Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Lạt được mở rộng diện tích từ 39.440 ha lên 335.930 ha, tăng gấp 8,5 lần đô thị Đà Lạt hiện hữu và được mở rộng ra các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, một phần huyện Lâm Hà, với số dân gần 530.000 người. Qua đó, định hướng phát triển không gian đô thị TP Đà Lạt sẽ hình thành chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm, kết nối với các vùng du lịch sinh thái, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp...
Du lịch nông nghiệp là một trong những hướng đi nhiều triển vọng ở Lâm Đồng. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Mục tiêu hướng tới phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một "vùng đô thị hiện đại, đặc thù có ý nghĩa khu vực và quốc tế". Giải pháp quy hoạch lựa chọn mô hình phát triển chuỗi các đô thị - phi tập trung, liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối các vùng du lịch sinh thái, vùng cảnh quan rừng và nông nghiệp đặc trưng; phát huy tính đặc thù tự nhiên và lịch sử, hướng tới một vùng đô thị cấp quốc gia, có chất lượng sống cao. Quan điểm chủ đạo phát triển TP Đà Lạt theo hướng tăng trưởng xanh, xây dựng đô thị sinh thái mang tính chất đặc thù hàng đầu của cả nước và khu vực, mà một trong những trọng tâm xây dựng đô thị đặc thù Đà Lạt với chức năng "Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái đạt đẳng cấp quốc tế; Trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng và cả nước".
Đây là quy hoạch có tính khả thi cao và để thực hiện Thủ tướng Chính phủ đã trao cho Lâm Đồng "Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng".
Mục tiêu phát triển du lịch Lâm Đồng đến năm 2020, được xác định là phát triển du lịch bền vững theo hướng lấy yếu tố chất lượng dịch vụ và môi trường sinh thái làm trọng tâm; phát triển du lịch vừa là động lực, vừa là điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển và ngược lại; gắn phát triển du lịch với các loại hình dịch vụ khác; chú trọng khai thác lợi thế cạnh tranh và tiềm năng cảnh quan, môi trường, khí hậu để phát triển du lịch; phát triển du lịch của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của cả nước, trở thành trung tâm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia và khu vực. Phấn đấu vào năm 2020, Đà Lạt - Lâm Đồng thu hút trên 6,5 triệu lượt khách; thời gian lưu trú khoảng 3,2 ngày; doanh thu du lịch khoảng 13.000 tỷ đồng...
Lâm Đồng đã, đang xây dựng Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng và cả nước. Trên thực tế, Lâm Đồng đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từ nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ được nâng tầm theo hướng nông nghiệp thông minh, nhằm không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, gia tăng chuỗi giá trị, mà còn gắn với phát triển du lịch, cụ thể là du lịch canh nông. Hiện tại, các vùng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng được đánh giá có trình độ canh tác tương đương các nước có nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… đã rút ngắn đáng kể thời gian canh tác và tăng cao năng suất thu hoạch nhờ công nghệ, kỹ thuật ghép cây giống áp dụng từ vườn ươm kinh doanh đến vườn hộ sản xuất. Nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận sản xuất rau, hoa đầu tư quy trình ứng dụng công nghệ cao khá đồng bộ vào sản xuất với hơn 4.040 ha nhà kính, đầu tư trung bình khoảng 2 tỷ đồng/ha (trong đó có 50 ha nhà kính nhập khẩu giá trị đầu tư 20 tỷ đồng/ha), lắp đặt từ mái lợp xuống đến từng khung vách từ 3-5 lớp plastic có tác dụng chống tia cực tím, khuếch tán ánh sáng, hạn chế côn trùng xâm nhập. Đồng thời, với mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng/ha, vùng rau, hoa công nghệ cao Đà Lạt và vùng phụ cận đã xây dựng, thực hành sản xuất hiệu quả trên các diện tích gần 1.040 ha nhà lưới, gần 8.300 ha màng phủ nông nghiệp, 24.400 ha tưới tự động…Bước đầu đã sử dụng hàng loạt công nghệ canh tác hiện đại khác đang phát huy hiệu quả trên vùng rau, hoa Lâm Đồng như: sản xuất rau theo quy trình thủy canh (20 ha), trên giá thể xơ dừa (50 ha); ứng dụng cảm biến điều khiển tự động cường độ ánh sáng, độ ẩm, internet vạn vật (IoT)… với 24,4 ha. Ngoài ra, người sản xuất rau Lâm Đồng đã, đang mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ phân bón hữu cơ, chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học…với 960 ha rau đạt các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, Organic…
Qua kinh nghiệm xây dựng và nhân rộng các mô hình, đến nay Lâm Đồng đã quy hoạch 7 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 1.700 ha; 19 vùng trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao với gần 4.000 ha, khoảng 32.000 con bò sữa.
