Trung tâm Thông tin kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương trân trọng giới thiệu sơ lược Tham luận của Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại Diễn đàm "Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới". Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN và PTNT và Phòng TM và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 08/9/2016 tại Hà Nội.
TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP VÙNG TÂY BẮC
VÀ VIỆC PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP
Lợi thế rất lớn trong phát triển nông lâm nghiệp
Vùng Tây Bắc, thuộc diện chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An; chiếm đến trên 33% diện tích tự nhiên của cả nước (109 nghìn km2). Nơi đây là căn cứ địa cách mạng, là địa bàn chung sống gắn bó lâu đời của hơn 30 dân tộc anh em; trong lịch sử cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay, vùng Tây Bắc luôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và quan hệ giao lưu quốc tế. Nơi đây có nhiều tiềm năng, lợi thế, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; giàu tài nguyên về khoáng sản, thủy điện; ưu thế trong phát triển rừng, trồng cây công nghiệp, cây dược liệu, các loại rau quả cận nhiệt đới và ôn đới; có thế mạnh về chăn nuôi gia súc; phát triển du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nông lâm nghiệp, vùng Tây Bắc có rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Tỷ trọng nông lâm nghiệp hiện chiếm 24,15% trong cơ cấu kinh tế của vùng; giá trị sản xuất năm 2015 đạt 83.176 tỷ đồng, tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. An ninh lương thực của vùng luôn được đảm bảo; năm 2015 tổng diện tích trồng cây lương thực có hạt đạt 985 nghìn ha, sản lượng ước đạt 4,1 triệu tấn, bình quân đầu người đạt 456 kg. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, đã từng bước chuyển dịch theo hướng mô hình trang trại, gia trại và chế biến công nghiệp; tổng đàn gia súc toàn vùng khoảng 7,6 triệu con, tăng bình quân 2,1%/năm (đàn trâu 1,34 triệu con, đàn bò 0,8 triệu con, đàn lợn 5,3 triệu con); đàn gia cầm 507 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 523 nghìn tấn. Nuôi trồng thuỷ sản có bước phát triển; diện tích ước đạt 37,5 ngàn ha, sản lượng ước đạt 70 nghìn tấn, tăng bình quân 12%/năm. Nhiều mô hình trang trại chăn nuôi và nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) đang được phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao (ở Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La); ngoài ra còn một số loài đặc sản như nhím, ba ba, ếch… cũng đang được phát triển và nhân rộng. Trong lâm nghiệp, đã bước đầu phát huy chức năng tổng hợp của rừng, chú trọng việc quy hoạch lại 3 loại rừng theo hướng tăng tỷ trọng rừng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích có rừng toàn vùng hiện có 6,0 triệu ha; tỷ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 51,8% (tăng 1,4% so với năm 2011); một số tỉnh có độ che phủ cao như: Bắc Kạn 70,8%, Tuyên Quang 64,7%, Yên Bái 60,0%); diện tích trồng rừng mới các loại hàng năm đạt trên 100 nghìn ha.
Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới và khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, chất lượng đời sống người dân dần nâng lên. Đến hết năm 2015, toàn vùng có 157/2.320 xã đạt 19 tiêu chí về nông thôn mới (chiếm 6,8%). Bình quân toàn vùng đạt 8,9 tiêu chí, tăng 5,2 tiêu chí so với năm 2011.
Tuy nhiên Tây Bắc là vùng còn nhiều khó khăn, thách thức
Với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như địa hình chia cắt phức tạp, thiên tai sạt lở, lũ lụt, mưa rét, hạn hán xảy ra liên tiếp. Tây Bắc vẫn là vùng miền nghèo nhất so với cả nước, vùng đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng yếu kém (nhất là về giao thông). Diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp ít, manh mún; nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương chưa xây dựng thương hiệu; việc ứng dụng khoa học công nghệ cao còn hạn chế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp theo quy trình Vietgap, nên các lợi thế của vùng chậm được phát huy, chưa khai thác tối đa được tiềm năng. Các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá nhìn chung quy mô còn nhỏ, phân tán. Các hình thức tổ chức, liên kết trong sản xuất chưa phát triển, mới ở bước manh nha. Đặc biệt rất thiếu doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nhất là trong công nghiệp chế biến, các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu tiêu thụ dưới dạng sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp.
Chăn nuôi trong vùng chủ yếu vẫn nhỏ lẻ; còn tập quán thả rông; chưa chủ động được thức ăn và con giống; chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh, nhưng phát triển chưa bền vững; trâu bò chết rét, chết dịch vẫn diễn ra hàng năm. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, cháy rừng vẫn diễn ra trên diện rộng; chất lượng rừng nhìn chung còn thấp, nhiều nơi nghèo kiệt; người làm rừng chưa thực sự được cải thiện đời sống bằng chính nghề rừng; chưa thu hút được các nguồn lực để phát triển rừng kinh tế. Thủy sản chưa được đầu tư khai thác tiềm năng mặt nước ở các hồ thủy điện lớn; chủ yếu vẫn sử dụng giống và nuôi theo phương pháp truyền thống. Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các tiêu chí (nhiều tiêu chí không phù hợp đối với vùng miền núi) và nguồn lực đầu tư, chưa tạo được phong trào sâu rộng; hiện nay toàn vùng vẫn còn 340 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 14,7% tổng số xã.
