ:"Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của trung ương và địa phương."[12]
Thứ hai, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: "Dành nguồn lực thích đáng cho việc giải quyết những nhu cầu cấp bách, đặc biệt là về kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, để những vùng còn kém phát triển, nhất là các vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng có bước tiến nhanh hơn, dần dần giảm bớt sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, coi đây là một trọng tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp"[13].
Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc nhấn mạnh: "Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xoá đói, giảm nghèo;..."; một số văn kiện khác nhấn mạnh: "Thực hiện tốt chính sách dân tộc..., xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất hàng hoá, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói giảm nghèo..."; "Ưu tiên phát triển giao thông ở các vùng khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn"[14].
Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX, đề ra nhiệm vụ: "Xác định việc xây dựng, nâng cấp hệ thống đường bộ là ưu tiên hàng đầu, tạo cơ sở để phát triển nhanh kinh tế của vùng và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng các công trình thủy lợi. Phát triển mạng lưới cấp nước sạch, cấp điện, viễn thông"
Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, nhấn mạnh:
"Ưu tiên hàng đầu việc xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, tạo cơ sở liên kết vùng để phát triển nhanh kinh tế - xã hội của vùng và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn), Hà Nội – Lào Cai, Hòa Lạc – Hòa Ninh; triển khai xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, một số tuyến đường kết nối các tỉnh với các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, đường đến cửa khẩu, đường tuần tra biên giới. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có trong vùng. Tổ chức quản lý và khai thác tốt các tuyến đường thủy trên sông, trên hồ trong vùng.
Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình thủy lợi có quy mô nhỏ và vừa, các công trình kè bờ sông biên giới, cấp thoát nước, hệ thống truyền tải điện, bưu chính – viễn thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân."
Thứ ba, quan tâm giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm
Các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng xác định: "giúp người nghèo vốn tín dụng, tập huấn kỹ năng sản xuất, thành lập các quỹ xóa đói giảm nghèo tại địa phương"[15]; "mở rộng các hình thức tín dụng trợ giúp người nghèo sản xuất, phát triển việc làm và nghề phụ nhằm tăng thu nhập của các hộ nông dân"[16]; "Đẩy mạnh chính sách đặc biệt về trợ giúp đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, đào tạo nghề và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo"[17]; "Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Khơ-me Nam Bộ"[18]; "Sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và việc làm cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang không có đất sản xuất"[19].
Thứ tư, ưu tiên giáo dục và đào tạo, đảm bảo giáo dục tối thiểu
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X chủ trương:"Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất - kỹ thuật các cấp học, mở thêm các trường nội trú, bán trú và có chính sách bảo đảm đủ giáo viên cho các vùng này"[20]. Ngoài ra, một số văn kiện khác cũng đề cập đến vấn đề này như: "Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để học"[21]; "Mở rộng và tăng cường các chế độ hỗ trợ, nhất là đối với thanh niên, thiếu niên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn để bảo đảm phổ cập giáo dục bền vững"[22].
Thứ năm, ưu tiên chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo đảm y tế tối thiểu
Theo đó, các văn kiện đề cập đến:"Tăng cường cơ sở khám, chữa bệnh, cán bộ y tế cho các xã, bản, thôn, ấp; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số"[23];"Thực hiện tốt chính sách khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em và người dân tộc thiểu số..."[24]; "Cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở các tuyến cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số"; "Nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo"[25].
Thứ sáu, bảo đảm nước sạch
Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 và các năm tiếp theo, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở miền núi, hải đảo, vùng ngập lũ, vùng bị nhiễm mặn. Cải thiện cơ bản tình trạng sử dụng nước sinh hoạt của dân cư, đặc biệt là dân cư nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cao thiếu nước[26].
Thứ bảy, bảo đảm thông tin
Để bảo đảm việc tiếp cận thông tin tối thiểu cho vùng DTTS, các văn kiện đề ra nhiệm vụ: Tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các tiếng dân tộc thiểu số"[27];"Tăng cường thông tin truyền thông đến người dân nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 và các năm tiếp theo.Củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo"[28].
Thứ tám, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp
Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX xác định: "Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng. Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ tại chỗ, đặc biệt có chính sách ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho các cấp, các ngành, cán bộ cơ sở ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Có chính sách, chế độ để điều động sử dụng có hiệu quả nguồn cán bộ của cơ quan, doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn tăng cường cho tỉnh, huyện. Thực hiện luân chuyển cán bộ chủ chốt trong nội tỉnh và giữa miền xuôi với miền núi; có chính sách thu hút học sinh đã tốt nghiệp các trường đại học, trung học chuyên nghiệp về công tác ở các địa phương trong vùng."
Như vậy, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), các nghị quyết đại hội, nghị quyết, kết luận của Trung ương đã chỉ rõ chủ trương, đường lối về giảm nghèo bền vững theo nhiều chiều cạnh khác nhau, trong đó chú trọng các trụ cột cơ bản như thu nhập và các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin, nhà ở... Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế thành pháp luật, chính sách và tổ chức thực thi chính sách thành các chương trình, dự án. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay Vùng trung du miền núi phía Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, đời sống đồng bào các dân tộc còn gặp khó khăn nhất cả nước.
Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng được nêu trong các văn kiện Đảng, đặc biệt là triển khai có kết quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo Vùng Trung du miền núi phía Bắc, thời gian tới cần tập trung làm tốt những công việc sau đây:
(1)- Lựa chọn thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện các kết luận của Trung ương, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kết luận đang triển khai, đảm bảo các kết luận được thực thi trên thực tế phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo Vùng Trung du miền núi phía Bắc.
(2)- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất thực sự trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân về mục tiêu, vai trò và trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; khắc phục tâm lý ỷ lại, tạo ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu hợp pháp của người dân.
(3)- Các cấp uỷ đảng cần tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả các chủ trương và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo Vùng trung du miền núi phía Bắc của Đảng; các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.
(4)- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các chính sách giảm nghèo dựa vào đặc thù văn hoá, kinh tế, xã hội của các nhóm dân tộc khác nhau, các địa phương khác nhau; phân loại các đối tượng thụ hưởng để có các hình thức hỗ trợ phù hợp; bổ sung các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng tái định cư; bãi bỏ các chính sách hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún...
(5)- Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình việc làm và giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đầu tư cho các địa bàn khó khăn nhất, vùng có nhiều hộ nghèo dân tộc ít người; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng ở các địa bàn này và coi đây là khâu đột phá để nâng cao khả năng kết nối các địa phương này với thị trường.
(6)- Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ ở cơ sở; tiếp tục thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ từ vùng đồng bằng, từ những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đến Vùng trung du miền núi phía Bắc nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật… để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
(7)- Thí điểm chủ trương xoá đói, giảm nghèo tại các địa phương có nhiều hộ nghèo bằng cách đầu tư qua những hộ gia đình khá giả, những hộ có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng tổ chức sản xuất làm đầu kéo, tác động lan toả, tạo việc làm.
(8)- Nghiên cứu, thí điểm thực hiện chính sách đảm bảo lương thực và các dịch vụ xã hội cơ bản đối với hộ gia đình được giao chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới.
Với sự quan tâm thường xuyên của Đảng mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Tây Bắc, sự điều chỉnh chính sách và giám sát thực hiện của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng lòng chung sức của hệ thống doanh nghiệp mà đặc biệt là sự tự nỗ lực giảm nghèo, vươn lên là giàu của người dân; chắc chắn công cuộc giảm nghèo tiếp cận đa chiều của các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc chắc chắn sẽ thu được những kết quả như mong muốn.
TS. Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội
Ban Kinh tế Trung ương
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991.
2- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,1996.
3- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001
4- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
5- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2011.
6- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội, 2011.
7- Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc
8- Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
9- Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
10 - Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
11- Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX.
12- Kết luận số 22-KL/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về việc tổng kết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
13- Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI.
14- Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê tóm tắt 2014.
[1] Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê tóm tắt 2014.
[2] Tính đến khi chiến tranh biên giới thực sự kết thúc.
[3] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, trang 217.
[4] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, trang 217.
[5] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội - 1991, trang 73
[6] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1996, trang 115
[7] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 168.
[8] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 217.
[9] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2011, trang 121.
[10] Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
[11] Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
[12] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trang 95.
[13] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1996, trang 89-90
[14] Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
[15] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội - 1991, trang 73
[16] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 111
[17] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 219
[18] Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc
[19] Kết luận số 22-KL/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về việc tổng kết hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước
[20] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, trang 208-209
[21] Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
[22] Nghị quyết số 15/NQ-TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020
[23] Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc
[24] Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2011, trang 125
[25] Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020
[26] Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020
[27] Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc
[28] Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020