Hiện nay, giá trị sản xuất 19.000 ha rau đạt 450 triệu đồng/ha; khoảng 3.700 ha hoa, tăng 50% diện tích so với năm 2015 với sản lượng gần 3 tỷ cành, giá trị sản xuất 800 triệu đồng/ha; 160 ha cây đặc sản dâu tây, atiso, sản lượng gần 4.700 tấn; gần 6.400 ha chè, đạt gần 190 triệu đồng/ha; gần 19.900 ha cà phê giống mới, đạt trung bình 160 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, cấu vật nuôi chủ lực được tập trung chăm sóc theo quy mô công nghiệp với 20.020 con bò sữa, đạt 170 tấn sữa tươi/ngày và 50 ha diện tích mặt nước nuôi cá tầm, cá hồi, với tổng sản lượng gần 765 tấn/năm …
Trên nền tảng xuất phát mới ở các khu, vùng nêu trên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng với mục tiêu chung đến năm 2020 là: "Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại, phù hợp với lợi thế từng vùng, từng loại sản phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu". Theo đó, mục tiêu cụ thể mà Lâm Đồng đạt được đến năm 2020 gồm: 60.000 ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, giá trị bình quân 400 - 450 triệu đồng/ha; hình thành 50 mô hình du lịch canh nông; tổng đàn bò sữa đạt 36.000 con..., phấn đấu nâng giá trị nông nghiệp công nghệ cao đạt tỷ trọng 35-40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, Đà Lạt - Lâm Đồng cũng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm phát huy hiệu quả của nền nông nghiệp tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 120 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với sự tham gia của 75 doanh nghiệp, 35 hợp tác xã, 42 tổ hợp tác và 12.570 nông hộ. Trong đó, có 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm với diện tích sản xuất khoảng 17.237 ha, sản lượng tiêu thụ 415 nghìn tấn nông sản các loại…
Trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường du lịch trong và ngoài nước, đòi hỏi phải có những sản phẩm đặc thù tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn du khách. Sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đã đạt được những nền tảng nhất định, đó là cơ sở để đầu tư phát triển du lịch canh nông, nhằm tạo ra những sản phẩm đặc sắc bên cạnh những sản phẩm đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng như: tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm… và du lịch hội nghị, hội thảo. Đó cũng là hướng đi mới phát huy lợi thế nông nghiệp, du lịch của tỉnh, bảo đảm sự phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành, gắn với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành" để xây dựng những mô hình du lịch canh nông, nhận rộng trong thời gian tới.
Du lịch canh nông ở Lâm Đồng đã xuất hiện tự phát từ lâu. Bởi, trước nay du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở Đà Lạt - Lâm Đồng đã đến tham quan những vườn hoa, trang trại rau, củ, quả và mua tại vườn. Từ đầu năm 2018 đến nay, ở Lâm Đồng rộn ràng với du lịch canh nông, xây dựng, thẩm định mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, mở ra triển vọng đối với sản phẩm này.
