Kinh nghiệm các nước Mỹ Latinh trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên cơ sở hợp tác công-tư
Bài viết phân tích kinh nghiệm hợp tác công-tư của các nước Mỹ Latinh thông qua việc triển khai những dự án xây dựng hạ tầng giao thông quy mô lớn.
Sự hợp tác thành công của khu vực tư nhân và nhà nước để bảo đảm việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, khi mở ra những cơ hội mới cho cả địa phương hoặc quốc gia nói chung, lẫn cho nhà đầu tư nói riêng. Sự quan tâm từ phía nhà nước đối với lĩnh vực hợp tác này bắt nguồn từ việc cần thiết phải cắt giảm chi ngân sách thông qua hoạt động thu hút đầu tư tư nhân vào dự án, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện bằng hệ thống pháp luật, cũng như áp dụng quy định về phí. Về phần mình, nhà đầu tư tư nhân, với mục tiêu triển khai hoạt động hợp tác mang tính ổn định và dài hạn, sẽ nhận được sự bảo đảm khả năng thu hồi vốn đầu tư khi tình hình kinh tế vĩ mô hoặc quy định pháp luật thay đổi, có tác động trực tiếp tới dự án. Chính vì thế, loại hình hợp tác này được coi là hấp dẫn và các bên cùng có lợi. Cơ chế PPP được phổ biến khá rộng rãi trên khắp thế giới, với những khác biệt nhất định trong việc tổ chức hoạt động hợp tác này.
Việc phân tích kinh nghiệm riêng của các nước Mỹ Latinh trong triển khai những dự án hợp tác công-tư mang ý nghĩa đặc biệt, như một quá trình phát triển năng động có tình dài hạn, điều chứng minh cho tính cấp thiết của bài viết này.
Ảnh minh họa. Internet
Trong giai đoạn từ những năm 1990, tại khu vực Mỹ Latinh đã có những thay đổi đáng kể, dẫn tới sự hình thành các thể chế hợp tác của khu vực tư nhân và nhà nước và những cải thiện của môi trường kinh doanh (đầu tư), nhờ đó hoạt động hợp tác công-tư bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ.
Brasil, Colombia, Mexico, Peru, Uruguay, Chile dẫn đầu trong bảng xếp hạng về khối lượng triển khai những dự án hạ tầng giao thông và phát triển cơ chế PPP tại khu vực Mỹ Latinh. Đồng thời, phần lớn các dự án trong lĩnh vực này được cụ thể hoá dưới hình thức thoả thuận nhượng quyền.
Trong số các quốc gia của khu vực này, Brasil có mức độ phát triển PPP cao nhất, mà trong giai đoạn 1990-2019 đã có hơn 950 dự án được triển khai, với tổng mức đầu tư là 361 tỷ USD[1].
Colombia, cùng kỳ, đã triển khai 163 dự án PPP, với tổng giá trị đầu tư là 335 tỷ USD[2]. Dự án giao thông được đánh giá là tham vọng nhất - đó là chương trình đường thu phí thế hệ thứ 4 (4G), mà thúc đẩy hoạt động thu hút vốn đầu tư tư nhân[3]. Ngoài ra, đã thành lập hai viện nghiên cứu độc lập, mà tập trung vào lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở quốc gia, cụ thể là: Financiera de Desarrollo Nacional (FDN) và Agencia Nacional de Infraestructura (ANI)[4]. Nhờ đó, chương trình 4G đã thực hiện được 32 dự án, với tổng mức vốn đầu tư là 18 tỷ USD, đến năm 2025 ANI dự kiến sẽ đầu tư 33,9 tỷ USD vào lĩnh vực giao thông[5].
Mexico có một con đường phát triển PPP thực sự dài, khởi nguồn từ thế kỷ XVIII. Vào năm 2020, Mexico đã giới thiệu chương trình hạ tầng quốc gia mới. Dự kiến, khu vực tư nhân sẽ đầu tư khoảng 13,9 tỷ USD vào 39 dự án[6]. Trong số đó là 28 tuyến đường xe ô-tô, 2 cảng biển, 2 tuyến đường sắt.
Tại Chile, đã triển khai 197 dự án, với tổng số tiền đầu tư là 69,4 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2019[7]. Trong khuôn khổ các dự án PPP này, đã có 16 sân bay, 12 cảng biển và 35 tuyến đường xe ô-tô được xây dựng, đồng thời khoảng 80% các dự án đã được giao lại cho các công ty quốc gia hàng đầu như Telefonica S. A., SUEZ, Almendral SA. Danh mục nhượng quyền của Chile giai đoạn 2020-2024 là 12,8 tỷ USD, mức lớn nhất trong lịch sử[8]. Các dự án hạ tầng được Nhà nước kêu gọi đầu tư bao gồm cả những tuyến đường xe ô-tô và các sân bay.
