Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Những người nhập cư trình độ cao đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế ở các nước sở tại. Cụ thể, tỷ lệ này chiếm một phần đáng kể trong tổng số bằng sáng chế được đăng ký tại các quốc gia phát triển. Chẳng hạn, tại Mỹ, số bằng sáng chế được cấp trong giai đoạn 2016-2020 có sự tham gia của các nhà phát minh là người nhập cư chiếm khoảng 1/5 tổng số bằng sáng chế. Theo dữ liệu nghiên cứu giai đoạn 1940-2000 tại Mỹ , nếu tỷ lệ sinh viên nhập cư tốt nghiệp đại học tăng 1% góp phần làm cho tỷ lệ bằng sáng chế bình quân đầu người tăng 9-18%. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế Ấn Độ lưu ý rằng, tác động tích cực của di cư đối với hoạt động đổi mới sáng tạo đặc biệt nhanh và mạnh mẽ tại những quốc gia sở hữu lượng bằng sáng chế ở mức cao.
Bên cạnh đó, các nước đang phát triển “cung cấp” những người nhập cư trình độ cao cũng có thể được hưởng lợi thông qua việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn quản lý một cách dễ dàng. Chính vì thế, các kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) từ Trung Quốc và Ấn Độ từng làm việc tại Mỹ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT tại quê hương mình.
Với những hiệu ứng đa chiều của quá trình “chảy máu chất xám”, nhiều quốc gia không những không hạn chế tình trạng di cư của các công dân có trình độ cao, mà còn khuyến khích những công dân này hồi hương - chính sách này nhằm thu nhận tất cả những lợi ích từ quá trình di cư “có định hướng” nói trên. Lấy ví dụ, dự án Đại học đẳng cấp thế giới (World Class University Project) đã được triển khai vào năm 2009 tại Hàn Quốc, những chương trình thu hút cả các nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ được thực hiện tại Brazil.
Một trong số những chương trình quy mô nhất để thu hút các nhà khoa học từ nước ngoài là Kế hoạch “Một nghìn nhân tài” (Thousand Talents Plan) của Trung Quốc, được khởi động vào năm 2009. Hai năm sau, đã bổ sung thêm Kế hoạch “Một nghìn nhân tài trẻ”, tập trung vào các nhà khoa học trẻ (dưới 40 tuổi) trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Hai kế hoạch này nhằm mục đích hồi hương, trước tiên, là những người gốc Trung Quốc và theo một số đánh giá, trong hơn 10 năm triển khai đã thu hút khoảng 7.000 nhà khoa học đến Trung Quốc. Đến năm 2019, những sáng kiến này được đổi tên thành Chương trình “Kế hoạch tuyển dụng chuyên gia nước ngoài cao cấp” (High-End Foreign Expert Recruitment Plan).
Theo nghiên cứu phân tích của Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc (Jia N. và Fleischer.B, 2020) về kết quả của Kế hoạch “Một nghìn tài năng trẻ” áp dụng đối với khoa toán của các trường đại học Trung Quốc, chương trình đã thu hút các nhà khoa học có bằng cấp đến Trung Quốc từ các trường đại học hàng đầu nước ngoài, làm tăng thêm số lượng các công trình nghiên cứu của các nhà toán học Trung Quốc được công bố và trích dẫn. Tuy nhiên, kết quả phân bổ rất không đồng đều, khi chủ yếu các trường đại học danh tiếng nhất được hưởng lợi. Đồng thời, các nhà toán học trong nước đang làm việc tại các trường đại học công bố dần ít đi các công trình do thiếu sự hợp tác với các nhà khoa học mới đến từ nước ngoài và sự gia tăng cạnh tranh về các nguồn lực.
Vài nét về quá trình hồi hương các tài năng
rong vòng hai thập kỷ 1990-2000, Trung Quốc từ một nước tụt hậu về khoa học và công nghệ đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ hai - sau Mỹ - về số lượng sinh viên tốt nghiệp, chi tiêu cho R&D và số lượng bài báo khoa học được công bố trong các lĩnh vực này, nhờ việc Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để đào tạo công dân của mình ở nước ngoài và phát triển quan hệ giáo dục cũng như nghiên cứu với Mỹ. Trung Quốc đã trở thành nước cung cấp nhân tài lớn cho toàn cầu. Năm 2020, 17% tổng số bằng tiến sĩ về khoa học và công nghệ tại Mỹ được trao cho các nghiên cứu sinh từ Trung Quốc.
Chương trình hồi hương dành cho những tài năng trẻ được khởi động vào đầu những năm 2010, bao gồm các ưu đãi tài chính vượt trội dành cho các nhà khoa học, như hỗ trợ tài chính cho việc tái định cư lên tới 1 triệu NDT , khoản tài trợ lên tới 3 triệu NDT cho nghiên cứu, hỗ trợ việc làm cho vợ/chồng và bố trí trường học cho con. Quá trình tuyển chọn vào chương trình được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu nộp đơn xin vào những vị trí học thuật đang được tuyển tại các trường đại học Trung Quốc; giai đoạn hai, các trường đại học nộp đơn xin tài trợ cho các ứng viên xuất sắc sau khi đã được một ủy ban đặc biệt đánh giá.
Thông qua các chương trình hồi hương nhân tài của Trung Quốc , số lượng các nhà khoa học gốc Hoa rời khỏi Mỹ đã tăng từ 900 người năm 2010 lên 2.621 người năm 2021, tương đương gần gấp ba lần. Năm 2021, tỷ lệ các chuyên gia nghiên cứu Mỹ hồi hương về Trung Quốc là 67% (so với mức dưới 20% vào năm 2010). Sự gia tăng này một phần cũng do “cơn sốt gián điệp” - chương trình do Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng vào cuối năm 2018 để truy tìm các gián điệp Trung Quốc trong số các chuyên gia nghiên cứu học thuật (xem hộp bên dưới).
Các nhà khoa học nhập cư Quyết định trở về nước của các chuyên gia nghiên cứu liên quan đến cả yếu tố về kinh tế và phi kinh tế. Theo đó, khả năng hồi hương thường diễn ra ở thời điểm đầu của sự nghiệp (sau 50 tuổi, khả năng này giảm mạnh) và quyết định này phụ thuộc rất nhiều vào những thay đổi về thu nhập bình quân đầu người ở quê hương. Hầu hết các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn ở lại Mỹ trong những thời kỳ kinh tế nước này tăng trưởng mạnh và kinh tế quê nhà tăng trưởng yếu. Bên cạnh đó, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 3 nước Thái Bình Dương (Tonga, Papua New Guinea và New Zealand) cho thấy, những cân nhắc về việc tối đa hóa thu nhập không giải thích đầy đủ được quyết định chuyển nơi ở của các chuyên gia trình độ cao kể cả khi lần đầu nhập cư lẫn khi hồi hương - nhìn chung những chuyên gia quyết định hồi hương bị giảm thu nhập. Quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tác động đến việc hồi hương của các nhà khoa học Trung Quốc. Năm 2018, “Sáng kiến Trung Quốc” bắt đầu được triển khai tại Mỹ - đây là chương trình của Bộ Tư pháp Mỹ, nhằm truy tìm gián điệp Trung Quốc trong các ngành công nghiệp và trường đại học của Mỹ. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến năm 2020, gần 3/4 (72%) các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ (tổng số mẫu khảo sát là gần 1.300) cảm thấy không an toàn và gần 2/3 (65%) lo lắng về mối quan hệ công việc của mình với các đồng nghiệp Trung Quốc; 42% lo sợ phải thực hiện các nghiên cứu. Chương trình truy tìm gián điệp đã bị Tổng thống Biden bãi bỏ vào tháng 02/2022. |
Theo dữ liệu công khai về Chương trình “Một nghìn tài năng trẻ” từ năm 2011 đến năm 2018 , có đến 3.600 người đã có cơ hội tham gia - có nghĩa là được bố trí công việc và hỗ trợ tài chính trong giai đoạn này, trong đó 2/3 số người được mời vào chương trình đều đang làm việc tại Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc thường bố trí các vị trí cho nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và nghiên cứu viên có uy tín từ những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu. Gần 1/5 số ứng viên tham gia chương trình đã từng làm việc tại tốp 10 tổ chức nghiên cứu, bao gồm 8 tổ chức ở Mỹ là Harvard, Stanford, MIT; 3 trường đại học tại California (Los Angeles, San Diego và Berkeley); Yale và Michigan. Ngoài ra, 2 tổ chức còn lại là Hội nghiên cứu khoa học Max Planck (Đức) và Đại học công nghệ Nanyang (Singapore).