Sau khi triển khai xây dựng 2 mô hình du lịch canh nông tại HTX sản xuất nông nghiệp Xuân Hương và mô hình nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát, Lâm Đồng đã ban hành bộ tiêu chí để công nhận "Tuyến du lịch canh nông" và "Điểm du lịch canh nông" trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đề ra những tiêu chuẩn bắt buộc và phải đạt để được công nhận mô hình du lịch canh nông đưa vào khai thác. Đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng có 23 mô hình du lịch canh nông đã được công nhận.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư du lịch canh nông còn một số khó khăn do thiếu đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách. Đa số tại các điểm hiện nay đều do chủ vườn thuyết minh, hướng dẫn, tuy kiến thức vững, nhưng về kỹ năng giới thiệu sản phẩm cho du khách còn yếu; một số mô hình thiếu dịch vụ bổ trợ thêm như khu vực trải nghiệm, mua sắm;… chưa liên kết các sản phẩm, dịch vụ thành quy trình khép kín phục vụ khách tham quan…
Thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục nhân rộng mô hình du lịch canh nông: hướng dẫn hồ sơ thẩm định và phổ biến bộ tiêu chí công nhận mô hình du lịch canh nông "Tuyến điểm" và "Một điểm dừng" đến các hộ dân, đơn vị tham gia kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn. Đặc biệt, tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và đề án xây dựng thành phố thông minh Đà Lạt để tiếp tục phát triển du lịch, trong đó trú trọng vào các sản phẩm du lịch canh nông. Cơ sở để thực hiện căn cứ vào Nghị quyết số 05/NQ-TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2025; đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ký Quyết định số 740/QĐ-UBND ban hành đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, theo đó kèm theo các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, trong đó có khởi nghiệp nông nghiệp thông minh nói riêng, với mức hỗ trợ cho mỗi dự án 50% cho tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sỡ hữu trí tuệ…; hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ mới; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư; hỗ trợ vay vốn từ một số quỹ… nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh. Với những chính sách sát thực tế và phát huy mọi nguồn lực, hy vọng tỉnh Lâm Đồng sẽ có nhiều trang trại/doanh nghiệp nông nghiệp thông minh 4.0 vào năm 2019 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, những năm gần đây, các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây, tạo sự lan tỏa với tốc độ nhanh làm thay đổi phương thức sản xuất, khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đa chức năng, cho doanh thu 5-8 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, Lâm Đồng có khoảng 17 doanh nghiệp/trang trại, trong khi cả nước có khoảng 30 trang trại/doanh nghiệp ứng dụng IoT.
Để nông nghiệp thông minh tiếp tục phát triển khai thác tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tiếp tục hợp tác với các trường đại học thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt đào tạo chuyên sâu khối ngành kỹ thuật về CNTT; công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến IoT, công nghệ xử lý môi trường đất, môi trường nước; công nghệ sinh học trong chọn tạo giống và canh tác; CNTT quản lý lịch nông vụ và truy xuất nguồn gốc; công nghệ nano, công nghệ thủy canh, khí canh; công nghệ canh tác hữu cơ, công nghệ sau thu hoạch; công nghệ robot…
Theo lộ trình, tỉnh sẽ triển khai hợp tác với Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp thông minh Bigdata Trace, triển khai giải pháp Bigdata Trace để quản trị sản xuất, kiểm soát dịch hại, thương mại thông minh và truy xuất nguồn gốc năm 2018; hợp tác với Viện Công nghệ Kyushu - Nhật Bản ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp năm 2019; triển khai đề án TP Đà Lạt là thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; triển khai đồng bộ đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 để khuyến khích thế hệ trẻ khởi nghiệp nông nghiệp thông minh.
Lâm Đồng có 21 đơn vị đã áp dụng công nghệ tem truy xuất nguồn gốc điện tử (mã QR code) cho nông sản chủ yếu trên các sản phẩm rau, chè, trái cây, dược liệu, giúp tăng khả năng minh bạch thông tin phục vụ người tiêu dùng, góp phần bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng... Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc là các siêu thị trong cả nước.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1365/QĐ- UBND phê duyệt Đề án "Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025" thông qua việc ứng dụng CNTT- viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến năm 2025, TP Đà Lạt cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại.
Du lịch thông minh là một thành phần của đô thị thông minh mà TP Đà Lạt đang đặt mục tiêu xây dựng, sử dụng CNTT và truyền thông để hình thành hệ sinh thái du lịch và tạo lợi ích tương hỗ giữa 3 đối tượng chính là du khách, chính quyền và doanh nghiệp. Nếu các giải pháp du lịch thông minh được triển khai đồng bộ sẽ phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, hỗ trợ du khách trong hành trình trải nghiệm du lịch rất hiệu quả. Từ đó, góp phần xây dựng du lịch chất lượng cao phục vụ du khách, đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ nhân dân và du khách. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.216 cơ sở lưu trú du lịch, với 18.424 phòng. Trong đó, có 358 khách sạn từ 1-5 sao với 9.406 phòng gồm 26 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 2.589 phòng. Riêng TP Đà Lạt có 967 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 15.183 phòng, trong đó có 300 khách sạn từ 1-5 sao với 8.254 phòng và 24 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với 2.420 phòng.
9 tháng năm 2108, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 4.304 ngàn lượt, tăng 8,6%; trong đó khách quốc tế 288.000 lượt, tăng 35%; khách nội địa 4.016 ngàn, tăng 7,1%... Để có được mức mức tăng trưởng về du lịch như mục tiêu đề ra, việc phát triển đô thị, nông nghiệp thông minh gắn với du lịch đã, đang là hướng đi đúng của Lâm Đồng./.
Báo Lâm Đồng