Dự án hạ tầng lớn nhất mà liên kết Brasil, Paraguay, Bolivia, Argentina, Chile, Peru chính là Bi-Oceanic Corridor.
Tuyến đường bộ này sẽ kết nối các bờ biển của Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thành một mạng lưới giao thông thống nhất, khi trở thành sự thay thế cho tuyến đường biển và sẽ giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hoá với tổng chiều dài là 3 nghìn km[9].
Những dự án hợp tác công-tư của các nước khu vực Mỹ Latinh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đang ở giai đoạn triển khai được thể hiện trong bảng dưới đây.
Bảng: Các dự án PPP về giao thông quy mô lớn đang được triển khai
STT | Dự án | Quốc gia | Thời hạn triển khai | Giá trị ước tính (tỷ USD) |
1 | Tuyến đường xe ô-tô liên lục địa Bi-Oceanic Corridor | Brasil, Paraguay, Bolivia, Argentina, Chile, Peru | đến năm 2022 | Không có |
2 | Tuyến đường xe điện ngầm Santiago 7 | Chile (TP.Santiago) | 2017-2025 | 2,9 |
3 | Tuyến đường bộ Vespuchio Oriente | Chile (TP.Santiago) | 2017–2022 | 1,1 |
4 | Tuyến đường bộ Costanera Central | Chile (TP.Santiago) | 2017–2024 | 1,2 |
5 | Đường hầm đèo Agua Negra | Argentina, Chile | 2018–2025 | 1,5 |
6 | Xe điện ngầm Bogota | Colombia | 2020–2028 | 3,7 |
Nguồn: https://moluch.ru/archive/363/81300/.
Nhiều dự án trong số này liên quan tới hoạt động xây dựng đường bộ, bởi vì vận tải đường bộ là phương thức vận tải chính ở khu vực, cũng như trong những năm gần đây hình thức vận tải bằng xe điện ngầm bắt đầu phát triển mạnh mẽ do sự cơ động của người dân tăng lên. Những dự án hoàn thiện hạ tầng cảng biển hướng tới mục tiêu xuất khẩu hàng hoá tới các nước Liên minh châu Âu, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ,…
Do sự phát triển với mức độ cao không diễn ra ở tất cả các quốc gia trong khu vực này, vì thế Quỹ Hạ tầng Liên minh Thái Bình Dương (Mexico, Chile, Peru, Colombia) đã được thành lập, với sự tham gia của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF)[10] để cân bằng trình độ phát triển kinh tế của các nước khu vực Mỹ Latinh. Hạ tầng giao thông nằm trong số những định hướng ưu tiên phát triển của Quỹ, với sự đổi mới chính là việc sử dụng lợi nhuận từ các dự án đã hoàn thành để tạo ra những dự án PPP mới. Căn cứ vào kế hoạch phát triển của Quỹ, dự kiến đến năm 2022 sẽ có 199 dự án được hoàn thành với tổng giá trị đầu tư khoảng 86 tỷ USD[11].
Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, khi gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà cũng ảnh hưởng tới cả các nhà đầu tư của những dự án PPP. Chính vì vậy, một số dự án hạ tầng giao thông đã bị hoãn hoặc huỷ bỏ cho tới khi tình hình kinh tế vĩ mô tại các nước và thế giới được cải thiện.
Tóm lại, PPP là cơ chế hợp tác độc đáo của nhà nước và khu vực tư nhân, trên cơ sở phân bổ rõ ràng chức năng, rủi ro, các chi phí tài chính, và trách nhiệm của các bên trong bối cảnh những nguồn lực giới hạn. Việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước đang phát triển ở khu vực Mỹ Latinh như Brasil, Colombia, Mexico, Chile trong việc triển khai những dự án PPP cho thấy rằng phương thức này được áp dụng khá thành công đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông, bao gồm xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt, những cảng sông và cảng biển và các hạ tầng đi kèm, những sân bay. Tuy nhiên, khu vực Mỹ Latinh đang ở trong giai đoạn đầu phát triển của thị trường PPP. Cần phải lưu ý rằng trong giai đoạn 1990-2019, sự phát triển mạnh mẽ nhất của hoạt động hợp tác công-tư có được là nhờ những cải cách đột phá mới, quá trình tư nhân hoá và sự giảm thiểu cá can thiệp của nhà nước, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế. Sự ra đời vào năm 2018 của Quỹ Hạ tầng Liên minh Thái Bình Dương, như một tổ chức phát triển đa quốc gia với mục đích đầu tư những dự án hợp tác công-tư, đã mở ra thêm các cơ hội cho việc triển khai những dự án giao thông PPP tại các nước khu vực Mỹ Latinh./.