Kết quả bước đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tây Bắc
Trong thời gian qua, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế vùng Tây Bắc đạt một số kết quả tích cực, bước đầu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Dựa trên nền tảng tiềm năng, lợi thế của vùng, tiểu vùng, đã hình thành nhiều vùng liên kết sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn, tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: vùng mía đường 80 ngàn ha (Hòa Bình, Tuyên Quang, Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An); vùng cây ăn quả trên 80 nghìn ha (Sơn La, Tuyên Quang Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Kạn, Lạng Sơn), vùng chè 76 nghìn ha (Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang); vùng cà phê 15 nghìn ha (Sơn La, Điện Biên); cây cao su 63 nghìn ha (ở các tỉnh phía Tây); vùng rau, hoa, cây dược liệu ôn đới chất lượng cao (ở Sa Pa, Mộc Châu, Hà Giang); vùng rừng nguyên liệu giấy (Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái).
Việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch, đáp ứng nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho toàn vùng là yêu cầu bức thiết. Công tác quy hoạch tiếp tục được hoàn thiện để gắn nguyên liệu với chế biến, phát huy những lợi thế so sánh của vùng, tiểu vùng; đẩy mạnh các hình thức liên kết. Công tác khuyến nông, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm được chú trọng, nhất là việc định hướng đồng bào vùng cao chuyển sang sản xuất hàng hóa. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, chủ trang trại và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính.
Thực trạng doanh nghiệp nông nghiệp ở vùng Tây Bắc
Việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp (bao gồm lĩnh vực nông lâm nghiệp, thuỷ lợi và thuỷ sản) cả về số lượng cũng như quy mô hoạt động và tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở vùng nông thôn, miền núi Tây Bắc, góp phần vào thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo. Dân số trong vùng có gần 11 triệu người, với hơn 80% sống ở nông thôn và làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thì việc phát triển những doanh nghiệp nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng; doanh nghiệp thực sự là yếu tố then chốt dẫn dắt nền nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Trong vùng hiện nay có tổng số gần 22.000 doanh nghiệp; riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, số thành lập mới là 1.356 doanh nghiệp. Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động, có tác động tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong vùng, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là rất ít, ước chỉ khoảng 3-4% (cả nước có khoảng 10%); chủ yếu lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có vốn dưới 10 tỷ đồng); số lao động bình quân làm việc thường xuyên trong một doanh nghiệp nông nghiệp khoảng vài chục người, hoặc chủ yếu làm theo thời vụ.
Việc doanh nghiệp ít đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở vùng Tây Bắc là do tỷ lệ sinh lời của nông nghiệp ít, hay rủi ro vì thiên tai lũ lụt, hiệu suất hiệu quả ít, khả năng tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế; một thực tế khác, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn mới chỉ là chủ trương, trở thành hiện thực chưa nhiều. Cũng như cả nước, doanh nghiệp nông nghiệp vùng Tây Bắc đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn; vấn đề đất đai, tiếp cận vốn (thủ tục rườm rà, giá thuê đất cao). Ngoài ra, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp trong vùng còn ở mức nhỏ bé, rất khó khăn trong việc mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh và thị trường; chất lượng sản phẩm nông sản còn thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu, khối lượng sản phẩm sản xuất ra chưa nhiều, thậm chí còn manh mún; trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, tay nghề công nhân thấp nên khả năng cạnh tranh yếu.
Tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp nông nghiệp phát triển
Việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển chính là hỗ trợ cho nông dân, một số nhiệm vụ cần tập trung đó là:
+ Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo lập cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm phiền hà, giảm chi phí và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giảm thiểu chi phí trung gian, bất hợp lý dẫn đến giá thành sản phẩm cao, thiếu sức cạnh tranh; cải tiến một bước các chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thương mại, tín dụng, kiểm dịch, thị trường …
+ Tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước các tổ chức nghiên cứu, các nhà doanh nghiệp và hộ nông dân; giữa nghiên cứu, chuyển giao với ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sự gắn kết liên thông giữa nghiên cứu, đào tạo, sản xuất và kinh doanh.
+ Khuyến khích doanh nghiệp, chủ trang trại ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và mô hình quản lý cho các sản phẩm chủ lực, có lợi thế như cây trồng rừng kinh tế, cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, đặc sản lương thực, thuỷ sản, chăn nuôi gia súc ăn cỏ… Định kỳ tổng kết, đánh giá, tôn vinh những doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất kinh doanh, kinh doanh thành đạt và phổ biến kinh nghiệm cho nhân dân trên địa bàn.
+ Ngoài ra, cần hạn chế sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp để phát huy tính chủ động; phải đầu tư để hiện đại hóa nông nghiệp và xuất phát từ nhu cầu thị trường để hoạch định sản phẩm./.
PV