Những người tham gia chương trình đa phần được tiếp nhận vào làm việc tại các trường đại học thuộc C9 League - Liên minh 9 trường đại học ưu tú nhất của Trung Quốc , tương tự như Ivy League của Mỹ . Phần lớn các nghiên cứu viên chuyển đến các đại học gồm Thanh Hoa, Chiết Giang và Bắc Kinh. Hầu hết các nghiên cứu viên đều nhận được lời mời từ các trường đại học dân sự hàng đầu Trung Quốc. Số ít đến các tổ chức có liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng, trong số đó có “7 con cưng của quốc phòng” - 7 trường đại học trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với Quân đội Trung Quốc), cũng như những trường đại học nằm trong Danh sách hạn chế thương mại của Bộ Thương mại Mỹ, và Viện Vật lý kỹ thuật Trung Quốc (chuyên nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí hạt nhân).
“Một nghìn tài năng trẻ”: Nghịch lý mang tính địa phương
Các chuyên gia từ Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc đã nghiên cứu sự nghiệp của hơn 950 nhà toán học trẻ được tuyển vào những bộ môn toán mạnh nhất Trung Quốc (xếp hạng trong top 50 cả nước) từ năm 2000 đến năm 2017. Trong số đó có 365 người được tuyển chọn sau khi chương trình “Một nghìn tài năng trẻ” được triển khai, và 74 người đã tham gia chương trình. Đồng thời, cũng thu thập được danh sách đầy đủ những nghiên cứu được công bố của các nhà khoa học trẻ từ C9 League - những người nhận được phần tài trợ nghiên cứu không cân xứng ở Trung Quốc và cũng tạo ra tỷ lệ các nghiên cứu không cân xứng: Chỉ có 3% tổng số nhà khoa học trong nước, nhưng chiếm 20% nghiên cứu được công bố và 30% bài báo được trích dẫn nhiều nhất.
Sau khi chương trình “Một nghìn tài năng trẻ” được triển khai, tỷ lệ nghiên cứu sinh mới được nhận bằng tiến sĩ tại 50 bộ môn toán hàng đầu ở nước ngoài tăng gần gấp ba lần, từ 6% trong giai đoạn 2000-2010 lên thành 16% trong giai đoạn 2011-2017. Đồng thời, tỷ lệ này tại 50 khoa toán hàng đầu của các trường đại học Trung Quốc lại giảm từ 17,2% xuống còn 15,6%.
Bên cạnh đó, những nhà khoa học mới có trình độ học vấn nước ngoài chất lượng cao tập trung tại các trường đại học danh tiếng nhất trong nước, League C9. Nghiên cứu trên khẳng định những kết luận được đưa ra của các nghiên cứu trước đây: Các trường đại học này, ngay cả trước khi chưa có chương trình, đã tuyển dụng được 7,4% các nhà toán học từ 50 khoa toán hàng đầu ở nước ngoài (cao hơn 2,4 điểm phần trăm các khoa toán không nằm trong League C9) và đạt gần 30% các nhà toán học sau khi triển khai “Một nghìn tài năng trẻ”. Các trường đại học khác lại không cho thấy được sự thu hút đáng kể các chuyên gia được đào tạo tại các trường đại học nước ngoài danh tiếng sau khi chương trình đi vào hoạt động, với tỷ lệ tương tự chỉ tăng từ 5% lên 7,3%.
Sự phân bố về mặt địa lý của các nhà khoa học hồi hương cũng không đồng đều, khi họ chủ yếu trở về các khu vực kinh tế phát triển tại miền Đông và miền Trung của Trung Quốc, thay vì đến các trường đại học có chỉ số học thuật tương tự ở vùng Đông Bắc và phía Tây. Những khu vực này, trước khi có chương trình hồi hương, vốn được ưa thích hơn đối với những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng, còn sau khi chương trình này được triển khai, tỷ lệ tiến sĩ tốt nghiệp tại 50 khoa toán nước ngoài hàng đầu hồi hương vượt trên 40% so với mức dưới 9% ở các khu vực còn lại. Có nghĩa là, chương trình đã làm cho khoảng cách giữa các trường đại học trong tuyển dụng chuyên gia có kinh nghiệm ở nước ngoài càng rộng ra.
Các chỉ số về nghiên cứu được công bố của các nhà khoa học mới tại các trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc đã tăng 25% và được trích dẫn đã tăng hơn 30% so với giai đoạn trước khi có chương trình “Một nghìn tài năng trẻ”. Tuy nhiên, đối với những nghiên cứu viên làm việc tại các trường đại học trước khi chương trình hồi hương được triển khai, các chỉ số về nghiên cứu giảm tương ứng khoảng 13% và 15%.
Các nhà khoa học mới hồi hương ít đứng tên cùng các nghiên cứu viên tốt nghiệp tại Trung Quốc hơn những nhà khoa học khác, do họ không có quan hệ khoa học thân thiết với các nghiên cứu viên được đào tạo trong nước. Điểm yếu trong quan hệ hợp tác này, nhiều khả năng làm hạn chế những hiệu quả tích cực của việc chuyển giao kiến thức. Đồng thời, các nhà khoa học hồi hương (so với các nhà khoa học chỉ làm việc tại Trung Quốc) có nhiều nghiên cứu công bố quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong sự kết nối của Trung Quốc với mạng lưới nghiên cứu toàn cầu.
Ngoài ra, chương trình hồi hương có thể thay đổi sự phân bổ các nguồn lực tại các trường đại học tuyển dụng và khả năng nhận được những khoản trợ cấp. Nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc cũng chỉ ra rằng việc hạn chế tiếp cận nguồn lực cũng có thể tác động đến tâm lý của các nhà khoa học, khiến họ mất động lực nghiên cứu hoặc thúc đẩy họ chuyển sang hoạt động khác.
Như vậy, chương trình “Một nghìn tài năng trẻ” dù đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các nhà khoa học hồi hương, nhưng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước. Từ đó, cần thiết phải bổ sung các chính sách khuyến khích sự hợp tác giữa các nghiên cứu viên và tăng cường những hiệu quả tích cực từ chương trình hồi hương.
Năng suất nghiên cứu
Theo các nghiên cứu khác, sau khi trở về Trung Quốc, những người tham gia chương trình “Một nghìn tài năng trẻ” đã tăng “năng suất nghiên cứu” của mình về số lượng các nghiên cứu công bố - nhiều khả năng, do môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học hồi hương tụt hậu so với những người ở lại Mỹ về số lượng các công trình nghiên cứu được trích dẫn. Ngoài ra, các công trình có sự hợp tác nghiên cứu quốc tế của những người tham gia chương trình cũng giảm từ 56% công trình nghiên cứu trước khi hồi hương xuống còn 45% sau khi hồi hương. Trong khi đó, con số này tăng nhẹ lên thành 66% đối với những nhà khoa học không hồi hương.
Thêm một nghiên cứu khác chỉ ra chất lượng các nghiên cứu công bố (bảng xếp hạng các tạp chí đăng tải các nghiên cứu), theo đó những người hồi hương hoặc đứng trong tốp đầu hoặc ngược lại, trong tốp cuối. Nguyên nhân có thể là do đặc thù của các tiêu chí đánh giá những nghiên cứu công bố, cũng như một số người tham gia chương trình “Một nghìn tài năng trẻ” đặt ưu tiên vào số lượng các nghiên cứu công bố hơn hơn chất lượng.
Một nghiên cứu nữa về những người tham gia chương trình “Một nghìn tài năng trẻ” đã đưa ra kết luận về việc khi chưa hồi hương, họ thường là những người gặp khó khăn trong xin tài trợ tại các trường đại học ở nước ngoài. Sau khi hồi hương, họ đã cải thiện được kết quả nghiên cứu của mình: Xét về số lượng các nghiên cứu được công bố, bao gồm cả trên các tạp chí hàng đầu, họ đã vượt qua những người ở lại Mỹ và EU. Lợi thế được thể hiện rõ nhất của những nhà khoa học trẻ hồi hương - họ là nghiên cứu viên chính trong các nghiên cứu được công bố. Như vậy, sau khi trở về nước, các nhà khoa học phần nhiều trở thành những nghiên cứu viên độc lập, tập trung vào các lĩnh vực quan tâm. Lợi thế của các nhà khoa học hồi hương chính có được là nhờ khả năng tiếp cận được tốt hơn các nguồn tài trợ và nhóm nghiên cứu (bao gồm một số lượng lớn sinh viên trong lĩnh vực STEM): Nếu loại trừ sự ảnh hưởng của các yếu tố này, sự khác biệt đáng kể giữa năng suất của các nhà khoa học trẻ ở Trung Quốc và nhóm tương tự ở nước ngoài gần như không có.
Tài liệu tham khảo: Econs.online
Nguyễn Quang Huy