_______________
Tài liệu tham khảo:
1. Official website of Public-Private Partnership. (https://pppknowledgelab.org/countries).
2. A portrait of PPPs in Latin America. (https://blogs.worldbank.org/ppps/portrait-ppps-latin-america).
3. Opportunities for private investment in sustainable infrastructure projects in Latin American Cities, The Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS), 2018. (https://www.kas.dehttps://kinhtetrunguong.vn/documents/273477/6628511/Opportunities+for+private+investment+in+sustainable+infrastructure+projects+in+Latin+American+Cities.pdf/6a4b0bc3–94bb-0111–0335-f10b9dbf8e3d?version=1.0&t=1563316269595).
4. Colombia — 4th generation toll road program. Infrastructure investment project briefs. Ghannam, Nadine Shamounki. Washington, D.C.: World Bank Group. 2019. (https:/https://kinhtetrunguong.vn/documents.worldbank.org/curated/en/570111468186858634/pdf/10484 8-BRI-ADD-SERIES-PUBLIC-Colombia4GTollRoadProgram.pdf).
5. Vassallo, J. M. (2019). Asociación Público-Privada en América Latina. Afrontando el reto de conectar y mejorar las ciudades. (https://scioteca.caf.com/handle/123456789/1376).
6. https://rosinfra-awards.ru/press/v-mire-metro-v-kolumbii-infrastrukturnyj-plan-meksiki-i-dorozhnye-kontsessii-na-ukraine.html.
7. https://iqdecision.com/investicionnye-vozmozhnosti-v-argentine-brazilii-i-chili/.
8. BI-OCEANIC CORRIDOR. (https://bitum.gazprom-neft.ru/business/cases/Bi-Oceanic/).
9. https://investinfra.ru/mezhdunarodnaya-praktika/v-latinskoy-amerike-formiruetsya-infrastrukturnyy-fond-dlya-finansirovaniya-proektov-gchp.html.
10. https://moluch.ru/archive/363/81300/.
[1] https://pppknowledgelab.org/countries.
[2] https://pppknowledgelab.org/countries.
[3] Colombia - 4th generation toll road program. Infrastructure investment project briefs. Ghannam, Nadine Shamounki. Washington, D.C.: World Bank Group. 2019.
(https:/https://kinhtetrunguong.vn/documents.worldbank.org/curated/en/570111468186858634/pdf/10484 8-BRI-ADD-SERIES-PUBLIC-Colombia4GTollRoadProgram.pdf).
[4] A portrait of PPPs in Latin America. (https://blogs.worldbank.org/ppps/portrait-ppps-latin-america).
[5] Opportunities for private investment in sustainable infrastructure projects in Latin American Cities, The Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS), 2018. (https://www.kas.dehttps://kinhtetrunguong.vn/documents/273477/6628511/Opportunities+for+private+investment+in+sustainable+infrastructure+projects+in+Latin+American+Cities.pdf/6a4b0bc3–94bb-0111–0335-f10b9dbf8e3d?version=1.0&t=1563316269595).
[6] https://rosinfra-awards.ru/press/v-mire-metro-v-kolumbii-infrastrukturnyj-plan-meksiki-i-dorozhnye-kontsessii-na-ukraine.html.
[7] Vassallo, J. M. (2019). Asociación Público-Privada en América Latina. Afrontando el reto de conectar y mejorar las ciudades. (https://scioteca.caf.com/handle/123456789/1376).
[8] https://iqdecision.com/investicionnye-vozmozhnosti-v-argentine-brazilii-i-chili/.
[9] BI-OCEANIC CORRIDOR. (https://bitum.gazprom-neft.ru/business/cases/Bi-Oceanic).
[10] https://investinfra.ru/mezhdunarodnaya-praktika/v-latinskoy-amerike-formiruetsya-infrastrukturnyy-fond-dlya-finansirovaniya-proektov-gchp.html.
[11] https://investinfra.ru/mezhdunarodnaya-praktika/v-latinskoy-amerike-formiruetsya-infrastrukturnyy-fond-dlya-finansirovaniya-proektov-gchp.html.
TS. Nguyễn Quang Huy
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương