Một số vấn đề nổi bật của kinh tế Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm và tuần đầu tháng 5/2023
Tại hội nghị đầu tiên của Ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập trung thảo luận những chủ đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế, tạo ra một hệ thống hiện đại các ngành, và nâng cao chất lượng dân số
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kinh tế
Ngày 05/5/2023, dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình, hội nghị đầu tiên của Ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã được tổ chức. Tham gia hội nghị của Ban còn có 03 ủy viên Bộ Chính trị là Thủ tướng Lý Cường (Phó Trưởng Ban); Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Thái Kỳ và Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường. Hội nghị đã khẳng định rằng xây dựng kinh tế là «nhiệm vụ trung tâm» của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế là nhiệm vụ cần thiết.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vai trò Ban Kinh tế và Tài chính trong hoạch định đường lối phát triển kinh tế tổng thể; đã đặt trọng tâm vào sự cần thiết "tăng cường và nâng cao hơn nữa sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng đối với hoạt động kinh tế". Nhiệm vụ chính của Ban Tài chính và Kinh tế Trung ương khoá mới là thực hiện một cách nhất quán chiến lược phát triển, bao gồm đưa những khái niệm phát triển mới đi vào cuộc sống một cách toàn diện, đẩy nhanh việc xây dựng cấu trúc phát triển mới và tập trung các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao. Ngoài ra, Ban Tài chính và Kinh tế cần tăng cường công tác hoạch định chiến lược và xây dựng phương thức tiếp cận mang tính hệ thống. Hội nghị đã thông qua Quy chế làm việc sửa đổi bổ sung của Ban Tài chính và Kinh tế Trung ương.
Ngoài các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, hội nghị đã bàn các vấn đề đẩy nhanh nhiệm vụ xây dựng hệ thống hiện đại hóa các ngành và nâng cao chất lượng dân số, gắn với việc thực hiện quá trình hiện đại hóa đặc sắc Trung Quốc.
Khi thảo luận về vấn đề hệ thống hiện đại hóa các ngành, hội nghị đã nghe các báo cáo liên quan của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn. Ông Tập Cận Bình, trong bài phát biểu của mình đã lưu ý rằng hệ thống hiện đại hóa các ngành là nền tảng vật chất-công nghệ của một cường quốc hiện đại hóa, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung ưu tiên nỗ lực vào việc phát triển khu vực kinh tế thực trong quá trình xây dựng nền kinh tế. Quan điểm này của ông Tập Cận Bình đã được thể hiện trong nghị quyết của hội nghị, với trọng tâm hướng tới sự cần thiết phải duy trì và củng cố lợi thế của Trung Quốc bằng việc sở hữu một hệ thống toàn diện và tích hợp, tận dụng làn sóng của cách mạng khoa học và công nghệ mới, bao gồm cả trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy quá trình thông minh hóa các ngành, "xanh hóa" và tích hợp những ngành này, đạt được mức độ an toàn về ngành.
Lĩnh vực kinh tế thực cần phải là chủ đạo, và việc hướng vào lĩnh vực dịch vụ tài chính cần phải được ngăn chặn, cũng như không nên chỉ dựa vào nước ngoài. Cần tuân thủ sự phát triển mang tính tích hợp của các ngành cấp ba (những lĩnh vực dịch vụ), tránh tách rời những ngành này; các ngành cấp thấp truyền thống nên được nâng cấp chứ không chỉ loại bỏ. Cũng cần tuân thủ tính cởi mở và hợp tác, bởi vì không thể “phát minh ra xe đạp đăng sau những cánh cửa đóng kín”.
Một lần nữa hội nghị thống nhất nhấn mạnh rằng khi triển khai chính sách ngành, cần hết sức chú ý đến việc đảm bảo mức độ an toàn của ngành, tăng cường phối hợp chính sách ngành, theo đó cần đạt được bước đột phá trong lĩnh vực các công nghệ then chốt và cung cấp các nguồn lực chiến lược. Cần chú ý hơn nữa đến những vấn đề gia tăng tiềm năng sản xuất ngũ cốc, thông qua việc ứng dụng công nghệ, khắc phục những hạn chế mang tính tự nhiên của ngành nông nghiệp, bao gồm cả về diện tích đất canh tác. Cần tận dụng một cách hợp lý những ưu thế thị trường to lớn; kết hợp nhuần nhuyễn chiến lược mở rộng thị trường trong nước và phát triển đổi mới sáng tạo, tăng cường tính cởi mở và hợp tác trong các chuỗi cung ứng ngành.
Khi thảo luận về vấn đề nâng cao chất lượng dân số, hội nghị đã nghe báo cáo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Ủy ban Y tế Quốc gia, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, Bộ Giáo dục. Kết quả thảo luận tại hội nghị cho thấy hiện nay ở Trung Quốc đang có xu hướng giảm tỷ lệ sinh, quá trình già hóa dân số tăng nhanh, cũng như xu hướng phân hóa tăng và giảm dân số theo khu vực. Trong bối cảnh này, cần hoàn thiện chiến lược phát triển dân số, tập trung các nguồn lực vào việc nâng cao chất lượng dân số, nỗ lực duy trì tỷ lệ sinh phù hợp, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý.
Vấn đề con người cần được giải quyết một cách có hệ thống, nâng cao chất lượng dân số phải được thực hiện thông qua cải cách, đổi mới và gắn liền với việc bảo đảm phẩm chất đạo đức cao đẹp của dân tộc, với sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, với thành tựu của mọi thành viên trong xã hội vì sự thịnh vượng chung; trong bản kế hoạch cụ thể đã đặt ra các nhiệm vụ đi sâu đổi mới giáo dục và y tế, nhấn mạnh tầm quan trọng mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt của hệ thống giáo dục trong việc nâng cao chất lượng con người. Hội nghị cũng đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc tạo ra một hệ thống các biện pháp hỗ trợ tỷ lệ sinh, bao gồm sự phát triển toàn diện của hệ thống chăm sóc trẻ em, giảm gánh nặng chi phí gia đình cho việc sinh con, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực sẵn có đã được đặt ra. Đối với những vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số, việc cần thiết phải thực hiện chiến lược quốc gia nhằm ứng phó với già hóa dân số đã được chỉ ra, bao gồm thúc đẩy hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi, phát triển toàn diện ngành kinh tế người cao tuổi, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống bảo hiểm người cao tuổi, đã được chỉ ra.
2. “Tuần lễ vàng” tháng 5 khẳng định xu hướng phục hồi của du lịch nội địa Trung Quốc
Trung Quốc đã tổng hợp kết quả đạt được về kinh tế của 5 ngày «tuần lễ vàng» trong tháng 5 (29/4 - 03/5). Như kỳ vọng, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch đã góp phần giúp du lịch nội địa Trung Quốc phục hồi khá nhanh. Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nước này, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, tổng khách du lịch nội địa đạt 274 triệu lượt người, tăng 70,8% so với kỳ nghỉ lễ tháng 5 năm ngoái, cũng như vượt khoảng 19 % chỉ số của năm 2019.
Doanh thu du lịch nội địa ước đạt 148 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tăng 128,9% so với cùng kỳ năm 2019 (+0,66%). Doanh thu từ bán vé rạp chiếu phim cũng tăng, với mức tổng doanh thu dịp lễ vượt 1,5 tỷ NDT, cao hơn so với thời điểm những năm trước Covid-19.
Đã ghi nhận sự phục hồi nhất định trên thị trường bất động sản. Tổng số giao dịch trên thị trường sơ cấp và thứ cấp tăng khoảng 25% so với dịp nghỉ lễ tháng 5 năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách so với năm 2019 trước khi dịch Covid bùng phát, số lượng giao dịch giảm hơn 20%.
3. Sau khi cải thiện vào tháng 3, tình hình ngoại thương của Trung Quốc lại có dấu hiệu biến động trong tháng 4
Sự phục hồi của các chỉ số xuất, nhập khẩu diễn ra trong tháng 3/2023 chỉ duy trì trong thời gian ngắn, khi chúng lại bắt đầu xu hướng giảm trong tháng 4. Tính riêng trong tháng 4/2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu chỉ đạt tốc độ tăng 1,1% (tháng 3 tăng 7,4%), trong đó xuất khẩu tăng 8,5% (tháng 3 tăng 14,8%), nhập khẩu giảm 7,9% (tháng 3 giảm 1,4 %).
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc đạt 1939,7 tỷ USD (giảm 1,9%); xuất khẩu đạt 1116,9 tỷ USD (tăng 2,5%); nhập khẩu ước đạt 822,8 tỷ USD (giảm 7,3%).
Trong cơ cấu hàng hóa, xuất khẩu máy móc và sản phẩm kỹ thuật có xu hướng phục hồi. Theo thống kê 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm này của Trung Quốc đạt 646,5 tỷ USD (tăng 2,4% và 3 tháng đầu năm giảm 0,4%).
Xu hướng kim ngạch xuất khẩu ô tô tăng nhanh vẫn được duy trì, trước tiên là các loại xe chạy bằng những nguồn năng lượng mới. Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 1,49 triệu ô tô (tăng 76,5%), với tổng trị giá đạt 29,68 tỷ USD (+103,6% và trong 3 tháng đầu năm đạt +58,3% về số lượng và và +81,6% về giá trị). Xuất khẩu phụ tùng ô tô đạt 28,68 tỷ USD (tăng 15,8% và 3 tháng tăng 11,3%). Xu hướng tích cực được ghi nhận từ hoạt động xuất khẩu tàu thuyền khi đạt 7 tỷ USD (tăng 20,5%). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động, điện tử gia dụng, vi mạch, thiết bị y tế, vi điện tử vẫn tiếp tục ở mức âm khi lần lượt giảm 10,5%; 2,5%; 15,2%; 1,4%; 26,2%.
Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp dù có suy giảm nhẹ, nhưng vẫn ghi nhận xu hướng tăng của xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu. Trong 4 tháng vừa qua, Trung Quốc đã xuất khẩu 28,13 triệu tấn sản phẩm dầu (+44,3%), với doanh thu đạt 17,12 tỷ USD (+41,4% và 3 tháng đầu năm lần lượt đạt + 59,8% và + 70,3%). Xu hướng xuất khẩu thép tăng nhanh cũng vẫn tiếp tục. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thép đạt 28,01 triệu tấn (+55%) và tương ứng đạt 33,89 tỷ USD (+32,8%).
Trong nhóm các mặt hàng truyền thống thâm dụng lao động, xuất khẩu túi xách và vali tiếp tục tăng trưởng cao khi đạt 31,7% (3 tháng đầu năm tăng 29,1%). Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng nhanh (+4,4% và 3 tháng tăng 2,9%). Xuất khẩu quần áo và giày dép bắt đầu đạt được mức tăng trưởng dương (+2,5% và +3,2% tương ứng) sau khi có kết quả âm lần lượt 1,3% và 0,2% trong 3 tháng đầu năm. Xuất khẩu đồ chơi vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định (+3,1% và +3,7% trong 3 tháng).
Về nhập khẩu, các sản phẩm năng lượng chủ yếu có thể được đánh giá là khá ổn định về tăng trưởng kim ngạch.
Chỉ tính riêng trong tháng 4, sản lượng than nhập khẩu lên tới 40,67 triệu tấn, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng than nhập khẩu đạt 142,5 triệu tấn, tăng 88,8%, về giá trị đạt 18,55 tỷ USD, tăng 53,9%.
Nhập khẩu dầu thô trong tháng 4 đạt 42,4 triệu tấn, giảm tương ứng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu mỏ (178,77 triệu tấn) tăng 4,6% nhưng về giá trị (104,69 tỷ USD) lại giảm 11,6%. Tốc độ tăng trưởng cao của nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu tiếp tục. Trong tháng 1-tháng 4, nhập khẩu của họ (13,59 triệu tấn) tăng 68,6%. Riêng trong tháng 4, nhập khẩu (4,38 triệu tấn) tăng 296% so với cùng kỳ năm ngoái. về trị giá, nhập khẩu 4 tháng (8,09 tỷ USD) tăng 26,6%.
Nhập khẩu khí đốt tự nhiên trong tháng 4 lên tới 8,98 triệu tấn, cao hơn 11% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm, nhập khẩu khí đốt tự nhiên về khối lượng đạt 35,69 triệu tấn, giảm 0,3% về khối lượng, về giá trị tương là 21,58 tỷ USD, giảm 0,2%.
Tình trạng sụt giảm nhập khẩu sản phẩm máy móc-kỹ thuật vẫn tiếp diễn sau trong 4 tháng. Giá trị nhập khẩu các mặt hàng này ước 281,13 tỷ USD, giảm 20,6% (3 tháng đầu năm giảm 22,1%). Xu hướng giảm nhập khẩu vi mạch cũng chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong 4 tháng đầu năm 2023, khối lượng vi mạch nhập khẩu là 108,2 tỷ chiếc, giảm 21,1% (3 tháng giảm 22,9%); về giá trị đạt 105,57 tỷUSD, giảm 18,3%.
Giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản giảm nhẹ, nhưng tiếp tục duy trì ở vùng tích cực. Trong 4 tháng vừa qua, khối lượng nhập khẩu nông sản đạt 79,97 tỷ USD, tăng 11,2% (3 tháng tăng 13,2%).
Về đối tác, các nước ASEAN vẫn là đối tác thương mại chính của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023. Nhóm này dẫn đầu cả về kim ngạch xuất và nhập khẩu, khi vượt qua cả EU lẫn Mỹ. Tính chung 4 tháng vừa qua, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các nước ASEAN đạt 304,64 tỷ USD, tăng 5,6% (3 tháng tăng 7,6%). Tính riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 185,18 tỷ USD, tăng tới 15% (3 tháng tăng 18,6%); nhưng nhập khẩu lại giảm 6,3% khi cán mốc 119,46 tỷ USD (trong 3 tháng giảm 6,1%).
Kim ngạch thương mại với EU tiếp tục xu hướng sụt giảm, nhưng mức độ nhẹ hơn khi từ trong 4 tháng đầu năm, chỉ số này đạt 262,53 tỷ USD, giảm 3,5% (3 tháng giảm tới 5,5%). Xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đạt 170,7 tỷ USD, giảm 4,3% (3 tháng giảm 7,1%); nhập khẩu từ EU là 91,83 tỷ USD, giảm 1,8% (3 tháng giảm 2,4%).
Hoạt động thương mại Trung Quốc-Mỹ có đôi chút cải thiện, mặc dù vẫn ở vùng tiêu cực. Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giảm 11,2% khi chỉ đạt 217,92 tỷ USD (3 tháng giảm tới 17%). Ở phía xuất khẩu của Trung Quốc giảm 14,3% khi cán mốc 158,25 tỷ USD (3 tháng giảm 17%); ở phía nhập khẩu là 59,67 tỷ USD), giảm 2% (3 tháng giảm 1,7%).
Hoạt động thương mại của Trung Quốc với Nga vẫn ở mức cao. Tính chung 4 tháng vừa qua, kim ngạch thương mại song phương đạt 73,15 tỷ USD, tăng 41,3% (3 tháng tăng 38,7%). Xu hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng nhanh vẫn tiếp tục duy trì. Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga là 33,69 tỷ USD, tăng tới 67,2% (3 tháng tăng 47,1%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nga đạt 39,46 tỷ USD, tăng 24,8% (3 tháng tăng 32,6%). Chỉ riêng trong tháng 4, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đạt 9,62 tỷ USD, tăng tương ứng 153% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu từ Nga là 9,61 tỷ USD, tăng 8,1%.
4. Cầu yếu và yếu tố mùa vụ ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng
Trong tháng 4/2023, chính sách tiền tệ của Trung Quốc không có thay đổi nào đáng kể. Ngân hàng Trung ương đã không phải dùng đến bất kỳ biện pháp lớn nào để tăng cung tiền. Tốc độ tăng cung tiền có phần giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Chỉ số M2 trong tháng 4/2023 tăng 12,4%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm (đpt) so với tháng trước nhưng, cao hơn 1,9 đpt so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số Ml của tháng 4 tăng 5,3% và cao hơn 0,2 đpt so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Hoạt động cho vay giảm đáng kể trong tháng 4 một phần do yếu tố mùa vụ, khi hầu như vào tháng 4 hàng năm hiện tượng này luôn diễn ra.
Khối lượng cho vay mới bằng đồng nội tệ trong tháng 4 đạt 718,8 tỷ NDT, tăng 64,9 tỷ NDT so với tháng 4 năm ngoái, nhưng mức tăng này được coi là không đáng kể, do vào thời điểm này năm 2022, tình hình kinh tế của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn khi làn sóng phong tỏa quy mô lớn diễn ra.
Trong cơ cấu cho vay, như những tháng trước, dẫn đầu chủ yếu vẫn là khu vực doanh nghiệp. Khối lượng cho vay đối với các doanh nghiệp và tổ chức ở mức 683,9 tỷ NDT (cùng kỳ năm 2022 là 578 tỷ NDT). Đồng thời, khối lượng cho vay ngắn hạn giảm gần 110 tỷ NDT, nhưng trung và dài hạn tăng lên. Xu hướng phục hồi hoạt động cho vay hộ gia đình, từng diễn ra trong tháng 3, đã không còn duy trì vào tháng 4. Cho vay hộ gia đình giảm 241,1 tỷ NDT, trong đó ngắn hạn giảm 125,5 tỷ NDT) và trung hạn giảm 115,6 tỷ NDT.
Vào tháng 4, lượng tiền gửi bằng NDT đã giảm đáng kể, khi giảm tới 460,9 tỷ NDT, trong khi tiền gửi của hộ gia đình giảm 1,2 nghìn tỷ NDT (trong quý I/2023, tiền gửi của hộ gia đình tăng 9,9 nghìn tỷ NDT). Như vậy, có thấy sự đảo chiều mạnh mẽ so với xu hướng tăng trưởng của tiền gửi hộ gia đình được ghi nhận trước đó. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích thị trường Trung Quốc, vẫn còn quá sớm để coi hiện tượng này là tín hiệu từ bỏ mô hình tiết kiệm đặc trưng trong thời kỳ dịch bệnh. Việc lượng tiền gửi giảm có thể được lý giải một phần là do các yếu tố mùa vụ, một phần là do tiền được sử dụng để đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản, kéo theo tiền gửi ngân hàng giảm do lãi suất giảm.
Khối lượng cho vay đối với lĩnh vực kinh tế thực bằng đồng nội tệ lên tới 443,1 tỷ NDT, cao hơn 72,9 tỷ NDT so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư ròng từ vay chính phủ là 454,8 tỷ NDT, tăng 63,6 tỷ NDT. Đầu tư thông qua các khoản nợ doanh nghiệp ước đạt 284,3 tỷ NDT, giảm 80,9 tỷ NDT so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu từ bằng kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tiếp tục giảm, lên tới 99,3 tỷ NDT, tương ứng giảm 17,3 tỷ so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyễn Quang Huy, Vụ Kinh tế tổng hợp tổng hợp